Một số danh nhân văn hoá tiêu biểu
Dưới thời kì phong kiến, Thái Nguyên tuy không có nhiều nhà khoa bảng như các tỉnh đồng bằng khác, không có ai đỗ trạng nguyên song sử sách cũng đã ghi nhận một số người đỗ đạt cao, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình phong kiến Việt Nam. Các nhà nghiên cứu đã thống kê được 9 nho sĩ đỗ đại khoa trong thời Lê sơ, thời Mạc và thời Lê Trung hưng ở Thái Nguyên.
Trình Hiển (chưa rõ năm sinh năm mất), là người mở đầu cho truyền thống khoa bảng ở Thái Nguyên. Ông người làng Cổ Hằng, xứ Thái Nguyên. Vào khoa thi Hội năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), ông thi đỗ tiến sĩ, được giao chức Chuyển vận sứ, rồi Thị ngự sử. Năm 1438, ông giữ chức Thiên tri Viện sự của Nội Mật viện – cơ quan chuyên giữ việc sổ sách, văn chỉ của nhà vua, đồng thời được cử làm Phó sử trong đoàn sứ thần của nước ta sang nhà Minh. Ngoài việc học hành đỗ đạt, là một quan văn, nhà ngoại giao giỏi, Trình Hiền còn có tài văn chương. Theo Toàn Việt thì lục, ông là tác giả của hai bài thơ "Dạ bạc Hoa Lư hữu cảm" và bài văn "Ngự cư tự thuật hoài.
Nguyễn Cấu (chưa rõ năm sinh năm mất) tên thật là Nguyễn Đình Cầu, người làng Thanh Vân, xã Thanh Thú, tổng Tiêu Lễ (nay là làng Thanh Thú, xã Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên). Nhân dân địa phương thường gọi là "cụ Nghè Vân". Ông đỗ Tiến sĩ năm 1463, nhưng là người có tài vô bị, nên ông được chuyển sang hàng quan vô. Ông làm quan triều Lê, đến chức Thị vệ sứ, đứng đầu đội quân bảo vệ nhà vua và triều đình.
Đỗ Cận (1434 - ?), tên thật là Đỗ Viễn, sinh năm 1434, tại tổng Thống Thượng. phù Phú Bình (nay là xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên). Ông nổi tiếng học rộng nhưng đến năm 1478, ông mới đỗ Tiến sĩ và được vua Lê Thánh Tông đổi tên thành Đỗ Cận. Trong thời gian làm quan, ông đã có nhiều công lao với đất nước, được bổ dụng qua nhiều chức quan: Tham nghị xứ Thanh Hoa, Thửa chính xứ Quảng Nam, rồi thăng lên chức Thượng thư, từng được vua Lê Thánh Tông giao làm Phó sử trong đoàn sử bộ sang cống tuế nhà Minh năm 1483.
Đỗ Cận có công vận động nhân dân địa phương cải tạo đền Lục Giáp, khai khẩn đất đai, đem lại cuộc sống no ấm cho nhân dân...
Bên cạnh đó, ông cũng là một nhà thơ có tài. Nhiều tác phẩm thơ văn của ông như Kim Lăng kỉ viết về chuyến đi sứ ở Trung Hoa, truyện Nôm Phan Trần, hai bài thơ Thái thạch vẫn bạc và Xuân yến được xếp vào những áng văn thơ đặc sắc trong kho tàng văn học trung đại Việt Nam.
Để tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân địa phương đã xây dựng đền thờ Đỗ Cận ở dưới chân núi Phổ Sơn, thị xã Phổ Yên, duy trì tổ chức lễ hội vào ngày rằm tháng giêng hằng năm. Năm 2014, đền thờ Đỗ Cận chính thức được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Hình 8. Tượng Đỗ Cận tại đền thờ
Hình 9. Lễ hội tại đền thờ Đỗ Cận thuộc xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên
Tư liệu 3: Đỗ Cận người huyện Phổ Yên, đỗ Tiến sĩ thời Lê niên hiệu Hồng Đức, phụng mệnh đi sứ, có làm bài Kim lăng kỉ, làm quan đến Thượng thư.
(Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập 4, NXB Thuận Hoá, Huế, 2006, tr. 208)
Phạm Nhĩ (1450 – ?), quê ở Đồng Bẩm, Đồng Hỷ. Phạm Nhĩ đỗ Tiến sĩ tại khoa thi năm Hồng Đức thứ 24 (1493) dưới triều vua Lê Thánh Tông. Chức vụ lớn nhất nhà Lê giao cho Phạm Nhĩ là Phủ doãn Phủ Phụng Thiên – chức quan đứng đầu kinh thành Thăng Long về mặt hành chính.
Đàm Sâm, người xã Sa Kệ, huyện Văn Lãng (nay là thôn Sa Kệ, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ). Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Hồng Thuận thứ 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực, sau làm quan đến chức Thượng thư, chức quan đứng đầu một trong sáu bộ của triều đình phong kiến nhưng chưa xác định được ông làm Thượng thư ở bộ nào.
Trịnh Bá, người xã Cù Đàm (nay thuộc phường Cam Giá, thành phố Thái Nguyên). Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Hồng Thuận thứ 6 (1514). Trịnh Bá được triều Lê phong đến chức Binh bộ Hữu thị lang, là chức quan đứng hàng thứ 3 trong việc cai quản bộ Binh, chỉ sau Binh bộ Thượng thư và Binh bộ Tả thị lang.
Đàm Chí, sinh tại Sa Kệ, huyện Đồng Hỷ (nay thuộc xã Phúc Triu – thành phố Thái Nguyên). Ông thi đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Đại Chính thứ 6 (1535) dưới thời vua Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan nhà Mạc đến chức Thừa chính sứ (đứng đầu một xứ).
Dương Ức, quê ở xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ, xứ Thái Nguyên, đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Tân Sửu (1541). Sinh thời, ông làm quan với nhà Mạc, chức vụ lớn nhất được phong là Thừa chính sử – đứng đầu một đạo hoặc một sứ dưới thời Lê – Mạc. Đến nay, ngay tại vùng đất quê hương ông cũng chưa phát hiện thêm được tư liệu gì về con người, sự nghiệp của Dương ức.
Đồng Doãn Giai, sinh năm 1701 tại xã Hùng Sơn, Đại Từ, Thái Nguyên. Sau khi thi đỗ 4 kì thi Hương, ông được làm Giám sinh, theo học tại Quốc Tử Giám. Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), triều vua Lê Ý Tông, ông đỗ khoa thi Hội. Một thời gian sau, triều đình tổ chức kì thi Đình, Đồng Doãn Giai đỗ Tiến sĩ. Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm chức Hàn lâm hiệu thảo, giữ việc tu sửa Quốc sử, về sau làm Đốc đồng trấn Lạng Sơn.
Ngoài các vị đỗ đại khoa đã kể trên, theo nguồn tư liệu dân gian cho biết Thái Nguyên còn có một số nho sĩ thi đỗ và làm quan ở các cấp thấp hơn như: Trần Huyền Long (đỗ sinh đồ nhà Lê, làm giáo quan giảng dạy ở trường phủ Bắc Hà); Trần Ngọc Khuê (giám sinh Quốc Tử Giám, được phong chức Trưởng vệ Tứ thành, hàm Tòng nhị phẩm triều vua Lê Hiến Tông); Trần Thái Vận (đỗ sinh đồ thời Lê được phong hàm Thập lý hầu chức xa giá trưởng vệ quan tại Thăng Long); Phạm Quang Vinh (đỗ Hương cống được bổ dụng làm Tri huyện); Trần Mộng Khải (đỗ Hương cống làm quan Tham biện trong triều, năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) được bổ giữ chức Tri phủ phủ Tòng Hoá); Phạm Xuân Sắc (đỗ Tam trường, ở làng làm nghề dạy học)....
Như vậy, trong thời kì phong kiến, nền giáo dục Nho học ở Thái Nguyên có sự phát triển, đã lưu lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong văn hoá địa phương. So với khu vực đồng bằng Bắc bộ, giáo dục khoa bảng ở Thái Nguyên tuy không thực sự nổi bật, song với một vùng “phên dậu” của Tổ quốc còn nhiều khó khăn, thành tựu giáo dục và khoa bảng của Thái Nguyên thời phong kiến có thể nói là đáng kể. Thái Nguyên có những người đỗ vị trí cao trong các khoa thi, nhiều người được giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, có nhiều đóng góp của đất nước và quê hương.
EM CÓ BIẾT?
Hiện nay, để tưởng nhớ công lao, tên của một số nhân vật lịch sử được đặt cho nhiều đường phố, trường học trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:
- Đường Dương Tự Minh, nối phường Quan Triều kéo dài tới đường Việt Bắc và đường Cách mạng tháng Tám, thành phố Thái Nguyên.
- Trường THPT Dương Tự Minh, số 723 Đường Dương Tự Minh, phường Quang Vinh, thành phố Thái Nguyên.
- Trường THCS Dương Tự Minh, xã Động Đạt, huyện Phú Lương.
- Trường THCS Đỗ Cận, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên.
- Trường THPT Lưu Nhân Chú, xóm Duyên, xã Kỉ Phú, huyện Đại Từ.
- Đường Lưu Nhân Chú, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |