Hình ảnh Lượm trong bài thơ cùng tên của tác giả Tố Hữu đã để lại dư âm, ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Đó là một em bé hồn nhiên, tinh nghịch yêu đời nhưng cũng vô cùng dũng cảm, kiên cường. Gấp cuốn sách lại có lẽ không ai có thể quên được chân dung, tính cách, phẩm chất quý báu của cậu bé ấy.
Hình ảnh Lượm hiện lên thật hồn nhiên, tinh nghịch qua lời kể của người chiến sĩ, nét hồn nhiên ấy thấm đượm trong cả ngoại hình, trang phục và hành động. Hình ảnh hồn nhiên của chú bé luôn hiện hữu, nhảy nhót trước mắt người đọc với cái dáng loắt choắt, bé nhỏ, những bước chân thoăn thoắt đeo bên mình chiếc xắc để đựng những phong thư chuyển đi khắp các chiến tuyến:
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh”
Công việc của chú bé vô cùng quan trọng và cũng chứa đầy sự hiểm nguy, nhưng trên gương mặt chú bé vẫn luôn giữ được nét hồn nhiên, ngây thơ: cười híp mí, má đỏ bồ quân; có nét tinh ngịch rất trẻ con: miệng huýt sáo vang, “Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng” . Tác giả quả thật tài tình, khi đã tìm được một hình ảnh so sánh đẹp đẽ và chính xác đến vậy để nói về sự tinh nghịch của Lượm. Có lẽ không có hình ảnh nào phù hợp hơn hình ảnh những chú chim chích non, bé nhỏ di chuyển từ cành này qua cành khác để ví von với Lượm. Qua hình ảnh này, ngoài nét hồn nhiên người đọc còn thấy được sự yêu đời của chú bé. Lời tâm sự của Lượm với người chiến sĩ cũng rất hồn nhiên: “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà” , lời nói nhỏ đầy chân thật đó không chỉ cho thấy tinh thần làm việc hăng say, mà còn thể hiện niềm vui, sự hân hoan khi được hoạt động cách mạng, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Tinh thần yêu nước đó càng làm người đọc cảm phục và yêu mến Lượm hơn.
Lời chào cuối cùng giữa Lượm và anh chiến sĩ cũng thật ngộ nghĩnh: “Thôi chào đồng chí!” . Lời chào thể hiện tinh thần làm việc nghiêm trang của em. Không những vậy còn cho thấy niềm tự hào, kiêu hãnh những cũng vô cùng đáng yêu của chú bé khi được đứng vào hàng ngũ những người tham gia cách mạng.
Mưa bom bão đạn đã cướp đi sinh mạng của Lượm trong một lần chú bé đi liên lạc. Vô vàn hiểm nguy phía trước không thể ngăn cản bước chân anh dũng của Lượm, chú bé “Vượt qua mặt trận/ Đạn bay vèo vèo” bởi việc đưa thư là quan trọng nhất nên một vài nguy hiểm kia có là gì với chú bé. Người đọc giật mình, sững sờ trước cái chết quá đỗi bất ngờ: “Bỗng lòe chớp đỏ/ Thôi rồi, Lượm ơi!/ Chú đồng chí nhỏ/ Một dòng máu tươi!” . Làm sao có thể tin nổi chú bé sổi nổi, nhiệt huyết, đầy tinh thần trách nhiệm ấy lại hi sinh. Câu thơ “Thôi rồi, Lượm ơi!” được ngắt làm đôi cùng với hình thức câu cảm thán, không chỉ là tiếng nấc nghẹn của tác giả, mà khi đọc đến đây độc giả cũng phải ngưng lại bởi nỗi xót xa, đau đớn trào dâng. Câu thơ đã chạm đến những nỗi niềm cảm xúc sâu kín nhất trong lòng mỗi người đọc. Chú bé hi sinh, trở về với thiên nhiên, với đất mẹ thân yêu, tay em vẫn nắm chặt bông lúa, dù đã mất nhưng hình ảnh về sự hồn nhiên, đáng yêu và tinh thần quả cảm của em thì vẫn mãi sống trong lòng mọi người, hồn em mãi trường tồn cùng non sông, đất nước.
Góp phần tạo nên những dòng thơ thấm đẫm cảm xúc, tràn đầy xúc động không thể không kể đến những nét đặc sắc trong nghệ thuật của tác phẩm. Tố Hữu đã tỏ ra rất tài tình khi sử dụng thể thơ bốn chữ, nhịp thơ linh hoạt, sử dụng thành thạo các từ láy giàu giá trị tạo hình, lớp ngôn từ dồn nén cảm xúc đã tô đậm, làm rõ những phẩm chất đẹp đẽ của Lượm.
Gấp lại cuốn sách, dư âm, hình ảnh người anh hùng dũng cảm Lượm vẫn còn đọng mãi trong lòng người đọc. Lượm là đại diện tiêu biểu cho thế hệ anh hùng Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Pháp, sẵn sàng hi sinh vì sự độc lập, tự do của đất nước. Thế hệ trẻ chúng ta được sống trong hòa bình, tự do là nhờ công ơn to lớn của ông cha, bởi vậy, cần phải sống sao cho xứng đáng với thế hệ trước.