Đọc văn bản sau: LÊN HÀ GIANG DỰ PHIÊN CHỢ NỔI TIẾNG - CHỢ TÌNH KHÂU VAI
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (6,0 điểm) Đọc văn bản sau:
LÊN HÀ GIANG DỰ PHIÊN CHỢ NỔI TIẾNG - CHỢ TÌNH KHÂU VAI
Có một phiên chợ mà việc bán mua chẳng quan trọng, nhưng lại là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc ở Hà Giang. Đó là chợ tình Khâu Vai, hay còn gọi là chợ Phong Lưu, tồn tại hơn 100 năm qua, diễn ra ngày 27/3 âm lịch hằng năm. Từ “Khau Vai” trong tiếng Tày - Nùng nghĩa là “đèo gai”. Nhưng nhiều tư liệu dùng chệch thành “Khâu Vai”. Khách đi du lịch Hà Giang còn gọi đùa đây là chợ Phong Tình. Nguồn gốc của chợ phiên này bắt đầu từ truyền thuyết về chàng Ba người dân tộc Nùng và nàng Út người dân tộc Giáy. Họ yêu nhau say đắm nhưng do không cùng dân tộc, không cùng tổ tiên hay phong tục tập quán. Hơn nữa chàng lại là con nhà nghèo còn nàng là con gái tộc trưởng người Giáy. Bởi vậy mối tình của hai người bị ngăn cấm. [...] Đến khi già, ngày cuối đời họ lại đến đây (núi Khâu Vai), ôm chặt lấy nhau, cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngày họ ra đi cũng là 27/3. Dân làng thương tiếc về mối lương duyên trắc trở này nên đã dựng lên hai miếu thờ Ông, thờ Bà và lấy ngày này làm ngày họp chợ cho các đôi trai gái lỡ duyên. Cũng từ đấy chợ tình Khâu Vai hay còn gọi là “chợ Phong lưu” được diễn ra vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm. Trước đây người đến chợ không nhiều, chủ yếu là những người có mối tình trắc trở, họ yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những ràng buộc của lễ giáo phong kiến, những tập tục lạc hậu. Bởi vậy ngày này là để họ có thể tâm sự hàn huyên sau một hoặc nhiều năm xa cách, thông báo tình hình hiện tại của nhau. Có thể hai vợ chồng cùng đến chợ, khi đến chợ chồng đi gặp người yêu cũ của chồng, vợ đi tìm người tình cũ của vợ, không có sự ghen tuông. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng quá khứ của nhau, coi đấy là trách nhiệm đối với đời sống tinh thần của nhau. Hết phiên chợ, họ lại quay về cuộc sống thường ngày, hẹn đến chợ năm sau lại tới. Đây chính là nét đẹp văn hóa mộc mạc, giản dị của chợ tình Khâu Vai. Trước đây chợ tình Khâu Vai là chợ của những mối tình trắc trở. Từ năm 1991 trở lại đây đến chợ có nhiều thanh niên nam, nữ các dân tộc trong vùng đến chợ để vui xuân và cũng để tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng trong dịp đi chợ tình Khâu Vai. Cũng do bản sắc ca ngợi tình yêu lứa đôi trong sáng này mà chợ tình Khâu Vai giờ được tổ chức như một lễ hội, một sản phẩm du lịch cho du khách đến tham quan tìm hiểu văn hóa. Mà mỗi lễ hội đều sẽ có phần lễ và phần hội. 8 Cứ vào ngày 27/3 âm lịch hàng năm, những chàng trai cô gái dân tộc nơi đây khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất để cùng đến với chợ Phong lưu Khâu Vai. Phần lễ của chợ tình, người dân Khâu Vai sẽ dâng lễ lên miếu Ông, miếu Bà như để nhớ về nguồn cội, những người khai đất khai hoang ra bản làng Khâu Vai và để tôn vinh tình yêu lứa đôi. Già làng làm chủ lễ sẽ dâng hương xin phép bắt đầu lễ hội. Đến phần hội, du khách được chìm đắm trong không khí tưng bừng náo nhiệt của lễ hội, ngây ngất trước khung cảnh núi non hùng vĩ, rạo rực trong tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn du dương, trầm bổng với tiếng khèn Mông, lời hát đối đáp tỏ tình của các chàng trai, cô gái Mông, Nùng, Giáy... Ngoài ra còn có những gian hàng trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc sản Hà Giang để du khách có thể mua về làm quà sau chuyến đi. Lễ hội Chợ Phong lưu Khâu Vai năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Về nơi tình yêu bắt đầu”, có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, như: Trình diễn thổi khèn Mông, trình diễn múa kiếm của dân tộc Giáy xã Nậm Ban, múa nhảy lửa của dân tộc Lô Lô xã Xín Cái, múa trống đồng, múa kéo nhị, điệu nhảy trên cây của dân tộc Lô Lô thị trấn Mèo Vạc, múa trống của dân tộc Giáy thôn Nà Trào xã Tát Ngà, hát dân ca dân tộc Nùng xã Khâu Vai, hát đối giao duyên của dân tộc Nùng, Giáy; các trò chơi dân gian, như: Thi leo cột chinh phục tình yêu, thi tung còn giao duyên, thi đánh yến, thi ném pao, thi địu nước, thi bắn nỏ, thi bịt mắt bắt vịt, thi giã bánh giày […]. Chợ Phong lưu Khâu Vai không chỉ là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị nhân văn cao đẹp mà còn là nơi ca ngợi mối tình trong sáng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng về những giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng và phát triển chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa. Đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng có của đồng bào các dân tộc thiểu số và quảng bá thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
(Theo Phương Linh, https://dangcongsan.vn/ngay10/04/2023)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Văn bản trên thuộc kiểu văn bản nào? (1,0 điểm)
Câu 2. Văn bản trên được tác giả chia làm mấy phần? Đó là những phần nào? (1,0 điểm)
Câu 3. Nhận xét về cách đặt nhan đề của tác giả? (0,75 điểm)
Câu 4. Theo anh/chị, văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì? (0,75 điểm)
Câu 5. Anh/chị có đồng tình với việc duy trì phiên chợ tình Khâu Vai của đồng bào trên cao nguyên đá Đồng Văn không? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 6. Anh/chị rút ra bài học về vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ ngày nay. (1,0 điểm)
Câu 7. Nhận xét về hiệu quả của việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ trong văn bản (0,5 điểm)
II. VIẾT (4,0 điểm) Viết bài văn thuyết minh về hiện tượng hạn hán.
0 Xem trả lời
642