LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ "

Cảm nhận bài thơ " Mùa xuân nho nhỏ " ( Ngắn gọn, đủ ý )
1 trả lời
Hỏi chi tiết
78
Tham khảo câu trả lời từ Trợ lý ảo Lazi
Bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" mang đến cho người đọc cảm giác nhẹ nhàng, tươi vui của mùa xuân. Tác giả đã miêu tả hình ảnh của một mùa xuân nhỏ nhắn nhưng đầy ấn tượng, khiến người đọc cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Bài thơ thể hiện sự tinh tế và sâu lắng trong cách diễn đạt, khiến người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi của mùa xuân.
2
0
Phuonggg
03/04 18:57:13
+5đ tặng

Mùa xuân là mùa của những sự khởi đầu mới, mùa mà vạn vật như hồi sinh, mùa mà nhựa sống của thiên nhiên và con người dâng trào mãnh liệt nhất. Mùa xuân cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi sĩ yêu thiên nhiên. Và Thanh Hải cũng là một trong những người thi sĩ như thế! Bằng tình yêu thiên nhiên tha thiết, tình yêu đất nước nồng nàn và khát vọng cao đẹp của mình, Thanh Hải đã sáng tác Mùa xuân nho nhỏ - bài thơ đẹp đẽ ghi dấu ấn cuộc đời của ông.

Nhắc đến những bài thơ về mùa xuân, người ta có thể ngay lập tức nhớ tới Vội vàng của Xuân Diệu – một bài thơ xuân ngọt ngào, thắm đượm:

"Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân đã già"

Thế nhưng, người ta cũng không thể nào quên được hình ảnh của một mùa xuân thấm đẫm tình yêu thiên nhiên, tình yêu đất nước và khát vọng được dâng hiến cháy bỏng của Thanh Hải trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được.

Nếu như Xuân Diệu bắt đầu bài thơ xuân của mình bằng một ước muốn rằng:

"Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi"

Thì Thanh Hải lại mở đầu bài thơ xuân của mình bằng cả một không gian rộng lớn bao la với chim chóc, hoa lá, với dòng sông, … trong trí tưởng tượng của mình:

"Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"

Tại sao nói tất cả không gian rộng lớn kia, tất cả tạo vật đang hoan hỉ trong bức tranh kia là trong tưởng tượng của tác giả? Đó là bởi vì khi ông viết lên những dòng thơ đầu tiên của bài thơ này, ông đang nằm dưỡng bệnh tại quê nhà ở Huế của mình vào tháng mười một năm 1980. Ấy thế mà cả mùa xuân hiện lên thật rực rỡ, thật đậm sắc qua từng hình ảnh thơ của Thanh Hải. Ông đã khắc họa cái không gian rộng lớn, thoáng đãng khi mùa xuân ào đến, cùng với sắc hoa, cùng với chim chóc và dòng sông, tạo nên một bức tranh mùa xuân đẹp tuyệt vời.

Xuất hiện ngay ở dòng thơ đầu tiên là hình ảnh của một bông hoa nhỏ, mọc lên từ giữa dòng sông xanh biêng biếc. Chỉ có "một bông hoa tím biếc" như là một dấu hiệu báo cho con người và vạn vật rằng nàng xuân đã đến rồi. Bông hoa ấy chẳng phải màu đỏ rực, chẳng phải màu vàng phai, hồng thắm mà lại là màu "tím biếc". Đây là màu sắc đặc trưng của quê hương ông – xứ Huế mộng mơ. Người ta biết đến Huế với những nhịp cầu Tràng Tiền nhịp nhàng với những tà áo dài Huế tím biêng biếc say mê, thế nên chẳng phải tự nhiên mà ông mang cái màu sắc đặc trưng ấy vào trong dòng thơ đầu tiên của Mùa xuân nho nhỏ. Đó phải chăng là một tình yêu thương thắm thiết với quê hương mà Thanh Hải muốn gửi gắm qua từng dòng thơ của mình?

Xứ Huế còn được đặc trưng bởi dòng sông "trăm thứ hương đổ về" – sông Hương. Và Thanh Hải đã đặt dòng sông ấy vào ngay trong câu thơ đầu tiên như để tri ân với quê hương. Một dòng sông Hương "xanh" biêng biếc đang lững lờ uốn lượn, trải dài trước mắt của chúng ta. Nó đang chở trên lưng mình một trong những dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân, đó là một bông hoa "tím biếc". Bông hoa ấy "mọc" lên ở giữa dòng sông, đột ngột, bất ngờ như báo hiệu mùa xuân đến thật bất chợt. Động từ "mọc" được ông đảo lên ngay đầu câu thơ càng làm cho chúng ta thấy rõ sự xuất hiện quá đỗi bất ngờ của bông hoa ấy. Bông hoa ấy không phải màu hồng phai, màu đỏ rực, … mà lại mang một màu tím – sắc màu thân thương của xứ Huế. Bông hoa ấy nở giữa dòng sông, ánh lên trong ánh nắng mới lóng lánh.

Không gian mùa xuân trong trí tưởng tượng của Thanh Hải không chỉ có hoa xuân mà còn những chú chim nhỏ bé nữa. Những chú chim ấy cũng như bông hoa kia, cũng là một người đưa tin cho mùa xuân. Giữa không gian bao la của bầu trời cao rộng, chú chim rướn mình, cất lên tiếng hót lanh lảnh, gọi mùa xuân về. Loài chim mà Thanh Hải miêu tả ở đây là "chim chiền chiện" – một loài chim quen thuộc, gắn bó thân thiết với nhà nông. Chú chim ấy cất tiếng hót vang, và nhà thơ đã không ngần ngại mà cất tiếng gọi:

"Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời"

Đây có phải chăng là một tiếng trách cứ, hờn dỗi đáng yêu của nhà thơ với chú chim đáng yêu kia chăng? Ông cất tiếng gọi "ơi" với chú chim, tiếng gọi tha thiết, thân thương như đối với một người thân thuộc. Nhà thơ đã sử dụng biện pháp nhân hóa chú chim ấy như một con người thực thụ, và con người ấy đang cất tiếng gọi mùa xuân về. Câu thơ tiếp theo, nhà thơ trách cứ chú chim "hót chi mà vang trời", nghe thật đáng yêu làm sao! Chữ "chi" là giọng điệu mang âm hưởng của xứ Huế thân yêu. Tiếng chim lanh lảnh xuyên qua tầng không, vang vọng trong tâm trí, tâm hồn nhà thơ khiến ông rạo rực quá! Nằm ở giường bệnh, nhưng ông muốn cất bước thật nhanh ra ngoài kia mà tận hưởng cho hết cái không khí của mùa xuân đang tràn về.

Thế nhưng, đặc sắc nhất trong đoạn thơ này phải kể tới hai câu thơ cuối của khổ thơ. Chỉ với hai câu thơ này, Thanh Hải đã dường như nắm bắt được cái hồn của mùa xuân:

"Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng"

Tiếng chim trên cao vọng xuống từng hồi lảnh lót, gọi nàng xuân về trong yêu thương. Tiếng chim ấy dường như đang cô đặc lại dần thành từng giọt mà nhỏ xuống thế gian, để thế gian bắt đầu một nguồn sống mới. Từng giọt mật mùa xuân trên cao rơi xuống, nhà thơ bất chợt đưa tay ra "hứng" lấy nó như để bắt trọn mùa xuân trong tay. Đọc thơ mà người ta như thấy được hình ảnh của Thanh Hải đang nâng niu hứng từng giọt mật xuân rơi xuống trong niềm vui, đắm đuối vô tận. Ở đây, Thanh Hải đã vô cùng tinh tế khi sử dụng nghệ thuật chuyển đổi cảm giác để miêu tả về mùa xuân. Mùa xuân không còn là một thứ vô hình nữa mà đối với nhà thơ,, mùa xuân trở thành một thực thể hữu hình mà ông có thể sờ, "hứng", chạm và nếm thử. Hành động "hứng" giọt mùa xuân của nhà thơ là một hành động của một con người mang trong mình tình yêu tha thiết với thiên nhiên, với mùa xuân. Với ông, tận hưởng mùa xuân trọn vẹn phải là sự tận hưởng ngay trong giây phút đầu tiên. Phải nhớ rằng, lúc này, nhà thơ đang nằm trên giường bệnh, vậy mà chỉ bằng trí tưởng tượng của mình, ông đã dựng lên bức tranh mùa xuân đẹp đến như thế!

Bức tranh mùa xuân của Thanh Hải được dựng lên trong niềm yêu thương tha thiết với thiên nhiên. Bức tranh ấy được ông mường tượng ra trên giường bệnh nhưng lại mang đậm nét linh hồn xứ sở quê hương Huế thân yêu, vừa giản dị lại vừa gần gũi vô cùng. Có lẽ, trong giây phút ấy, Thanh Hải đã khao khát cháy bỏng được rời khỏi giường bệnh, được bước ra ngoài với thiên nhiên, được ôm trọn thiên nhiên vào lòng để mà tận hưởng cái không khí mùa xuân đang dâng tràn trong tâm trí mình.

Viết bài thơ về mùa xuân, Thanh Hải còn dựng lên bức tranh mùa xuân của đất nước trong thời kỳ đổi mới. Đây như là một cách thức để ông biểu đạt tình yêu quê hương của mình:

"Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…"

Nếu như mùa xuân của thiên nhiên với dấu hiệu là những bông hoa tím, là tiếng hót của những chú chim "chiền chiện" thì mùa xuân của đất nước lại được đánh dấu bằng hình ảnh của "người cấm súng" và "người ra đồng".

Như chúng ta đã biết, năm 1980, đất nước ta đang bước vào công cuộc xây dựng mạnh mẽ với hai nhiệm vụ chính là chiến đấu và sản xuất. Vậy nên, Thanh Hải đã dùng hải nhiệm vụ này để miêu tả về mùa xuân của đất nước. Mùa xuân hiện lên trên vai "người cầm súng" là những cành lộc non "giắt" trên lưng áo ngụy trang. Những chồi non xanh biếc ấy như những niềm hy vọng, sự tin tưởng và sức sống mãnh liệt của con người Việt Nam qua bao thời kỳ. Còn mùa xuân của "người ra đồng" là những "lộc" non của lúa, của mạ non để cấy cày, sản xuất, trở thành hậu phương vững chắc cho những người anh hùng "cầm súng".

Có thể thấy, sản xuất và chiến đấu luôn luôn song hành cùng nhau, bởi chỉ có vậy chúng ta mới có thể cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước chúng ta phát triển ngày một tươi đẹp hơn. Đọc khổ thơ, người ta nhận thấy rằng mùa xuân của hai nhiệm vụ của đất nước đã hòa làm một thành mùa xuân của Tổ quốc, mùa xuân của hòa bình và phát triển.

Giữa sự chuyển mình của đất nước, tất cả vạn vật của Tổ quốc ta dường như cũng đang vội vã, "hối hả" chuyển mình. "Tất cả" đều "xôn xao", "hối hả" trong công cuộc đổi mới ấy. Hai từ láy liên tiếp "hối hả", "xôn xao" như diễn tả sự mau lẹ, sự nhanh chóng, gấp gáp của con người cũng như mọi vật. Tất cả như muốn góp một phần sức lực của mình để chung tay xây dựng mùa xuân của đất nước.

"Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao"

Điệp từ "như" được Thanh Hải sử dụng trong hai câu thơ như để diễn tả nhịp điệu khẩn trương, mau lẹ. Cả đất trời, con người đang giao hòa thật hối hả, thật gấp gáp, thúc giục mọi người qua từng câu chữ. Ngay chính tác giả, dường như ông cũng đang rạo rực, muốn được hòa mình vào cùng mọi người để xây dựng Tổ quốc.

Đây là hình ảnh của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, không còn chiến tranh, chỉ còn công cuộc xây dựng đất nước đi lên trong hòa bình, tạo nên một mùa xuân rực rỡ cho dân tộc Việt Nam.

Không chỉ nhìn ngắm thực tại, Thanh Hải còn hồi tưởng qua từng dòng thời gian của lịch sử dân tộc, nơi khởi nguồn cho mạch sống trường tồn của đất nước. Nhịp thơ ở đây không còn gấp gáp, hối hả như khổ thơ trên mà nhẹ nhàng, chậm rãi như một cuốn phim quay chậm. Những thước phim ấy đang sống dậy những trang sử hào hùng của dân tộc ta.

"Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước".

Trải qua "bốn ngàn năm" dựng xây và giữ nước, những "vất vả và gian lao" mà dân tộc ta đã trải qua là những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, trải dài từ khi vua Hùng Vương dựng nước và tới tận gần đây nhất là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và đế quốc Mỹ. Ẩn sau từng câu chữ, người ta như thấy được niềm xúc động, tự hào của Thanh Hải trước công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cha ông ta trong suốt chiều dài lịch sử xa xôi ấy.

Đất nước đẹp như một bức tranh và sáng như một vì sao tỏ. Thanh Hải đã không ngần ngại mà so sánh hình ảnh của một Việt Nam kiên cường như một vì sao sáng trên bầu trời. Đây là niềm tự hào của Thanh Hải về non sông, đất nước Việt Nam, một đất nước mà luôn chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, lúc nào cũng tỏa sáng rực rỡ "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Bức tranh về mùa xuân của đất trời, mùa xuân của đất nước được Thanh hải truyền tải bằng tất cả sự trân trọng, tự hào và yêu thương nhất. Nếu mùa xuân của thiên nhiên vạn vật là những màu sắc tươi thắm nhất, những dấu hiệu đẹp đẽ nhất thì mùa xuân của đất nước lại đến cùng với công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc, cùng với những con người "hối hả". Dân tộc ta như Thanh Hải đã nói, đã trải qua bốn ngàn năm thăng trầm nhưng vẫn vững vàng "đi lên phía trước" – đây là niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai của dân tộc ta.

Mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước tươi đẹp là thế vậy mà tác giả lại phải nằm trong giường bệnh. Vậy nên, những khổ thơ cuối cùng của bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ấy, ông đã viết lên ước nguyện, khát vọng của mình, giản dị mà chân thành vô cùng:

"Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Một nốt trầm xao xuyến
Ta nhập vào hòa ca"

Liên tiếp ở các câu thơ, nhà thơ đã sử dụng động từ "ta làm" để biểu đạt cái khát khao tột độ đang cháy bỏng ở trong tim mình. Ông ước được làm một "con chim hót", "một cành hoa" nhỏ bé mà dâng hiến cho đời. Những vật ông ao ước trở thành đều là những vật nhỏ bé, tầm thường trong cuộc sống, thế nhưng ông lại khao khát được trở thành để được cống hiến cho cuộc đời. Ông ước mình trở thành "một nốt trầm xao xuyến" – một nốt lặng bé nhỏ giữa bản nhạc tươi vui của cuộc đời. Mong ước ấy thật nhỏ nhoi, thế nhưng lại chân thành, tha thiết biết bao nhiêu.

Thanh Hải ước được trở thành "một mùa xuân nho nhỏ" để "lặng lẽ" hòa mình vào thiên nhiên, đất nước để mà dâng hiến cho cuộc đời, cho Tổ quốc, chẳng cần hào nhoáng, chẳng cần được tôn vinh. Bất cứ ở độ tuổi nào, ông cũng muốn được cống hiến, được hi sinh hết mình cho Tổ quốc thân yêu, dù là lúc còn là một chàng thanh niên hai mươi tuổi tràn trề nhiệt huyết hay là giờ đây, khi đã là một ông già tóc bạc. Điệp từ "dù là" như một lời khẳng định mạnh mẽ ước vọng của nhà thơ.

"Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc"

Lời thơ như những lời khẳng định tình yêu tha thiết của Thanh Hải dành cho Tổ quốc, dành cho cuộc sống tươi đẹp. Bởi có yêu tha thiết quê hương, cuộc sống, ông mới khao khát cháy bỏng được cống hiến, được dâng hiến cho cuộc đời đến như thế, đặc biệt là lúc này, khi ông đang năm trên giường bệnh. Cái khát khao ấy cháy bỏng trong tim ông, chưa lúc nào, ông thôi khao khát được cống hiến hết mình cho cuộc đời cả.

Qua những khổ thơ trên, người ta có thể thấy Thanh Hải yêu quê hương, non sông đến thế nào, đặc biệt là xứ Huế thân thương. Chắc có lẽ bởi vì thế mà khép lại bài thơ, Thanh Hải đã cất lên một khúc hát với giai điệu quen thuộc của xứ Huế:

"Mùa xuân tôi xin hát
Câu Nam ai, Nam bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế"

Những điệu hò "Nam ai, Nam bình" đều là những khúc ca quen thuộc của xứ Huế. Nếu khúc Nam ai là giai điệu buồn thương, da diết thì Nam bình lại dìu dặt, trìu mến. Cả hai điệu hát đều được cất lên trên nhịp phách tiền đặc trưng của dân ca Huế. Thế mới biết, Thanh Hải gắn bó khăng khít và yêu thương xứ Huế đến nhường nào. Ông đã đặt nó vào trong tim mình, mang cả vào đó điệu hò quen thuộc của quê hương.

Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải được viết bằng thể thơ năm chữ quen thuộc với nhịp điệu uyển chuyển. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu quê hương, đất nước, yêu cuộc đời của tác giả, đồng thời nó cũng thể hiện một khát vọng cháy bỏng mà chân thành của nhà thơ đó là được góp phần làm nên mùa xuân của đất nước.

Thanh Hải đã khéo léo sử dụng những biện pháp tu từ linh hoạt như nhân hóa, ẩn dụ, so sánh, … để bộc lộ tình yêu của mình.

Viết bài thơ vào những ngày tháng cuối của cuộc đời, thế nhưng lời thơ của Thanh Hải lại không có một chút bi lụy mà thay vào đó, người ta cảm nhận được tình yêu thiên nhiên, Tổ quốc, niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai của đất nước cũng như khát vọng cháy bỏng của ông.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư