Khi nhắc đến tác giả Kim Lân ta như nhìn thấy được những mảnh đời cơ cực, những chiến sĩ, những người nông dân,…ông chính là một nhà văn xuất chúng của nền văn xuôi hiện đại được sinh ra trong thời kỳ trước và sau cách mạng tháng Tám. Trong đó không thể nào không nhắc đến tác phẩm truyện ngắn “Vợ Nhặt”, một câu chuyện chân thực, nó tái hiện vô cùng thành công cuộc sống ảm đạm, khủng khiếp của nạn đói Ất Dậu năm 1945 của đất nước ta. Một tác phẩm khiến ai đọc cũng phải rùng mình vì xót xa.
Câu chuyện được mở đầu trên cái nền vô cùng tăm tối và đau thương. Kim Lân đã vẽ ra hình ảnh một nhân vật người phụ nữ- người “Vợ nhặt” nghèo đói, đầy bất hạnh nhưng lại toát lên một khát vọng sống vô cùng mãnh liệt. Và để sống, chị đã chấp nhận theo một người đàn ông cũng nghèo khổ về làm vợ giữa ngày đói mà không cần một cái lễ gì. Nhìn người phụ nữ, người vợ lúc đó, ta sẽ thấy một số không tròn trĩnh, không tên, không tuổi, không quê hương, không nghề nghiệp,…đang tha phương, nay đây mai đó không biết đi đến đâu. Cảnh ngộ xuất hiện một người vợ nhặt thật lạ nhưng cũng thật quen với hoàn cảnh lúc bấy giờ. Kim Lân không đặt tên cho nhân vật người vợ nhặt, xuyên suốt cả tác phẩm, ông gọi cô là “thị” đây là một cách gọi phiếm định, dành cho tất cả những người phụ nữ đang trong hoàn cảnh này, một cảnh ngộ và số phận vô cùng đáng thương và tội nghiệp, họ đang bước đi từng bước nặng nhọc, chịu đựng để chống chọi với cơn đói khát. Thân xác người vợ nhặt hiện ra với thân hình gầy gò ốm yếu, ngực lép gầy, khuôn mặt lưỡi cày lúc đó xám xịt và quần áo thì rách rưới không đủ che đi tấm thân. Nhìn hình ảnh người vợ nhặt, ta như thấy rõ được nạn đói năm 45, nạn đói lịch sử cướp đi cuộc sống của biết bao người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
“Thị” được Kim Lân xây dựng với hai luồng tính cách khác nhau. Trước khi trở thành vợ của Tràng, thị là một người phụ nữ mạnh mẽ, táo bạo trong giao tiếp và chút gì đó liều lĩnh. Lần đầu tiên, khi Tràng gặp “thị”, thì chính thị là người chủ đậu làm quen, cũng chính thị đã chủ động đẩy xe bò giúp Tràng. Lúc đó, thị vui vẻ, thị “liếc đôi mắt cười tít” với Tràng. Đến lần gặp thứ hai, bất ngờ từ đâu thị “sầm sập chạy tới” trước mặt Tràng, miệng sưng sỉa lên nói, dáng đứng thì cong cớn. Đã vậy, thị còn chủ động đòi ăn, khi được Tràng mời ăn bánh đúc thị đã ăn một mặt hết bốn bát bánh đúc mà không ngẩng lên bao giờ. Ăn xong, thị lấy đũa quẹt miệng, khen ngon và tỏ ra hạnh phúc. Vì đói, thị không sợ mất thể diện “đòi ăn”, một khát khao mãnh liệt được sống. Cái đói như biến con người ta thành một người khác, biến đổi tính cách con người. Kim Lân chắc chắn phải thật sự cảm thông và xót xa trước cảnh ngộ đói nghèo đó của người lao động thì mới có thể lột tả được đúng tâm trạng của “thị” như vậy. Nhưng khi trở thành vợ Tràng, “thị” như trở thành một con người hoàn toàn khác, trở lại một người đàn bà hiền thục, lễ phép, đảm đang, biết e lệ, khép nép. Dễ dàng nhận ra điều đó qua dáng vẽ tội nghiệp cứ bẽn lẽn khi thị ở bên cạnh Tràng vào lúc trời chàng vạng sáng. Hình ảnh thị đi theo sau, chiếc nón rách cứ che nghiêng, như muốn che đi sự e thẹn, ngượng nghịu, đôi chân như không nghe lời, cứ bước díu từ chân nọ đến chân kia…nhìn cảnh đấy ta thấy thật tội nghiệp cho nàng dâu mới. Không xe hoa, cũng chẳng pháp cưới, những người xung quanh với khuôn mắt u tối hốc hác, xen vào đó là âm thanh của quạ, tiếng khóc tiễn người chết đầy tang thương,…Nhưng sáng sớm hôm sau, thị đã phần nào quen với cảnh có chồng, thị dâỵ sớm quét tước dọn dẹp căn nhà đơn sơ. Hình ảnh này như gợi lên một người vợ biết lo toan, vun vén cuộc sống gia đình. Một người vợ hiền lành, một cô dâu thảo. Bữa cơm đầu tiên bước về nhà chồng, bữa cơm của ngày đói, bữa cơm chỉ có cơm độn sắn, nhưng đối với thị lại ấm ấp, thơm ngọt. Thị kể cho mẹ chồng và chồng nghe câu chuyện người dân Bắc Giang cùng nhau đi phá kho thóc Nhật, ánh mắt ánh lên niềm hi vọng, và cũng nhờ vào đó mà tiếp thêm sức mạnh cũng niềm tin vào sự đổi mới trong tương lai cho hai mẹ con Tràng.
Chính tấm lòng giàu tình nhân ái, tình yêu thương của Tràng và mẹ Tràng đã giúp cho “thị”- người phụ nữ không tên tuổi, không có gia đình, người thân sống lang thang cơ nhỡ, có một mái ấm, có một sự đổi đời. Thị chính là hiện thân cho sự ấm áp về cuộc sống gia đình, niềm tin vào cuộc sống tăm tối của người nghèo khổ đang đứng trước vực thẳm của cái đói, cái chết. Kim Lân đã rất tinh tế khi xây dựng thành công hình tượng nhân vật “vợ nhặt”.