Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi trữ tình. (10 mẫu)

Hãy viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một tác phẩm thơ hoặc văn xuôi trữ tình. (10 mẫu)

1 trả lời
Hỏi chi tiết
12
0
0
Phạm Minh Trí
11/09 15:37:07

Mẫu 1

Đất nước là một đề tài quen thuộc từ xưa đến nay của các nhà thơ nhà văn. Nguyễn Đình Thi chính là một gương mặt tiêu biểu cho đề tài này, Đất nước Nguyễn Đình Thi không giống với bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. Các câu thơ trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi là các câu dài, ngắn xen kẽ nhau, nhịp điệu biến đổi linh hoạt. Hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao. Nhà thơ chú ý diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật. Trong đó có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tưởng.

Mẫu 2

Từ việc cảm nhận bài thơ Đất nước, ta thấy được nhiều nét đặc sắc nghệ thuật của bài thơ. Tác giả lựa chọn thể thơ tự do, phóng khoáng không bị bó buộc về số chữ trong một câu, số câu trong một bài vừa tạo ra nét độc đáo về hình thức cho bài thơ, vừa là cơ hội để dòng chảy của cảm xúc được phát triển một cách tự nhiên. Bằng việc sử dụng các chất liệu văn hóa dân gian với đa dạng các thể loại: từ phong tục – tập quán sinh hoạt của nhân dân đến các thể loại của văn học dân gian như ca dao – dân ca, truyện cổ tích, truyền thuyết, sự tích, …Điều đặc biệt là tác giả sử dụng một cách sáng tạo, không trích dẫn nguyên văn mà chỉ trích một vài từ nhưng người đọc cũng có thể hiểu về thi liệu dân gian ấy. Giọng thơ trữ tình – chính luận, là sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước và con người.. Bài thơ như một lời ca, lời hát chạm đến trái tim người đọc

Mẫu 3

Đất nước là đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học mà các nhà thơ luôn tìm đến để khai thác. Nguyễn Đình Thi chính là một gương mặt tiêu biểu cho đề tài này, nổi tiếng vời bài thơ Đất nước. Bài thơ đã nói về một đất nước mỗi lúc lại hiện ra với một vẻ mặt mới lấp lánh, đa dạng và hàm chứa một nội dung cụ thể lịch sử. Các câu thơ trong bài có độ dài, ngắn xen kẽ nhau cùng nhịp điệu biến đổi linh hoạt. Ngoài ra, bài có sự kết hợp với những hình ảnh sinh động, biểu cảm, có những đoạn hình ảnh tương phản, có sức khái quát cao tạo cho đoạn thơ như một áng văn hay ca ngợi về tình yêu quê hương, đất nước. Đồng thời, nhà thơ chú ý diễn tả sâu sắc, tinh tế tiếng nói nội tâm của nhân vật trữ tình. Trong đó có sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tưởng.

Mẫu 4

     Đất nước là một trong những bài thơ hay nhất của tác giả Nguyễn Đình Thi. Bài thơ có thời gian thai nghén suốt một thời gian dài, là một bản tổng kết về hành trình dài của đất nước từ những năm thực dân Pháp giày xéo, đau thương trong chiến tranh đến ngày ca khúc ca chiến thắng. Bài thơ khá dài, có nhiều khổ thơ hay, đặc biệt là khổ thơ đầu tiên:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

…………………………..

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

7 câu thơ đầu chính là nỗi nhớ của người ra đi trước mùa thu của Hà Nội. Mang tâm sự của người lính ra đi,chưa có ngày trở về, nhà thơ vô cùng bồi hồi, xao xuyến khi nhớ về mùa thu Hà Nội, một mùa thu đẹp với bao nhiêu cảnh, bao nhiêu tình:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Mùa thu trong nỗi nhớ hiện ra qua cái không khí rất đặc trưng “sáng mát trong”: gợi ra không gian mát lành của hồn thu, trời thu. Phép so sánh sáng mát trong với như sáng năm xưa, gợi lên một mùa thu trong quá khứ, không rõ là thời điểm nào nhưng chắc chắn đó là những ngày tháng tươi đẹp nhất của mùa thu Hà Nội. Đó có thể là mùa thu năm 1945, trước quảng trường Ba Đình lịch sử mà chủ tịch đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, hoặc là mùa thu của những ngày tháng còn hoà bình. Mùa thu ấy hiện ra qua không khí, tiết trời và qua những thức quà rất giản dị “hương cốm mới”, “trái hồng chín đỏ”, “trái na thơm lừng”... thật bình dị, thân thương mà ý nghĩa làm sao. 

Chính trong không khí như vậy nhà thơ hồi tưởng về “ những ngày thu đã xa”. Ở thời điểm hiện tại nhà thơ nhìn về những năm tháng quá khứ, “nhớ” đồng hiện cả quá khứ và hiện tại trong một khổ thơ.

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội 

Những phố dài xao xác hơi may

Lúc này đương độ thu chín nhất nên cảm nhận rõ được cái chớm lạnh, chưa gay gắt, khắc nghiệt như mùa đông nhưng cũng đủ để gợi cảm giác mơn man nơi da thịt. Trong không khí lành lạnh của mùa thu đó là hình ảnh của những con phố dài đang trong mùa thay lá, xao xác những chiếc lá vàng rụng, từ láy “xao xác” kết hợp với “hơi may” khiến cho câu thơ có nhịp điệu trầm, buồn. Phải chăng đó cũng là tâm trạng của những con người đã lâu không được cảm nhận cái không khí của mùa thu Hà Nội. 

Kết thúc khổ thơ là hình ảnh của người ra đi “đầu không ngoảnh lại”. Người ra đi ở đây ta có thể hiểu là những người lính quyết tâm ra đi vì non sông đất nước, đi để bảo vệ Hà Nội, với quyết tâm đất nước thoát khỏi giày xéo của chiến tranh. Người ra đi ôm bao hoài vọng, chí lớn nên có tư thế ngang tàng, quyết tâm “không ngoảnh lại”, nghe như âm vang của lời thề “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” . Cái quay lưng đi quyết tâm như thế nhưng tấm lòng, sự vương vấn với Hà Nội sao có thể dứt khoát ngay được, thế nên mới có cảnh “sau lưng thềm…rơi đầy:”

Một đoạn thơ ngắn nhưng đã thâu tóm được trọn vẹn cái hồn của mùa thu miền Bắc nói chung và mùa thu của Hà Nội nói riêng. Mùa thu đẹp đến nao lòng nhưng cũng có cái gì đó buồn đến tê tái. Nhất là khi ấy đất nước còn đang bị giày xéo đau thương do chiến tranh mang lại. Thông qua bài thơ chúng ta cảm nhận được tình yêu kín đáo nhưng sâu sắc của nhà thơ dành cho Hà Nội, tự hào về mảnh đất nghìn năm văn hiến này.

Mẫu 5

Nguyễn Đình Thi làm thơ từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thơ ông mang bản sắc và giọng điệu riêng vừa tự do, phóng khoáng, vừa hàm súc, vừa sâu lắng suy tư. Đặc biệt, Nguyễn Đình thi co những bài thơ đằm thắm, thiết tha về quê hương đất nước Việt Nam lam lũ, đau thương đứng lên chiến đấu và chiến thắng. Đất nước là một thi phẩm xuất sắc nhất cho sự nghiệp thơ ca của ông. Chỉ vài nét phác họa, phát thảo nhẹ nhàng, nhà thơ đã gợi lên được cái hồn của mùa thu Hà Nội năm xưa, cổ kính, đẹp một cách hắt hiu, vắng lặng và còn phảng phất nỗi buồn.

     Tác giả mở ra một không gian vô cùng an lành, êm đềm gợi bao cảm xúc:

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

     Tín hiệu gợi nhắc về mùa thu Hà Nội: sáng mát trong và gió thổi mùa thu hương cốm mới, đây là những nét đặc trưng quen thuộc của mùa thu Bắc Bộ, mùa thu Hà Nội. những hình ảnh trong hiện tại có sức gợi nhớ về ngày rời Hà Nội cổ kính, thơ mộng. Mùa thu Hà Nội ngày xưa trở về trong ký ức nhà thơ:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

     Từ láy gợi tả gợi lên cảnh mùa thu với nét quen thuộc, có nắng, có lá vàng rơi, có gió heo may – một mùa thu rất nhẹ, rất thơ mang nét buồn xao xuyến đọng lại trong lòng người ra đi. Bức tranh mùa thu có hình khối, đường nét, màu sắc những chứa đầy tâm trạng của người ra đi “Người ra đi… lá rơi đầy”. Cảnh sắc mùa thu chân thực, thi vị, mang đậm đặc trưng mùa thu Hà Nội nhưng thoáng buồn: những buổi sáng mát trong, gió thổi, hương cốm, chớm lạnh, hơi may xao xác, nắng lá, phố phường Hà Nội. Người ra đi: “đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm…”. Hình ảnh con người ra đi với tư thế và dáng đi tỏ ra kiên quyết, dứt khoát nhưng tâm hồn vẫn lưu luyến với trời thu Hà Nội, với những gì thơ mộng của thủ đô yêu dấu. Những chàng trai Hà Nội sẵn sàng từ biệt căn nhà, góc phố ra đi làm nghĩa vụ của một công dân. Cảnh thu và con người Hà Nội cũng chính là niềm tự hào của tác giả.

     Trong hoài niệm của nhà thơ, mùa thu Hà Nội với những cảnh vật thiên nhiên và con người hiện ra thật cụ thể và sinh động. Còn tâm trạng của nhà thơ phảng phất một nỗi buồn hiu hắt. Mùa thu Hà Nội đẹp nhưng buồn thấm thía bởi nhân vật trữ tình phải ly biệt Hà Nội để đi tìm con đường thoát vòng nô lệ đau thương, tủi nhục.

Mẫu 6

Đối với mảnh đất quê hương của mình, ai mà chẳng có những kỉ niệm, sự gắn bó, thân thương. Bài thơ “Đất nước” ra đời với tất cả sự nâng niu, ấp ủ của tác giả trong một thời gian dài 1948 - 1955. Mặc dù dựa trên những suy ngẫm của tác giả về đất nước và con người Việt Nam từ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” (1948) và “Đêm mít tinh” (1949). “Đất nước” vẫn có được tính chỉnh thể của một tác phẩm nghệ thuật và người đọc vẫn cảm nhận được nó một cách sâu sắc.

Khơi nguồn cho những cảm xúc và suy ngẫm về đất nước là những cảm giác trực tiếp trong một buổi sáng mùa thu gợi lên nỗi nhớ về đất nước:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những mùa thu đã xa”

Hà Nội hiện lên trong tâm tưởng người thanh niên trí thức đi theo tiếng gọi cách mạng với tất cả những hình ảnh thân thuộc ngày nào: buổi sáng mùa thu trong lành, gió nhẹ thổi và đặc trong gió thoang thoảng mùi hương cốm mới - một mùi hương rất đỗi quen thuộc của Hà Nội - đã gợi lên trong tâm trí nhà thơ một nỗi nhớ da diết, bồi hồi. Chỉ bằng vài nét phác họa tác giả đã gợi lên cả không gian và thời gian, cả màu sắc và hương vị. Một điều gây thắc mắc cho ta là tại sao giữa vùng rừng núi Việt Bắc lại có được mùi “hương cốm mới” ấy. Nhưng nếu liên hệ, đến hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, có lẽ mùi hương cốm ấy là có thật và điều này cũng có thể được hiểu: các chiến sĩ hoạt động ở vùng rừng núi rất ít khi có điều kiện về Hà Nội thăm gia đình, do đó mỗi lần về Hà Nội họ đều nhớ mang theo đặc sản của quê hương - cốm. Khi trở lại Việt Bắc và mùi hương cốm vào buổi sớm tinh mơ có lẽ bắt nguồn từ đó. Ắt phải là một người yêu quê hương ghê gớm lắm tác giả mới cảm nhận được mùi hương ấy. Và có lẽ mùi hương cốm mới đã dẫn nhà thơ ngược dòng thời gian, sống lại những kỉ niệm xưa:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Mùa thu Hà Nội với những cảnh vật thiên nhiên và con người hiện ra trong hoài niệm thật cụ thể, sinh động và gợi cảm. Sự nhạy cảm, tinh tế đã giúp nhà thơ nhận ra cái “chớm lạnh” của buổi sáng mùa thu, cảm giác thật cụ thể cái “xao xác hơi may trên những phố dài”. Câu thơ rất gợi cảm, đầy ấn tượng, một phần là nhờ cách đảo ngữ: “Những phố dài xao xác hơi may”. Cả Hà Nội dường như trở thành một thành phố trống không, chỉ có những chiếc lá vàng bị những đợt gió heo may cuốn bay. Nhân vật người ra đi - có lẽ là người duy nhất và cuối cùng giã biệt Hà Nội để lên chiến khu Việt Bắc để lại thềm nắng đầy lá vàng rơi cho nên “đầu không ngoảnh lại” nhưng là cả một sự xao xuyến, bâng khuâng trong tâm tưởng. Hình ảnh người ra đi giữa không gian đầy màu sắc ánh sáng, tạo một ấn tượng sâu đậm, chất chứa những nỗi niềm, những tâm trạng. Với bảy chữ “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” tác giả đã vẽ nên một bức tranh cực kì gợi cảm: Một người đang bước đi, sau lưng là thềm nhà đầy nắng vàng và lá rụng. Có thể nói bốn câu thơ viết về mùa thu Hà Nội trong niềm hoài niệm của nhà thơ là những câu thơ hay nhất, đẹp nhất của bài thơ. Quả là một mùa thu buồn. Mùa thu thường buồn nhưng mùa thu ở đây có một nét buồn khó hiểu hơn. Đó là cái buồn của người công dân trong cảnh nước nhà đang rơi vào vòng máu lửa, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, mọi người rời lên chiến khu để tham gia kháng chiến, phố phường trở nên hoang vắng và hiu hắt buồn.

Mẫu 7

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ tài hoa. Ông có sự gắn bó mật thiết đối với nền văn học Cách mạng ở Việt Nam từ những ngày đầu trứng nước (từ ngày thành lập Hội Văn hóa Cứu Quốc (1943) cho đến nay). Ông cống hiến tích cực trên nhiều lĩnh vực văn học (thi ca, truyện, kịch, phê bình văn học), thảo luận triết học, sáng tác nhạc. Ông được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - 1996). Trong lĩnh vực sáng tác thi ca, Nguyễn Đình Thi đã để lại cho đời tác phẩm Đất nước. Bài thơ được sáng tác trong quãng thời gian 8 năm (1948 - 1955), diễn tả quá trình nhận thức về kháng chiến, sự hình thành, nảy nở tình cảm yêu nước, căm thù bè lũ cướp nước và khái quát những chặng đường kháng chiến chống Pháp đau thương nhưng anh dũng, gian khổ nhưng vĩ đại của dân tộc ta.

Chúng ta hãy tìm hiểu phần thứ nhất của bài thơ (từ câu đầu đến câu 21):

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Nguyền Đình Thi cảm nhận về đất nước thân yêu của mình bắt đầu từ buổi sáng tinh khiết của mùa thu. Trời thu mát mẻ, trong trẻo “mùi hương cốm mới” hòa quyện trong những làn gió nhẹ mơn man gợi cảm giác thi vị và cũng gợi cho chúng ta nhớ đến hương vị thơm ngon của lúa nếp trong câu thơ của Hoàng Cầm “Quê hương ta lúa nếp thơm nồng” (Bên kia sông Đuống). Từ mùa thu nơi núi rừng Việt Bắc, mùa thu độc lập, tự do, mùa thu của quê hương cách mạng, Nguyễn Đình Thi đưa điểm nhìn về “Những ngày thu đã xa”. Có thể nói, nhà thơ chỉ:

Vặn đàn mấy tiếng dạo qua

Dẫu chưa nên khúc tình đà thoảng bay.

Lòng tác giả nhớ về mùa thu Hà Nội:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Khung cảnh Hà Nội hiện lên thật đẹp, bàng bạc chất thơ. Tiết trời chỉ “chớm lạnh” - cái lạnh rất đặc trưng của Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Cái lạnh làm rung động hồn người. Cái lạnh gợi thi hứng khác hẳn cái lạnh lẽo của mùa đông. Những cơn gió heo may xao xác đầu mùa rải trên đường phố tĩnh lặng làm cho phố phường dài hơn, rộng hơn. "Xao  xác” là từ láy được nhà thơ dùng “rất đắt”. Đặc biệt những tia nắng hanh vàng soi trên “thềm nắng lá rơi đầy” gợi được thần sắc riêng biệt của vẻ đẹp mùa thu. Chính vì Hà Nội luôn ở nơi hồng trái tim của Nguyễn Đình Thi nên nhà thơ mới miêu tả đúng vẻ đẹp của mùa thu Hà Nội như thế. Tuy nhiên, cảnh sắc ấy dưới điểm nhìn của tác giả có chút xao xuyến, bâng khuâng, buồn lặng lẽ. Nhưng không thể vui được khi Hà Nội vẫn còn bóng dáng của quân cướp nước, bán nước. Cho nên, “Người ra đi đầu không ngoảnh lại'’. Câu thơ đã vẽ lên bức chân dung tự họa của thi sĩ Nguyền Đình Thi. Tâm trạng người ra đi mang nặng niềm thương mến, vấn vương. Vì lí trí nhắc nhở trách nhiệm của người công dân nên “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”. Còn tinh cảm có sự lưu luyến với nếp sống quen thuộc trong căn nhà bé nhỏ và nỗi nhớ nhung Hà Nội bốn ngàn năm văn hiến. Vì vậy, nhà thơ “đầu không ngoảnh lại” nhưng tâm hồn thì không thể không ngoảnh lại:

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Tóm lại, bằng một hồn thơ đất nước rộng mở, bằng tình cảm mạnh mẽ, bằng điếm nhìn từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại về quá khứ, bằng các thủ pháp nghệ thuật độc đáo, Nguyễn Đình Thi vừa miêu tả được nét đẹp tuyệt vời của đất nước Việt Nam trăm quý ngàn yéu, hết lời ca ngợi đất nước, vừa bày tỏ được cảm hứng về đất nước và dân tộc anh hùng một cách nhất quán, chân thành.

Mẫu 8

"Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm, ..." Nhắc về mùa thu của non sông Việt Nam thì chẳng đâu hơn mùa thu của Hà Nội, cái mùa mà mỗi con người Việt Nam luôn cảm thấy bồi hồi, thân thương nhất. Mùa thu của một Hà Nội - Thăng Long ngàn năm văn hiến cứ vấn vương, da diết trong ta biết bao điều. Thu Hà Nội thật đẹp, thật nên thơ, trữ tình. Chẳng vậy mà bất cứ người con nào của Hà Nội đi xa cũng đều nhớ về quê hương, nơi có Hồ Tây chiều hôm, có hương sen thơm, có "hương cốm mới" và có một mùa thu thật dịu dàng. Với Nguyễn Đình Thi cũng vậy, Hà Nội trong ông, quê hương đất nước trong ông là một mùa thu của Hà Nội thật bình yên, vương vấn tâm hồn người:

"Sáng mát trong như sáng năm xưaGió thổi mùa thu hương cốm mớiTôi nhớ những ngày thu đã xaSáng chớm lạnh trong lòng Hà NộiNhững con phố dài xao xác hơi mayNgười ra đi đầu không ngoảnh lạiSau lưng thềm nắng lá rơi đầy."

Chẳng phải mùa xuân với những đóa hoa thơm rực rỡ khoe sắc màu, không phải mùa hạ với tiếng ve kêu râm ran, cũng chẳng phải mùa đông với những vạt sương bảng lảng trên mặt hồ Gươm buổi sớm, mùa thu của Hà Nội mới là thứ khiến cho Nguyễn Đình Thi luôn bâng khuâng mỗi khi nhớ về. Bởi Hà Nội đẹp nhất, dịu dàng nhất có lẽ chính trong những ngày với sắc trời thu này. Mang tâm sự của một người ra đi, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lại mùa thu ly biệt thật đặc sắc đã từ nửa thế kỉ trước thế mà vẫn khiến tâm hồn người đọc chúng ta vương vấn mãi không thôi.

Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã viết trong nỗi nhung nhớ đến cháy lòng, nhớ một mùa thu đã xa. Ông đã xúc động mà viết lên cái hồn của đất nước muôn đời để mở đầu cho bài thơ "Đất nước":

"Sáng mát trong như sáng năm xưaGió thổi mùa thu hương cốm mới".

Những rung động sâu thẳm trong tâm hồn tác giả đã khiến ông tái hiện lên một mùa thu trong nỗi nhớ miên man của mình. Những sáng mùa thu với hương gió lạnh se se áo, với những chùm hoa sữa ngất ngây lòng người, với bầu trời xanh, với khí trong lành, ... Như Nguyễn Khuyến cũng đã gợi tả:

"Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt"

Phải, bầu trời ấy thật trong lành, "mát trong" biết bao nhiêu như những ngày tháng "năm xưa". Chỉ với hai từ "mát trong" dường như khiến cho tâm hồn của chúng ta được đắm trong cái không khí của làn gió thu mơn man khắp da thịt, thổi mát của tâm hồn con người khiến cho ta thật lâng lâng. Chỉ với hai chữ này thôi, cả một mùa thu với khí thu, hồn thu của sông núi được tóm lại thật gọn gàng, với màu sắc thật đẹp đẽ. Ở đây, Nguyễn Đình Thi đã sử dụng phép so sánh giữa hiện tại và quá khứ "sáng mát trong" của ngày hôm nay với "sáng năm xưa". Đặt vào thời điểm sáng tác bài thơ này, chúng ta mới thật hiểu được ý của tác giả. Bài thơ được sáng tác trong vòng tám năm, tám năm trời thai nghén từ 1948 đến 1955, biết bao mùa thu đã đi qua Hà Nội, có những năm tháng chiến tranh tàn khốc, có những năm tháng thật êm dịu. Thế nhưng, sáng mùa thu này, thu Hà Nội trở lại là thu Hà Nội, dịu dàng, trong trẻo như xưa, như những ngày thu êm đềm, chiến tranh chưa bắt đầu. Hay cũng có thế là mùa thu độc lập đầu tiên sau những năm tháng dài của chiến tranh khi Bác Hồ thân yêu của chúng ta đứng giữa quảng trường Ba Đình lịch sử dõng dạc đọc bản Tuyên Ngôn khai sinh ra một nước Việt Nam độc lập tự do? Nhưng dù là gì thì mùa thu Hà Nội vẫn "mát trong" như thế, vẫn đẹp và bình yên như thế.

Câu thơ thứ hai, Nguyễn Đình Thi đã viết:

"Gió thổi mùa thu hương cốm mới"

Nếu nhắc về thu Hà Nội mà không nhắc tới món cốm gói trong lá sen thì có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn. Thế nên, trong cái nhớ lưu luyến của một người sắp đi xa, thức quà đặc sản mà Nguyễn Đình Thi nhớ nhất là món cốm làng Vòng. Hương gió thu thoang thoảng thổi qua đây mang theo "hương cốm mới". Cái hương cốm ấy quyện sánh lại trong làn gió thu, lướt qua những con phố, phả vào lòng người nỗi nhớ bâng khuâng mùi lúa nếp non, mùi cốm mới thơm nồng. Nó khiến cho con người bừng lên nỗi nhớ da diết không thôi cái hương vị đậm đà của quê hương xứ sở. Người Hà Nội đi đâu cũng không thể nào quên được cái vị thơm nồng của những hạt cốm được gói trong từng lớp lá sen. Cũng như Hữu Thỉnh, ông nhận ra cái thứ mùi riêng biệt, đặc trưng của mùa thu - "hương ổi", cái mùi hương ấy quấn quýt trong làn gió thu khiến cho ai cũng phải vương vấn:

"Bỗng nhận ra hương ổiPhả vào trong gió thuSương chùng chình qua ngõHình như thu đã về"

Chẳng phải đến thơ Nguyễn Đình Thi ta mới biết đến món đặc sản ấy của Hà Nội, mà từ trong những bài văn xuôi của Vũ Bằng, của Thạch Lam cũng luôn nhắc nhở rằng: cốm vòng Hà Nội là "thức quà riêng của đất nước", "thức quà thanh nhã và tinh khiết". Nhưng đến với thơ Nguyễn Đình Thi, người ta lại cảm nhận được nét đẹp thoáng chút buồn của hồn quê hương đất nước, của Hà Nội trong hương cốm mùa thu.

Dòng hồi tưởng miên man đưa Nguyễn Đình Thi trở về những năm tháng của quá khứ, nhắc ông nhớ tới những hoài niệm xưa kia. Lòng ông trải ra với bao xúc cảm dồn nén, những kỉ niệm xưa ùa về, dâng tràn trong nỗi lòng người thi sĩ:

"Tôi nhớ những ngày thu đã xaSáng chớm lạnh trong lòng Hà NộiNhững phố dài xao xác hơi may"

"Những ngày thu đã xa" mà Nguyễn Đình Thi nhắc tới phải chăng là những ngày thu trước ngày giã biệt quê hương, Hà Nội ra đi vì sông núi non sông, vì dân tộc yêu dấu. Những ngày thu đó giờ đã trở thành miền kí ức "đã xa", hằn in dấu lên tâm hồn người con của Hà Nội. Ra đi vì chí lớn, nhưng nỗi lòng mang nặng niềm thương với Hà Nội thân yêu, để đền giờ đây bao nhiêu nỗi nhớ cứ ùa về trong lòng thi sĩ, nhắc ông nhớ về sáng thu "chớm lạnh" của thành phố quê hương. Cái "chớm lạnh" se se của đầu thu ấy đã gieo vào lòng người biết bao nhung nhớ. "Chớm lạnh" nghe sao mà gợi tả gợi tình, nó không chỉ diễn tả những cơn gió vừa se se hiu hắt của những buổi sáng mùa thu mà còn ẩn trong đó là cảm nhận của con người. Vậy giữa những ngày "chớm lạnh trong lòng Hà Nội" ấy, ta có gì để nhớ? Ta nhớ "những con phố dài xao xác hơi may". Hà Nội ba mươi sáu phố phường, mỗi con phố lại gợi lên những cảm giác riêng, không khí riêng, để làm lên cái riêng khác biệt của Hà Nội.Chẳng vậy mà Nguyễn Đình Thi lại nhớ da diết "những con phố Hà Nội" lúc mùa thu "chớm lạnh" đến thế! Bởi hình ảnh của những con đường với những chiếc lá vàng bay trong gió thu, mang theo cái hơi thu hiu hiu, khiến cho lòng người thêm se sắt. Nguyễn Đình Thi đã khéo léo lồng vào trong câu thơ một từ Hán Việt "hơi may", vừa tinh tế lại quá đỗi giàu sức tưởng. "Hơi may", cũng có nghĩa là gió lạnh, thế nhưng đọc lên hai tiếng "hơi may", người ta thấy nó sao tình tứ, ngọt ngào quá! Nếu đặt hai từ "gió lạnh" ở đây để thay thế thì không khí của câu thơ chẳng phải cái không khí se se kia sẽ nhuốm màu lạnh giá hay sao?

Trong thơ xưa, Nguyễn Khuyến cũng đã có lần dùng từ "hơi may" để gợi tả những cơn gió thu, cái từ mà chỉ gợi lên cái không khí lành lạnh, se se chứ không phải cái lạnh giá mang hơi thở của mùa đông:

"Lác đác ngô đồng mấy lá bayTin thu heo hắt lọt hơi may".

Không những vậy, tác giả còn đặt ở đây từ láy "xao xác". Chỉ nghe thôi người ta đã cảm nhận được âm thanh của những chiếc lá bay, đang nhẹ cuốn trên từng vỉa hè, con phố. Đó là tiếng lá rơi, âm thanh của những nhánh cây đang khẽ rùng mình trong cái "chớm lạnh" đầu thu.

"Những con phố dài xao xác hơi may"

Phố Hà Nội xưa nay luôn nổi tiếng với những vẻ đẹp cổ kính và thu Hà Nội cũng vậy, cũng khiến cho người ta man mác buồn, bâng khuâng một nỗi nhớ tha thiết. Chỉ với vài nét bút, Nguyễn Đình Thi đã vẽ lên một Hà Nội của "những ngày đã xa" với cái chớm lạnh se sắt đầu thu của những cơn gió thu, với cái âm thanh "xao xác hơi may" của những chiếc lá vàng. Ông đã để lại trong lòng chúng ta một cảm nhận rất riêng về thu Hà Nội. Phải yêu thương Hà Nội đến thế nào, hiểu rõ Hà Nội thế nào, ông mới trân quý, mới gợi tả được mùa thu Hà Nội đẹp đến như thế?

Và hai câu cuối của khổ thơ, Nguyễn Đình Thi lại cất lên nỗi lòng của mình trong tâm trạng của người ra đi. Giọng thơ ông vẫn vậy, vẫn buồn thương da diết, nhưng ở đây, cái buồn ấy như nhân lên gấp bội lần vừa sâu lắng lại vừa thiết tha, non nỉ:

"Người ra đi đầu không ngoảnh lạiSau lưng thềm nắng lá rơi đầy".

"Người ra đi" vì chí lớn non sông, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, biết là thế nhưng sao trong lòng còn vấn vương, còn lưu luyến quá đỗi thế này. Mang trong lòng biết bao kỉ niệm về Hà Nội, về mùa thu của Hà Nội với hương cốm mới, với cái chớm lạnh, cái xao xác của những lá sấu, lá me bay, đó là hành trang để người chiến sĩ bước ra đi. Câu thơ vang lên mà ta nghe thấy cả tiếng lòng quyết tâm đến tột độ của người chiến sĩ. "Không ngoảnh lại" phải chăng đó là sự quyết tâm ra đi để đem về hòa bình, đem về những sáng mùa thu trong mát "như sáng năm xưa"? Nghe đâu đây âm vang của những lời thề "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của những người lính năm nào!

Câu thơ sau tiếp nối quả là một câu thơ đặc sắc. Người ra đi để lại sau lưng là những giọt nắng thu vương vãi trên thềm nhà, là lá thu rơi trên nền đất, trải rộng trên "những phố dài". Câu thơ không chỉ dùng để tả cảnh mà còn dùng để nói lên nỗi lòng của chính tác giả. Đó là sự lưu luyến, sự ngập ngừng chẳng muốn rời xa. Mặc dù ra đi với quyết tâm "đầu không ngoảnh lại", khí thế là thế, nhưng chẳng thể tránh khỏi những phút lưu luyến, nghẹn ngào nhớ thương. Cái quay lưng của người chiến sĩ quyết tâm là thế, nhưng nghe sao bâng khuâng quá đỗi, bởi người thi sĩ - chiến sĩ ấy còn lưu luyến với quê hương, với mùa thu quê nhà. Cảm xúc ấy dường như là cảm xúc chung của lứa thanh niên trí thức ra đi vì Tổ quốc thời ấy bởi Quang Dũng cũng đã từng viết:

"Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm".

Từ chiến khu xa xôi, người chiến sĩ nhớ về quê nhà với bao tình thương mến, nỗi nhớ man mác sâu nặng chứa chan cả niềm tự hào.

Đoạn thơ trên là đoạn mở đầu của tác phẩm "Đất nước" được thai nghén trong vòng tám năm của tác giả Nguyễn Đình Thi. Đây là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của ông, không chỉ về mặt ý nghĩa mà là cả nghệ thuật nữa. Đã bao người viết về thu Hà Nội, nhưng chưa ai có cái nhìn vừa cảm quan lại sâu sắc như ông, bởi ông là người con của Hà Nội, gắn bó với Hà Nội suốt những tháng năm tuổi thơ. Mùa thu Hà Nội trong ông mang nỗi buồn day dứt, khó tả, mang theo cả hồn thơ sông núi muôn đời nữa. Một chút "xao xác hơi may", "hương cốm mới", cái "chớm lạnh" trên "những phố dài" cổ kính, tất cả đều làm nên một mùa thu khó quên trong lòng người ly biệt. Vậy nên, dù quyết tâm ra đi vì chí lớn non sông, người khách ly biệt cũng chẳng thể nào thôi lưu luyến nắng thu, lá thu đang "rơi đầy" ngoài "thềm" trong gió thu kia.

Đoạn thơ đã gợi tả xuất sắc hình ảnh của mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ của người ly biệt. Nguyễn Đình Thi đã giúp cho chúng ta càng thêm yêu hơn dáng hình non sông quê hương mình, yêu thêm những con phố cổ kính của Hà Nội -Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Mẫu 9

Có lẽ không có một nhà thơ nào trên thế gian này, trở thành một nhà thơ chân chính mà lại không có một vần thơ, một bài thơ viết về đất nước, về quê hương. Bởi vì đất nước là nguồn cảm hứng vô tận đối với thi sĩ muôn đời. Nhưng tình cảm đất nước ở mỗi con người lại hình thành theo một con đường riêng, mang nội dung màu sắc riêng và dựa trên những cảm nhận riêng.

Nguyễn Đình Thi là một nhà thơ viết nhiều về đất nước. Nhưng có lẽ chưa ở đâu, trong thơ và trong văn của ông, cảm hứng về đất nước lại nổi bật, tập trung đặc sắc như ở bài thơ Đất nước.

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi được sáng tác từ năm 1948 đến năm 1955 mới hoàn thành, so với Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Đất nước của Nguyễn Đình Thi ngắn hơn, thế mà Hoàng cầm sáng tác chỉ trong một đêm, còn Nguyễn Đình Thi đã viết trong bảy tám năm ròng rã. So sánh như vậy để thấy cảm hứng về đất nước của hai nhà thơ ngay ở mặt này đã có cái gì rất khác nhau:

Bên kia sông Đuống là cảm hứng tuôn tràn, Đất nước là tình cảm nung nấu: Những đêm dài hành quân nung nấu. Lần giở lại "tiền sử" của bài thơ và đọc kĩ phần thứ nhất Đất nước, ta càng thấy rõ đó là một tình cẩm nang nấu, nung nấu nỗi nhớ, nung nấu niềm vui, niềm tin yêu của người làm chủ.

Là một thanh niên sống và hoạt động ở Hà Nội, Nguyễn Đình Thi viết về đất nước, trước hết là viết về Hà Nội, thủ đô của đất nước, thủ đô của trái tim ông, Hà Nội với hương sắc xao động long lanh trong nắng gió mùa thu.

Sáng mát trong như sáng năm xưaGió thổi mùa thu hương cốm mớiTôi nhớ những ngày thu đã xa.Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi mayNgười ra đi đầu không ngoảnh lạiSau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Chẳng phải ngẫu nhiên chút nào khi nói đến đất nước là nói đến Hà Nội và nói đến Hà Nội lại nói đến mùa thu. Đất nước ta tươi đẹp bốn mùa nhưng đẹp nhất là vào mùa thu và có mùa thu ở đâu lại đẹp, lại "mát trong" hơn mùa thu Hà Nội? Nhất là mùa thu nơi đây lại từng điểm một cái mốc vàng son vào lịch sử - "Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình" giữa "Tháng Tám mùa thu xanh thẳm" (Tố Hữu). Cho nên, chẳng phải chờ đến bốn câu tuyệt tác, ngay từ những đồng đầu đã có cái gì xôn xao, xào xạc trong hồn:

Sáng mát trong như sáng năm xưaGió thổi mùa thu hương cốm mớiTôi nhớ những ngày thu đã xa

Đất nước gắn với nỗi nhớ, nỗi nhớ khởi từ mùa thu, mùa thu "đã xa" được gợi lại từ "mùa thu nay". Rõ ràng là có hai mùa thu như đang soi chiếu vào nhau làm cho mọi phía đều long lanh lấp lánh hơn lên trong tâm hồn thi sĩ. Cái cảm giác "mát trong" là chung, là muôn thuở đối với mọi mùa thu Việt Nam, mùa thu Hà Nội.

Cái riêng biệt cái "đã xa" đã "khó rồi" giữa hai mùa thu, còn lại là gì? Trong những ngày thu đã xa Hà Nội "mát trong" vẫn "mát trong" vẫn đẹp và thơ mộng. Nhưng đó là cái đẹp buồn. Phố xá vắng vẻ, xao xác, sân thềm đầy nắng, đầy lá vàng rơi. Gió heo may mang theo khí lạnh đầu mùa thổi dài theo những dãy phố cổ vắng người. Có một cái gì buồn, thật trang trọng trong thời khắc chuyển mùa, thời khắc chia xa.

Mùa thu nay vẫn "mát trong" như "sáng năm xưa" ấy nhưng cũng "đã khác rồi". Khác rồi bởi cái "Người ra đi đầu không ngoảnh lại" của "những ngày thu đã xa", giờ đây đã "đứng giữa núi đồi", đúng từ một tầm cao của chiến khu kháng chiến Việt Bắc để mà "nhớ' mà "nghe". Lòng người đã đổi nên ngọn gió cũng đổi, âm thanh cũng đổi, sắc hương cũng đổi:

Gió thổi rừng tre phấp phớiTrời thu thay áo mớiTrong biếc nói cười thiết tha.

Đó là cơn gió thổi, sắc áo mới, tiếng nói cười giữa một cuộc hồi sinh. Có một thay đổi nhỏ trong cách xưng hô ở trên là "tôi nhớ", "tôi đứng vui nghe". Đến đoạn thơ tiếp theo, đất trời mùa thu lại vang vọng tiếng "nói cười thiết tha" của "chúng ta".

Trời xanh đây là của chúng taNúi rừng đây là của chúng taNước chúng ta...

Mấy chữ "của chúng ta", "chúng ta" ấy vang lên thật rắn rỏi, kiêu hãnh tin yêu, "chúng ta" tự hào về "nước chúng ta" có chủ quyền, tự hào vì "nước chúng ta" giàu đẹp rộng lớn.

Những cánh đồng thơm mátNhững ngả đường bát ngátNhững dòng sông đỏ nặng phù sa...

Tự hào vì truyền thống "không bao giờ khuất" của cha ông mình:

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đấtNhững buổi ngày xưa vọng nói về

Ở trên, ta nghe một "tiếng nói cười thiết tha" vọng lên đâu đó giữa tầng trời "trong biếc", ơ đây trong những dòng khép lại phần thứ nhất bài thơ, ta lại nghe tiếng nói thiêng vọng lên từ lòng đất thiêng mà nhà thơ gọi là "tiếng đất". Như vậy, cảm hứng về đất nước của Nguyễn Đình Thi trong phần thứ nhất của bài thơ là niềm vui của người làm chủ.

Đó là niềm vui, là nỗi nhớ vừa sâu lắng vừa náo nức trong lòng, một thứ nỗi niềm vọng trong tâm thức thành một thứ tiếng nói riêng, "tiếng thu" riêng, nghe mênh mang sâu thẳm: sâu thẳm giữa bầu trời, sâu thẳm trong lòng đất và sâu thẳm giữa hồn người đi kháng chiến.

Như trên đã nói, Đất nước được Nguyễn Đình Thi sáng tác từ năm 1948 đến 1955 mới hoàn thành. Phần thứ nhất được hoàn thành năm 1948 ("Sáng mát trong như sáng năm xưa"), ("Đêm mít tinh") phần thứ hai, được viết tiếp từ 1949 đến 1955.

Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một bài thơ đặc sắc về đề tài này. Đặc sắc nhất là ở cảm hứng rất riêng về đất nước của ông: Một đất nước gắn liền với mùa thu, gắn liền với niềm vui nỗi nhớ của con người làm chủ, một đất nước thật đẹp ngay trong cảnh gian khổ đau thương. Chính nhà thơ đã từng viết:

Anh yêu em như yêu đất nướcVất vả đau thương, tươi thắm vô ngần

(Nhớ)

Có lẽ vì vậy mà giữa bao nhiêu bài thơ hay về đất nước của bao nhiêu nhà thơ, người đọc vẫn không thể quên được những câu thơ tuyệt tác của ông về phố Hà Nội, về "Những cánh đồng quê chảy máu - Dây thép gai đâm nát trời chiều" và về "Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Mẫu 10

Đất nước là đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học, nhưng ở mỗi thời kì văn học, đề tài này được các nhà thơ khai thác ở những góc độ khác nhau. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp xuất hiện rất nhiễu bài thơ tập trung khắc họa hình ảnh đất nước đau thương nhưng anh hùng quật khởi, nổi bật nhất là Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ là cả một chặng đường nhận thức về đất nước của tác giả.

Từ ba bài thơ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948), Đêm mít linh (1949), và Đất (1965), Nguyễn Đình Thi đã tập hợp lại thành Đất nước. Qua những cảm nhận tinh tế về mùa thu đất nước, qua hình tượng Tổ quốc đau thương mà anh hùng, bài thơ thể hiện sâu sắc ý thức độc lập tự chủ, tình cảm yêu nước, căm thù giặc và niềm tự hào về sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Bài thơ là sự tập hợp, ghép nối từ nhiều bài thơ nhưng không hề mất đi tính thống nhất chỉnh thể, trái lại đã phát triển theo một mạch cảm xúc tinh tế và khá nhất quán về tư tưởng. Bài thơ mở đầu với dòng cảm xúc về mùa thu đất nước, nhưng là trong những thời điểm và không gian khác nhau:

Sáng mát trong như sáng năm xưaGió thổi mùa thu hương, cốm mớiTôi nhớ những ngày thu đã xa.

Trong một sáng mùa thu ở chiến khu Việt Bắc, nhà thơ bỗng có cảm giác cái mát mẻ, trong sáng của sớm mùa thu ấy giống như “sáng năm xưa” khi nhà thơ ra đi, hơn nữa trong gió thu nhẹ thổi còn thoảng bay hương cốm mới, gợi nhớ tới một mùi hương rất đặc trưng của Hà Nội vào thu. gần với cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô. Nhịp thơ như chậm rãi, nhẹ nhàng, dòng hồi tưởng của nhà thơ trong không khí ấy dào dạt tuôn chảy:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà NộiNhững phố dài xao xác hơi mayNgười ra đi đầu không ngoảnh lạiSau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Đó là “những ngày thu đã xa” – những ngày thu trước Cách mạng, nhà thơ phải tạm biệt Thủ đô để lên đường. Cũng là viết về cảnh thu nhưng có bao nhiêu mơ hồ, mặc cảm trong bài thơ thu của Nguyễn Khuyến; bao nhiêu lãng mạn trong thơ Xuân Diệu, bao nhiêu cái ngơ ngác của con nai vàng đạp trên lá khô trong thơ Lưu Trọng Lư.

Trong thơ Nguyễn Đình Thi, cảnh thu Hà Nội chỉ hiện ra trong hồi tưởng nhưng thật đẹp, tuy nhiên vẫn có cái tĩnh lặng và buồn man mác. Đó là cảnh thu đất nước trong những năm đau thương: Sương chớm lạnh trong lòng Hà Nội. Trong thơ Nguyễn Khuyến, thời tiết thu được nói đến “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo” – đó là thời tiết chính thu. Thơ Nguyễn Đình Thi cũng nói về mùa thu nhưng là độ đầu thu.

Hai chữ “chớm lạnh” thật gợi cảm: chút se lạnh trong mùa thu tuy mới đến nhưng không phải là “những hiện tượng da thịt bên ngoài” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) mà đã thấm thía tận “trong lòng Hà Nội”. Nghĩa là tất cả không gian, cỏ cây, hoa lá, con người, phố phường đã cảm nhận sâu sắc được cái lạnh của mùa thu. Cái “chớm” ấy không ngọt ngào như cái rét đầu mùa. nhưng không phải là cái mát mẻ trong mùa hè mà đã là sự pha trộn trong cả hai mùa.

Có lẽ chỉ mùa thu, khí thu Hà Nội mới mang lại cho con người cái cảm giác về thời tiết như vậy. Hà Nội vào thu, gió thổi trên những dãy phố dài cổ kính lại rất nhẹ, chưa phải gió “heo may” mà mới chỉ dừng lại ở độ “hơi may”. Nghĩa là cũng mới chỉ ở độ “chớm” mà thôi.

Dường như tất cả mới chỉ đang ở độ bắt đầu, hết sức nhẹ nhàng nhưng đã làm cho người đọc cảm nhận được sự thay đổi, sự mới bắt đầu ở ranh giới ấy. Nhà thơ đã nhận ra, người Hà Nội đã nhận ra được “hơi thở dịu dàng” ấy của mùa thu. Lẽ tất nhiên, con người ra đi trong hoàn cảnh ấy, dù có mục đích gì chăng nữa tuy bê ngoài có tạo ra dáng vẻ mạnh mẽ, kiên quyết, dứt khoát “đầu không ngoảnh lại” nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn vẫn tràn đầy lưu luyến, nhớ thương, vẫn nhận ra rất rõ những gì của Hà Nội ở phía sau: Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy .

Câu thơ có cả chất nhạc, có cả chất họa trong cái rơi đầy của nắng, lá. Phải chăng đó là điều đặc trưng nhất của mùa thu Hà Nội? Màu vàng của nắng quyện vào màu vàng của lá tạo nên một khung cảnh tràn đầy sắc vàng, xua đi cái “chớm lạnh” của “hơi may”. Khung cảnh ấy làm nền cho tâm trạng ấy mới thật hợp. Dường như không gian và thời gian đã có sự biến đổi, cái lắng lại dịu dàng của màu tím Hà Nội rất phù hợp với tiếng lòng thi sĩ, phù hợp với tâm trạng người ra đi.

Đất nước gây ấn tượng sâu sắc bởi chất chứa tình kết hợp với chất chính luận, bởi hình thức câu thơ linh hoạt, nhịp thơ phóng khoáng, hình ảnh thơ đẹp đẽ, chọn lọc, ngôn ngữ thơ cô đọng mà gợi cảm. Những ấn tượng sâu sắc, rõ nét hơn cả là bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ bằng thơ về Đất nước, Tổ quốc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kì gian khổ nhưng anh dũng và tất thắng.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500K