"Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong những sáng tác làm nên tên tuổi của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ, Phạm Tiến Duật thường viết về người lính với tâm hồn trẻ trung, tràn đầy lòng lạc quan yêu đời. Người lính trong "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một người như vậy. Chiến tranh ác liệt, người lính Trường Sơn phải đối diện với vô vàn khó khăn. Bom rơi, đạn nổ khiến những chiếc xe không còn kính từ đó người lính phải đối diện với gió - "gió vào xoa mắt đắng", đối diện với bụi - "bụi phun tóc trắng như người già"; đối diện với mưa - "mưa tuôn mưa xối như ngoài trời". Thế nhưng dù là khó khăn nào người lính vẫn luôn lạc quan. Trước khó khăn, họ cất tiếng cười trẻ trung sôi nổi. Câu thơ "không có kính, ừ thì có bụi" vừa khẳng định đặc điểm của những chiếc xe vừa thừa nhận những khó khăn do đặc điểm đó mang lại bằng một ngôn từ trẻ trung, hóm hỉnh, đậm chất lính. Bụi đường khiến mái tóc, khuôn mặt người lính trở nên lấm lem. Bụi biến những chàng trai trẻ thành "người già". So sánh "bụi phun tóc trắng như người già" vừa diễn tả được ngoại hình của người lính vừa thể hiện góc nhìn ngộ nghĩnh của họ. Lấm láp bụi đường những người đồng đội thấy nhau trong một diện mạo khác từ đó tiếng cười bật lên một cách bất ngờ mà ở đâu có tiếng cười thì ở đó có lòng lạc quan. Bên cạnh tiếng cười, lòng lạc quan còn thể hiện ở niềm tin vào tương lai. Không còn kính, chiếc cabin không thể ngăn được cơn mưa rừng làm ướt người lính "không có kính, ừ thì ướt áo". Một lần nữa, người lính nói về đặc điểm của chiếc xe và thừa nhận khó khăn bằng một giọng ngang tàng. Dẫu ướt áo nhưng "chưa cần thay" bởi khi mưa ngừng gió lùa sẽ khô thôi. Niềm tin của người lính vào việc gió lùa khô áo vừa cho thấy sự ngang tàng thách thức thiên nhiên, vừa cho thấy niềm lạc quan ở họ. Xuyên suốt hai khổ thơ 3 và 4 hình tượng người lính lái xe hiện lên với vẻ ngang tàng, lạc quan. Điệp ngữ "không có kính, ừ thì" kết hợp với điệp cấu trúc "không có kính, ừ thì..." tạo nên giọng thơ trẻ trung, hồn nhiên. "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong số những bài thơ tiêu biểu viết về người lính. Qua trang thơ Phạm Tiến Duật, người đọc chắc chắn không thể quên những những người lính ngang tàng mà lạc quan từ đó trân trọng hơn những người cầm súng đã đi qua chiến tranh, hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước