Để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt nhóm bàn về vấn đề thần tượng đối với giới trẻ hiện nay, em sẽ chuẩn bị như thế nào? Hãy chuẩn bị cho phần trình bày của mình với những lí lẽ và bằng chứng thuyết phục, đồng thời chuẩn bị cách bảo vệ ý kiến của mình trước sự phản bác của người nghe.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Trả lời:
Để chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt nhóm bàn về vấn đề thần tượng đối với giới trẻ hiện nay, em sẽ làm những việc gì? Hãy chuẩn bị cho phần trình bày của mình với những lí lẽ vầ bằng chứng thuyết phục, đồng thời dự kiến cách bảo vệ ý kiến của mình trước sự phản bác của người nghe.
Bước 1: Xác định đề tài, thời gian và không gian nói
Hãy suy nghĩ xem với người nghe và mục đích của buổi sinh hoạt như vậy thì mình nên lựa chọn nói gì và nói như thế nào, em có bao nhiêu thời gian để nói, …
Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý
- Để tìm ý cho bài trình bày, em có thể trả lời những câu hỏi sau:
+ Thần tượng là gì?
+ Ý nghĩa, vai trò của thần tượng?
+ Nên có cách ứng xử với thần tượng sao cho đúng?
- Dựa trên các ý đã tìm, em hãy vẽ sơ đồ dàn ý, trong đó chú ý làm rõ từng luận điểm bằng những lí lẽ và bằng chứng cụ thể, tiêu biểu và xác thực từ cuộc sống, từ sách báo, …
Bước 3: Luyện tập và trình bày
Hãy xem lại các hướng dẫn ở bài 6 SGK về cách mở đầu, kết thúc, cách lựa chọn từ ngữ và phương tiện phi ngôn ngữ (biểu cảm của nét mặt, động tác hình thể, tranh ảnh, clip, bản nhạc, …) khi luyện tập. Em cũng cần lưu ý cách để làm tăng sự tương tác với người nghe như: nhìn vào mắt người nghe khi nói, nêu câu hỏi cho người nghe. Đồng thời, em thử tự đặt ra một số câu hỏi phản biện mà người nghe có thể đặt ra khi nghe bài trình bày của em và thử trả lời những câu hỏi đó một cách thuyết phục.
Bước 4: Đánh giá
Sử dụng Bảng kiểm trình bày ý kiến về một vấn đề trong đời sống ở bài 6, SGK để tự đánh giá cách trình bày của mình. Sau đó, dựa vào kết quả của bảng kiểm, em hãy tự nhận xét những ưu điểm và hạn chế của bản thân khi trình bày bài nói trên và thử đề xuất cách để khắc phục những điểm hạn chế (nếu có).
* Bài nói mẫu tham khảo:
Xin chào thầy cô và các bạn!
Mọi người thân mến! Nhắc đến văn hóa thần tượng, hầu hết mọi người đều có suy nghĩ tiêu cực về những hình ảnh gào khóc, ăn ngủ ngoài đường đợi chờ thần tượng của các bạn trẻ hiện nay. Vậy rốt cục, thần tượng làm xấu đi bản chất của người hâm mộ, hay việc hâm mộ thần tượng tới mức điên cuồng, vượt ngoài tầm kiểm soát của một số các bạn trẻ hiện nay đang làm xấu đi hình ảnh văn hóa thần tượng trong mắt công chúng, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con mắc chứng “cuồng thần tượng”.
Thần tượng là từ ngữ được dùng để thể hiện sự yêu thích, quý trọng những người nổi tiếng, tài năng trong một lĩnh vực nghệ thuật như phim ảnh, ca nhạc, nhiếp ảnh, thời trang,… Họ thường là những cá nhân được đào tạo bài bản trong khoảng thời gian dài để hoàn thiện kĩ năng. Có thể nói, thần tượng là hình mẫu lý tưởng của đại bộ phận giới trẻ cả về danh tiếng, nhan sắc, tiền tài, sự nghiệp. Chính vì vậy, thần tượng thường có xu hướng bị “thần thánh hóa”, dẫn đến sự “cuồng” một cách quá đà, mất kiểm soát. Các bạn trẻ yêu thích và tôn thờ thần tượng quá khích, dẫn đến những hậu quả vô cùng đáng tiếc cho cả cá nhân và cộng đồng.
Hiện tượng cuồng thần tượng đã và đang vô cùng phổ biến trong xã hội. Cách đây mười năm, khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một” đã gây rúng động xã hội, tạo ra làn sóng phản đối vô cùng gay gắt. Ngay cả bây giờ, những bài báo với tiêu đề như “Fan cuồng mắng bố mẹ vì không cho tiền mua vé xem Sơn Tùng diễn”, “Giới trẻ phát cuồng vì thần tượng: Tình yêu hay khủng hoảng” trên những trang thông tin điện tử đáng tin cậy vẫn thu hút số lượng lớn người quan tâm. Các bạn trẻ có xu hướng “bắt chước” thần tượng về lối sống, cách ăn mặc, quần áo, phong cách vì với họ, thần tượng chính là hình mẫu tiêu chuẩn, hội tụ tất cả những tinh hoa đáng quý. Hay cảnh tượng nhóm bạn trẻ ăn nằm ở sân bay, trên tay là những tấm băng rôn, áp phích in hình thần tượng để chờ đón các nghệ sĩ sang lưu diễn cũng bị đánh giá là rảnh rỗi, điên rồ, mất thời gian, Tệ hại hơn, từ cuồng thần tượng dẫn tới sính ngoại, các bạn trẻ học rất nhanh những câu nói được cho là “ngầu”, sành điệu từ thần tượng và áp dụng trực tiếp vào cuộc sống. Chẳng hay ho gì khi sống ở Việt Nam nhưng một câu tiếng Việt hoàn chỉnh cũng không nói được, buộc phải thêm những từ tiếng Hàn, tiếng Anh sao cho thật chất chơi và phong cách thì mới là hợp thời, đón đầu xu hướng.
Không phủ nhận việc thần tượng một cá nhân hay một tập thể nào đó khiến chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Khi có thần tượng, chúng ta sẽ có mục tiêu phấn đấu, lấy thần tượng làm đích đến để chăm chỉ làm việc, nâng cao hiểu biết và kĩ năng, lấy đó làm động lực thúc đẩy chúng ta hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, việc cuồng thần tượng hoàn toàn không mang lợi ích lợi cho bất kì ai. Đe dọa giết cha mẹ, bỏ nhà ra đi vì không được cho phép đi gặp thần tượng, đó là biểu hiện của suy đồi đạo đức và lối sống. Sẵn sàng bán máu, bán thận để có tiền đi xem thần tượng, đó là liều lĩnh, nguy hiểm, ấu trĩ. Ăn mặc, trang phục lòe loẹt quá đà, cắt những kiểu tóc lố lăng, kệch cỡm đến những nơi như trường học, bệnh viện, đó không phải thể hiện cá tính thời trang mà là sự thiếu tôn trọng người đối diện và thiếu tôn trọng chính bản thân mình. Đương nhiên, cơ thể mỗi người do tự mỗi người quyết định, nhưng tự do quá lố, không phải phép thì quyền ghét bỏ lại thuộc về xã hội và dư luận. Ngoài ra, việc một số bạn trẻ sẵn sàng chịu chi một số tiền khổng lồ để tổ chức sự kiện, mua đĩa, mua phụ kiện của thần tượng cũng gây không ít bất ngờ cho cộng đồng. Đa số những bạn trẻ thường dưới độ tuổi lao động, vậy các bạn lấy tiền ở đâu ra để chi trả cho những sở thích của mình? Một vài trường hợp phụ huynh của các bạn chấp nhận cho con cái chi tiêu một cách thoải mái như vậy, một vài trường hợp cực đoan, các bạn trẻ sẵn sàng đánh đổi những công việc không hợp pháp để có một số tiền lớn nhằm chi trả cho sở thích “cuồng nhiệt” của mình.
Xã hội thường chĩa mũi rìu vào các bạn trẻ hâm mộ văn hóa Hàn Quốc, nhưng không thể bác bỏ rằng, việc cuồng thần tượng bóng đá, thể thao cũng đang tồn tại. Ắt hẳn hầu hết các bậc phụ huynh cũng từng có một tuổi trẻ đam mê những câu lạc bộ bóng đá như Manchester United, Liverpool,… Cụm từ “Hooligan” được dùng để chỉ những cá nhân cuồng bóng đá đến mất kiểm soát, sẵn sàng lột đồ ăn mừng giữa nơi công cộng, ném vỏ chai, rác thải xuống sân thi đấu khi bất mãn. Những hình ảnh gào khóc xấu xí của họ được chụp lại và lưu truyền rộng rãi trên mạng xã hội, để đến khi trưởng thành và nhìn lại, họ có cảm thấy tự hào, vui sướng về quá khứ oai hùng đó của mình hay không?
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng cuồng thần tượng trước hết phải kể đến sự phát triển của các loại hình giải trí. Nếu như ngày trước, các kênh truyền hình bị giới hạn và kiểm soát chặt chẽ trước khi được phát sóng thì ngày nay, với internet và toàn cầu hóa, chúng ta có thể tùy chọn kênh giải trí yêu thích trên khắp thế giới. Truyền thông được trả tiền để xây dựng thần tượng trở thành ngôi sao tỏa sáng, gây cho các bạn trẻ ảo mộng về con người hoàn mĩ, không tì vết mà không bao giờ được nhìn thấy cuộc sống thường nhật của họ. Tuy vậy, xét đến cùng, nguyên nhân vẫn là do cá nhân các bạn trẻ tự lựa chọn cho mình con đường hâm mộ sai trái. Đối mặt với xã hội quá nhiều thiếu thốn thì thần tượng chính là thế giới mà họ mong muốn, khát khao, tạo điều kiện cho sự “cuồng” phát triển mạnh mẽ. Cha mẹ không quan tâm đến đời sống tinh thần của con cái, trường học khô khan, cứng nhắc khiến các bạn trẻ tìm đến những văn hóa giải trí làm giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi. Không có gì đáng nói nếu như chính bản thân các bạn với những hành động thái quá đang ngày càng bôi nhọ chính những sở thích xuất phát với mục đích hoàn toàn lành mạnh, tốt đẹp.
Hậu quả của việc hâm mộ quá đà không khó để có thể liệt kê. Năm 2017, trước sự ra đi của nam ca sĩ Jonghyun, anh đã tự tử sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh trầm cảm, đã có đến sáu người hâm mộ của anh trên toàn cầu tìm cách tự tử theo thần tượng vì quá đau lòng. Hay như khi huyền thoại David Beckham lập gia đình, hàng loạt người hâm mộ đã xuống đường biểu tình phản đối cuộc hôn nhân giữa nam cầu thủ và cô ca sĩ nổi tiếng Victoria của nhóm nhạc Spice Girls. Họ cho rằng hai người đã phản bội lòng tin người hâm mộ bởi kết hôn sẽ khiến phong độ giảm sút và không còn nhiều thời gian dành cho công chúng. Bản thân những thần tượng cũng bị làm phiền bởi sự đeo bám dai dẳng từ fan cuồng. Năm 2019 tại Nhật Bản, thành viên Maho Yamaguchi của nhóm nhạc AKB48 đã bị fan cuồng theo dõi đến tận nơi. Fan cuồng này đã bán thông tin địa chỉ nhà riêng của cô ca sĩ để những người hâm mộ khác kéo nhau đến làm phiền cuộc sống của cả một khu dân phố. Đặt mình vào vị trí của thần tượng, liệu họ có cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi nghe những tin fan hâm mộ hành động thiếu suy nghĩ, bất hiếu với cha mẹ chỉ để đi gặp mình hay không? Khi sự riêng tư của họ bị xâm phạm bởi chính những người yêu thích họ, họ có còn cảm thấy muốn phục vụ công chúng, muốn cống hiến cho nghệ thuật? Câu trả lời đã quá rõ ràng, tuy nhiên dường như một số fan cuồng vẫn cho rằng, họ chẳng qua chỉ là yêu thích thần tượng một cách chân thành và nồng nhiệt mà thôi.
Là người của công chúng, được tô vẽ một cách hào nhoáng, những nghệ sĩ chắc chắn sẽ cảm thấy áp lực với việc giữ gìn hình tượng. Đáng tiếc rằng, chính sự yêu thích quá độ từ công chúng khiến thần tượng thường tìm đến những thú vui giải khuây tiêu cực như chất gây nghiện, chất kích thích. Một khi sự việc bị phanh phui, bị công chúng quay lưng, các fan cuồng trở nên mù quáng. Đứng giữa vòng xoáy dư luận, không mấy ai đủ bản lĩnh để có thể giữ được phong độ. Trong năm qua, sự việc nam thần tượng Seungri của nhóm nhạc Big Bang dính nghi án buôn bán ma túy và tham gia vào đường dây mại dâm, hàng loạt người hâm mộ đã quay sang công kích, lên án hành vi vô đạo đức của anh chàng. Fan cuồng dựa vào cái cớ đó để phản biện, bệnh vực một cách phi lý, vô căn cứ, vô tình khiến dư luận thổi bùng lên ngọn lửa phẫn nộ khi cho rằng những kẻ hâm mộ quá đà đã quên mất cả nhân tính, tiếp tay cho kẻ phạm tội. Cuộc chiến không hồi kết giữa cha mẹ và con cái là fan cuồng, giữa fan cuồng và anti-fan không chỉ gây ảnh hưởng tới thần tượng, tới cách nhìn nhận và suy nghĩ của xã hội về hai tiếng “thần tượng” mà thậm chí, nó còn trực tiếp làm xấu mặt tới những người hâm mộ chân chính.
Đứng trước những hành vi sai trái của các bạn trẻ, gia đình, nhà trường và xã hội cần có định hướng rõ ràng nhằm bài trừ và ngăn chặn. Về phía gia đình, cần dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc và thấu hiểu những sở thích của con, qua đó định hướng đúng đắn, vừa phải để con vừa có thể theo đuổi đam mê, vừa cân bằng với cuộc sống hàng ngày. Nhà trường cần phổ cập giáo dục tư tưởng đến học sinh, tuy nhiên, tuyệt đối không được lên án hay bài xích vì điều đó sẽ gây phản tác dụng. Ngoài ra, trong những buổi giao lưu, thay đổi không khí bằng cách mời những ca sĩ đến góp vui cũng giúp các bạn trẻ cảm thấy được nhà trường tôn trọng, giải tỏa căng thẳng sau những giờ học. Đặc biệt, cá nhân mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về văn hóa thần tượng, không để bản thân sa đà vào những thứ ảo mộng mà xa rời thực tế. Sự liên kết chặt chẽ giữa ba yếu tố trên, cùng định hướng của truyền thông sẽ tạo nên một nền nếp thần tượng văn minh, sạch sẽ và bổ ích,
Thần tượng không xấu, và thần tượng cũng không đáng để bị đánh giá bằng những con mắt khinh miệt, dè bỉu, miễn là bạn kiểm soát nó đúng mực, đúng tầm. Hãy để thần tượng là tấm gương phấn đấu, phát triển, đừng biến thần tượng thành cái gai trong mắt bố mẹ, thành chủ đề khơi nguồn sự cãi vã giữa các thế hệ. Hãy hâm mộ một cách văn minh, văn hóa và có học.
Cảm ơn mọi người đã lắng nghe phần trình bày của tôi!
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |