Sưu tầm tư liệu về những hoạt động của Việt Nam trong một tổ chức quốc tế tiêu biểu và giới thiệu với thầy cô, bạn học.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
(*) Tham khảo: Những đóng góp của Việt Nam trong Liên hợp quốc
Với mong muốn trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, ngay từ những ngày đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa viết thư gửi Khóa họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại Thủ đô Luân-đôn (Anh) tháng 1-1946, khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với những mục tiêu của Liên hợp quốc và bày tỏ mong muốn được góp sức vào công việc chung.
Tại phiên họp lần thứ 32 Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức được công nhận là thành viên thứ 149 của tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này. Đây là sự kiện quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp vào hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội chung của cộng đồng quốc tế.
Bốn mươi năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, vai trò, vị thế của Việt Nam không ngừng được cải thiện và nâng cao; hoạt động của Việt Nam trong Liên hợp quốc ngày càng phát triển cả về phương thức và nội dung với những thay đổi hoặc điều chỉnh lớn theo từng giai đoạn về nhận thức, chủ trương chiến lược, về mục tiêu, chương trình hoạt động... Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng được củng cố và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, được coi là một hình mẫu của quan hệ đối tác vì sự phát triển.
Việt Nam đã tích cực vận động, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ về tinh thần và vật chất của các nước thành viên và các tổ chức Liên hợp quốc cho công cuộc tái thiết đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của Liên hợp quốc phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Liên hợp quốc là một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại.
Trong thời kỳ đổi mới, với việc triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập với khu vực và thế giới, Việt Nam đã tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế.
Với tư cách thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động triển khai chính sách đối ngoại thời kỳ đổi mới, tham gia nhiều hoạt động tại nhiều cơ quan trực thuộc của Liên hợp quốc và trên nhiều lĩnh vực, hoàn thành tốt và phát huy vai trò chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong Liên hợp quốc.
Thứ nhất, Việt Nam luôn hoạt động tích cực cho sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới.
Ngay từ những ngày đầu tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động đóng góp tiếng nói về những vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, hợp tác ở Đông Nam Á. Với vai trò đoàn kết, Việt Nam là nhân tố thúc đẩy sự phát triển và tăng cường vị thế của ASEAN, góp phần quan trọng vào việc đưa Đông Nam Á từ một khu vực bị chia rẽ, đối đầu bởi chiến tranh thành một khu vực hòa bình, hợp tác và phát triển năng động. Đồng thời, Việt Nam tích cực cùng nhiều quốc gia thành viên thúc đẩy Liên hợp quốc thông qua các nghị quyết, quyết định cùng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy vai trò của Liên hợp quốc trong công cuộc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế.
Việt Nam luôn ủng hộ các mục tiêu hàng đầu của Liên hợp quốc, như duy trì hòa bình và an ninh, chống chạy đua vũ trang, giải trừ quân bị, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp, xung đột bằng biện pháp hòa bình, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc. Việt Nam cũng là nước tham gia ký kết nhiều điều ước quốc tế do Liên hợp quốc tổ chức.
Việt Nam đã tích cực đóng góp vào việc đề cao các nguyên tắc cơ bản nhất của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia; đồng thời, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, khách quan, ủng hộ việc bảo vệ lợi ích chính đáng của các bên; tăng cường chia sẻ thông tin với các nước đang phát triển trên nhiều vấn đề, đóng góp vào các nỗ lực chung hướng tới mục tiêu làm cho hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc minh bạch và dân chủ hơn.
Việt Nam đã chủ động và tích cực phối hợp với các nước trong Phong trào Không liên kết, đấu tranh và bảo vệ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, như nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột thông qua thúc đẩy, đối thoại trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế...; đồng thời bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tạo dựng môi trường thuận lợi cho công cuộc phát triển của các nước.
Với tư cách là thành viên của Công ước Cấm vũ khí hóa học (CWC) năm 1998, tham gia đàm phán và là một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT) năm 1996, tham gia và trở thành thành viên của Hội nghị giải trừ quân bị (CD) năm 1996; tham gia quá trình chuẩn bị cho các hội nghị lớn của Liên hợp quốc, như Hội nghị Kiểm điểm NPT, Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ... cho thấy sự chủ động, tích cực xuyên suốt của Việt Nam đóng góp vào công việc chung của Liên hợp quốc. Đặc biệt, trong suốt nhiệm kỳ là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008 - 2009) với hai lần đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò của mình, từ việc điều hành các cuộc họp quan trọng của Hội đồng Bảo an, tạo dựng sự đồng thuận cao trong hầu hết các cuộc họp nghị quyết mà Hội đồng đã thông qua, cho đến việc đề xuất nhiều sáng kiến quan trọng, như tổ chức thảo luận mở về tình hình Trung Đông, về vấn đề hòa bình và an ninh... Điều này cho thấy sự tham gia, đóng góp hiệu quả và có trách nhiệm của Việt Nam trong công cuộc gìn giữ hòa bình và an ninh thế giới, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thế giới và khu vực, đấu tranh bảo vệ các lợi ích quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bảo đảm lợi ích chính đáng của các thành viên.
Ngay từ năm 1996, Việt Nam đã có những đóng góp đối với Quỹ hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế nói chung và đối với việc bảo vệ hòa bình, an ninh thế giới nói riêng. Tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc là một bước tiến mới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, thể hiện vai trò và nghĩa vụ của một thành viên Liên hợp quốc, đóng góp thiết thực vào hòa bình và an ninh thế giới. Cho đến nay, Việt Nam nằm trong số 124 quốc gia tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Thứ hai, hoàn thành tốt các công việc của một quốc gia thành viên Liên hợp quốc.
Với tư cách một thành viên Liên hợp quốc, Việt Nam luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tích cực tham gia các cơ chế hoạch định chính sách, các diễn đàn do Liên hợp quốc tổ chức, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Liên hợp quốc xây dựng các chương trình hợp tác hiệu quả và ngày càng mang tính chiến lược lâu dài, toàn diện, chủ động đưa ra nhiều sáng kiến mới.
Với ý thức trách nhiệm cao đối với vấn đề cải tổ Liên hợp quốc, Việt Nam thể hiện sự chủ động, tích cực trong việc triển khai thí điểm mô hình “Một Liên hợp quốc” trong khuôn khổ Sáng kiến thống nhất hành động của Liên hợp quốc. Và thực tế những năm qua, sáng kiến này đã có những thành công nhất định, tăng cường tính gắn kết và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ Việt Nam của hệ thống các tổ chức Liên hợp quốc. Đây cũng là những đóng góp thiết thực của Việt Nam vào quá trình cải tổ hệ thống Liên hợp quốc hiện nay và là nền tảng cho khuôn khổ hợp tác ngày càng hiệu quả hơn giữa Việt Nam và Liên hợp quốc trong thời gian tới. Ngôi nhà chung Liên hợp quốc tại Việt Nam là Ngôi nhà chung đầu tiên của Liên hợp quốc trên thế giới, chính là đóng góp cụ thể, nổi bật của Việt Nam vào công cuộc cải tổ Liên hợp quốc.
Đặc biệt, việc Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc khu vực Á - Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững vào đầu tháng 3-2017 đánh dấu sự đóng góp của Việt Nam trong 40 năm qua kể từ khi gia nhập tổ chức lớn nhất thế giới này và năm thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018.
Có thể nói, chặng đường tham gia đóng góp của Việt Nam trong Liên hợp quốc là sự thể hiện sinh động chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước Việt Nam; khẳng định cam kết của Việt Nam đóng góp tích cực, xây dựng, hợp tác và có trách nhiệm vào các hoạt động của Liên hợp quốc vì lợi ích phát triển chung của thế giới; đồng thời cũng thể hiện sự vận dụng và sáng tạo có hiệu quả các bài học của thời kỳ đổi mới, tạo ra những điều kiện thuận lợi để Việt Nam nâng cao uy tín và vị thế trên trường quốc tế. Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế nhiều lần đánh giá cao sự đóng góp nhiều mặt của Việt Nam, coi Việt Nam là quốc gia sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn hỗ trợ phát triển, triển khai thành công các chương trình của Liên hợp quốc, như các dự án về dân số và trẻ em, bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, hợp tác ba bên, trở thành quốc gia đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra, như hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) cũng như việc tích cực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Sự tham gia, đóng góp của Việt Nam trong 40 năm qua góp phần củng cố, duy trì, bảo vệ môi trường hòa bình chung trong khu vực cũng như trên thế giới, góp phần khẳng định tư cách là một quốc gia độc lập, bình đẳng trong cộng đồng quốc tế, đấu tranh và bảo vệ các quyền dân tộc trên các diễn đàn quan trọng của thế giới. Đồng thời, góp phần quan trọng đưa kinh tế Việt Nam hội nhập nền kinh tế khu vực và thế giới.
Chặng đường 40 năm là thành viên của Liên hợp quốc cũng mang lại cho Việt Nam những kinh nghiệm về ngoại giao đa phương. Đó là luôn quán triệt tư tưởng đặt lên hàng đầu lợi ích quốc gia, dân tộc với mục tiêu xuyên suốt là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, kết hợp với tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đó còn là bài học kiên trì chủ trương đẩy mạnh hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, đấu tranh với những biểu hiện xâm hại lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội trên thế giới. Đó cũng là bài học về sự kiên trì nỗ lực phấn đấu, sự khéo léo kết hợp nội lực và ngoại lực tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, tranh thủ những tiềm năng của Liên hợp quốc để phát huy tối đa hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực...
Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến chuyển sâu sắc, nhanh chóng, khó lường, cùng với các quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các đối tác của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn khẳng định vai trò của Liên hợp quốc trong giải quyết các vấn đề quốc tế, đồng thời nỗ lực khẳng định là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, cùng phấn đấu vì lợi ích chung của các dân tộc, vì hòa bình và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới./.
Tham gia Cộng đồng Lazi trên các mạng xã hội | |
Fanpage: | https://www.fb.com/lazi.vn |
Group: | https://www.fb.com/groups/lazi.vn |
Kênh FB: | https://m.me/j/AbY8WMG2VhCvgIcB |
LaziGo: | https://go.lazi.vn/join/lazigo |
Discord: | https://discord.gg/4vkBe6wJuU |
Youtube: | https://www.youtube.com/@lazi-vn |
Tiktok: | https://www.tiktok.com/@lazi.vn |
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |