Việt Nam ta có một nền văn hoá đa dạng và phong phú từ ngàn năm lịch sử trước đây. Những thay đổi theo từng thời kỳ lịch sử, sự pha trộn của nhiều nền văn hoá khác nhau đã tạo nên một nền văn hoá Việt mang những bản sắc riêng. Tuy nhiên, điều đó đã làm dấy lên một tình trạng trong xã hội hiện nay, đó là tình trạng phân biệt vùng miền. Và làm thế nào để chúng ta thuyết phục người khác từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền?
Trước hết, đa dạng văn hóa được xem là nguồn lực cho sự phát triển của thế giới hiện tại cũng như tương lai. Mỗi vùng miền có những đặc trưng văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, và truyền thống riêng biệt tạo nên một bức tranh đa dạng, phong phú cho quốc gia. Việc tôn trọng và chấp nhận sự đa dạng này là bước đầu tiên quan trọng hướng tới việc xóa bỏ mọi rào cản, phân biệt vùng miền. Tuy nhiên, thói quen phân biệt vùng miền đang diễn nay trong cuộc sống ngày nay. Trên thực tế, sự kỳ thị vùng miền vẫn còn âm ỉ trong một bộ phận những người có suy nghĩ lệch lạc. Kỳ thị, phân biệt vùng miền Bắc - Nam, thành thị với nông thôn…. đây không phải là một vấn đề mới. Đáng buồn hơn, "vấn nạn" này lại nhận được sự tham gia của không ít người như một cách giải trí tai hại. Mỉa mai, châm chọc phân biệt về từng vùng miền, thậm chí nói lái, công kích bằng những ngôn từ miệt thị - hiện tượng phi văn hóa này không dừng lại ở ý kiến cá nhân mà đang nhân rộng trên nhiều nền tảng mạng xã hội theo xu hướng kích động.
Đã có rất nhiều những fanpage được lập ra như “ Hội ghét người Thanh Hóa”, “ Hội những người ghét thành phố Hà Nội”, “ Hội ghét cay ghét đắng dân Thanh Hóa”, “ Hội ghét dân Bắc Kỳ” những trang này thu hút hàng ngàn người tham gia, hàng ngàn lượt bình luận, đưa ra những lời lẽ xúc phạm một cách vô văn hóa những điều này vô hình chung đã đổ thêm dầu vào lửa đã đẩy nhiều anh em các dân tộc ,các vùng miền trở lên “cảnh giác” với nhau hơn.
Thói quen phân biệt vùng miền để lại tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Nó tạo ra những khoảng cách, hiểu lầm không đáng có giữa người với người, làm suy yếu tinh thần đoàn kết, hợp tác. Nó cũng gây ra cảm giác tự ti, mặc cảm và thậm chí là ác cảm giữa các nhóm người, ảnh hưởng đến môi trường làm việc, học tập và quan hệ xã hội. Đặc biệt, nó gây tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của người bị phân biệt đối xử.
Như chúng ta đã biết, việc phân biệt vùng miền để lại hậu quả khó lường. Vì vậy, chúng ta nên từ bỏ thói quen xấu này. Bởi việc từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền không chỉ giúp xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng mà còn mở ra cơ hội cho mỗi cá nhân phát triển tốt nhất. Mỗi cá nhân là một thực thể sống tồn tại trong xã hội. Mọi người có thể học hỏi và tiếp thu những giá trị tốt đẹp từ văn hóa của nhau, từ đó tạo nên sự đổi mới và sáng tạo trong công việc cũng như cuộc sống. Ngoài ra, việc tôn trọng và hòa nhập giúp tăng cường mối quan hệ giữa các cộng đồng, tạo nên sự đoàn kết và mạnh mẽ chung cho xã hội. Chúng ta hãy từ bỏ thói quen phân biệt vùng miền, nhận thức rõ vai trò của sự đa dạng văn hóa vùng miền. Bên cạnh đó, gia đình, nhà trường đến các phương tiện truyền thông cần nhấn mạnh vào giá trị của sự đa dạng, sự tôn trọng lẫn nhau và tầm quan trọng của việc xây dựng một xã hội hòa nhập, đoàn kết. Các chương trình giao lưu văn hóa, du lịch trải nghiệm cũng là cách tốt để mọi người hiểu và trân trọng văn hóa của nhau hơn.
Thói quen phân biệt vùng miền là một rào cản cần được tháo gỡ để xây dựng một xã hội đa dạng, công bằng và phát triển. Bằng cách nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và tạo dựng môi trường hòa nhập, mỗi cá nhân và cộng đồng có thể góp phần vào việc loại bỏ thói quen này. Hãy cùng nhau hành động để tạo nên một tương lai mà ở đó, tất cả mọi người đều được đối xử công bằng và tôn trọng, bất kể họ đến từ vùng miền nào.