Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Mắt sáng ngời, cha tôi ôm thằng cu Tuấn, thằng cu Bị, một đứa cháu nội, một đứa cháu ngoại vào lòng, vừa hôn, vừa nựng chúng trong niềm hạnh phúc khôn tả. Nước mắt tôi lưng tròng.
Tôi thương cha. Cả một đời vượt qua bao nhiêu đớn đau, bệnh tật và khốn khó của đời sống vật chất mà không ít người trong hoàn cảnh tương tự đã nản chí, nản lòng, buông xuôi, mặc cho số phận đến đâu thì đến, nhưng với cha tôi thì không vậy. Cha mẹ tôi sinh hạ được hai người con, một trai, một gái. Nếu như không gặp những bất trắc trong cuộc đời thì gia đình tôi cũng khấm khá như bao gia đình khác. Cha tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê hẻo lánh. Con nhà nghèo, nhưng cha tôi rất chịu khó học hành và học rất giỏi. Nhà quê ngày ấy không có điện như bây giờ, chỉ với ngọn đèn dầu hỏa ấy thế mà cha tôi được đi thi học sinh giỏi ở huyện, ở tỉnh. Sau này cha được vào đại học, rồi tốt nghiệp ra trường được phân công về công tác ở một nhà máy lớn.
Cha gặp mẹ qua một mối tình lãng mạn. Mẹ đến thực tập ở nhà máy, hai người quen nhau và sau này họ thành vợ thành chống. Hai anh em tôi ra đời trong tình yêu vô bờ bến của cha của mẹ. Đất nước vẫn còn giặc, cha lên đường nhập ngũ, hai năm vào chiến trường cha tôi bị thương. Vết thương quái ác làm cột sống của cha vẹo đi, chân teo dần, cha thành người bán thân bất toại... Cha ra bắc an dưỡng được hơn hai tháng thì mẹ xin cho cha về nhà để được trực tiếp nuôi dưỡng. Mẹ đi khắp mọi nơi tìm thầy, nơi nào họ mách có thuốc hay, thầy giỏi là mẹ lên đường, chẳng kể ngày hay đêm, hết đắp lại uống, đủ kiểu. Ba năm sau cha tôi như người từ cõi chết trở về. Cha túc tắc tập đi, tập tự tắm lấy, tự vệ sinh lấy... Sức khỏe của cha dần dần hồi phục. Mẹ mừng lắm, như trẻ lại mấy tuổi. Lúc đó chúng tôi đã vào học cấp ba, đời sống lại càng khó khăn hơn. Nhưng thật không may cho cha con tôi, mẹ tôi ngã bệnh, bà mất trong sự đớn đau vô hạn của cha con tôi. Cha nuốt nước mắt vào lòng, không khóc. Hằng đêm cha ngồi lặng lẽ như kẻ vô hồn trước di ảnh của mẹ. Nỗi đau cứ trải dài, thâu đêm suốt sáng...
Hai anh em tôi vẫn hằng ngày cắp sách tới trường. Ngoài suất lương thương binh của cha, lúc rảnh anh trai tôi đi bán bánh mì, tôi đi bán ngô nướng. Một hôm cha bảo:
- Thu này! Cha muốn xuống xóm Đán trông coi nhà cho bác Phú, bác ấy vào Nam với mấy cậu con, chẳng biết đến bao giờ mới về. Nhà ta cho thuê, còn ở Đán cha con ta trồng rau, nuôi con gà con lợn để có thêm thu nhập, lấy tiền cho con ăn học. Nhưng cha thì bệnh tình như vậy, ai làm hả cha?
- Cha sẽ làm, làm túc tắc con ạ!
Tôi đồng ý để chiều lòng cha. Ở nơi rộng rãi, cha bắt đầu trồng rau, nuôi thêm mấy con gà, rồi cha nuôi thêm đôi lợn. Nhìn cha đi lại khó khăn, lúc cúc chăm gà, chăm rau... trong lòng tôi dấy lên một nỗi niềm thương cha vô hạn. Nhưng thật trớ trêu, tai họa lại ập đến với cha tôi. Chỉ vì thấy cây trứng gà rậm rạp che khuất mất vườn trồng rau, cha bắc ghế trèo lên để phạt bớt mấy cành, nhưng chiếc ghế bị nghiêng, cha ngã nhào xuống đất, vết thương cũ lại tái phát. Cha phải nằm viện liền mấy tháng trời bệnh tình mới đỡ. Về nhà cha lại trồng rau, nuôi lợn, nuôi gà kiếm thêm đồng ra đồng vào.
Năm tôi thi đỗ vào Trường đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội, cha cầm sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền cho tôi ăn học. Được gần một năm, không an tâm ngồi rỗi, cha lên tàu xuôi Hà Nội. Mấy ngày đầu cha cứ bước một, bước một đi quanh quẩn xem xét nơi này, chỗ kia, chung quanh nơi hai cha con ở trọ. Một thời gian sau ông làm quen được với một ông bạn già cùng tuổi, hai ông rủ nhau trông xe đạp, xe máy ở khu tập thể. Ông bạn của cha khỏe hơn thì nhận xe vào bãi rồi dắt xe ra trả, cha yếu hơn thì ghi phiếu nhận tiền, cứ như thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, cha đã trụ lại đất Hà Nội gần 5 năm trời với tôi. Khi tôi học xong, xin việc làm ở Hà Nội ổng mới lại quay trở về Thái Nguyên trông coi nhà cửa. Anh trai tôi cũng đã ra trường, có việc làm, tuy đồng lương ít ỏi nhưng gia đình cũng bắt đầu không phải đi vay mượn nữa. Đời sống của cha con dần dần cũng đủ ăn đủ tiêu. Lúc này cha tôi thường giục tôi:
- Con lấy chồng đi để cha nhìn thấy cháu ngoại trước khi nhắm mắt!
Tôi vừa cười vừa nói với cha:
- Cha còn lâu mới chết, con còn đi học thêm nữa cha ạ!
- Con thương cha thì con lấy chồng sớm cho cha yên lòng.
Tuy cự nự như vậy, nhưng thương cha, tôi quyết định lấy chồng. Đám cưới của tôi giản dị nhưng vui. Cha là người vui nhất, ông chống gậy đi đi lại lại, khuôn mặt sáng bừng lên một niềm kiêu hãnh và hạnh phúc.
Tôi lấy chồng tròn năm thì anh trai tôi cũng xây dựng gia đình. Chị dâu tôi là một người phụ nữ đẹp người, tốt nết, khi chị đang yêu anh, không ít người gièm pha, bóng gió:
- Mày lấy nó là để hầu bố nó phải không?
Rồi thì:
- Gia cảnh nhà nó buồn đến chết, sáng nhìn thấy người què, chiều nhìn thấy
người què...
Nhưng chị dâu tôi thật sự yêu anh tôi. Anh chị làm đám cưới sau hai năm yêu nhau, rồi chị sinh cho cha tôi một đứa cháu trai đẹp như một thiên thần.
Tuy ở Hà Nội, nhưng tháng nào tôi cũng bắt chồng tôi đưa hai mẹ con về thăm cha. Mỗi lần về thăm cha thường bảo:
- Nhà mình tuy nghèo nhưng cũng đã yên ổn, các con có công ăn việc làm, các cháu ngoan, cha lấy làm hạnh phúc và mãn nguyện lắm rồi. Bây giờ mẹ con có gọi cha đi, cha cũng vui lòng!
Tôi nói với cha:
Chúng con được như ngày hôm nay là nhờ vào tình thương của cha, nói dại cha mà mất sớm thì chúng con chắc chẳng nên người! Cha phải sống mà nhìn các cháu của cha trưởng thành chứ!
Cha rơm rớm nước mắt, lặng lẽ nhìn về nơi xa xôi.
Cha vẫn vậy, vẫn chiếc gậy trúc nhấc một nhấc một, cười đùa với hai đứa cháu nội ngoại mỗi ngày. Tôi thường ngồi ngắm cha, trong lòng dạt dào tình cha con.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |