Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Địa lý tự nhiên
Về vị trí địa lý: Đồng Nai là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có cơ sở hạ tầng và kinh tế phát triển năng động, có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Đông Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, phía Tây giáp Thành phố Hồ Chí Minh và phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tọa độ địa lý từ 10°29’58” đến 11°34’57” vĩ độ Bắc, từ 106°43’56” đến 107°36’46” kinh độ Đông.
Về địa hình: Tỉnh Đồng Nai thuộc rìa Tây Nam của đới nâng bóc mòn Đà Lạt, tiếp giáp với đới sụt - tích tụ đồng bằng sông Cửu Long, có địa hình[1] chủ yếu là các cao nguyên và đồng bằng (tích tụ thấp ven sông, đầm lầy) chiếm 88,7% diện tích, phân bố khắp tỉnh với độ cao từ 1 - 2m đến 320 - 380m, tương đối bằng phẳng hoặc lượn sóng; núi chiếm 5,8% diện tích, phân bố rải rác ở phía Đông và Đông Bắc, cao 200 - 838m và hồ Trị An chiếm 5,5% diện tích. Các loại địa hình này tương đối thuận lợi cho việc phát triển giao thông, xây dựng hạ tầng, các khu đô thị, khu công nghiệp và phát triển nông, lâm, ngư nghiệp như: trồng cây ăn quả, lúa nước, cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và gia cầm, nuôi trồng thủy sản...
Về thổ nhưỡng: Tỉnh Đồng Nai có các loại đất phong phú và phì nhiêu, gồm 10 loại đất chính được chia thành 03 nhóm chung như: Các loại đất hình thành trên đá bazan, gồm đất đá bọt, đất đen, đất đỏ có độ phì nhiêu cao, chiếm 39,1% diện tích tự nhiên (229.416 ha), phân bố ở phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh, thích hợp cho các cây công nghiệp ngắn và dài ngày (cao su, cà phê, tiêu…). Các loại đất hình thành trên phù sa cổ và trên đá phiến sét, thường có độ phì nhiêu kém, gồm đất xám, nâu xám chiếm 41,9% diện tích tự nhiên (246.380 ha), phân bố ở phía Nam và Đông Nam của tỉnh, thích hợp cho các loại cây ngắn ngày, một số cây ăn trái và cây công nghiệp dài ngày. Các loại đất hình thành trên phù sa mới, gồm đất phù sa, đất cát, phân bố chủ yếu ven sông Đồng Nai, sông La Ngà, thích hợp với nhiều loại cây trồng như cây lương thực, hoa màu, rau quả…
Về khí hậu: Tỉnh Đồng Nai thuộc khu vực nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt là mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) và mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau). Khí hậu khá đa dạng, có nhiệt độ cao quanh năm, bình quân là 25,9°C, số giờ nắng trung bình là 2.454 giờ, lượng mưa tương đối lớn, khoảng 2.301,6mm và phân bố theo vùng và theo mùa, độ ẩm trung bình là 82%; chế độ bức xạ, nhiệt, nắng, độ ẩm, gió tương đối cao, ổn định và phân bố khá đồng đều.
Về tài nguyên thiên nhiên: Tỉnh Đồng Nai có tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú gồm tài nguyên khoáng sản (vàng, thiếc, kẽm, puzơlan, laterit, đá, cát...), tài nguyên rừng, tài nguyên nước (hệ thống hồ đập và sông ngòi); cảnh quan rất phong phú, rừng được xếp trong hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa với tổng diện tích là 171.132 ha gồm 03 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) với đặc trưng cơ bản là động, thực vật phong phú, đa dạng. Tiêu biểu là Vườn quốc gia Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Hiện tỷ lệ che phủ rừng là 29,19%, so với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ, Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất.
Về diện tích và dân số: Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2022[2], tỉnh Đồng Nai có diện tích tự nhiên 5.863,62 km2, chiếm khoảng 1,9% diện tích cả nước; có dân số 3.255.806 người, chiếm khoảng 3,2% dân số cả nước. Tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 170 đơn vị cấp xã. Thành phố Biên Hòa là Trung tâm hành chính của tỉnh.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |