Vũ Thế Phong
Đề 1. Đọc đoạn văn bản sau: (Lược: Sau khi từ Sài Gòn trở về vì đau tim, Thứ bị thất nghiệp. Đích, anh họ Thứ, chung vốn với Oanh, vợ chưa cưới của Đích, mở một trường tư ở ngoại ô Hà Nội. Do được bổ đi làm ở xa, Đích mượn Thứ đứng chân hiệu trưởng và mời dạy mấy lớp. Ban đầu, Thứ rất hào hứng, tận tâm nhưng chỉ ít lâu, anh chán nghề…Bao nhiêu tiền thu được đều vào túi Oanh. Oanh không những bóc lột sức lao động của Thứu và San (một giáo viên của trường, dạy các lớp dưới) mà khi nấu cơm cho họ, Oanh còn bắt họ ăn uống quá kham khổ. Nhiều lần Thứ định nói chuyện dứt khoát với Oanh để giải thoát cho mình và tổ chức lại cái trường cho tử tế. Nhưng bản tính nhút nhát, do dự, sợ va chạm nên Thứ cứ ngần ngại, để tình trạng nặng nề kéo dài. Cuộc sống chung đụng ngày càng không chịu nổi vì thói keo bẩn, thớ lợ của Oanh. Thứ bực và buồn lắm vì thấy rằng sống với người nhỏ nhen thì mình cũng thành nhỏ nhen.) ​Thứ không đáp. Y ngẫm nghĩ. Mặt y hầm hầm và đôi môi y chụm lại. Rồi y hằn học bảo: ​- Kiếp chúng mình, tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tí. Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực lo tính đều chỉ dùng vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong ước đẹp, những hy vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói. Lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực? Thứ vẫn không thể nào chịu được rằng sống chỉ làm thế nào cho mình và vợ con có cơm ăn, áo mặc thôi. Sống là để làm một cái gì đẹp hơn nhiều, cao quý hơn nhiều. Mỗi người sống, phải làm thế nào cho phát triển đến tận độ những khả năng của mình vào công cuộc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi, phải để lại một chút gì cho nhân loại. Có thú vị gì là cái lối sống co quắp quá ư loài vật, chẳng biết việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì. Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm gì sát đất. Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát, từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét. Thứ thường có những lúc sực nhớ đến những cao vọng của mình xưa, ngán ngẩm buồn, tiếc cho mình. Y cứ đinh ninh rằng giá y không bị nghèo thì có lẽ y không đến nỗi đớn hèn thế này đâu. Có lẽ y sẽ làm được một cái gì. Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt! (Nam Cao, Sống mòn, in trong Tuyển tập Nam Cao, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, 2005, tr.259-260) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định nhân vật chính trong đoạn trích. Câu 2. Đoạn trích đề cập đến hiện thực nào trong đời sống của người trí thức giai đoạn trước Cách mạng Tháng Tám? Câu 3. Phân tích tác dụng của việc sử dụng câu cảm thán trong đoạn văn bản sau: “Hỡi ôi! Người ta đã phí bao nhiêu tâm huyết, bao nhiêu công lao để giải thoát, từ bỏ tất cả những phú quý vinh hoa của đời mình. Vô ích cả, chừng nào nhân loại chưa thoát khỏi những xiềng xích của cái đói và cái rét.” Câu 4. Nhận xét về diễn biến tâm trạng của nhân vật Thứ trong đoạn trích trên. Câu 5. Từ suy nghĩ của nhân vật Thứ rằng “Biết bao nhiêu tài năng không nảy nở được, chỉ vì không gặp được một cái hoàn cảnh tốt!”, em hãy nêu suy nghĩ của bản thân về vai trò của hoàn cảnh đối với sự thành công của con người. Câu 6. Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiệu quả của việc sử dụng ngôi kể thứ ba trong đoạn trích trên.