"Nói với con" là một tác phẩm rất hay của nhà thơ Y Phương. Ở khổ thơ thứ nhất, mượn lời người cha nhắn nhủ tới đứa con của mình, tác giả đã gợi ra cho chúng ta cội nguồn sinh dưỡng của mỗi con người. Trong lời nhắn nhủ của cha, cội nguồn đầu tiên nuôi dưỡng con trưởng thành đó là gia đình. Gia đình là nơi cho con sự sống, nâng niu những bước đi đầu tiên của con, trân trọng những tiếng bi bô đầu đời của con. Con không chỉ được sống trong sự yêu thương của cha mẹ mà còn được sống trong niềm hạnh phúc của cha mẹ khi nhớ về "ngày cưới" của mình, "ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời". Gia đình là chiếc nôi đầu tiên ủ ấm và nuôi dưỡng con nên người. Cội người thứ hai giúp con trưởng thành là quê hương. Quê hương núi rừng với những người đồng mình chịu thương, chịu khó. "Người đồng mình" là cách gọi quen thuộc, thân thiết của những người dân quê cùng vùng miền. Người đồng mình hiện lên trong sự lao động vất vả, họ phải dựng nhà, "ken" vách, "đan lờ", ...để xây dựng cuộc sống. Thế nhưng dù cuộc sống có khó khăn, vất vả, họ vẫn luôn vui tươi, lạc quan, tô điểm cho cuộc đời mình bằng những tiếng hát, những bông hoa thơm. Và hơn thế, những người đồng mình còn chung sống hoà hợp với thiên nhiên. Chính vì vậy, thiên nhiên, núi rừng đã hào phóng ban cho mọi người nhiều thứ "rừng cho hoa", "con đường cho những tấm lòng". Hai hình ảnh nhân hoá này cùng điệp từ "cho" đã gợi cho chúng ta về sự hào phóng và rộng lượng của núi rừng dành cho con người. Quê hương với những người đồng mình cần cù, chịu khó, lạc quan sống gắn bó, hoà hợp với thiên nhiên là cội nguồn, là nền tảng sinh dưỡng thứ hai của con. Bằng thể thơ tự do với các hình ảnh so sánh, nhân hoá, nhà thơ Y Phương đã cho chúng ta thấy được cội nguồn sinh dưỡng trưởng thành của mỗi con người, đó là gia đình và quê hương. Đoạn thơ thứ nhất của bài thơ Nói với con chính là lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết của một người cha với con của mình. Gia đình, quê hương chính là những nền tảng để con trưởng thành, khôn lớn nên người.