Phân tích truyện: Con yêu mẹ nhiều. Người mẹ cất tiếng hỏi trong nỗi mừng vui sau một cuộc vượt cạn mệt nhọc: “Con tôi đâu”. Với khuôn mặt rạng ngời, chị đón lấy đứa bé từ tay bác sĩ. Và nụ cười bỗng tắt lịm khi chị nhìn thấy cấu tạo tai ngoài của đứa bé không như những đứa trẻ khác. Thế nhưng đứa trẻ vẫn có thể nghe hiểu được bình thường, điều này có nghĩa cấu tạo tai trong vẫn phát triển tốt. Dù vậy, người mẹ vẫn cảm thấy xót xa và có lỗi với đứa con. Ngược lại, theo thời gian, đứa trẻ vẫn sống vô tư, không hay biết gì về dị tật của mình. Cho đến một ngày, cậu bé đi học về, chạy đến ôm chầm lấy mẹ rồi òa khóc: “Mẹ ơi! Các bạn trêu chọc con là đứa trẻ bị ‘cụt’ tai”. Những lời nói của con như vết dao cứa vào trái tim người mẹ. Ôm chặt con vào lòng, người mẹ như ôm cả nỗi đau đớn của mình. Rồi cậu bé bỗng ngừng khóc, quay qua nhìn mẹ, cậu bé rắn rỏi nói: “Con sẽ chứng minh rằng con tuy khuyết tật về thân thể, nhưng con không khuyết tật về tâm hồn. Mẹ đừng khóc nữa, mẹ nhé!”. Ngày tháng trôi qua, cậu bé lớn lên với khuyết tật của cơ thể. Như để minh chứng cho lời hứa năm nào, cậu bé luôn chuyên tâm học tập, không ngừng nỗ lực tìm tòi, học hỏi. Cậu còn có năng khiếu vượt trội về bộ môn ngữ văn và thanh nhạc. Thành tích học tập của cậu bé xuất sắc đến nỗi giáo viên luôn khẳng định với cha mẹ cậu bé rằng, nếu tiếp tục trau dồi, bé sẽ là một nhân tài của đất nước. Giờ đây, người mẹ bắt đầu an lòng hơn về khiếm khuyết của con, tuy rằng từ sâu thẳm trái tim, người mẹ vẫn ước con mình được lành lặn về thân thể. Một ngày kia, cuộc đời cậu bé dường như mở ra với một tia hy vọng mới. Các bác sĩ khẳng định cậu có thể được ghép tai, chỉ cần có người đồng ý hiến tai cho cậu. Thế là cha mẹ cậu lao vào cuộc tìm kiếm người có thể hiến tai cho con mình. Một ngày nọ, người cha trở về nhà với gương mặt phấn khởi và thông báo rằng: “Cha đã tìm được người tự nguyện hiến tai cho con”. Cuộc phẫu thuật thành công, cậu bé được ghép một đôi tai lành lặn, hoàn hảo. Thế nhưng, cậu bé không tìm được ra người đã tặng tai cho mình. Người ta bảo rằng người đó muốn hy sinh thầm lặng và quyết không tiết lộ danh tánh. Thế rồi cậu bé lớn lên và trở thành một nhạc sĩ vô cùng nổi tiếng ở cả những nước lân cận. Thế nhưng, cậu vẫn luôn trăn trở về việc chưa thể đền đáp người đã hiến tặng đôi tai cho mình. Thi thoảng, trong những lần hiếm hoi về thăm cha mẹ, chàng trai lại hỏi về thông tin của vị ân nhân, nhưng cha cậu chỉ lắc đầu tuyệt vọng. Còn người mẹ chỉ lặng lẽ xõa tóc ngồi lặng im trong một góc phòng ấm áp nhìn cậu. Kể từ ngày con trai được ghép tai và bắt đầu cuộc sống tự lập, người mẹ trở nên xa cách dần. Bà không còn hàn huyên trò chuyện cùng cậu, thậm chí đôi lúc chàng trai cảm giác như người mẹ đang cố lẩn tránh mình. Thế nhưng, cuốn theo vòng xoáy của công việc, anh lại tiếp tục xa gia đình với những chuyến lưu diễn dài ngày. Một ngày nọ, chàng trai được tin mẹ mình ốm nặng. Đáp chuyến bay sớm nhất về nhà, anh lao đến bệnh viện tìm mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp những hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, cậu cúi xuống ôm mẹ khóc nức nở. Chàng trai hôn lên đôi tay gầy guộc bao năm tảo tần nuôi anh khôn lớn, hôn lên vầng trán hằn những nếp nhăn thời gian, rồi run run, anh vuốt nhẹ mái tóc bạc trắng của mẹ. Bỗng anh bàng hoàng nhận ra: mẹ đã không còn đôi tai nữa. Giờ thì anh đã hiểu vì sao bao năm nay, mẹ luôn tìm cách trốn tránh mình. Anh cũng nhận ra sự thật là đã nhiều năm rồi, mẹ không cắt tóc, rất ít khi ra khỏi nhà và không giao tiếp với những người xung quanh. Rưng rưng khóc, chàng trai quỳ xuống, ôm lấy cơ thể nhỏ bé của bà. Anh hôn lên má, lên trán những cái hôn đầy yêu thương và thầm thì: “Mẹ ơi! Mẹ đã cho con sự sống và ban tặng cả cuộc đời của mẹ cho con!”.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).