Bài thơ “Tháng giêng của bé” của nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh là một trong số những tác phẩm mang lại cho tôi nhiều ấn tượng về cảnh vật làng quê và con người vào tháng giêng. Bài thơ khiến cho người đọc cảm thấy mùa xuân đang đến mỗi khi đọc bài thơ.
Bài thơ “Tháng giêng của bé” chủ yếu nói về tháng giêng bằng những câu thơ có sử dụng nghệ thuật nhân hóa rất hay và thú vị. Cách sử dụng nghệ thuật nhân hóa khiến cho các sự vật trong bài thơ trở nên sinh động và chân thực hơn. Từ đâu thơ mở đầu bài thơ, nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh đã vẽ ra một khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp:
“Đồng làng vương chút heo may”
Đó chính là những cánh đồng quê xanh bát ngát, trải dài đến tận chân trời, tô điểm cho cánh đồng quê chính là những ngọn cỏ vương chút heo may, cảnh vật nhờ đó mà trở nên lãng mạng, dịu dàng hơn.
Những câu thơ tiếp theo được tác giả sử dụng nghệ thuật nhân hóa:
“Mầm cây tỉnh giấc, vườn đầy tiếng chim
Hạt mưa mải miết trốn tìm
Cây đào trước cửa lim dim mắt cười
Quất gom từng hạt nắng rơi
Làm thành quả - những mặt trời vàng mơ”.
Hình ảnh “mầm cây tỉnh giấc” gợi ra liên tưởng đến khi mùa xuân về, mầm cây tỉnh giấc sau một giấc ngủ dài. Hay hai hình ảnh tiếng chim đua nhau hót líu lo trong vườn và những hạt mưa thì chơi trốn tìm cùng nhau khiến ta liên tưởng đến hình ảnh những đứa trẻ con cùng nhau nô đùa, háo hức đón chào xuân tới. Hay những hình ảnh cây đào trước cửa lim dim mắt cười đón chào mùa xuân tươi đẹp và quất gom từng hạt nắng làm thành quả giống như hình ảnh người lớn đang cẩn thận chuẩn bị đón mùa xuân đến. Tất cả những hình ảnh này đã làm cho bài thơ trở nên sống động, có thêm nhiều âm thanh, nhịp điệu hơn. Có thể thấy rằng những âm thanh này chẳng hề xa lạ đối với một làng quê nhưng khi đọc những câu thơ trên ta vẫn cảm thấy cuốn hút và êm tai đến vậy, có cảm giác như đang lạc vào một bản nhạc đồng quê. Việc sử dụng nghệ thuật nhân hóa của nhà thơ vừa khiến cho các câu thơ trở nên sinh động, vừa nhấn mạnh vẻ đẹp của tháng giêng. Bên cạnh đó, tác giả cũng đã sử dụng các từ láy “mải miết”, “lim dim” một cách tinh tế, khiến cho các sự vật trở nên có sức sống hơn. Cảnh vật hay con người đều hân hoan phấn khởi, háo hức đón chào mùa xuân đến.
Đặc biệt hơn nữa chính là câu hỏi tu từ “Tháng giêng đến tự bao giờ?”, câu hỏi này vừa làm tăng tính gợi hình gợi cảm cho câu thơ, vừa nhấn mạnh hình ảnh của “Tháng giêng”. “Đất trời viết tiếp bài thơ ngọt ngào”, trong câu thơ trên tác giả cũng đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa “đất trời viết tiếp”, đất trời cùng với con người đã tạo ra khung cảnh tuyệt vời của thiên nhiên và cũng chính là nguồn cảm hứng cho sự ra đời của bài thơ.
Qua bài thơ trên, tác giả đã miêu tả cảnh sắc thiên nhiên vào tháng giêng như một bức họa tươi đẹp rạng ngời, nên thơ, tràn đầy sức sống. Mọi sự vật trong đoạn thơ được tác giả miêu tả một cách rõ ràng và chân thật khiến người đọc hình dung một cách thực tế. Các phép nhân hóa và câu hỏi tu từ cuối bài được kết hợp một cách hài hoà khiến cho đoạn thơ trở nên đẹp đẽ lạ thường.
Qua bài thơ "Tháng giêng của bé" của nhà thơ Đỗ Quang Huỳnh, ta có thể thấy cảnh vật mùa xuân như có hồn hơn, bức tranh xuân tươi đẹp hơn, nên thơ hơn, và từ đó cũng làm cho chúng ta cảm thấy trân trọng, yêu quý tháng giêng, yêu quý mùa xuân quê hương hơn.