Trong ca dao, người nông dân xưa thường mượn hình ảnh con cò để chỉ thân phận, cuộc đời của mình vì những lý do sau :
1/- CON CÒ : Là con vật GẮN LIỀN VỚI RUỘNG ĐỒNG, LÀNG QUÊ VIỆT NAM cũng như con trâu gắn liền với cuộc sống của người nông dân vậy. Con cò tạo nên vẻ đẹp đặc trưng cho cuộc sống làng quê êm ả thanh bình, và vì thế, "con cò' đã đi vào ca dao Việt Nam một cách thật nên thơ, duyên dáng :
Con cò bay lả, bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng
2/- CON CÒ : MANG BÓNG DÁNG, HÌNH ẢNH, THÂN PHẬN VÀ CUỘC ĐỜI CỦA NGƯỜI NÔNG DÂN VIỆT NAM, ĐẶC BIỆT LÀ NGƯỜI PHỤ NỮ: Hình ảnh con cò lầm lụi kiếm ăn trên đồng vắng, nơi đầu ghềnh cuối bãi, ven sông ...gợi một niềm xót xa thương cảm về một thân phận nhỏ nhoi, đơn côi, nghèo khổ, đầy vất vả, lo toan, tần tảo... của người người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến :
Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
3/- CON CÒ : Với bộ lông trắng muốt, dù có dầm thân trong bùn lầy kiếm sống hay bay trong giông gió bão bùng vẫn giữ được MỘT TÂM HỒN TRONG SẠCH, MỘT LỐI SỐNG NGHĨA TÌNH như tâm hồn bình dị, thủy chung, trong sạch của người phụ nữ nông dân :
* Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về
Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha, thăm mẹ, cò về thăm anh
* Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục, đau lòng cò con ...
4/- CON CÒ : Còn là HIỆN THÂN CỦA NHỮNG TẬP QUÁN, NHỮNG LỀ THÓI, HỦ TỤC TRONG QUAN HỆ XÃ HỘI Ở LÀNG QUÊ VIỆT NAM DƯỚI THỜI PHONG KIẾN :
Con cò chết rũ trên cây
Cò con mở sách định ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri riú rít bò ra tranh phần...
5/- CON CÒ : Còn PHẢN ÁNH THÓI XẤU CỦA MỘT BỘ PHẬN NÔNG DÂN TRONG MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH :
Cái cò là cái cò quăm
Ngày mày đánh vợ, đêm nằm với ai ...
TÓM LẠI : "CON CÒ" đã đi vào Văn học Việt Nam - đặc biệt là ca dao - bằng tất cả những vẻ đẹp vốn có, nhằm phản ánh cuộc sống, cuộc đời, thân phận, lối sống, đạo đức,... của người nông dân, người phụ nữ Việt Nam trong các mối quan hệ gia đình, xã hội dưới thời phong kiến !