Với lời thơ mộc mạc, gần gũi, "Mẹ và quả" của Nguyễn Khoa Điềm đã để lại cho em những rung cảm và niềm xúc động sâu sắc. Bài thơ là lời giãi bày chân thành, dạt dào cảm xúc của người con dành cho mẹ. Hình ảnh mẹ hiện lên thật chân thực, rõ nét. Trong trái tim con, mẹ là người phụ nữ tảo tần, giàu đức hi sinh. Mẹ luôn vun vén bồi đắp cho những cây quả lớn lên. Quanh năm suốt tháng, mồ hôi mẹ cứ vậy mà nhỏ xuống để những mùa quả "lặn" rồi lại "mọc". Chính điều đó đã khiến cho người con thêm trân trọng, nâng niu, biết ơn sự hi sinh thầm lặng của mẹ. Ở hai câu thơ "Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống", tác giả đã sử dụng biện pháp đối lập, tương phản. Câu thơ vừa mang nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa biểu trưng sâu sắc. Cả con và bầu, bí đều lớn lên từ đôi bàn tay cần mẫn và tình yêu thương của mẹ. Người con muốn bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc dành cho mẹ, người đã vì con mà vất vả, nhọc nhằn. Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình "hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi". Tác giả lấy hình ảnh "bàn tay mẹ mỏi" để chỉ người mẹ đã già yếu, đến cái tuổi "gần đất xa trời". Hai dòng thơ cuối: "Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi/ Mình vẫn còn một thứ quả non xanh" đã diễn tả được tâm trạng lo lắng, trăn trở, pha chút ân hận của nhân vật trữ tình. Chủ thể trữ tình lo rằng mẹ già rồi mà mình vẫn còn vụng dại, chưa kịp khôn lớn, trưởng thành. Để thể hiện một cách sâu sắc nội dung, tác giả đã sử dụng hàng loạt các biện pháp tu từ độc đáo như ẩn dụ, so sánh, hoán dụ, nói giảm nói tránh và hình ảnh gần gũi, giản dị. Qua tác phẩm, em càng thêm trân trọng những phút giây được ở bên mẹ của mình.