Cẩn tắc vô áy náy”, “Cân tắc vô ưu” là những lời khuyên của ông bà, cha mẹ mà con cháu phải nhớ về để rèn luyện đức tính cẩn thận. Vậy, thế nào là tính cẩn thận? Cẩn thận nghĩa là có ý thức tránh sơ suất, đề phòng những điều không hay có thể xảy ra. Trái với cẩn thận là cẩu thả. Không cẩn thận, chỉ cốt làm cho xong là cẩu thả, cẩu thả là tính xấu. Cẩn thận là tính tốt mà ai cũng cần có, cũng cần phải rèn luyện, thường xuyên tu dưỡng, cẩn thận được thể hiện qua cử chỉ, hành động và việc làm cụ thể trong sinh hoạt, học tập, lao động hằng ngày. Viết nắn nót, không tẩy xoá là cẩn thận. Học xong bài, viết xong bài thì bút, tẩy, chì… xếp gọn vào hộp bút, sách vở được xếp lại ngay ngắn đặt lên bàn học, để vào cặp sách là cặn thận. Ngủ dậy, chăn màn, gối được xếp gọn lên giường. Mọi thứ trong gia đình được đặt đúng chỗ, đúng vị trí, trông gọn gàng, đẹp mắt là cẩn thận. Với tính cẩn thận, chu đáo, người học trò biết đọc kĩ đề bài, suy nghĩ kĩ các câu hỏi, làm nháp đâu vào đấy rồi mới viết vào vở, vào giấy làm bài hay giấy thi, làm xong bài còn đọc kiểm tra lại để sửa chữa, bổ sung mọi sai sót, nếu có. Ăn nói từ tốn, không bỗ bã, hấp tấp, vội vàng, phải suy nghĩ, biết lựa lời lễ phép, ý tứ, lịch sự. Cẩn thận trong giao tiếp, ứng xử để thể hiện nhân cách văn hoá. Những công việc đòi hỏi tính chính xác, chất lượng kĩ thuật, mĩ thuật cao không bao giờ đến tay người cẩu thả. Khắc phục tính cẩu thả không thể một sớm một chiều. Có người lúc trẻ cẩu thả nhưng khi đã trưởng thành vẫn cẩu thả. Muốn sửa chữa được tính cẩu thả phải có ý thức tự giác rèn luyện đức tính cẩn thận, rèn luyện bền bỉ, rèn luyện từ việc nhỏ đến việc lớn. Phải rèn luyện thành nếp, thành thói quen tốt đẹp. Cẩn thận là một phẩm chất quý báu, là một nét đẹp của tính cách. Tiềm Phú từng nói: “Trung tín, cẩn thận, là cái nền thành người hay; hão huyền, quỷ quyệt, là cái gốc thành người dở”. Mỗi chúng ta phải rèn luyện đức tính cẩn thận để không ngừng vươn lên làm được nhiều việc tốt đẹp và to lớn