“Thanh Hải là nhà thơ cách mạng. “Cái tôi” của nhà thơ cách mạng có đặc điểm nổi bật là thường gắn liền, hài hòa với “cái ta” của cộng đồng, gắn với nhân dân, đất nước.” Nói đến thơ Thanh Hải là ta nói đến thơ đa giọng điệu. Thơ ông vừa có nốt trầm xao xuyến, lại vừa là hiệu triệu của Tổ quốc. Và đối với độc giả “Mùa xuân nho nhỏ” của ông là bài thơ tiêu biểu cho điều ấy. Đây là một tác phẩm thơ độc đáo của Thanh Hải, miêu tả về mùa xuân đất nước với những hình ảnh đẹp như chiến sĩ bảo vệ quê hương và người lao động cần cù, chăm chỉ dựng xây đất nước. Những hình ảnh này trở thành biểu tượng cho hai nhiệm vụ quan trọng của Tổ quốc là lao động và chiến đấu. Thanh Hải cũng miêu tả sự vất vả, gian lao của nhân dân trong hành trình 4000 năm của đất nước, đồng thời là sự chờ đợi và niềm tin vào tương lai tươi sáng hơn. Dường như khát khao cống hiến cho đời cứ cuộn trào, chảy trôi trong huyết quản thi sĩ. Lẽ sống cao đẹp đó đã được thể hiện qua bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" - thi phẩm ra đời khi ông đang nằm trên giường bệnh, đối diện với lưỡi hái tử thần.