Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tố Hữu là một trong những lá cờ đầu của thơ ca cách mạng nước ta. Thơ Tố Hữu là sự hòa quyện của cảm xúc và lí tưởng của trữ tình và chính trị. Viết về những vấn đề lớn lao với những cảm xúc dạt dào chân thực, mỗi vần thơ của ông đã làm rung động trái tim và thức tỉnh lí trí của bao người. Một trong những bài thơ thể hiện sâu sắc phong cách thơ Tố Hữu có lẽ phải kể đến “Từ ấy”. Thi phẩm đã ghi lại tâm trạng của chàng thanh niên khi bắt gặp lí tưởng cộng sản để rồi được hồi sinh cả con người và hồn thơ. Phải chăng vì thế mà tác phẩm này gợi ra cho chúng ta nhiều suy nghĩ về vấn đề lí tưởng, lẽ sống trách nhiệm của thanh niên với đất nước dân tộc?
“Từ ấy” được viết vào khoảng tháng 7/1938 khi Tố Hữu vừa tròn 18 tuổi và vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhan đề bài thơ đã được chọn thành tên chung cho toàn tập thơ đầu tay của Tố Hữu. Chỉ riêng điều đó thôi đã đủ nói nên ý nghĩa đặc biệt của bài thơ đối với đời cách mạng và đời thơ của ông. Mở đầu bài thơ là lời tự sự giản dị, tự nhiên:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Thoảng nghe tưởng như “từ ấy” là một mốc thời gian rất mơ hồ, không cụ thể. Nhưng đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ ta mới hiểu hết được ý nghĩa của phút giây đó. “Từ ấy” là giây phút thiêng liêng nhất trong cuộc đời của nhà thơ, là dấu mốc quan trọng giữa hai chặng đường đời của Tố Hữu. Trước khi được giác ngộ lí tưởng cộng sản, Tố Hữu cũng như nhiều thanh nhiên khác thời bấy giờ sống trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đói khổ điêu linh. Bản thân họ có thể là những thanh nhiên nhiệt huyết nhưng lại rơi vào bế tắc, không phương hướng. Trong “Nhớ đồng”, Tố Hữu từng kể lại:
Đâu những ngày xưa tôi nhớ tôi
Bâng khuâng đi kiếm lẽ yêu đời
Vẩn vơ theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát than ôi bước chẳng rời
Ở một bài thơ khác ông bộc bạch:
Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước
Chọn một dòng hay để nước trôi
Nếu đọc Thơ Mới ta hẳn sẽ nhận ra cảm giác cô đơn, lạc lõng, bế tắc trước thực tại này không phải là xa lạ, cá biệt. Nhiều nhà thơ Mới tìm cách thoát ly nhưng rồi lại rơi vào vòng quanh quẩn của bế tắc, tuyệt vọng, cô đơn, buồn não. Đặt trong bối cảnh như vậy ta mới hiểu được tại sao Tố Hữu lại say mê sung sướng đến thế khi đón nhận lí tưởng. Một chân trời mới như được mở ra, phía trước là ánh sáng mặt trời bừng chiếu cuộc đời của nhà thơ thay đổi, hồn thơ cũng được tái sinh. Cho đến tận sau này khi nhớ lại Tố Hữu vẫn không giấu nổi niềm vui sướng ngất ngây ấy:
Rồi một hôm nào tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời…
Như vậy “từ ấy” quả đúng là phút giây diệu kỳ và thiêng liêng. Nó như mối duyên đầu của người thanh niên với cách mạng. Tuổi trẻ vốn giàu ước mơ nhiệt huyết nay được chỉ đường dẫn lối càng thêm phơi phới, lạc quan hướng về phía trước.
Hai câu thơ còn diễn tả sức tác động to lớn diệu kì của lý tưởng tới nhận thức của nhà thơ thông qua hệ thống hình ảnh từ ngữ giàu giá trị biểu cảm. Các động từ mạnh như “bừng”, “chiếu’, “chói” đã nhấn mạnh sự đổi thay, sức tác động của “mặt trời chân lí” đối với hồn thơ Tố Hữu. Ánh nắng ở đây là “nắng hạ” thứ nắng rực rỡ, nhiều nhiệt lượng, giàu sức tỏa sáng và soi chiếu nhất. Đặc biệt là hình ảnh ẩn dụ kết hợp với ngữ nghĩa “mặt trời chân lí” đã thể hiện sâu sắc những cảm xúc của nhà thơ. Tố Hữu ví lí tưởng cộng sản với mặt trời, đây là một hình ảnh so sánh giàu ý nghĩa và vô cùng hợp lý. Mặt trời mang sự sống đến cho muôn loài cũng như lí tưởng đã làm hồi sinh cuộc đời và hồn thơ Tố Hữu. Ẩn sau đó còn là biết bao thành kính, biết ơn của nhà thơ đối với cách mạng, với Đảng.
Và rồi từ sự hồi sinh đó, tâm hồn nhà thơ bừng nở dạt dào sức sống:
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Nếu so sánh lý tưởng với mặt trời thì còn gì hợp hơn so sánh tâm hồn với khu vườn rực rỡ sắc hương. Khu vườn ấy xanh tươi, căng tràn sức sống có hương thơm và những tiếng chim rộn ràng. Tiếng rộn ràng đó phải chăng cũng chính là tiếng reo vui của tâm hồn Tố Hữu trước thời khắc thiêng liêng của cuộc đời mình? Tâm hồn chàng thanh niên như được hồi sinh, rộng mở, cất cánh. Từ đó mà hồn thơ, nguồn cảm xúc cũng ùa về, không còn những câu thơ bế tắc, những nỗi sầu cô đơn. Từ đây tâm hồn ấy, hồn thơ ấy đã tìm được lối đi, nguồn sống cho mình. Như vậy khổ thơ thứ nhất là niềm vui sướng sau mê là tiếng reo vui ngập tràn của Tố Hữu trong giây phút thiêng liêng của cuộc đời khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng cộng sản. Từ đây, chúng ta có một chiến sĩ cách mạng sẵn sàng hi sinh vì lí tưởng vì dân tộc, một nhà thơ như người thư kí trung thành của thời đại của nhân dân.
Dưới ánh sáng của cách mạng của lí tưởng đó những nhận thức mới mẻ về lẽ sống cũng đến với Tố Hữu:
Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ khác
Gần gũi nhau hơn mảnh khối đời
Tố Hữu tự “buộc” đời mình, hồn mình với mọi người. Đó là sự tự nguyện cao nhất của một cá nhân nhỏ bé trước cuộc đời rộng lớn. Nhà thơ dùng từ “lòng tôi”, “hồn tôi” như để nhấn mạnh vào sự gắn bó hòa quyện ở mức cao nhất – trạng thái gắn bó về tinh thần, lý tưởng của mình với tập thể. Có lẽ khi giác ngộ lý tưởng Tố Hữu đã nhìn lại được chỗ đứng của mình. Ông đi về phía những người dân lao động cần lao, ông nguyện “trang trải” trái tim nhiệt huyết của mình “khắp trăm nơi”. Đó là sự sẻ chia rộng mở để tâm hồn tìm đến sự đồng điệu, gắn bó chân thành sâu sắc. Tình yêu thương của Tố Hữu không chung chung xa lạ. Nó là tình cảm hữu ái giai cấp gần gũi cụ thể. Tố Hữu tìm đến những hồn khổ để tạo thành một khối đời, một khối đoàn kết mạnh mẽ. Cái TÔI đã chan hòa trong cái TA, tìm thấy chỗ đứng và giá trị của mình trong cái ta, mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể được giải quyết khiến con người sống ý nghĩa và tích cực hơn. So sánh với những nhà thơ mới cùng giai cấp trí thức tiểu tư sản đương thời ta mới thấy được sự tiến bộ tự vượt lên chính mình của Tố Hữu. Trong bài tiểu luận “Một thời đại trong thi ca”, Hoài Thanh từng chỉ ra bi kịch của cái tôi muốn thoát li mà lại bế tắc của những nhà thơ Mới. Vậy thì ở đây, Tố Hữu đã dẫn bạn đọc đến một lẽ sống mới, tới sự gắn bó hòa quyện của cái tôi và cái ta. Đó không chỉ là phương hướng chỉ đường cho cuộc đời ông mà còn là phương hướng cho thơ ông.
Từ sự chuyển biến về nhận thức nhà thơ có sự chuyển biến lớn về mặt tình cảm:
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm cù bất cù bơ.
Điệp từ “đã là”, “là” như một sự khẳng định chắc nịch về quyết tâm sống gắn bó, vì nhân dân Tổ quốc của Tố Hữu. Đặc biệt nhà thơ sử dụng các đại từ “con”, “em”, “anh” vốn là những đại từ chỉ mối quan hệ gần gũi trong gia đình. Nó như một lần nữa thể hiện quan điểm sống nhân sinh quan mới mẻ của nhà thơ. Tố Hữu tự coi mình là một thành viên của đại gia đình quần chúng nhân dân cần lao ngoài kia. Số từ ước lệ “vạn” đi cùng với “kiếp phôi pha”, “cù bất cù bơ” càng khẳng định hơn đối tượng mà nhà thơ muốn hướng tới. Nếu những nhà thơ Mới khác vẫn đang “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì Tố Hữu đã biết cuộc đời mình dùng làm gì, phục vụ ai, thơ mình phải hướng về đâu của cuộc sống này. Nhà thơ đã chọn nhân dân và cụ thể hơn là những người cần lao đau khổ nhất để đứng về phía họ, cùng chiến tuyến với họ. Từ đây trong Tố Hữu ta bắt gặp lại những con người nhỏ bé ấy là một em bé liên lạc, một người kĩ nữ trên sông Hương, một người bán hàng rong giữa đêm phố… Tất cả đã trở thành những người thân thiết nhất của nhà thơ mà ông nguyện đem cuộc đời và ngòi bút của mình để chiến đấu cho hạnh phúc của họ. Phải chăng vì vậy mà thơ của Tố Hữu cũng được nhân dân đón nhận nồng nhiệt yêu thương?
Từ khi đón nhận lí tưởng Tố hữu đã hiểu rằng:
Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu
Dấn thân vô là phải chịu tù đày
Là gươm kề cổ súng kề tai
Là thân sống chỉ coi còn một nửa
Nhưng khi lí tưởng đã soi đường, con tim đã hồi sinh nhà thơ trẻ ấy chẳng ngại gì sương gió cuộc đời, sống chết bom đạn. Ông biết chỗ đứng của mình, của thơ mình để đi đúng hướng, tìm đúng đường để sống một cuộc đời ý nghĩa. “Từ ấy” mãi mãi là mốc son chói lọi đối với cuộc đời Tố Hữu bởi từ đây ông không còn là một trí thức tiểu tư sản vơ vẩn cùng mây gió nữa mà đã trở thành một nhà thơ chiến sĩ, một người bạn, người đồng chí của nhân dân cần lao. Từ đây một Tố Hữu mới được ra đời dưới ánh sáng chói chang của mặt trời lý tưởng. Tình yêu, sự say mê của tuổi 17 – 18 khi bắt gặp ánh sáng của đời mình đó mãi mãi làm rung động trái tim những người yêu thơ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |