Rùa và thỏ là một câu chuyện ngụ ngôn rất quen thuộc với các bạn nhỏ. Chuyện đã gửi gắm rất nhiều bài học ý nghĩa về cuộc sống thông qua việc xây dựng hai nhân vật. Thỏ nhanh nhẹn tuy nhiên kiêu căng, ngạo mạn nên kết cục đã phải nhận một bài học thích đáng.
Phân tích nhân vật Thỏ trong truyện Rùa và Thỏ
Câu chuyện kể rằng ở một khu rừng nọ có một con thỏ chạy rất nhanh. Vì chạy nhanh không ai địch được mình nên thành ra thỏ trở nên hợm hĩnh và coi thường tất cả mọi người. Gặp loài vật nào nó cũng chế nhạo và khoe khoang khả năng của mình. Muôn loài vật trong rừng đều cảm thấy “chướng tai gai mắt” với hành động của thỏ. Rùa ta vốn chậm chạp nhưng muốn dạy cho thỏ một bài học, rùa thách thi chạy với thỏ. Thỏ gật đầu đồng ý, và cuộc chạy thi đã diễn ra trước sự reo hò cổ vũ của thế giới muôn loài.
Vì nghĩ rằng rùa chậm chạp, không phải đối thủ của mình nên thỏ chủ quan, vừa chạy thi vừa nhởn nhơ đuổi bướm, hái hoa, ngủ trên đường. Còn rùa thì chậm chạp, kiên nhẫn đi từng bước, từng bước để đến đích. Nhưng trớ trêu thay khi tỉnh dậy thỏ giật mình hoảng hốt khi rùa đã bỏ xa mình và sắp đến vạch đích. Lúc này thỏ mới ba chân bốn cẳng chạy đuổi theo rùa nhưng tất cả đã muộn, rùa đã chiến thắng bằng sự nhẫn nại và kiên trì của mình.
Cốt truyện ngụ ngôn tương đối ngắn gọn, không có quá nhiều tình tiết kịch tính nhưng vẫn xây dựng thành công nhân vật rùa và thỏ. Thỏ vốn được mệnh danh là nhanh nhẹn mỗi bước nhảy có thể xa hàng m, chấp được tất cả muôn loài. Vì nhanh nhẹn nên thỏ sinh ra bản tính kiêu ngạo, coi thường tất cả mọi người. Nó đâu có biết rằng tài năng và sự hơn người của mình thì chỉ nên giữ cho mình và khiêm tốn với đồng loại. Thỏ kiêu căng và thách thức tất cả xung quanh khiến cho muôn loài đều ghét bỏ.
Để dạy cho thỏ một bài học nhớ đời, rùa đã rủ chạy thi. Với bản tính kiêu căng lại phải thi với kẻ chạy chậm như rùa, ắt thỏ sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan. Ngay từ đầu khi nghe lời đề nghị của rùa , thỏ đã cười lớn và chế nhạo rùa. Điều này vô tình càng kích thích khả năng và ý chí quyết tâm chiến thắng của rùa. Cuộc chạy thi diễn ra, vì quá tự tin vào sức mạnh bản thân nên thỏ chủ quan trên đường đua. Suốt cả đường đua nó không tập trung vào nhiệm vụ mà làm đủ thứ việc: nào đuổi bướm, hái hoa, nào ngủ luôn một giấc và nghĩ “chờ rùa gần đến đích ta chạy một cái là bắt kịp”... tâm lý chủ quan, coi thường đối thủ này đã khiến thỏ phạm phải sai lầm, mắc bẫy của rùa. Và rồi đúng như dự đoán khi rùa chỉ cách đích vài bước chân thỏ mới choàng tỉnh dậy và hốt hoảng đuổi theo thì đã muộn. Rùa đã chiến thắng ngoạn mục trong sự reo hò của muôn loài.
Thỏ nhanh nhẹn hơn người đó là điều không ai phủ nhận. Trong cuộc chạy thi với rùa nếu thi đấu công bằng chắc chắn thỏ sẽ là người chiến thắng. Nhưng chỉ vì cái tính ham chơi, coi thường người khác nên thỏ đã phạm phải sai lầm, bị rùa qua mặt. Chiến thắng của rùa đã dạy cho thỏ bài học nhớ đời: ở đời không nên quá kiêu căng, tự phụ, đừng lấy sức mạnh của bản thân để đi khoe khoang, chà đạp lên người khác. Núi cao còn có núi cao hơn,vì vậy hãy sống khiêm tốn, hài hoà với mọi người xung quanh bạn sẽ được mọi người yêu mến.
Xây dựng nhân vật thỏ tác giả dân gian đã sử dụng triệt để thủ pháp nhân hoá, nhân vật có những suy nghĩ, hành động giống con người. Mang bản chất của một kiểu người trong xã hội: kiêu căng, tự phụ, ngạo mạn và ngu dốt. Nhân vật thỏ hiện lên sinh động và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng người đọc.
Đó là lý do vì sao chuyện ngụ ngôn Rùa và thỏ được bao thế hệ bạn đọc yêu thích, tìm đọc. Qua nhân vật thỏ mỗi chúng ta soi vào để rút cho mình những bài học cần thiết cho bản thân nhé.