Nhiều năm trở lại đây không ít người trẻ có xu hướng bỏ về về làng để tìm cơ hội mới cho nghề nghiệp và góp phần xây dựng nông thôn mới. Có thể xem đây là vừa là một trào lưu vừa là tín hiệu cho thấy người trẻ đã có những nhận thức sâu sắc về cuộc sống.
Bỏ phố về làng chính là từ bỏ công việc, nhịp sống nhộn nhịp của thành phố để tìm về cuộc sống bình yên nơi làng quê. Có rất nhiều nguyên nhân khiến người trẻ đi đến quyết định này. Thứ nhất là do áp lực công việc quá lớn, chúng ta đều biết sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường khiến người trẻ phải luôn tìm tòi, đổi mới, học hỏi mới có thể khẳng định được vị trí của mình. Điều này vô tình khiến bạn trẻ luôn có những xu hướng từ bỏ công việc để tìm hướng đi mới. Nếu không phấn đấu sẽ không giữ vững được vị trí của mình, thậm chí có thể bị mất việc. Thứ hai là do một số người không tìm được công việc phù hợp ở thành phố. Thứ ba là do cuộc sống thành phố quá ngột ngạt, muốn tìm một nơi bình yên, được hoà mình với thiên nhiên trong lành ở chốn làng quê yên bình… Rất rất nhiều lý do khiến các bạn trẻ quyết định từ bỏ công việc mơ ước ở thành phố để về quê lập nghiệp.
Vậy xu hướng bỏ phố về làng tốt hay không tốt đối với cuộc sống của người trẻ cũng như với xã hội? Trước hết cần phải khẳng định bỏ phố về làng có những ảnh hưởng tích cực đối với xã hội và chính cuộc sống của những người trẻ tuổi. Đó là làm giảm áp lực về công việc, đất ở thành phố; giúp người trẻ có nhiều cơ hội sáng tạo, khởi nghiệp, xây dựng quê hương; thể hiện ý chí bản lĩnh của giới trẻ không ngại thay đổi để tìm được con đường đi đúng đắn nhất cho mình. Trên thực tế có rất nhiều những người trẻ tuổi từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn đô ở các tập đoàn lớn để về quê khởi nghiệp bằng những mô hình mới. Công việc mà họ chọn có thể hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực mà họ học như: trồng dược liệu, chăn nuôi hoặc kết hợp làm mô hình VAC, kinh doanh du lịch vườn, làm youtuber… và họ đều đạt được những thành công đáng kể trong cuộc sống.
Một số bạn trẻ khác mang tư duy tích cực “đi để trở về” hành trang theo đó là kiến thức, những kinh nghiệm tích lũy được mong muốn tạo ra những giá trị cao hơn cho chính quê hương mình. Khát khao để quê hương đổi mới giàu đẹp, tạo công ăn việc làm cho bà con nơi mình sinh sống. Những mô hình kinh tế như chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, dược liệu… của những bạn trẻ đã góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm người… Đó đều là những tín hiệu đáng mừng của xu hướng “bỏ phố về làng” của giới trẻ hiện đại.
Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn và thành công khi bỏ phố về làng. Nhất là một số bạn trẻ chạy theo xu hướng, trào lưu, a dua. Khi tìm mọi cách để bỏ việc, về quê nhưng chưa có định hướng nghề nghiệp gì cho tương lai, rồi sinh ra thất nghiệp, chán nản, lại tìm cách về thành phố, bắt đầu lại từ con số o. Những hiện tượng này không quá nhiều những vẫn có.
Vậy người trẻ nên nhận thức như thế nào trước xu hướng này? Bỏ phố về làng không phải thích thì bỏ, a dua, chạy theo đám đông để rồi không làm được việc gì. Bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Đó là câu chuyện của ý chí lập nghiệp, có sinh kế bền vững. Người trẻ trong thời đại mới sống độc lập, nhanh nhạy, thích nghi nhanh chóng với thời cuộc nên hãy có lập trường tư tưởng vững vàng, cũng không ngại thay đổi, dám nghĩ, dám làm. Khi đã quyết định những việc quan trọng liên quan đến nghề nghiệp của mình thì hãy dũng cảm để thực hiện chứ đừng viển vông giống như “đeo nhạc cho mèo” để rồi không đạt được kết quả như mong muốn.
Hướng tới cộng đồng xã hội chung quanh, bảo vệ môi trường sống, giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình… là những mục đích chính của những người trẻ tuổi ngày nay. Đó cũng là lý do người trẻ mạnh dạn thay đổi “bỏ phố về làng” để tìm hướng đi mới cho bản thân. Chúng ta tin rằng với năng lực, sức trẻ, sức khỏe tuổi trẻ chắc chắn sẽ thực hiện được những dự định của mình.