1. MB: An-đéc-xen là nhà văn xuất sắc của mảnh đất Đan Mạch, đặc biệt là những câu chuyện cổ tích được bạn đọc khắp nơi trên thế giới yêu mến. Những sáng tác của ông giàu tính nhân văn, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, trở thành chuyện của mọi người, mọi thời đại. Trong số những tác phẩm của ông, một trong những câu chuyện tiêu biểu nhất không thể không nhắc đến đó là truyện ngắn "Người mẹ và Thần Chết". Câu chuyện này là một truyện cổ độc đáo và thú vị của An-đéc-xen. Truyện là bài ca bất diệt về tình mẫu tử thiêng liêng khiến người đọc vô cùng cảm động.
2. TB:
Truyện "Người mẹ và Thần Chết" không bắt đầu bằng lối kể chuyện quen thuộc của truyện cổ tích mà đưa ngay người đọc vào tình huống bất ngờ: một người mẹ vừa bị mất con. Bà mẹ thức mấy đêm ròng trông đứa con ốm. Mệt quá, bà thiếp đi. Tỉnh dậy, thấy mất con, bà hớt hải gọi tìm. Thần Đêm Tối nói cho bà biết: con bà đã bị Thần Chết bắt. Bà cầu xin Thần Đêm Tối chỉ đường cho bà đuổi theo Thần Chết. Bà chấp nhận tất cả các thử thách để đến được chỗ Thần Chết và đòi trả lại con cho mình.
Nhan đề của truyện rất ấn tượng khi tác giả đặt người mẹ ngang hàng với một vị thần có sức mạnh hủy diệt, mang đến chết chóc, đau thương cho con người. Qua đó, gợi sự tò mò nơi người đọc để khám phá hình ảnh người mẹ, từ đó cảm nhận được chủ đề của tác phẩm
Truyện ngắn "Người mẹ và Thần Chết" là một câu chuyện cảm động viết về tấm lòng người mẹ, người mẹ có thể làm tất cả, hi sinh tất cả vì con. Một câu chuyện buồn có đau ốm, bệnh tật, có đau thương, chết chóc, có rớm máu, hi sinh,... có tất cả nỗi đau về cả thể xác và tâm hồn. Song trên cả nỗi đau, điều đọng lại trong tâm trí của độc giả là tình mẫu tử thiêng liêng.
Trước hết, ta có thể thấy được rằng, nhân vật người mẹ trong truyện là một người rất yêu con, hi sinh tất cả để bảo vệ con. Ngay từ đầu truyện, tác giả đưa nhân vật vào một tình huống bất ngờ: một người mẹ bị mất con. Bà mẹ thức mấy đêm ròng trông đứa con ốm. Mệt quá, bà thiếp đi. Tỉnh dậy, thấy mất con, bà hớt hải gọi tìm. Ấn tượng ban đầu của người đọc là hình ảnh một bà mẹ thật đáng thương: con ốm, bà đã vất vả chăm con đến kiệt sức mà thiếp đi lúc nào không hay. Khi tỉnh dậy, con bà đã không còn. Chẳng có gì đau khổ hơn với một người mẹ khi con bà không còn trên cõi đời này.
Thần Đêm Tối xuất hiện chỉ đường cho bà mẹ. Có điều, ở đây, bà mẹ đã khẩn khoản cầu xin thần chỉ đường tìm con, không phải thần xuất hiện và hóa phép cho con bà sống lại. Nhà văn An-đéc-xen đưa ta vào thế giới cổ tích và sáng tạo câu chuyện theo cách của riêng mình. Đây là sự kiên đầu tiên chuẩn bị để bà mẹ bước vào những thử thách lớn lao ở phía trước trên hành trình đi tìm con. Thần Đêm Tối đã đóng giả một bà cụ mặc áo choàng đen. Thần Đêm Tối nói cho bà biết, Thần Chết " chạy nhanh hơn gió và chẳng bao giờ trả lại những người đã cướp đi đâu". Đó là sự thật, không thể thay đổi, người chết không thể sống lại. Nhưng bà mẹ vẫn quyết tâm đuổi kịp Thần Chết. Vì để bụi gai chỉ đường cho mình, không chút băn khoăn, bà mẹ chấp nhận yêu cầu của bụi gai. Bà "ôm ghì bụi gai vào lòng để sưởi ấm nó", làm nó "đâm chồi, nảy lộc và nở hoa ngay giữa mùa đông buốt giá". Bụi gai nở hoa giữa mùa đông lạnh bởi được tưới đẫm bằng những giọt máu của bà. Đó là giọt máu của người mẹ sẵn sàng nhỏ xuống để tiếp tục hành trình dành lại con. Bà chấp nhận để gai đâm vào da thịt, máu nhỏ xuống từng giọt đậm để có thể tìm thấy con mình. Sự đau đớn về thể xác không hề làm bà nao núng. Thương và khâm phục biết bao tấm lòng của một người mẹ vĩ đại.
Thử thách với bà đâu chỉ có thế, để hồ nước chỉ đường cho mình đến nơi ở của Thần Chết, bà làm theo lời của hồ nước, bà khóc đến nỗi đôi mắt theo dòng lệ rơi xuống hồ, hóa thành hai hòn ngọc. Đôi mắt thành hai hòn ngọc ấy đã dẫn bà đến nơi ở của Thần Chết để đòi lại con. Thử thách này thật khủng khiếp với bà, bởi vì nó đã cướp đi của bà đôi mắt, vĩnh viễn bà không bao giờ nhìn thấy thế giới này. Nhưng bà không chút do dự, sẵn sàng trao đi thứ quý giá để đến chỗ con mình, hi vọng có thể đòi lại con. Người đọc trào dâng cảm xúc xót thương nhưng cũng ngưỡng mộ sự hi sinh cao đẹp của người mẹ. Hình ảnh người mẹ khiến ta khâm phục và xúc động vô cùng. Người mẹ có thể làm tất cả, thậm chí đánh đổi sinh mạng để cứu con. Nếu như ở đầu tác phẩm, người mẹ cầu xin Thần Đêm Tối chỉ đường đến nơi của Thần Chết luôn thì kết thúc truyện, người mẹ không khẩn cầu mà dứt khoát yêu cầu Thần Chết trả lại con cho mình. Khi đã vượt qua những thử thách ghê gớm, bà không hề có cảm giác đau đớn dẫu cho khắp người bị thương vì gai đâm, đôi mắt không còn,... Bởi còn gì đau đớn hơn nỗi đau mất con? Ngay cả Thần Chết lạnh lẽo cũng không làm bà mảy may run sợ. Tình yêu con là động lực thôi thúc bà hành động. Cuộc sống của bà chỉ có ý nghĩa khi bà tìm thấy con, đòi được con.
Câu chuyện chỉ dừng ở đó. Liệu Thần Chết có trả con cho bà không bởi vì như lời của Thần Đêm Tối thì câu trả lời sẽ là không? Còn bà mẹ, khi bà đã bước vào nơi ở của Thần Chết nghĩa là bà cũng không còn trên cõi trần nữa. Lòng yêu thương vô bờ bến của người mẹ dành cho con làm ta xúc động. Câu chuyện buồn đến vô cùng nhưng cũng khiến ta thêm trân trọng tình mẫu tử cao cả vào thiêng liêng.
Câu chuyện "Người mẹ và Thần Chết" đã có cách mở đầu hấp dẫn bằng cách tạo ra tình huống bất ngờ, độc đáo. Ngôn ngữ kể chuyện vô cùng giản dị nhưng giàu cảm xúc. Yếu tố hoang đường rất hấp dẫn. Kết thúc của tác phẩm gây ám ảnh cho người đọc với hình ảnh của người mẹ.
3. KB:
Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học. Thế nên, An-đéc-xen đã từng nói: " Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra". Đúng vậy, nhà văn An-đéc-xen với những trải nghiệm của chính mình đã phát ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tớ, tìm ra cái đẹp kín đáo bị che lấp để người đọc có thể ngắm nhìn vào thưởng thức thông qua tác phẩm của mình. Và truyện ngắn "Người mẹ và Thần Chết" chính là câu chuyện đẹp về tình mẫu tử thiêng liêng và cao quý nhất. Tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc, rồi vượt lên trên mọi giới hạn của không gian và thời gian để mãi trường tồn và bất diệt.