Đặt mình vào vị trí của nhau là thấu hiểu, nhìn nhận, đánh giá, cảm thông với tính cách, lời nói, hành động, việc làm,… của người khác như là thấu hiểu, nhìn nhận, đánh giá, cảm thông với chính bản thân mình. Đặt mình vào vị trí của cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè, đồng nghiệp, những người xung quanh,… để thấy rằng, ai cũng có những suy nghĩ, trăn trở riêng và không dễ nói thành lời.
Khi đặt mình vào vị trí của người khác, chúng ta sẽ có cái nhìn dịu dàng, sẻ chia, tha thứ, bao dung,… với chính cảnh ngộ của họ; chúng ta sẽ không mắc sai lầm, không phán xét chủ quan, hời hợt. Và như ai đó đã từng nói: “Những ai có thể đặt mình vào vị trí của người khác, những ai có thể hiểu những suy tư, cảm nhận của mọi người thì không bao giờ phải lo lắng cho tương lai”.
Cha mẹ nào cũng luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con cái. Thế nên nhiều khi, họ buông lời trách mắng, răn dạy theo kiểu “Thương cho roi cho vọt” hay dạy con theo cách riêng của họ. Chúng ta cứ nói rằng, mình yêu thương và hiểu thấu cha mẹ, thế nhưng thực chất, họ cần gì, muốn gì, ta đâu dễ biết được. Nhiều người con tỏ ra ích kỉ, chỉ biết nghĩ cho bản thân, oán trách cha mẹ, thay vì lắng nghe. Họ không biết rằng chính sự vô tình, vô tâm ấy đã gây tổn thương nghiêm trọng, khiến đấng sinh thành cảm thấy đau khổ, hụt hẫng. Hãy biết đặt mình vào vị trí của cha mẹ để yêu thương, biết ơn và trân quý cha mẹ nhiều hơn.
Gia đình là tế bào của xã hội. Một gia đình hạnh phúc cần được xây dựng dựa trên nền tảng của yêu thương và sẻ chia. Trong gia đình, “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Gia đình có hạnh phúc hay không đều do sự chung tay vun đắp của cả vợ chồng. Thay vì phân định rạch ròi việc chồng, việc vợ; tiền chồng, tiền vợ; nhà chồng, nhà vợ… thì vợ chồng hãy biết đặt mình vào vị trí của nhau để cảm nhận được nỗi vất vả, cực nhọc, sự hi sinh của mỗi người dành cho gia đình. Sẽ chẳng có chuyện cãi cọ, phân bì; sẽ chẳng có chuyện đưa nhau ra tòa ly hôn; sẽ chỉ có niềm vui, hòa thuận, yên ấm, nếu mỗi người biết thực hành được điều đó.