Thứ nhất: giáo dục ý thức tham gia giao thông từ mỗi gia đình. Gia đình là nơi mọi thành viên sẻ chia, tâm sự, trao đổi thông tin, tình cảm. Đây cũng là môi trường giáo dục đầu tiên đối với mỗi con người. Vì vậy, ở mỗi gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, nhắc nhở ý thức tham gia giao thông cho các thành viên trong gia đình của mình, đặc biệt là người lớn phải gương mẫu, phải có ý thức tham gia giao thông an toàn để con em học tập.
Thứ hai: tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông ở nơi cư trú, cơ quan, trường học, nơi làm việc của người lao động, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Mỗi người đều tham gia ở ít nhất một tổ chức, có thể là ở địa phương, ở nơi làm việc, có thể là ở trường học, là các câu lạc bộ, hội, đội, nhóm... chính ở những tổ chức này, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông phải được triển khai và phải làm nghiêm túc để các thành viên của mình được nghe, được biết, được hiểu và cùng nhau chia sẻ, rút kinh nghiệm, từ đó có sự cải thiện trong tư duy, cải thiện về ý thức tham gia giao thông của mỗi người.
Thứ ba: công tác tuyên truyền, giáo dục, phải có nội dung, phương pháp khoa học để có hiệu quả cao. Hiện nay, nếu chỉ tuyên truyền bằng lời nói chưa đủ sức thuyết phục, trên các phương tiện thông tin đại chúng hàng ngày vẫn cập nhật tin tức giao thông, những hình ảnh về tai nạn giao thông. Những tư liệu đó khi tác động vào trực quan của con người sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ý thức của mỗi người. Thực tế, nhiều người khi trực tiếp chứng kiến hoặc thấy các vụ tai nạn giao thông trên báo chí, truyền thông đã bị ám ảnh rất lâu, điều đó cũng đã có sự tác động lớn đến ý thức tham gia giao thông của họ. Do vậy, trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông, nên đưa ra các hình ảnh, các số liệu cho người nghe biết.
Thứ tư: sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền. Ngày nay, giới trẻ sử dụng các trang mạng xã hội ngày càng nhiều, đây là một kênh thông tin có sức lan tỏa nhanh và hiệu quả rộng rãi. Việc sử dụng các trang mạng xã hội để chia sẻ những thông tin về tai nạn giao thông, hậu quả của tai nạn giao thông, cảnh báo những sự cố bất an toàn khi tham gia giao thông, kinh nghiệm tham gia giao thông an toàn... sẽ được giới trẻ đón nhận và phản hồi rất tích cực.
Thứ năm: phải thực hiện nghiêm các quy định, pháp luật của Nhà nước về giao thông. Việc xử lý các hiện tượng vi phạm luật giao thông phải nghiêm minh, rõ ràng. Nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ CSGT, thanh tra đô thị, những cơ quan đơn vị có trách nhiệm liên quan. Không để xẩy ra những tình trạng tiêu cực như thời gian qua.
Thứ sáu: có sự quy hoạch hạ tầng giao thông đồng bộ, hợp lý; nâng cấp hệ thống trang thiết bị biển báo, đèn tín hiệu... đảm bảo đúng kỹ thuật; áp dụng các công nghệ quản lý, giám sát người tham gia giao thông mà các quốc gia khác đã làm có hiệu quả...