Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí?

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí?
1 trả lời
Hỏi chi tiết
10
0
0
Trần Đan Phương
12/09 13:25:42

Dàn ý Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí?

1. Mở bài:

- Quan niệm và thái độ tôn sư trọng đạo của dân tộc ta.

- Vai trò của thầy và bạn trong học tập đều quan trọng như nhau.

2. Thân bài:

* Giải thích câu: "không thầy đố mày làm nên"

- Đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh.

- Thầy dạy cho học sinh những kiến thức cần thiết. Thầy là người dẫn đường chỉ lối, không chỉ dạy chữ mà còn dạy nhân nghĩa, đạo lí làm người.

- Thầy nhiều khi còn quyết định đến cả việc tạo dựng sự nghiệp của học sinh

* Giải thích câu: "học thầy không tày học bạn"

- "Không tày": không bằng. Là cách nói nhấn mạnh ý: học hỏi bạn bè là điều hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi học sinh vì thầy chỉ dạy ở lớp, ở trường, còn phần lớn thời gian của học sinh là học tập với bạn bè.

- Học ở bạn những điều hay lẽ phải. Trao đổi thêm với bạn bè để nắm vững thêm điều thầy dạy trên lớp mà mình chưa hiểu hết. Bạn tốt giúp đỡ nhau tận tình thì cũng có vai trò quan trọng trong sự tiến bộ của mỗi người học sinh trong học tập, đời sống.

* Mối quan hệ giữa hai câu tục ngữ:

- Hai câu tục ngữ trên khẳng định: học thầy, học bạn đều quan trọng như nhau và cần thiết để bổ sung ý nghĩa cho nhau, phản ánh quan niệm của người xưa về việc học.

- Trong quá trình học tập, chúng ta cần khai thác thật mạnh mặt thuận lợi của thầy, của bạn để không ngừng nâng cao hiểu biết về mọi mặt.

3. Kết bài:

- Muốn giỏi thì phải học tập toàn diện: học thầy, học bạn, học trong sách vở, học trong thực tế đời sống quanh mình.

- Phải tôn trọng thầy cô, khiêm tốn học hỏi bạn bè để trở thành người trò giỏi, con ngoan, công dân có ích cho xã hội.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 1)

Từ xưa, nhân dân ta đã coi trọng vị trí của người thầy trong xã hội. Có biết bao câu ca dao tục ngữ thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo: Nhất tự vi sư, bán tự vi sư; Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy...

Trong nhà trường, người thầy giữ vai trò rất quan trọng, vì thế dân gian đã khẳng định: Không thầy đố mày làm nên. Nhưng bên cạch đó lại có quan điểm cho rằng: Học thầy không tày học bạn. Như vậy, xét về mặt ý nghĩa , hai câu trên có mâu thuân với nhau hay không?

Nếu mới đọc qua, chưa suy nghĩ sâu sắc, chắc chắn có người cho rằng hai câu tục ngữ trên chứa đựng hai quan điểm trái ngược nhau. Thực tế không phải như vậy. Cả hai câu đều nói đến vai trò của người dẫn dắt là thầy giáo và bạn bè trong học tập.

Câu thứ nhất: Không thầy đố mày làm nên đề cao đến mức tuyệt đối vai trò của người thầy đối với học sinh. Trong khi đó câu thứ hai: Học thầy không tày học bạn lại đề cao vai trò của bạn bè. Chúng ta nên hiểu nội dung hai câu tục ngữ này như thế nào cho đúng?

Trong nhà trường, vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Thầy dạy cho trò những tri thức cần thiết thông qua bài giảng trên lớp. Thầy là người dẫn đường, chỉ lối, mở rộng, nâng cao hiểu biết cho học sinh. Đồng thời với việc dạy chữ là dạy người. Người thầy dạy bảo những điều hay lẽ phải, quan tâm giáo dục đạo đức cho học sinh, giúp các em sống theo đạo lí làm người. Đối với việc trưởng thành và tạo dựng sự nghiệp của học sinh, công lao người thầy quả là to lớn.

Nhưng không phải người thầy thay thế được tất cả. Thầy hết lòng giảng dạy trò phải hết sức nỗ lực trong học tập, tiếp thu thì mới mong đạt được kết quả tốt. Như vậy, cố gắng của học sinh cũng là một phần đáng kể. Nếu phủ nhận mặt này, ý nghĩa của câu tục ngữ trên sẽ là nhận xét phiến diện.

Vai trò của người thầy quan trọng như vậy nhưng trong quá trình học tập, vai trò bạn bè cũng quan trọng không kém nên người xưa cho rằng: Học thầy không tày học bạn (không tày ở đây có nghĩa là không bằng). Đánh giá như vậy sợ có thiên lệch chăng? Ở đây, mục đích của người xưa là dùng cách nói cường điệu để nhấn mạnh tác động của bạn bè đối với sự tiến bộ và hiểu biết của mối người. Kiến thức thầy giảng trên lớp, có gì chưa hiểu, ta đem hỏi lại bạn bè. Bạn tận tình hướng dẫn cho mình, tức là bạn cũng đóng vai trò của người thầy cô trong chốc lát.

Thực tế cho thấy bạn bè tốt giúp đỡ, hỗ trợ nhau rất nhiều điều có ích trong quá trình học tập, làm việc và xây dựng sự nghiệp. Bạn bè cũng trang lứa tạo ra sự thông cảm , gần gũi nên việc học hỏi cũng dễ dàng tiếp thu hơn. Vậy ta nên hiểu quan niệm học thầy, học bạn như thế nào cho đúng?

Mỗi học sinh phải chăm chỉ, cố gắng tiếp thu những điều hay lẽ phải do thầy dạy bảo , kết hợp với óc suy nghĩ, sáng tạo của bản thân để không ngừng nâng cao kiến thức. Luôn ghi nhớ truyền thống Tôn sư trọng đạo của dân tộc. Có kính trọng thầy thật sự thì mới có tâm thế trong sáng, nghiêm túc đón nhận lời thầy dạy bảo. Có điều gì chưa hiểu hoặc hiểu chưa kĩ, ta mạnh dạn hỏi lại bạn bè, tránh thái đọ tự ti, giấu dốt, bởi đó là điều hoàn toàn bất lợi cho việc học hành. Học thầy, học bạn không chỉ về kiến thức mà còn học ở tác phong, đạo đức để trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Hai câu tục ngữ trên bổ sung ý nghĩa cho nhau để phản ánh quan niệm của người xưa về việc học. Ngày nay, cách học tốt nhất là học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Muốn nên người, chúng ta phải có thái độ tôn kính thầy cô, quý mến, tôn trọng bạn bè và khiêm tốn trong học tập. Con đường đến với tri thức là còn đường gập ghềnh, gian nan. Trên con đường ấy, thầy và bạn vừa là người chỉ lối , vừa là người đồng hành quan trọng biết bao đối với mỗi chúng ta.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 2)

“Học thầy không tày học bạn" câu tục ngữ được đúc kết từ quá trình sống và kinh nghiệm sống của cha ông ta, nhưng đã làm cho nhiều thế hệ cháu con đâm ra hoang mang. Vì sao? Vì một câu tục ngữ nhưng lại có hai lời khuyên. Vậy có mâu thuẫn hay không? Xin thưa rằng không: vì cả hai bổ sung cho nhau, giúp ta ta có sự học toàn diện hơn.

“Không thầy đố mày làm nên" là một phát ngôn khẳng định rõ ràng, dứt khoát về vai trò của người thầy dạy. Đã đi học là phải có hai đối tượng: người dạy (thầy (cô) giáo) và người học (học sinh). Và dù có sách trong tay, học sinh chúng ta vẫn rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn, uốn nắn của các thầy. Đó chính là phương pháp, là kĩ năng học sao cho tốt. Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng "cầm tay chỉ việc" mà phải chỉ ra đường hướng, cách thức, kĩ năng…

Như vậy, thầy giáo là người đứng trên ta một bậc về tầm hiểu biết tri thức khoa học, đạo lí làm người và nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống. Tôn sư trọng đạo luôn là bài học đạo lí và cũng là nét đẹp nhân văn truyền thống của dân tộc ta: "Muốn sang thì bắc cầu kiều. Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy" (ca dao).

Còn câu "Học thầy không tày học bạn" (hoặc "Học thầy chẳng tày học bạn"), có nghĩa là học thầy không bằng học bạn. Bạn ở đây là bạn bè, những người cùng trang lứa, cùng vào vai người đi học, cùng nhiều hoàn cảnh và điều kiện khác nữa.

Xuất phát điểm như nhau nhưng trong cuộc đua tri thức lại có thể không giống nhau: Người tiếp thu nhanh, người tiếp thu chậm; người giỏi môn này, người trội hơn môn kia. Vậy là có khi trong một lớp học nào đó, sẽ có "người cao người thấp", xếp hạng bao giờ cũng có người đứng đầu, người "đội sổ".

"Thua thầy một vạn không bằng thua bạn một li". Bởi theo lẽ thường, học trò đi học, thua kém thầy là chuyện đương nhiên; nhưng kém một bạn nào đó dễ làm cho ta cảm thấy tự ái, ngượng ngùng, xấu hổ: "Cũng cơm, cũng gạo, cũng thầy mà sao em kém thế này, em ơỉ" (ca dao). Muốn không "thua chị kém em", chúng ta phải học hỏi với tinh thần cầu thị. Đừng có ngại, hay sĩ diện hão. Bác Hồ từng căn dặn: "Học ở trường, học ở trong sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân". Vậy thì, học ở trường chính là học từ thầy cô, còn học lẫn nhau chính là học từ bạn bè đấy. Đó cũng chính là một cách học tối ưu. "Một tai nghe thầy, một tai nghe bạn về nhà mẹ giảng, thế là thành… mười tai". Hai câu tục ngữ "Không thầy đó mày làm nên" và "Học thầy không tày học bạn" là hai lời khuyên chí lí, hai bài học có giá trị bổ sung cho nhau để đưa ta tới chân trời tri thức một cách hiệu quả nhất.

Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ dân gian, cũng không hiếm gì các cặp tục ngữ tưởng như nghịch lí mâu thuẫn. Chẳng hạn: "Giọt máu đào hơn ao nước lã" (Ý nói tình anh em, máu mủ ruột già là cao cả, rất hệ trọng) với "Bán anh em xa mua láng giềng gần" (Phải quan hệ với hàng xóm láng giềng sao cho phải, bởi trong nhiều hoàn cảnh, do anh em xa xôi cách trở không có điều kiện giúp đỡ, chính những người láng giềng tốt bụng kia lại vô cùng hữu ích vào những khi tắt lửa tối đèn).

Đây là hai câu tục ngữ nằm trong hai bối cảnh khác nhau về cách ứng xử tình huống mà mỗi người nên xử lí sao cho hợp lệ. Hay là hai câu "Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân" và "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn", lại thể hiện hai quan niệm liên quan đến cùng về một hiện tượng (quần áo, trang phục). Một câu nói về cách tận dụng trang phục để làm tăng vẻ đẹp hình thể, còn câu kia nói về một quan niệm giá trị thẩm mĩ trong cuộc đời (cốt lõi, bản chất mới là cái quyết định). Chúng vẫn hoàn toàn đúng nếu chúng ta xét trong từng hoàn cảnh phát ngôn.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 3)

Kiến thức nhân loại mênh mông vô tận, phải có nhà khoa học nghiên cứu, có người thầy giảng dậy thì lớp trẻ học sinh mới tiếp thu được. Vai trò của người thầy trong nhà trường rất quan trọng, thầy dẫn dắt hướng dẫn để học sinh tiếp thu, suy nghĩ… Từ xưa, nhân dân ta cũng đồng quan niệm đó nên có câu tục ngữ:

Không thầy đố mày làm nên

Học trong nhà trường chưa đủ, phải học thêm ngoài xã hội và bạn bè để mở rộng kiến thức, nên tục ngữ có câu:

Học thầy không tày học bạn

Quan niệm của nhân dân ta qua hai câu tục ngữ có gì mâu thuẫn, có gì chưa thỏa đáng? Chúng ta nên hiểu việc học thầy và học bạn thế nào cho đúng?

Thực ra, xét cho cùng, hai câu tục ngữ này cugnx chẳng mâu thuẫn nhau vì đều nói về vai trò của người thầy đối với người học. Hai câu chỉ khác nhau ở mức độ. Câu đầu coi người thầy dạy trò có vai trò, tác dụng quyết định tuyệt đối ở người học. Câu sau không phủ nhận hoàn toàn mà chỉ khuyên thêm vai trò, tác dụng của việc học thầy rộng hơn học bạn, học cuộc đời.

 Hai câu tục ngữ đều có mặt đúng và mặt chưa đúng, hay nói chính xác hơn, cả hai đều nhìn nhận vấn đề chưa được thỏa đáng.

Nói "Không thầy đố mày làm nên" thì quả là đề cao vai trò của người thầy, coi trọng thầy có vai trò rất lớn trong sự trưởng thành của người học trò. Đúng là người thầy có vai trò rất lớn trong sự thành đạt, trong sự "làm nên" của người học trò nhưng không phải là quyết định tất cả. Người học trò còn có nỗ lực chủ quan, có sự phấn đấu bản thân đẻ tiếp thu kiến thứ, học hỏi tay nghề. Có những điều học hỏi được có khi không phải do ông thầy dạy cho mà còn là do tự mình tiếp nhận trong cuộc sống, gia đình, bạn bè… chỉ bảo nữa.

 Nhờ thầy chỉ bảo, nắm chấc kiến thức, trò còn liên tưởng, suy ra, mở rộng, nâng cao, sáng tạo…

          Nói "Học thầy không tày học bạn" thì lại có phần hạ thấp vai trò của người thầy, đề cao không đúng mức vai trò của bạn bè trong quá trình học tập. Nếu nói rằng bạn bè có vai trò giúp đỡ, hỗ trợm bảo ban nhau để cùng học tập tốt hơn thì chúng ta dễ chấp nhận, nhưng nói "không tày" thì quả là quá đáng. Hơn nữa bạn bè chỉ có thể giúp nhau học tốt khi biết thương yêu nhau, khi có cùng chung chí hướng, cùng nhau rèn luyện phấn đấu vươn lên. Trong việc học hành của mỗi người, không phải lúc nào ta cũng gặp được những người bạn tốt luôn luôn sẵn sàng chỉ bảo giúp đỡ chúng ta một cách chân thành vô tư. Cho nên, coi nhẹ vai trò, tác dụng của người thầy, đề cao việc học hỏi ở bạn bè, cho rằng ở bạn có kết quả hơn là học ở thầy là không đúng.

Chúng ta cần phải đánh giá hai câu tục ngữ cho rõ để hiểu và thông cảm với lời nói của người xưa. Người bình dân xưa kia thường dùng những lời ngắn gọn, hàm súc để đúc kết kinh nghiệm sống và truyền đạt một ý tưởng có tính chất răn dạy. Để đạt mục đích đó, họ thường có lối nói phóng đại, một chiều để khẳng định. Đó thường là cách nói của tục ngữ. Hơn nữa, trong xã hội xưa thì cả câu tục ngữ mà ta bàn đến ở đây không phải chỉ để đề cập đến vấn đề giáo dục trong một nhà trường như nhà trường hiện nay. Nó có thể nói đến việc học chữ, mà chắc phần chủ yếu nói đến việc học nghề. Nếu nói đến việc dạy nghề, học nghề thì trong cả hai câu đó, phần đúng sẽ nhiều hơn. Chúng ta cũng cần biết rằng cách dạy chữ, học chữ ngày xưa cũng chẳng khác gì bây giờ nhiều lắm. Ngày xưa đau có trường hợp như chúng ta bây giờ. Ngày xưa chỉ có một ông thầy ( mà người ta họi là thầy đồ nho), ông thầy này dạy tất cả, người học trò có khi phải theo học ông thầy này suốt cuộc đời cho đến khi thành đạt, học từ những chữ đơn giản đầu tiên cho đến "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy) là vậy. Còn trong học nghề (nghề thợ mộc, thợ rèn, thợ đóng cối…) thì có thể người thầy chỉ dạy những hiểu biết và thao tác cơ bản lúc đầu, còn phần lớn người học đạt tới thành công, tinh thông nghề nghiệp là do quá trình hoạt động nghề nghiệp và do các bạn thợ chỉ bảo chính. Hiểu như vậy, chúng ta chắc sẽ đánh giá được hai câu tục ngữ này đúng hơn.

Tuy nhiên lời hay ý đẹp của người xưa là để chúng ta áp dụng vào hoàn cảnh ngày nay. Trong học tập ở nhà trường hiện nay, chúng ta phải thấy được rằng hai câu tục ngữ này thật đáng ghi nhớ. Nó bổ sung ý nghĩa cho nhau để cùng nhau đi tới chân lý. Nó chỉ cho chúng ta hai nơi học hỏi tốt nhất: học ở thầy và học ở bạn. "Người thầy" dạy là người có trình độ hiểu biết cao, có khả năng sư phạm, còn học bạn lại có thực tế, cùng trang lứa, suy rộng ra, học ngoài xã hội. Hai câu tục ngữ đề có giá trị cả.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 4)

Từ thuở bé, ai trong chúng ta cũng đều được cha mẹ dạy rằng: “Không thầy đố mày làm nên” nhưng chắc hẳn chúng ta cũng đều không mấy xa lạ với câu tục ngữ “Học thầy không tày học bạn”. Với lớp nghĩa bề mặt thì hai câu tục ngữ này dường như mâu thuẫn với nhau nhưng chúng lại có chung điểm đến, đó là sự khẳng định vai trò của kiến thức nhà trường và thực tế được bó gọn trong hai chữ “học” và “hành”:

Không thầy đố mày làm nên.

Câu tục ngữ muốn khẳng định vai trò của người thầy. Không có thầy dạy, không được tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức của thầy thì con người không thể làm nên sự nghiệp.

Trên cơ sở hiểu rõ ý nghĩa của câu tục ngữ, ta thấy nó khẳng định một chân lí đúng. Thầy, tượng trưng cho kiến thức của nhà trường hay những lí thuyết sách vở ban đầu. Con người từ khi sinh ra cho đến lúc trưởng thành thì mọi yếu tố tác động của môi trường bên ngoài sẽ hình thành nên nhân cách và trí tuệ. Vì vậy, để có thể trở thành một con người có tri thức thì con người phải được giáo dục, dạy dỗ cẩn thận từ những điều sơ đẳng nhất. Chính vì thế, để đạt hiệu quả học tập, phải cần đến sự truyền đạt có hệ thống của người thầy. Thầy dạy bảo điều hay lẽ phải và rèn luyện học trò nên người. Quả thật, đây là một nhân tố vô cùng quan trọng đôi với việc học tập của mỗi con người. Lê-nin đã từng có câu nói bất hủ: “Học, học nữa, học mãi”, dường như cả kho kiến thức trời bể và bao la ấy để con người khai thác và tìm tòi cả đời mà chỉ bó hẹp trong vai trò của người thầy thì chưa đủ. Vì vậy mới có câu tục ngữ thứ hai:

 Học thầy không tày học bạn.

Khác với câu tục ngữ thứ nhất, câu tục ngữ thứ hai khẳng định vai trò của bạn bè trong việc học tập. ơ đây, bạn bè mở ra một lớp nghĩa rộng: bạn bè trong cả cuộc đời, nó tượng trưng cho những kinh nghiệm được vận dụng và những kiến thức trong thực tế. Học thầy không tày học bạn – câu tục ngữ nâng cao vai trò của bạn bè trong việc học tập.

Dựa vào lớp nghĩa trên thì có thể nói câu tục ngữ không hề sai. Thực hành là sự vận dụng của lí thuyết và những kiến thức do thực hành là những kiến thức ta chỉ có thể tìm được trong cuộc sống, mà ở đây, nhân tố chủ yếu đóng vai trò quan trọng không phải ai khác ngoài bạn bè, những người cùng sống gần gũi bên ta. Thực hành cũng là một yêu cầu thiết yếu trong học tập.

Cả hai câu tục ngữ đều mang lí lẽ đúng đắn, nhìn về mặt ngữ nghĩa lại thấy chúng mâu thuẫn nhau nhưng thật ra sợi dây liên kết chúng là mối quan hệ mang tính chất bổ sung. Ta thường nghe: “Học phải đi đôi với hành”. Bởi “học” và “hành” trong hai từ ghép học tập và thực hành mang tính chất song song. Những lí thuyết cơ bản ban đầu là nền tảng, là cơ sở của việc thực hành về sau. Học để làm gì vậy? Nếu cứ học mãi thì cũng phải có mục đích chứ? Đơn giản chỉ vì học, tìm tòi, sáng tạo để vận dụng cái được học vào những công việc có ích, đóng góp cho bản thân và xã hội. Do đó mà càng thấy rõ được mối quan hệ gắn bó khắng khít và tính chất bể sung cho nhau của hai câu tục ngữ.

Nếu chỉ cần kiến thức sách vở mà không khai thác tác dụng cúa nó thì dù kiến thức trong đầu nhiều đến mấy cũng sẽ bị tồn đọng và như một mớ sách vở tẻ nhạt, vô nghĩa trong trí óc, lại có thể mai một dần. Nhưng nếu không có kiến thức cơ bản bước đầu thì không thể biết cách thao tác thực hành để có thể làm việc được. Lúc đó công việc sẽ được thực hành một cách không có hệ thống và chi tiết. Do đó sẽ không mang lại hiệu quả công việc, đồng thời lại có thể gây nhiều thiệt hại và tốn thất. Nếu kết hợp bài học của cả hai câu tục ngữ tức là đánh giá cao vai trò của cả lí thuyết lẫn thực hành thì chắc chắn việc học tập sẽ đem lại kết quả tốt trong cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay.

Hai câu tục ngữ khép lại đồng thời cũng mở ra một chân lí sâu sắc trong sự nghiệp học tập của cuộc đời mỗi con người. Phải luôn kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí thuyết và thực hành đế có thể làm được những công việc có ích cho xã hội. Con người chỉ có giá trị và giàu lên nhờ kho tàng tri thức là vì thế.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 5)

Trong dân gian, thường tồn tại những câu tục ngữ nghe qua thì có vẻ đối chọi nhau, nhưng thực ra là đang bổ sung cho nhau để hoàn thiện hơn về nội dung. Hai câu tục ngữ Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn là trường hợp như vậy.

Câu tục ngữ thứ nhất khẳng định tầm quan trọng của người thầy với sự thành công của mỗi con người. Từ “đố” đã góp phần khiến hình ảnh người thầy thêm cao lớn, trọng vọng. Bởi nếu thiếu đi thầy cô thì khó mà chúng ta công dành danh toại được. Ngược lại, câu tục ngữ thứ hai lại đề cao việc học từ bạn bè hơn cả thầy cô. Từ so sánh “không tày” đã đặt nặng cán cân về phía bạn học. Và vô tình có phần “xem nhẹ” việc học từ thầy cô. Tuy nhiên, cả hai câu tục ngữ này đều không sai. Mỗi câu đều đúng ở trong chính khía cạnh của mình. Khi đứng cạnh nhau, chúng bổ sung những điều còn thiếu cho nhau và từ đó giúp chúng ta hoàn thiện hơn trên con đường học tập.

Trong cuộc sống chính là vậy. Người thầy người cô dạy dỗ chúng ta tận tụy những kiến thức bổ ích ở lớp. Giải đáp cho ta những thắc mắc, nghi hoặc, gỡ rối và chỉ đường cho ta khi gặp những phân vân. Nhưng thầy cô không thể lúc nào cũng ở bên cạnh ta được, và cũng có những điều mà chúng ta thật khó để dãi bày cùng họ. Lúc này, chúng ta cần đến những người bạn. Việc có người bạn cùng lứa tuổi và thân thiết, có cùng cách hiểu, cách trình bày sẽ giúp chúng ta dễ đưa ra câu hỏi hơn. Việc nhờ bạn chỉ bài trong những lúc cấp thiết đôi khi sẽ tiện hơn là chúng ta chờ đến lớp để hỏi thầy. Đồng thời, có những điều mà chúng ta chỉ có thể học từ bạn, chứ không thể từ thầy cô. Tựa như cách chơi một môn thể thao, cách gấp hạc giấy, các đi xe đạp… Những lúc ấy, bạn bè chính là người thầy tuyệt vời nhất của ta.

Từ đó, chúng ta hiểu được rằng, trên con đường học tập kia, việc học từ thầy cô là quan trọng, nhưng việc học từ bạn bè cũng quan trọng không kém. Chúng ta cần phải biết cân bằng và phối hợp giữa hai cách học này để đem lại những hiệu quả tốt nhất.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 6)

Sự học của con người là một con đường kéo dài suốt đời. Trên con đường đó, chúng ta không thể chỉ đi một mình mà cần phải có người dẫn đường chỉ lối, đó chính là người thầy. Vai trò của người thầy trong quá trình học tập rất quan trọng, ông cha ta đã từng nói "Không thầy đố mày làm nên". Thế nhưng lại cũng có câu nói "Học thầy không tày học bạn". Vậy ý nghĩa của hai câu này là như thế nào? Liệu có phải là mâu thuẫn với nhau hay không? Nếu đọc qua chúng ta có thể lầm tưởng hai câu này phủ nhận nhau nhưng nếu suy nghĩ sâu sắc ta có thể thấy được đây là hai quan điểm bổ sung cho nhau để khẳng định vai trò to lớn của của người thầy và bạn bè trong học tập.

Ngay từ buổi đầu đi học, chúng ta đã được dìu dắt bởi các thầy cô giáo. Họ là những người dạy ta không chỉ là tri thức mà còn là ý thức, đạo đức để làm người. Nếu không có thầy cô truyền tải một cách dễ hiểu, cặn kẽ những bài học thì chúng ta rất khó để có thể lĩnh hội được kho tàng kiến thức của nhân loại. Vì thế, câu nói "Không thầy đố mày làm nên" đã khẳng định vai trò quan trọng của người thầy, nếu không có thấy thì chúng ta khó có thể làm nên điều gì đó trong cuộc đời.

Nếu câu tục ngữ đầu tiên đánh giá cao vai trò của người thầy thì câu thứ hai "Học thầy không tày (không tày tức là không bằng) học bạn" lại có vẻ mâu thuẫn. Tuy nhiên thực tế lại không phải như vậy. Đây là câu tục ngữ được sử dụng trong môi trường giáo dục khác so với môi trường trong nhà trường.

Ở Việt Nam, quá trình học chính thức của mỗi người chỉ kéo dài từ 12-20 năm. Trong khoảng thời gian đó, người thầy là người trực tiếp giảng dạy những kiến thức khoa học hàn lâm. Tuy nhiên, không phải lúc nào người thầy cũng có thể ở bên cạnh để kèm cặp, giáo dục mà chúng ta sẽ tiếp xúc nhiều với bạn bè. Những bài học mà bạn bè dạy chúng ta còn có ý nghĩa thực tế hơn rất nhiều là bài học trong sách giáo khoa. Đó có thể là những kinh nghiệm, bài học hay chỉ là một góp ý thôi nhưng nó cũng có thể khiến ta thất bại hay thành công. Bạn bè ở đây có thể là đồng trang lứa nhưng nếu chúng ta có được bài học từ họ thì đó cũng chính là một người thầy. Cha ông ta đã dạy "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Người dạy ta nửa chữ thôi cũng là thầy.

Hai câu tục ngữ này không hề mâu thuẫn với nhau mà ngược lại còn bổ sung ý nghĩa cho nhau. Khi đi học chúng ta học từ thầy, nhưng bên cạnh đó chúng ta cũng có thể học từ bạn bè xung quanh. Họ đều là những người thầy, đều cho chúng ta nhiều bài học giá trị. Bản thân mỗi người cần phải giữ vững lập trường, biết chọn thầy, chọn bạn để học hỏi và không ngừng lắng nghe, tiếp thu để bản thân mỗi ngày hoàn thiện hơn.

Mỗi chúng ta cần phải biết tôn kính thầy cô và yêu thương bạn bè. Con đường đi đến thành công là con đường gian nan và rất khó để đi một mình. Chúng ta cần những người thầy, người bạn cùng song hành để sớm gặt hái được nhiều thành công.

Viết bài văn nghị luận về vấn đề "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy chẳng tày học bạn", câu nào là chân lí? (mẫu 7)

Không thầy đố mày làm nên

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. Để tỏ lòng tôn trọng, biết ơn thầy giáo và ghi nhận vai trò to lớn của thầy giáo đối với sự thành đạt của mỗi cá nhân, tục ngữ ta có câu:

Không thày đố mày làm nên

Nhưng cũng lại có truyền thống hiếu học. Không chỉ học thầy, chúng ta còn học bạn:

Học thầy không tầy học bạn

Hai câu tục ngữ đều nói lên tinh thần hiếu học, nhưng thể hiện hai quan niệm dường như mâu thuẫn. Vậy chúng ta nên hiểu việc học thầy học bạn như thế nào cho đúng? Và bản thân chúng có mâu thuẫn hay không?

Xét cho cùng thì hai câu tục ngữ trên không hề mâu thuẫn vì cả hai câu đều nói về vai trò và tác dụng của người dạy đối với người học. Nhưng hai câu tục ngữ lại có chỗ khác nhau do sự tách biệt người dạy là thầy giáo và người dạy là bạn bè ở hai câu. Do sự tách biệt trong so sánh ở hai câu mà hai câu tục ngữ bị đẩy về hai thái cực. "Không thầy đố mày làm nên" thì tuyệt đối hoá vai trò của người thầy. "Học thầy không tầy học bạn" lại tuyệt đối hoá vai trò của người bạn.

Đề cao việc dạy, nhấn mạnh việc học, cả hai tục ngữ đều đúng, nhưng cả hai câu đều có điểm chưa thoả đáng. Câu "Không thầy đố mày làm nên" chưa thoả đáng vì quá đề cao vai trò của người thầy, tuyệt đối hoá tác dụng của người thầy đối với cuộc đời, sự nghiệp của người học. Không ai có thể phủ nhận được vai trò quan trọng của thầy giáo đối với sự thành đạt, "làm nên" của học trò, nhưng không thể vì thế mà người thầy hoàn toàn quyết định. Người học trò trưởng thành, "làm nên" một phần lớn nhờ công ơn chỉ đạo, hướng dẫn, dạy bảo của người thầy giáo, nhưng phần quyết định vẫn là sự nỗ lực chủ quan tự thân vận động của chính họ để học hỏi và tiếp thu tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng kỹ xảo… trong kho tàng tri thức chung của nhân loại. Trong quá trình tự vận động đó, có nhiều điều họ tiếp nhận từ gia đình, bạn bè, xã hội chứ không phải chỉ từ người thầy.

Câu tục ngữ "Học thầy không tầy học bạn" chưa thoả đáng vì quá hạ thấp vai trò của người thầy, quá đề cao tác dụng của bạn bè trong việc học. Trong học tập, thầy giáo là người chủ đạo, học trò là người chủ động, bạn bè là người hỗ trợ, giúp đỡ, "xúc tác". Vì vậy nói "học thầy không tầy học bạn" là thái quá, hạ thấp người thầy, quá đề cao vai trò, tác dụng của việc học hỏi bạn bè, xem học bạn hơn học thầy. "Học thầy không tầy học bạn" là sai.

Để đánh giá đúng hai câu tục ngữ nói trên, chúng ta cần lưu ý đặc trưng loại thể tục ngữ, một loại hình nghệ thuật dân gian thiên về lý trí, trí tuệ dùng để đúc kết kinh nghiệm sống và răn dạy về ứng xử. Nhằm mục đích đó và để cho dễ nhớ, tác giả dân gian thường dùng lối nói ngắn gọn hàm súc, ngoài nhịp điệu, nhiều khi dùng lối nói phóng đại, cường ngôn, lộng ngữ, một chiều để nhấn mạnh, khắc sâu, đề cao bài học trong bản thân câu tục ngữ. Hai câu tục ngữ trên có khả năng chủ yếu nói về kinh nghiệm học nghề học việc trong thời kỳ lao động xã hội được tổ chức theo hình thức thủ công là chính. Đặt trong bối cảnh đó và xét trên bình diện nghĩa tương ứng thì sẽ thấy hai câu tục ngữ trên khác hẳn câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Khác chúng ta, cổ nhân quan niệm người hơn nửa chữ đã là thầy. Và theo triết học cổ về ý thức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, "Quân – quân, thần – thần, phụ – phụ, tử – tử", rõ ràng là thầy thì không còn là bạn nữa. Trong trường hợp đó (học chữ, dạy chữ), câu "Học thầy không tầy học bạn" sẽ rất chông chênh.

Thoáng nhìn, hai câu "Không thầy đố mày làm nên" và "Học thầy không tầy học bạn" dường như là mẫu thuẫn. Nhưng khi sóng đôi, chúng sẽ cho ta bài học bố ích, hoàn chỉnh: Vừa kính trọng thầy, vừa coi trọng bạn. Kính trọng thầy để tỏ lòng tôn sư trọng đạo đối với người đã dìu dắt ta "làm nên". Tôn trọng bạn để học hỏi, nâng đỡ nhau cùng tiến bộ.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 7 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 7 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư