Trong một năm học trường tôi tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn văn nghệ, nhưng để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất đó là buổi biểu diễn văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20 – 11 vừa qua.
Quá trình tập luyện văn nghệ để biểu diễn đã diễn ra nhiều ngày trước đó. Ngay từ buổi sáng hôm đó cả trường đã nhộn nhịp chuẩn bị. Các thầy khiêng bàn, ghép bàn thành một sân khấu cao ở cuối sân, rồi treo phông màn, màu đỏ với hàng chữ vàng cắt dán khéo léo “Buổi văn nghệ mừng ngày 20-11, được giăng lên trông trang trọng và lôi cuốn mọi người như một sân khấu nhỏ của đội văn nghệ chính cống vậy! Những “diễn viên nhí” lo tập duyệt lại các tiết mục của mình trong những phòng học, cửa đóng kín mít nhưng tiếng hát vẫn vang ra nên không thể giấu được những bạn tò mò, tinh nghịch cứ dán mắt vào những khe cửa để xem trước! Còn ở phòng giáo viên cũng vậy, cửa phòng cũng… đóng kỹ, các cô các thầy đang duyệt lại mấy bài hát và dường như có cả một vở kịch nữa! Đến bốn giờ thì tất cả đâu vào đấy. Loa phóng thanh, micrô, ampli đã đầy đủ, dưới sân khấu thì ba hàng ghế dài được xếp thẳng tắp. Các đại biểu và thầy cô giáo đã đến đông đúc. Học sinh từ từ cũng ngồi chật cả mấy dãy ghế. Thỉnh thoảng, một vài chiếc váy đầm xanh đỏ, đính thêm hoa, kim tuyến, đầu cột nơ xinh xinh lại chạy vụt qua khiến bao nhiêu con mắt lại đổ dồn theo. Ấy là các “diễn viên nhí” đấy.
Đúng 8h sáng buổi biểu diễn văn nghệ chính thức bắt đầu. Cô tổng phụ trách Đội với chiếc áo dài vàng thêu hoa bước lên sân khấu nói lời khai mạc, cảm ơn quý vị đại biểu đến tham dự và cô giới thiệu tiết mục đầu tiên.
Tiết mục đầu tiên ra mắt thật ấn tượng, đó là tiết mục hợp ca “Bông hồng tặng cô” do toàn thể học sinh lớp 8A, lớp xuất sắc về mọi mặt, cùng hát. Đệm theo là tiếng trống, tiếng đàn tài nghệ của hai thầy dạy âm nhạc càng làm cho bài hát thêm sức lôi cuốn và xốn xang lòng người. Xong tiết mục ấy là tiết mục múa của lớp 6A. Thế là hai tốp nữ sinh váy đủ màu sặc sỡ, đầu cột nơ hồng, trên gương mặt lại điểm thêm một chút phấn với môi son trông mới xinh làm sao! Ai cũng trầm trồ khen ngợi! Rồi tiếng hát vang lên, các điệu múa cũng bắt đầu theo tiếng hát. Những cánh tay xinh xinh nhịp nhàng đưa lên đưa xuống, qua lại, rồi những động tác uốn người thật dẻo, thật đều cứ thế cho đến hết bài. Tiếng hát vừa dứt cũng là lúc các bạn đã xếp xong thành hàng ngang, duyên dáng cúi đầu chào. Thế là tiếng vỗ tay nhất loạt vang lên kéo dài đến hai phút đồng hồ!
Mọi người lo vỗ tay mải miết, đến khi nhìn lên sâu khấu thì cô Kim Thoa, giáo viên toán của trường đã bước ra sân khấu tự lúc nào với chiếc áo dài màu thiên thanh thật nhã. Cả sân trường im phăng phắc. Từng âm điệu, lời ca của bài “Quê hương” như thấm dần vào từng mạch máu, thớ thịt của mỗi người xem. Những lúc cô lên bổng xuống trầm, nét mặt phúc hậu của cô như giãn ra, bộc lộ rõ tình cảm đối với bài hát mà cô thích nhất vậy. Bài hát vừa kết thúc, một tràng pháo tay giòn giã. Nhiều tiếng yêu cầu cô hát lại lần nữa đồng thanh vang lên, vang lên. Cô cúi đầu chào mọi người rồi lui vào bên trong. Cứ như thế, hết tiết mục này đến tiết mục khác, nhờ chuẩn bị kĩ càng nên đều được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Đặc biệt, gần cuối chương trình có tiết mục xiếc, ảo thuật của thầy Hòa mới là tuyệt diệu! Thầy cũng mặc áo gi-lê, mang giày Tây bóng lưỡng, đầu đội chiếc mũ mà chiều sâu của nó đến hai ba gang tay. Thầy cũng vẽ mặt hề, mới bước ra sân khấu, không ai nín nổi phải bụm miệng cười. Màn đầu tiên thầy tung hứng banh. Thầy tung hứng rất điệu nghệ, kéo dài đến ba bốn phút mà chẳng quả banh nào chạm đất! Cứ sau mỗi màn biểu diễn, thầy lại nhận được những tràng pháo tay thật giòn. Em thích nhất là màn biểu diễn biến chiếc khăn tay thành chim bồ câu trắng! Rõ ràng thầy giở chiếc mũ sâu từ trên đầu xuống, thầy đưa cho mọi người thấy rõ trong ấy chẳng có gì cả, còn chiếc khăn tay trắng mới cáu thấy rút từ túi áo ra. Thế mà bàn tay kì diệu của thầy Hòa sau khi xếp khăn rồi tung lên, lại xếp và bỏ vào nón thì trong nháy mắt, một con bồ câu trắng muốt được thầy lấy ra từ chiếc mũ ấy. Nó đứng trên vành mũ, vươn đôi cánh rồi tung bay lên trời! Vài bạn chạy lên tặng hoa và ôm hôn thầy thắm thiết. Đó cũng là tiết mục cuối cùng. Tràng pháo tay tạm biệt kéo dài mãi mới nhỏ dần. Các lớp và các thầy cô đã biểu diễn hết tiết mục của mình, trời cũng đã trưa, buổi biễu diễn kết thúc trong không khí náo nhiệt của mọi người.