Này là gió thổi khúc tình ca khẽ lay động những bông cúc dại đang nằm ủ rủ bên vệ đường vươn mình đón cái vuốt ve ngọt ngào của gió. Này là bầu trời nhẹ nhàng lững lờ để lộ những đám mây ánh hồng trong ánh nắng hoàng hôn. Này là những giọt nước mắt thoát ra từ trang sách vào cuộc đời để gột rửa bao cằn cỗi sỏi đá để làm mát lòng nhân thế, để những điệu hồn khe khẽ trở mình như những bong bóng mưa len lỏi trên khắp lối về. Có phải vậy không mà hàng ngàn năm nay văn chương cuộn mình trong biết bao nguồn cảm xúc dạt dào, cuộn mình trong cái dòng nóng hổi của tình yêu, tình người nồng thắm. Bao quan niệm độc đáo về văn chương, nghệ thuật được đưa ra. Từ Biêlinxki đến Sêchxpia, VitoHuygo và giờ đây Raxun Gamzatốp đã góp thêm một tiếng nói để hoàn thành những mảnh ghép độc đáo về nghệ thuật: “Giống như ngọn lửa bùng lên từ những cành củi khô, tài năng củng được nuôi dưỡng bằng những tình cảm mạnh mẽ của con người".
Từ khi sinh ra văn học đã đến với con người qua giọng ru ngọt ngào tha thiết của mẹ, qua tiếng thơ êm dịu của bà. Men ngọt ngào của những vần thơ ấy đã khẽ chạm vào trái tim con người rung lên những tình cảm tha thiết. Không phải ngẫu nhiên mà Gamzatốp đã mượn hình ảnh những cây củi khô để nói về tài năng của người nghệ sĩ. “Cành củi khô” đó là chất liệu, là sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự bùng cháy của ngọn lửa lớn, cho sự bừng sáng của những ánh háo quang. Củi khô cũng giống như trái tim của con người vậy, khi đã đủ đầy, khi đã thăng hoa như những mầm non càng đầy nhựa sống thì thất yếu nó sẽ vỡ ra và tung lên những vần thơ cháy bỏng, đắm say. Nếu gió có thể lưu chuyển những đám mây, sông chuyên chở những giọt nước đi ra biển lớn thì cảm xúc đưa trái tim người nghệ sĩ đạt đến mức cực điểm để chuyển hóa thành thơ. Tình cảm càng nồng thì tác phẩm càng hay, cảm xúc càng thăng hoa thì tác phẩm càng thành công. Phải thấu hiểu được qui luật ấy thì người nghệ sĩ mới làm nên tác phẩm xuất sắc cho đời.
Thơ ca phản ánh đời sống. Đời sống chính là chất liệu sơ khai để làm nên một tác phẩm. Nhà thơ như con ong lặn sâu vào cuộc đời để hút cho mình những giọt mật tinh túy nhất để làm đẹp cho nghệ thuật. Nhưng thơ sẽ chết nếu nhà thơ chỉ miêu tả cuộc sống để mà miêu tả, người nghệ sĩ phải gửi vào đó tiếng lòng, tiếng nói tha thiết của mình. Nhà thơ có thể miêu tả vẻ đẹp của một đám mây, một dòng sông, một bức tranh nhưng điều mà nghệ thuật quan tâm là đằng sau ấy người ta tìm thấy tiếng nói, cảm xúc, nỗi lòng của tác giả. Sẽ ra sao khi tác phẩm ấy chỉ là những con chữ nằm thẳng đỏ trên trang giấy? Sẽ ra sao khi văn học chỉ là sự copy cuộc sống một cách máy móc? Khi ấy liệu người đọc có còn thích thú ngâm lên những vần thơ nữa hay không.
Đặc biệt, bản chất của thơ ca là thể hiện đời sống nội tâm của con người. Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Tố Hữu từng viết rằng: “Thơ là điệu hồn đi tìm những tâm hồn đồng điệu”. Tiếng thơ là tiếng lòng, là tiếng nói của lương tri và tình cảm của con người.Bởi vậy tình cảm trong thơ phải là những tính cảm chân thành, sâu sắc, mãnh liệt nhất. Sự hời hợt, nhạt nhẽo, khiên cưỡng sẽ không thể thành thơ. Đọc thơ mà không xúc động, không day dứt, không ám ảnh thì coi như tác giả đã thất bại. Ý kiến của Gamzatốp đã nêu lên yêu cầu của việc sáng tác thơ ca là phải luôn để trái tim mình giữa cõi đời bao la rộng lớn với những rung cảm sâu xa.