Nguyễn Trường Tộ viết: "Mấy chục năm nay tôi bôn ba trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến đổi xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện thì thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình". Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 (tức năm Minh Mạng thứ 9), trong một gia đình Công giáo, quê làng Bùi Chu (nay thuộc xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).
Ham học hỏi và lĩnh hội tri thức
Từ nhỏ ông đã được Giám mục Ngô Gia Hậu (Gauchier) dạy cho tiếng Pháp cùng với các môn khoa học thường thức của Tây phương. Ngoài ra, ông lại được cho đi du học ở nhiều nơi như Singapore, Malaisia, Pháp, La Mã... Trong những chuyến đi đó, ông đã tìm tòi và lĩnh hội được nhiều tri thức khoa học mới, trong lòng nung nấu đem những điều mình đã học hỏi được về phục vụ cho lợi ích nước nhà.
Tháng 6 năm 1864 (tức tháng 5 năm Tự Đức thứ 17), ông có bài viết bày tỏ mục đích về những lần xuất ngoại của mình: "Từ 15 năm nay, tôi đã biết rõ tất phải có mối lo như ngày hôm nay, nên tôi đã ra sức tìm tòi học hỏi trí khôn của mọi người để thêm sự hiểu biết cho mình".
Trong bản Trần tình (8/5/1863) ông lại viết: "Về việc học thì không môn nào không để ý tới, cái cao của thiên văn, cái sâu của địa lý, cái phiền toái của nhân sự, cho đến luật lịch, binh quyền, tạp giáo, dị nghệ, các môn cách trí, thuật số, không môn nào tôi không khảo cứu".
Ngày mùng 9 tháng 3 năm 1867 (tức ngày 16 tháng 2 năm Tự Đức thứ 21), ông lại viết tiếp: "Mấy chục năm nay tôi bôn ba trong thiên hạ, thu thập những tình thế biến đổi xưa nay, đem những điều đã học trong sách nghiệm ra việc đời. Đã trao đổi với ai một lời nói, một câu chuyện thì thâm tâm tôi cũng có ý muốn thu lấy sự hiểu biết của người làm của mình". Nhờ có lòng ham học hỏi và ý thức học tập một cách nghiêm túc nên Nguyễn Trường Tộ đã có một sự hiểu biết rất sâu rộng.
Những bản điều trần và khát vọng canh tân
Cũng vì mến mộ tâm lực của ông trong việc xây cất tu viện ở Sài Gòn nên trong Ký sự của dòng thánh Paul (Phao Lô) đã có những đoạn chép hết lòng ca ngợi: "Ông rất thông minh linh hoạt và vô vị lợi đến mức tuyệt đối, vì ông không nhận một đồng lương nào, chỉ ăn cơm không và tiêu vặt chút ít. Không có ông chúng tôi không bao giờ xây dựng được những tu viện, nguyệt đường...". Đó là chưa kể đến việc ông giúp tổng đốc Hoàng Kế Viêm (khi ông đã về Nghệ An) hoàn thành việc đào Kênh Sắt, xây dựng các cơ sở Nhà chung Xã Đoài (1868) và giúp dân làng Xuân Mỹ dời dân tránh khỏi vùng khí hậu khắc nghiệt.
Tháng 5 năm 1863 ông đã soạn xong ba văn bản để gửi lên Triều đình Huế: bản thứ nhất là Tế cấp luận, bản thứ hai là Giáo môn luận, bản thứ ba là Thiên hạ phân hợp đại thế luận. Trong ba bản đó, bản Tế cấp luận là văn bản quan trọng nhất. Nội dung của bản này đề cập đến việc canh tân và phát triển đất nước. Với Tế cấp luận ông đã khẳng định: "Tế cấp luận thâu tóm trí khôn của thiên hạ 500 năm nay... bài Tế cấp luận của tôi nếu đem ra thực hành hàng trăm năm cũng chưa hết".
Ở bản Giáo môn luận, ông dùng những lý lẽ của trời đất và các chứng cớ lịch sử để kêu gọi Triều đình phải có chính sách bao dung, nhân ái đối với những tín đồ Công giáo. Thế nhưng đứng trước tình thế bất lợi (Triều đình Huế đã kí hòa ước 5/6/1862 nhưng không muốn thi hành hay sửa đổi), Nguyễn Trường Tộ nhận thấy rằng chúng ta cần phải tạm thời hòa hoãn để củng cố mọi mặt đất nước, sau đó sẽ dốc lực đấu tranh, trong bối cảnh đó, ông đã viết Thiên hạ phân hợp đại thế luận.
Sau ba bản điều trần trên, Nguyễn Trường Tộ liên tục gửi nhiều bản khác lên Triều đình Huế (có 58 di thảo gửi cho Triều trình, liên tục trong vòng 10 năm). Những bản điều trần của ông là những đề nghị tâm huyết nhằm góp phần xây dựng đất nước, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng phong bế, lạc hậu và tạo nên sự thay đổi lớn lao bên trong, đánh đuổi giặc ngoại xâm. Nhìn vào nội dung các bản điều trần, chúng ta nhận thấy Nguyễn Trường Tộ đã đi trước, và vượt lên trình độ của các tầng lớp trí thức nho sỹ đương thời.
Song thật tiếc, những dòng tâm huyết ấy lại không được chấp nhận do hạn chế của thời đại. Trước hết, do đất nước đang ở trong tình thế nước sôi, lửa bỏng: bên ngoài giặc đánh Đà Nẵng, chiếm Gia Định, chiếm ba tỉnh miền Đông rồi ba tỉnh miền Tây, nội tình thì loạn lạc (loạn Đoàn Trưng khiến Tự Đức suýt mất ngôi).
Mặt khác, do cái nhìn hạn hẹp của các quan chức đầu triều lúc bấy giờ (kể từ thời Gia Long, bộ phận đầu não của Triều đình đều là những người già bảo thủ nên bất cứ việc gì vua hỏi cũng đều phân vân không dám quyết, hoặc quyết theo hướng đóng cửa, làm tăng thêm những mâu thuẩn, xung đột). Và kết cuộc sự đợi chờ của ông cũng chỉ là vô vọng. Không những thế, ông lại còn bị Triều đình nghi ngờ là có quan hệ với Pháp (vì ông là tín đồ Công giáo, lại có thời gian làm việc cho Tây soái ở Nam Kỳ).
Ngày mùng 8 tháng 5 năm 1863 ông đã viết bản Trần tình bộc lộ những suy nghĩ và khát vọng của mình về thế cuộc, giãi bày tấm lòng mình, một hai đều vì nước nhà, dù công danh, tiền bạc cũng không làm lay chuyển được tấm lòng của ông.
Trần tình có đoạn viết: "Sau đó, tướng Bonard sang, tôi thấy ông ta có những hành động ngược lại sự bàn hòa, tình thế đã khó lại khó thêm, tôi mới quyết ý xin thôi không làm nữa. Họ không chịu xét. Tôi nhất định từ, không nhận bổng lộc, ai cũng cười là ngu. Mặc dầu họ có sai người đến cố nài ép trao cho tôi, tôi cũng bỏ đi. Thấy lòng tôi quyết định, chí tôi vững, họ lại đem quan chức ra dụ tôi. Tôi nói: Nhận quan chức thì được bổng lộc, không nhận thì dù bần cùng đến phải làm đứa ăn xin chứ không chịu theo mà phụng sự cho họ".
Mặc dù không được Triều đình trọng dụng, nhưng lòng ông vẫn luôn hướng về, vẫn mong được phò vua, cứu dân. Tấm lòng ấy thể hiện rất rõ qua những bài thơ mà ông để lại: "Mặt trời cho dẫu không soi đến/Hướng dương xin vẫn nếp hoa quỳ" và ở hai câu thơ khác: "Ngụy Tào sống gửi Từ Nguyên Trực/Tần Lã không thờ Lỗ Trọng Tiên".
Nguyễn Trường Tộ cả một đời vì đất nước, vì nhân dân nhưng khao khát của ông không hề được toại nguyện. Ông ra đi giữa tuổi xanh tràn đầy nhiệt huyết (ông mất ở tuổi 43, trên quê hương mình tại Giáo xứ Xã Đoài). Thiết nghĩ rằng nếu ông chưa vội ra đi, nếu những bản điều trần đó được thực thi thì lịch sử Việt Nam sẽ có những bước ngoặt lớn: không lâm vào cảnh mất nước và đời sống nhân dân thời bấy giờ phải khốn khổ, tình hình phát triển đất nước không bị tụt hậu như đã có trong lịch sử.
Và để khi vĩnh biệt cõi đời này, ông đã không phải nuối tiếc mà than thở rằng: "Một lỡ bước đi, muôn thuở hận/Ngoảnh đầu nhìn lại đã trăm năm".