???? Bài làm
Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nghĩ về thơ như thế này:
“Thơ, đong từng ngao nhưng tát bể
Là cái cân nhỏ xíu lại cân đời”
Thật vậy, quá trình sáng tác thơ đối với một nhà văn đâu phải dễ dàng. Ấy là sự cân đo đong đếm viết câu này có hợp lý không, chữ kia có trở thành nhãn tự của bài thơ hay không? Mỗi chữ, mỗi câu viết ra không được thừa, không được thiếu, khi ấy ta mới thu được hạt muối kết tinh của nghệ thuật “lắng ở ô nề” và “đọng ở bề sâu”. Hay nói như nhà thơ Trần Mạnh Hảo: “Một câu thơ hay giống như một cái công tắc điện. Chỉ cần bật lên là sáng cả bài thơ, cũng như sáng cả bài phê bình thơ. Thơ nói cho cùng sống bằng câu chứ ít khi sống bằng bài”.
Từ thuở ban đầu khai sinh, văn chương đã trở thành ông tơ bà nguyệt mai mối tâm hồn tác giả và trái tim bạn đọc, làm nên “sức đồng cảm mãnh liệt và quảng đại”, đặc biệt trong đó phải nói đến thơ ca. “Thơ sở dĩ là thơ bởi vì nó súc tích, gọn gàng, lời ít mà ý nhiều” nên những người viết thơ phải mài giũa ngòi bút thật tinh để có “câu thơ hay giống như công tắc điện. Chỉ cần bật lên là sáng cả bài thơ, cũng như sáng cả bài phê bình thơ”. Như một căn phòng tối mịt mù và lạnh lẽo được thắp sáng bởi ánh đèn, bài thơ cũng tỏa ra nguồn sáng nhờ những câu thơ hay, độc đáo, để lại ấn tượng và neo đậu mãi trong trái tim người đọc. Và chắc chắn những câu thơ hay ấy sẽ thu hút sự quan tâm của những nhà phê bình thơ bởi nó có nhiều khoảng lặng để bàn luận, suy ngẫm, mở ra nhiều chiều hướng phát triển mới mẻ. Nhờ khoảng lặng mà những người yêu thơ ca gần gũi hơn, đồng cảm hơn với nhà thơ, như Tố Hữu từng nhận xét: “Thơ, là cái đó: sự im lặng giữa các từ. Nếu người ta lắng nghe cái im lặng đó, thì có những tiếng dội rất đa dạng và tinh tế”. Vì vậy, thơ ca thường sống và gây ấn tượng bằng những câu thơ thay vì cả bài thơ.
Thơ ca là chốn nghỉ ngơi của tinh thần, là thứ gõ cửa và thức tỉnh trái tim. Thơ ca chân chính phải là nguồn thức ăn tinh thần, nuôi tâm hồn phát triển, không thể là thứ thuốc phiện tinh thần độc hại. Người “phu chữ” của cuộc đời hẳn cũng giống như chàng trai Samet trong “Bông hồng vàng và bình minh mưa” của Pautopxki đi khắp nơi để gom bụi quý tạo thành một bông hồng vàng giá trị. Và công việc ấy lại chẳng dễ dàng khi giám khảo đánh giá nó không ai khác ngoài độc giả. Câu thơ có tồn tại được hay không, có sức hút trong lòng người đọc hay không còn phụ thuộc vào việc nó có hay không, có trở thành điểm nhấn của bài thơ không?
Như giọt nước hiếm giữa một sa mạc rộng lớn, một câu thơ hay là một báu vật vô giá trị vậy, thôi thúc con người tìm chiếc chìa khóa cho nó để tiếp cận tư tưởng của nhà văn. Trần Đăng Khoa - thi sĩ sống ở đời gắn bó với nghề làm thơ cũng cho rằng: “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh”. Mỗi câu thơ hay khi đọc lên sẽ khiến ta phải suy nghĩ mãi, hòa mình đắm chìm vào từng chữ, từng câu, trăn trở tìm cho ra chiếc chìa khóa thơ còn được cất giữ trong ngõ ngách tâm hồn. Cùng một câu thơ nhưng nhiều người với nhiều số phận, nhiều hoàn cảnh sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Vì vậy mà thơ ca có sức sống nối tiếp từ thời đại này sang thời đại khác, từ số phận này sang số phận khác.
Đất nước là một mảnh đất màu mỡ để những nhà thơ gieo trồng nên những tác phẩm ghi đậm dấu riêng của mình. Mảnh đất ấy với những đau thương chưa nghỉ ngơi dưới lăng kính của Nguyễn Khoa Điềm là một “Đất Nước” thật khác, thật không giống ý niệm của những nhà thơ đi trước. “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là một đoạn trích rất dài nhưng tác giả đã thật khéo léo, tinh tế để người đọc có thể nhớ được nội dung chính và tư tưởng của đoạn trích chỉ qua câu thơ: “Để Đất Nước này là Đất Nước nhân dân”. Đó là một câu thơ “chỉ cần bật lên là sáng cả bài thơ, cũng như sáng cả bài phê bình thơ”. Không diễn đạt màu mè với những từ ngữ dát vàng dát bạc, không tô son điểm phấn với những câu chữ khó hiểu, nhà thơ giúp cho người đọc hiểu được Đất Nước này do nhân dân làm ra. Hơn ai hết, người thi sĩ này hiểu được để có được Đất Nước trường tồn, vĩnh cửu thì nhân dân là những người đổ xương máu, đổ công sức của mình để làm nên hình hài đất nước. Vì thế, đất nước không của riêng ai mà là của chung, của nhân dân và mãi thuộc về nhân dân. Có thể nói câu thơ này là một trong những điểm sáng nhất của đoạn trích, là “công tắc điện” giúp trích đoạn này được lưu truyền và sống mãi trong tâm hồn mỗi người. Một câu thơ ngắn gọn, đơn giản nhưng đủ để làm rõ tư tưởng của Nguyễn Khoa Điềm muốn truyền tải qua đoạn trích: Đất Nước này “của dân, do dân, vì dân”. Trong thế giới thơ ca, người ta có thể quên đi Nguyễn Khoa Điềm là ai, “Đất Nước” nói về điều gì nhưng chắc chắn chỉ cần nhắc đến câu thơ “Để Đất Nước này là Đất Nước nhân dân”, người ta nhớ luôn đến nội dung của nó với những tình cảm, cảm xúc không lẫn lộn bao giờ. Vậy có thể nói “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm sống bằng câu thơ hay như vậy.
Bên cạnh đất nước thì có lẽ nỗi nhớ trong tình yêu là thứ làm tốn nhiều giấy mực nhất của mọi dân tộc, mọi thời đại. Tất cả những câu chuyện tình trên cuộc đời này, dù hạnh phúc hay xót xa, dù gần gũi hay xa xôi, dù suôn sẻ hay trắc trở đều để lại những ấn tượng mạnh hay những cảm xúc về nỗi nhớ trong lòng những người đang yêu. Đắm mình trong những trang thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, người đọc không thể nào quên được sự táo bạo, mạnh dạn của nữ thi sĩ khi bộc lộ trực tiếp nỗi nhớ trong tình yêu: “Lòng em nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức”. Có mấy ai dám cá tính như bà hoàng thơ tình khi mượn sóng để nói về tình yêu và thể hiện sự yêu đương cuồng nhiệt đến như vậy. Những câu chữ đó gây ấn tượng với người ta bởi nhớ đến độ trong mơ còn thức. Trong thi đàn văn học Việt Nam, ngoài Xuân Quỳnh ra còn mấy ai có thể diễn đạt nỗi nhớ cả trong tiềm thức? Những con chữ đơn giản xếp ngay ngắn lại với nhau tạo thành những dòng thơ lạ, cuốn hút người đọc phải nghĩ, phải bình mới thấy được sự lạ hóa, sự độc đáo trong cách diễn đạt của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Những dòng thơ ấy đã góp phần khiến cho tên tuổi của Xuân Quỳnh và “Sóng” còn sống mãi, bất diệt cho đến ngày nay.
Cũng diễn đạt như nỗi nhớ người yêu nhưng “Việt Bắc” của Tố Hữu gây thương nhớ bằng những ngôn từ thể hiện tình cảm giữa cán bộ cách mạng và người dân Việt Bắc sau khoảng thời gian dài gắn bó. Hai dòng thơ “Ta với mình mình với ta/ Lòng ta sau trước mặn mà đinh ninh” đã thể hiện được hết ý vị tình nghĩa giữa người ở lại và người ra đi. Dòng thơ đó như điểm sáng của cả bài thơ, là cách biểu đạt ấn tượng mà Tố Hữu gửi đến người đọc khiến cho người ta không thể nào quên được cái tình, cái nghĩa giữa “mình” với “ta”, giữa nhân dân với cán bộ. Yêu mà cứ ngỡ như không phải là yêu, đó là cái ý vị độc đáo, cái hồn cốt, là cái “bật lên mà sáng cả bài thơ”. Chính dòng thơ này cũng đã nhiều lần trở thành tâm điểm bàn luận của những nhà phê bình thơ, của những ai yêu và thưởng thơ. Tình yêu là thứ tình cảm lãng mạn giữa đôi nam nữ, ấy vậy mà lại được Tố Hữu vận dụng tài tình, trở thành tâm điểm sáng ngời của bài thơ. Đó là một hướng đi độc đáo để những dòng thơ đó trở thành nguồn sống cho cả bài thơ.
Giống như thơ haiku của Nhật Bản “lời ít ý nhiều”, mở ra nhiều khoảng lặng để người đọc tự suy ngẫm và tự khám phá những vẻ đẹp của chân trời thơ ca, Thanh Thảo cũng viết nên “Đàn ghi-ta của Lorca” tương tự như vậy. Kết thúc bài thơ là giai điệu “li-la li-la li-la” nghe du dương như âm thanh của những bản hòa ca. “li-la li-la li-la” khiến người ta ấn tượng mãi bởi nó vang lên như một chuỗi nốt đàn buông do người đệm ghi-ta lướt qua hàng dây để kết thúc phần dạo, đánh dấu khoảng ngắt cho người hát chính thức bắt lời trình diễn ca khúc.Và chính tiếng ghi-ta bất tử ấy kết thúc bài thơ như một khúc nhạc tiễn đưa người nghệ sĩ đầy tâm huyết một thời ghi dấu bên tiếng đàn hay là vòng hoa đinh tử hương để viếng linh hồn Lorca. Thứ thơ của Thanh Thảo cho dù có khó hiểu, khó nhớ đến đâu thì “li-la li-la li-la” vẫn vang đọng mãi trong lòng người đọc bởi sự nhẹ nhàng, yên bình mà nó mang lại. Bởi vậy, nó giống như một chiếc đèn được soi chiếu vào căn phòng tối, đọc đến đâu là bừng sáng đến đó.
Tô Đông Pha có nói: “Ý hết mà lời dừng, ấy là cái lời rất mực trong thiên hạ. Song, lời dừng mà ý không tả hết được, lại càng tuyệt”. Câu thơ hay gợi cho độc giả những suy ngẫm, hòa mình vào con chữ để thấm nhuần ý tứ và cảm thụ trọn vẹn giá trị ngôn từ trong tác phẩm. Câu thơ hay âu cũng là thứ vũ khí nhỏ bé lại có võ, không hoa mỹ nhưng đủ hàm súc và sức gợi để làm nên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của văn chương đối với tâm hồn bạn đọc. Như thế mới là những vần thơ trác tuyệt.
Nhà thơ Nga Maiacopxki đã nói:
“Phải phí tổn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Những chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong triệu năm dài”.
Sau bao dụng công xây dựng của nhà thơ, những con chữ xếp thành câu thơ hoàn chỉnh để “bật lên” những ý nghĩa tư tưởng của bài thơ, để sống, để tồn tại trong tâm tưởng của mỗi người yêu thơ, để “triệu trái tim trong triệu năm dài” phải ngân lên khúc ca của sự đồng điệu, hòa quyện nơi tâm hồn. Phải chăng đó là lý do mà từ buổi bình minh của văn chương đến nay, thơ vẫn là tri kỉ lớn nhất của trái tim nhân loại.