Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc của hoạt động tập thể dã ngoại. (10 mẫu)

Viết bài văn thuyết minh về quy tắc của hoạt động tập thể dã ngoại. (10 mẫu)
1 trả lời
Hỏi chi tiết
12
0
0
Nguyễn Thị Nhài
12/09 15:12:26

Dàn Ý

1. Mở bài: Giới thiệu về hoạt động tập thể dã ngoại mà bản thân sẽ thuyết minh.

2. Thân bài:- Giới thiệu về thời gian, nơi chốn, ý nghĩa của hoạt động tập thể dã ngoại.- Nêu các quy tắc cho chuyến đi dã ngoại (các quy tắc này có thể thay đổi tùy vào địa điểm):+ Lựa chọn trang phục phù hợp, thoải mái, dễ vận động.+ Chuẩn bị túi thuốc y tế dự phòng.+ Tránh di chuyển đến những nơi rậm rạp, ẩm thấp.+ Lựa chọn những nơi thoáng đãng để cắm trại, tổ chức trò chơi.

3. Kết bài: Khẳng định quy tắc, luật lệ của hoạt động dã ngoại.

Mẫu 1

Vài ngày tới đây, nhà trường sẽ tiến hành tổ chức buổi dã ngoại tại vườn Quốc gia Ba Vì nhằm tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu phong cảnh, thiên nhiên ở đây. Để chuẩn bị cho chuyến đi, mình xin giới thiệu một quy tắc mà các bạn cần tuân thủ để đảm bảo có một chuyến đi an toàn.

Thứ nhất, có mặt đúng giờ. Theo lịch trình, đúng 6 giờ 15 xe sẽ khởi hành. Các bạn cần có mặt trước 30 phút để điểm danh, sắp xếp vị trí. Nếu quá thời gian quy định trên, các bạn sẽ bỏ lỡ trải nghiệm thú vị này.

Thứ hai, khi đến nơi, mọi người cần ổn định trật tự, xếp thành hàng và di chuyển theo sự chỉ dẫn của thầy cô. Không tách hàng, chen lấn, xô đẩy làm ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Thứ ba, chuẩn bị quần áo ấm. Do chúng ta đi vào mùa đông nên nhiệt độ ở đây sẽ rất thấp, chỉ khoảng 15 độ. Chính vì vậy, các bạn cần giữ ấm cơ thể, tránh để bị ốm.

Thứ tư, mang đồ ăn nhẹ. Tham gia các hoạt động tập thể đặc biệt là hoạt động dã ngoại khiến chúng ta phải vận động, di chuyển liên tục. Điều này sẽ khiến các bạn đói nhanh hơn bình thường. Hãy mang theo một số loại thực phẩm như xúc xích, bánh mì, phô mai, sữa,... để phục vụ cho những lúc dạ dày phát "tín hiệu" nhé!

Mình xin gọi những điểm trên là quy tắc an toàn. Các bạn hãy nhắc nhở bản thân, bạn bè thực hiện nghiêm túc để buổi dã ngoại được diễn ra tốt đẹp. Hi vọng một số lưu ý trên sẽ giúp ích cho chuyến đi này.

Mẫu 2

Trong buổi dã ngoại sắp tới, chúng ta sẽ được đến thăm thác Bản Giốc thuộc tỉnh Cao Bằng. Tại nơi đây, chúng ta sẽ tiến hành tham quan và cùng nhau tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa. Hãy bỏ túi ngay một số quy tắc hữu ích sau đây để có chuyến đi dã ngoại vui vẻ, đoàn kết.

Thác Bản Giốc cách Hà Nội khoảng 335km và là một trong những địa điểm không thể bỏ qua khi đặt chân đến Cao Bằng. Để ngắm được thác Bản Giốc, chúng ta cần vượt qua những mỏm đá và đi thuyền trên sông. Chính vì vậy, các bạn lưu ý:

Thứ nhất, cần chuẩn bị trang phục gọn gàng. Các bạn có thể mặc quần áo thể thao hoặc những trang phục phù hợp, thuận tiện cho việc di chuyển, hoạt động. Đặc biệt, nên sử dụng giày thể thao hoặc các loại giày có độ ma sát cao để tránh trơn trượt.

Thứ ba, tuân thủ theo sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên du lịch là người am hiểu lịch sử, địa lí nơi đây. Do vậy, chúng ta nên chú ý lắng nghe lời khuyên của họ nhằm giảm thiểu các sự cố, phát sinh không mong muốn.

Thứ tư, mặc áo phao khi đi thuyền. Để đảm bảo cho sự an toàn của bản thân và các thành viên khác, mỗi người nên mặc áo phao trong suốt chuyến thưởng ngoạn. Đồng thời, không nô đùa, di chuyển mạnh trên thuyền.

Cuối cùng, hãy ghi chép và tận hưởng cảnh đẹp. Hoạt động dã ngoại sẽ đem đến cho bạn những kiến thức, trải nghiệm quý báu. Đừng quên lưu giữ chúng bằng cách ghi chép lại hoặc lưu giữ khoảnh khắc bằng điện thoại nhé!

Trên đây chỉ là một vài các quy tắc quan trọng cần lưu ý khi tham quan tại thác Bản Giốc, Cao Bằng. Các quy tắc này được đúc kết từ kinh nghiệm của những người đi trước. Hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong chuyến đi này. 

Mẫu 3

Hiện nay, dã ngoại là hoạt động tập thể được nhiều người ưa thích. Có rất nhiều địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh mà chúng ta có thể tham quan. Đối với những người ưa khám phá, mạo hiểm thì các hoạt động tập thể, trải nghiệm ở địa bàn rừng núi là sự lựa chọn hàng đầu. Để có một chuyến đi dã ngoại an toàn, chúng ta cần lưu ý một số quy tắc như sau:

Thứ nhất, cần lên kế hoạch, lộ trình cụ thể cho buổi dã ngoại. Việc làm này là vô cùng cần thiết bởi nó sẽ tránh cho bạn và mọi người những rủi ro không đáng có trong suốt chuyến đi.

Thứ hai, cần lựa chọn trang phục phù hợp. Khi tham gia các hoạt động tập thể ở rừng núi, chúng ta cần mặc quần áo dài tay, đi giày cao cổ hoặc những trang phục gọn gàng, ôm sát cơ thể để tránh bị côn trùng cắn. Đặc biệt, không nên chọn đồ vật, quần áo sáng màu, quá rực rỡ vì sẽ thu hút các loài côn trùng, thú dữ.

Thứ ba, nâng cao cảnh giác khi đi đường rừng. Trong rừng ẩn chứa rất nhiều rủi ro, nguy hiểm. Chúng ta sẽ không thể biết được có bao nhiêu loài động vật đang ẩn nấp sau các tán cây cao và rậm. Hãy quan sát xung quanh để tránh bị rắn, rết cắn nhé!

Thứ tư, cần chuẩn bị các vật dụng, túi thuốc dự phòng. Trong các hoạt động tập thể, chúng ta không tránh khỏi những lúc bị trầy xước, chấn thương. Chính vì vậy, một túi thuốc bao gồm: bông, băng, cồn sát trùng, băng dính cá nhân, thuốc cảm cúm, thuốc đau bụng,... là hết sức cần thiết.

Thứ năm, ta cần chọn vị trí thoáng đãng, cao ráo để tiến hành cắm trại hoặc tổ chức các hoạt động tập thể. Tránh những nơi ẩm thấp, có cây, gỗ mục vì đó là nơi sinh sống ưa thích của các loại côn trùng.

Cuối cùng, tuyệt đối không tự ý đi một mình hoặc tách đoàn đi riêng lẻ. Mọi người nên đi cùng nhau để hỗ trợ trong một vài trường hợp cần thiết.

Trên đây là một số quy tắc an toàn được đúc rút từ những người có kinh nghiệm. Các bạn có thể tham khảo và trang bị cho bản thân những vật dụng hữu ích. Một buổi hoạt động tập thể chỉ vui vẻ khi mọi thành viên được an toàn.

Mẫu 4

Trong những hoạt động tập thể, trò chơi kéo co được mọi người vô cùng ưa chuộng và yêu thích. Môn thể thao này vừa giúp mọi người rèn luyện sức khỏe, vừa nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết. Ở bài thuyết minh này, tôi sẽ cung cấp cho các bạn quy tắc, luật lệ của môn kéo co để chúng ta có thêm hiểu biết và chấp hành đúng yêu cầu của trò chơi.

Để bắt đầu một trận đấu kéo co, chúng ta không thể thiếu dây thừng. Kích thước của dây thừng thông thường dao động từ 7 đến 15 mét, có thể dài hoặc ngắn hơn tùy thuộc vào số lượng người tham gia. Giữa dây sẽ có một sợi dây đỏ để dùng để đánh dấu, phân cách hai đội.

Đối với bộ môn kéo co, mọi đối tượng đều có thể tham dự nếu đáp ứng tốt về thể lực. Số lượng người thi đấu nằm trong khoảng từ 10 đến 16 người, thậm chí nhiều hơn, chia làm hai đội. Vị trí đứng tùy thuộc vào sự sắp xếp của mỗi đội chơi.

Luật chơi của bộ môn kéo co vô cùng dễ hiểu và dễ thực hiện. Trước hết, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như gắng tay, giày thể thao nhằm đảm bảo an toàn cho cơ thể. Tiếp theo, kẻ vạch phân chia ranh giới giữa hai đội. Sau khi các thủ tục chuẩn bị hoàn tất, người chơi vào tư thế sẵn sàng: tay nắm chặt dây, chân chùng xuống. Khi nghe hiệu lệnh của trọng tài thì tiến hành kéo dây về phía mình. Đội nào kéo dây đỏ về vượt qua vạch kẻ trước thì giành chiến thắng.

Mặc dù hiện nay có không ít những trò chơi, bộ môn thể dục hấp dẫn khác nhưng kéo co vẫn là môn thể thao được mọi người yêu thích trong các hoạt động tập thể. Hi vọng những quy tắc, luật lệ mà tôi nêu trên sẽ giúp ích cho các bạn. 

Mẫu 5

Bóng đá là một trong những môn thể thao hấp dẫn, được đông đảo mọi người yêu thích. Mặc dù là bộ môn phổ biến trên thế giới nhưng không phải ai cũng biết và hiểu hết được các quy tắc, luật lệ trong bóng đá. Qua bài viết này, tôi sẽ cung cấp, giới thiệu cho các bạn một số quy định cần thiết của một trận bóng.

Trong trận đấu, có tất cả 22 cầu thủ trên sân, chia đều cho hai đội (không tính cầu thủ dự bị), trong đó mỗi đội có một thủ môn. Dựa vào chiến lược của huấn luyện viên mà các cầu thủ sẽ được sắp xếp ở những vị trí khác nhau.

Mỗi cầu thủ trong những giải đấu chuyên nghiệp đều phải tuân thủ quy chuẩn về trang phục bao gồm: áo, quần, tất, giày và bọc ống đồng chuyên dụng. Đồng thời, không được phép sử dụng dụng cụ gây nguy hiểm cho bản thân và các cầu thủ khác.

Theo quy định, mỗi trận bóng được chia làm hai hiệp, mỗi hiệp kéo dài 45 phút. Thời gian nghỉ giữa hiệp không quá 15 phút. Tùy vào diễn biến từng hiệp mà thời gian bù giờ sẽ được quyết định khác nhau. Trước mỗi hiệp đấu, hai đội sẽ tiến hành phát bóng để bắt đầu. Nếu đội A phát bóng trong hiệp 1 thì đội B sẽ phát bóng trong hiệp 2. Quyền phát bóng thường được quyết định dựa trên kết quả tung đồng xu.

Trong suốt trận đấu, mỗi đội có ba lần thay thế người. Việc thay thế người phụ thuộc vào chiến lược của trọng tài và tình hình sức khỏe của các cầu thủ trên sân.

Luật bóng đá nghiêm cấm các hành vi sử dụng tay để chơi bóng. Người duy nhất được phép dùng tay bắt bóng là thủ môn. Ngoài ra, các hành động khiếm nhã, lăng mạ, xúc phạm, gây nguy hiểm đến sự an toàn của các cầu thủ khác đều bị xử lí nghiêm minh. Đặc biệt, hành vi sử dụng các chất kích thích và doping trước trận đấu hoàn toàn không được cho phép. Cầu thủ có thể phải đối mặt với các mức phạt khác nhau tùy theo mức độ vi phạm. Thậm chí là bị phế truất quyền thi đấu.

Đối với một số quả đá phạt thì vị trí đá được quy định rất rõ ràng. Cho đến khi cầu thủ sút phạt, các cầu thủ đội bên phải đứng xa bóng một khoảng 9,15m và nằm ngoài khu vực phạt đền. Khi bóng vượt ra khỏi sân, cầu thủ đội bên được yêu cầu phải đứng cách xa vị trí ném biên ít nhất là 2m. Hiện tại, FIFA có tất cả 17 điều luật trong "Luật bóng đá chính thức". Các quy định này được phép thay đổi để phù hợp với giải bóng chuyên nghiệp và nghiệp dư.

Như vậy, bài viết của tôi đã cung cấp cho mọi người một số quy tắc, luật lệ của môn thể thao bóng đá. Thông qua bài thuyết minh, tôi hi vọng các bạn đã có thêm những hiểu biết nhất định và tuân thủ theo điều luật mà bóng đá đã đề ra.

Mẫu 6

Việt Nam là một nước giàu truyền thống văn hóa với những giá trị đời sống tinh thần rất đa dạng phong phú. Trong đó, những trò chơi dân gian cũng được xem như là những nét đẹp văn hóa làm nên bản sắc cho dân tộc Việt Nam. Một trong những trò chơi thú vị và khá phổ biến là trò chơi kéo co.

Chẳng biết từ bao giờ, trò chơi kéo co đã được phổ biến, len lỏi vào trong đời sống văn hóa giải trí của nhân dân ta một cách rất tự nhiên. Trò chơi kéo co vốn đã xuất hiện từ thời cổ đại. Những hình chạm trổ trên tường ngôi mộ cổ ở Ai Cập cho thấy người Ai Cập cổ đại đã từng tổ chức những cuộc thi đấu kéo co từ năm 2500 trước Công Nguyên. Dần dần trò chơi kéo co là một trò chơi quen thuộc của trẻ em nông thôn Việt Nam. Kéo co là môn thể thao mang tính đồng đội và là môn trọng vào sức mạnh. Nó không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là trò chơi thể hiện tinh thần và mang tính đồng đội cao, đem lại niềm vui, sự thoải mái cho mọi người khi tham gia những trò chơi trong các dịp lễ hội. Ở Việt Nam, kéo co là một trò chơi dân gian truyền thống. Trong các hội hè dã ngoại, trò chơi này luôn hấp dẫn nhiều người tham gia. Vào các dịp lễ tết, kéo co lại là một phần quan trọng trong các lễ hội cổ truyền.

Để chơi kéo co thì rất đơn giản, không phải chuẩn bị gì nhiều, chỉ cần một cái dây thừng chắc chắn, dài khoảng 10 mét hoặc có thể dài hơn cũng được. Tùy thuộc vào số lượng người chơi để chuẩn bị độ dài dây thừng cho phù hợp. Luật chơi kéo co thì mỗi nơi một khác nhưng nhìn chung thì đều được chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình, giữa sợi dây có buộc một cái khăn đỏ,bên nào kéo đoạn dây có buộc khăn đỏ qua vạch của mình trước là thắng. Trò chơi kéo co thì không yêu cầu người chơi là nam hay nữ, ai cũng có thể chơi được chỉ cần có sức khỏe tốt là được. Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào kéo thắng hai keo trước là thắng.Trong quá trình thi đấu giữa hai đội người ta cũng cử một người là trọng tài để phân định rõ ràng, thắng thua, khi tiếng còi cất lên hay có tiếng hiệu lệnh, thì cả hai bên phải dồn hết sức mạnh để kéo dây về phía mình. Một trận thi đấu chỉ diễn ra vài giây nhưng cũng có khi căng thẳng hơn kéo dài đến cả vài phút. Trong quá trình chơi phải cần có chiến thuật, kéo hết mình, nhiệt tình dùng hết sức lực . Trò chơi cũng đòi hỏi tinh thần đoàn kết cao, nếu tay hơi bị phồng hoặc bị rát thì người ta vẫn không ngại vất vả, bỏ qua những nỗi đau nhỏ và thi đấu hết mình. Các cổ động viên thì nhiệt tình hò reo, khua chống, chiêng để cổ vũ. Đôi khi sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả cũng khiến cho đội chơi chiến thắng nhanh chóng hơn.

Trò chơi kéo co đem lại cho con người rất nhiều sự bổ ích, đem lại niềm vui tiếng cười, biết được tinh thần đoàn kết trong quá trình tham gia thi đấu. Hiện nay xã hội ngày càng phát triển, con người dần bị cuốn theo công nghệ hiện đại, giới trẻ cũng dần chơi những trò chơi hiện đại mà quên đi những trò chơi dân gian truyền thống, bổ ích. Thế nhưng trò chơi dân gian kéo co vẫn đem lại những giá trị tinh dần của văn hóa dân tộc Việt và trở thành một nét đẹp mang bản sắc dân tộc.

Trò chơi kéo co vẫn sẽ mãi là thú vui của những trẻ em. Mỗi lần nhìn thấy trò chơi này, em cũng như được sống lại với kí ức tuổi thơ. Hi vọng rằng mọi người hãy chung tay trân trọng, níu giữ nét đẹp truyền thống này.

Mẫu 7

Nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam được thể hiện qua rất nhiều hình thức, một trong những hình thức đó là các trò chơi dân gian. Từ xưa đến nay, chúng ta được biết đến với rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm nét truyền thống của dân tộc. Bịt mắt bắt dê được xem là một trong các trò chơi có từ lâu đời và vô cùng độc đáo.

Bịt mắt bắt dê là trò chơi đã xuất hiện từ rất lâu. Ngay từ trong những bức tranh cổ, chúng ta còn lưu lại những hình ảnh về một miền kí ức xưa kia với những cô bé, cậu bé chơi trò chơi hay những người lớn cùng nhau đứng trong một vòng tròn, bịt mắt để bắt dê. Như chính cái tên của trò chơi này, đây là trò chơi nhiều người cùng tham gia, bịt mắt để bắt được dê. Chúng ta đặt ra câu hỏi tại sao là "bắt dê" chứ không phải bắt một con vật nào khác. Điều này được lí giải bởi loài dê là loài có tính hiền lành, nhút nhát, linh hoạt và rất thích vận động. Chính vì thế, người bắt được nó đòi hỏi phải có sự tinh ý, nhanh nhẹn, thậm chí là cả chiến thuật nhất định. Mở mắt để bắt dê đã khó, bịt mắt để bắt được dê lại càng khó khăn hơn. Chính vì thế, đây được coi là trò chơi khá khó khăn nhưng lại vô cùng thú vị, hấp dẫn.

Thông thường, theo cách chơi trước kia, đúng nguyên bản của trò chơi, đây là trò chơi thường được tổ chức trong các lễ hội. Với sự tham gia của những người lớn là chủ yếu, đặc biệt là những bạn nam thanh nữ tú tham gia lễ hội. Có hai người chơi chính, họ được bịt mắt để tìm bắt dê. Con dê sẽ được đeo một vật để phát ra được tiếng động giúp cho người tìm dễ nhận biết được. Những người xung quanh không tham gia chơi sẽ đóng vai trò làm khán giả, hò reo cổ vũ người chơi. Tất cả tạo nên một không khí sôi nổi, sinh động và thú vị của lễ hội. Sau một quãng thời gian nhất định, người chơi phải tìm ra được con dê. Nếu cả hai không tìm được, trò chơi kết thúc và nhường lượt chơi cho những người tiếp theo.

Sau này, trò chơi bịt mắt bắt dê có rất nhiều những biến thể khác nhau. Có khi là hai hay nhiều người cùng chơi, họ vẫn bịt mắt nhưng điều khác biệt là không có con dê nào được bắt cả. Một người chơi chính sẽ bắt những người còn lại, những người còn lại hóa thân thành những chú dê, có thể phát ra những tiếng động để người chơi chính dễ tìm thấy. Vì thế, với biến thể này, nhiều đối tượng có thể tham gia chơi, ngay cả trẻ em cũng có thể chơi trò chơi này để rèn luyện tính phán đoán, sự nhanh nhạy và linh hoạt, rèn luyện các giác quan khác nhau. Cũng chính vì tính phổ biến của trò chơi, bịt mắt bắt dê được tổ chức ở rất nhiều địa điểm, những dịp khác nhau. Trong nhà trường, các hội thi, các lễ hội đều có thể tổ chức trò chơi này.

Ngày nay, khi xã hội hiện đại phát triển, khi nhu cầu giải trí, đời sống tinh thần của con người ngày một cao, có rất nhiều những trò chơi hiện đại, tiên tiến ra đời. Vậy nhưng, những trò chơi dân gian, trong đó có trò chơi bịt mắt bắt dê luôn là một phần kí ức của tuổi thơ, luôn là một mảnh kí ức đẹp trong tâm hồn người Việt. Cũng chính vì nét đẹp văn hóa này, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của trò chơi này trong các tác phẩm nghệ thuật như tranh ảnh hay thơ ca.

Mẫu 8

Lễ hội là tín ngưỡng văn hóa của mỗi dân tộc. Hầu như làng, xã nào cũng có lễ hội được tổ chức vào đầu xuân. Mọi người dân Thuận Thành, Bắc Ninh thường có câu ca:

Dù ai buôn đâu, bán đâu

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu.

Câu ca dao như một lời nhắc nhở các tín đồ phật giáo hãy nhớ về hội Dâu được tổ chức vào đầu xuân hàng năm.

Hội Dâu được tổ chức vào mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm. Chùa Dâu là một ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, được xây dựng vào những năm đầu thế kỉ XV. Mặc dù vậy chùa Dâu vẫn giữ được những nét nguyên bản từ khi được xây dựng tới nay. Hàng năm, chùa Dâu thu hút rất nhiều tín đồ đến thắp hương, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Vào mỗi dịp lễ hội, người dân háo hức tổ chức sửa sang chùa chiền. Ngay từ chiều mùng 7 đã có lễ rước các bà Dâu, bà Đậu, bà Đàn, bà Keo mà theo truyền thuyết bốn bà được tạc từ một cây dâu, chị cả là bà Dâu nên chùa Dâu được xây dựng lớn nhất. Đặc biệt vào ngày mồng 7, các vãi đến để cúng, quét dọn và làm lễ rửa chùa. Ngày hội chính diễn ra rất sôi động, náo nhiệt. Mọi người đến đây với lòng thành kính, kính mong đức phật ban cho sự an lành, ấm no. Chùa có rất nhiều gian, điện, đặc biệt có pho tượng Kim Đồng - Ngọc Nữ đạt đến chuẩn mực nghệ thuật cao với các tỉ lệ của người thật. Hành lang hai bên có những pho tượng với nhiều tư thế, nét mặt khác nhau. Người ta đến lỗ hội không chỉ để thắp hương, cầu an mà còn để vui chơi, đón không khí ngày xuân. Có rất nhiều trò chơi được tổ chức trong lễ hội như: đu quay, hát quan họ đối đáp, giao duyên giữa các liền anh, liền chị dưới thuyền rồng với những trang phục mớ ba, mớ bảy cổ truyền. Khắp sân chùa là những hàng bán đồ cúng, những nén hương trầm, hay những đồ chơi dân gian cho trẻ em như sáo, trống... hoặc chỉ là những bông lan thơm ngát. Tất cả tạo ra một không khí cộng đồng ấm cúng. Mọi người quên đi sự bận rộn, quên đi sự bon chen, thách thức để nhớ tới đức phật cùng sự thánh thiện, nhớ tới cõi bình an của tâm hồn. Khoảng 7 giờ sáng ngày 8/4, người ta đã nghe thấy tiếng chiêng, tiếng trống và tiếng cúng tế dâng sớ cầu mong bình an, lạy tạ các vị thánh thần, phật pháp của đội tế lễ tứ sắc chùa lập ra. Đặc biệt, ở lễ hội Dâu thờ Tứ Pháp là Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Lôi.

Sau khi các cụ làm lễ xong, đoàn rước từ chùa Tổ bắt đầu quay về, hàng đoàn người kéo nhau đi theo hộ tống. Người đi đầu cầm bình nước, người thứ hai dâng hương, tiếp đó là đoàn kiệu được những trai tráng của lồng khiêng. Họ mặc những trang phục như quân tốt đỏ thời xưa, theo sau là các bà mặc áo nâu đội sớ. Người cầm nước vừa đi vừa cầm cành trúc vẩy nước vào những người xung quanh như ban sự may mắn cho mọi người. Người ta quan niệm rằng ai được vẩy nước vào sẽ may mắn, được Phật ban phước quanh năm và được Phật phù hộ, bảo vệ. Khi hội tan, mọi người về rồi thắp hương ở ngoài sân thờ nhớ lời hẹn gặp năm sau. Nhưng lạ lùng hơn hầu như năm nào sau hội trời cũng mưa và người dân cho đấy là lễ tẩy chùa, ở một khía cạnh nào đó thì đây được coi như một điều linh nghiệm huyền bí.

Lễ hội thể hiện trình độ tổ chức cao, sự kết hợp giữa làng xã và ý thức cộng đồng, cuốn hút khách thập phương với những nét nghệ thuật, văn hóa đặc sắc, phong phú. Đối với Bắc Ninh, cái nôi của Phật giáo thì đây là dịp thể hiện sự tài hoa, tinh tế, lịch lãm trong văn hóa ứng xử, giao tiếp. Là một người con của Bắc Ninh, em cảm thấy tự hào về truyền thống của quê hương mình và em sẽ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những nét văn hóa ấy, đặc biệt là những lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc vào những ngày đầu xuân.

Mẫu 9

          Ném còn là trò chơi dân gian phổ biến của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng ở Tuyên Quang. Vào mỗi dịp lễ hội, Tết, ở địa phương có đông người Tày, Nùng sinh sống thì đều tổ chức trò chơi này với mong ước về một mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.

Theo quan niệm của người dân nơi đây, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng. Ngay từ trước lễ hội ném còn, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Thường quả còn chỉ có khoảng 4 - 8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Họ còn may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Các tua rua này còn biểu trưng cho những tia nắng, tia mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Cây còn được làm từ thân cây tre mai có chiều cao khoảng 20 m -30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Đồng bào Tày, Nùng quan niệm, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng). 

Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn. Người tung quả còn bay cao mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái. Sau khi lên trời quả còn rơi xuống, người đón còn đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, xanh tươi về cái phúc, lộc, thọ cho một năm mới thịnh vượng. Chính vì thế khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời xua đi mọi điều bất hạnh và người đón còn thế nào cho khéo không để còn rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, ai cũng được tung và ai cũng được bắt, quả còn phơi phới trên trời cao, bay đi, bay lại như rồng uốn, lượn quanh, một vũ điệu tươi vui tràn đầy hạnh phúc ấm no.

Với người Tày, Nùng, trò chơi ném còn mang ý nghĩa cầu mùa. Nếu ném trúng vòng tròn và xuyên thủng làm rơi giấy là âm, dương giao hoà, cuộc sống sẽ sinh sôi, mùa màng sẽ bội thu.

Mẫu 10

Đá cầu là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhịp nhàng của người chơi. Chính bởi vậy, môn thể thao đá cầu được mọi người vô cùng yêu thích. Trong bài viết này, tôi xin được giới thiệu với mọi người về quy tắc, luật lệ của môn đá cầu.

Trước hết, để có thể chơi đá cầu, chúng ta cần chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết, bao gồm: một quả cầu trinh, một tấm lưới. Cầu trinh là dụng cụ bắt buộc đối với mỗi trận đấu còn lưới dùng để ngăn cách sân. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu không gian không đủ rộng, chúng ta có thể dùng kẻ vạch thay thế cho lưới trên sân.

Tiếp đến, số người tham gia trong trò chơi đá cầu có thể dao động từ 2 đến 6 người hoặc thậm chí nhiều hơn tùy vào không gian, địa điểm mà trò chơi diễn ra.

Giống như mọi môn thể thao khác, đá cầu cũng có luật lệ, quy định vô cùng chặt chẽ. Đấu thủ phải đá quả cầu từ bên này sang bên kia. Một quả cầu chỉ được tính là phát thành công khi nó qua lưới. Nếu không đỡ trúng cầu hay đá ra ngoài khoảng sân thì đội đối phương sẽ được tính điểm. Thông thường, mỗi trận đấu bao gồm ba hiệp, mỗi hiệp được tính bằng 21 điểm. Đội nào ghi được 21 điểm trước thì chiến thắng.

Trên đây là một số luật lệ, quy định của môn thể thao đá cầu. Hi vọng qua bài thuyết minh này, các bạn sẽ có thêm những hiểu biết nhất định và tuân thủ đúng quy tắc, luật lệ đối với loại hình thể thao này.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 7 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư