LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Hãy phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (ngoài bài đã được phân tích trong phần Viết của bài học). (10 mẫu)

Hãy phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (ngoài bài đã được phân tích trong phần Viết của bài học). (10 mẫu)

1 trả lời
Hỏi chi tiết
12
0
0
Phạm Minh Trí
13/09 11:38:09

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 1)

Mùa xuân trong thi ca là đề tài được nhiều nhà thơ khai thác. Mùa xuân là mùa của tuổi trẻ, là mùa của khát khao sống mãnh liệt, là mùa của niềm tin vào cuộc đời. Nhà thơ Thanh Hải, một người con của mảnh đất Huế thân yêu đã có bài thơ vô cùng hay viết về mùa xuân đó chính là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ. Điều tuyệt vời nhất là ông sáng tác bài thơ này khi đang nằm trên giường bệnh. Một người đang đau ốm mà vẫn cảm nhận được cái đẹp của mùa xuân. Chao ôi, mùa xuân ấy mới đẹp làm sao.

Suốt cuộc đời của mình, nhà thơ Thanh Hải đã cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc qua cả hai cuộc đấu tranh chống Mỹ và chống Pháp. Cái khát vọng được dâng hiến cuộc đời mình cho Tổ quốc luôn ẩn chứa trong con người tác giả. Điều này thể hiện rất rõ qua tác phẩm Mùa xuân nho nhỏ. Có thể xem đây là bài thơ, là món quà cuối cùng mà Thanh Hải dành tặng cho chúng ta, dành tặng cho chính cuộc đời của ông.

Mặc dù đang ở trong tâm thế là người bệnh nhưng nhà thơ Thanh Hải viết nên những vần thơ không hề có sự buồn bực của một người sắp lìa xa cõi đời. Ngược lại, câu thơ của ông chứa đựng nét thiết tha và thanh thản. Một giọng văn đầy cởi mở và tươi mới. Tác giả đã nhìn thấy cảnh sắc của một mùa xuân mới thông qua một ô cửa sổ nhỏ, lắng nghe được tiếng gọi của mùa xuân một cách đầy tinh tế.

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

Màu tím là một màu sắc đặc trưng của xứ Huế. Chúng ta vẫn nói Huế tím mộng mơ là vì thế. Màu tím biếc của bông hoa nổi bật lên giữa màu xanh của dòng sông. Đó là những bông hoa bèo đầy dân dã. Mặc dù tả màu tím của hoa nhưng khi đọc lên người đọc lại liên tưởng đến cả màu tím của tà áo dài của những cô gái Huế. Chúng mỏng manh và thật gợi tình. Từ chỗ nhìn thấy, tác giả bắt đầu nghe thấy. Đó là âm thanh của tiếng chim chiền chiện đang hót vang trời. Chim chiền chiện là loài chim thường xuất hiện nhiều vào mùa xuân. Hình ảnh chim “hót chi mà vang trời” biểu lộ cho một sự vui tươi của cảnh vật và của chính nhà thơ nữa. Cảnh vật đẹp như vậy nên nhà thơ muốn ôm trọn vào lòng mình. Muốn hứng lấy từng giọt long lanh của đất trời. “Giọt long lanh”, đó có thể là giọt sương mai, cũng có thể là tiếng chim hót được nhà thơ viết theo một lối chơi chữ tài tình. Hiểu theo cách nào thì cũng đủ để người đọc cảm nhận được sự trân quý của tác giả Thanh Hải đối với cảnh đẹp thiên nhiên.

Sau khi cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, tác giả lại cảm nhận vẻ đẹp của mùa xuân đất nước qua hình ảnh những người chiến sĩ, những người nông dân bám mình trên đồng ruộng.

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao…

Ở khổ thơ này tuy tác giả không nhắc đến màu xanh nhưng ta lại thấy màu xanh ngập tràn cả khổ thơ. Đó là màu xanh của lá cây mà những người chiến sĩ giắt đầy quanh mình ngụy trang, đó là màu xanh của nương mạ gieo ngoài đồng vào mùa xuân. Mùa xuân, người lính thì ra chiến trường, người nông dân thì ra đồng cày cấy và trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Mỗi người mỗi công việc nhưng ai cũng hối hả, ai cũng xôn xao. Họ tìm thấy niềm vui trong việc mà họ đang làm. Chính họ là những người đã đem mùa xuân đến cho Tổ quốc của chúng ta. Dấu chửng lửng ở cuối đoạn thơ như ý muốn nói mùa xuân ấy vẫn sẽ còn tiếp diễn đời này qua đời khác. Bốn câu thơ tiếp theo chính là thể hiện cho sự tiếp nối ấy:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Câu thơ là một sự tự hào của tác giả đối với đất nước. Trải qua hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã phải hứng chịu biết bao nhiêu nỗi vất vả và nhọc nhằn. Thế nhưng sau tất cả, tinh thần dân tộc vẫn giúp chúng ta đi lên. Tác giả ví “đất nước như vì sao” bởi lẽ những ngôi sao lúc nào cũng sáng lấp lánh trên đầu trời đêm. Đất nước dù khó khăn cũng sẽ vững vàng mà tiến lên phía trước.

Trước sự tự hào của bản thân về đất nước, nhà thơ đã muốn hóa thân mình thành con chim, thành nhanh hoa, thành nốt trầm để hiến dâng cho cuộc đời. Mong ước ấy thật giản đơn nhưng cũng thật vĩ đại:

Ta làm con chim hót

Ta làm một cành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến

Những điều nhà thơ mong muốn tưởng như rất bình dị nhưng chính những điều đó lại làm nên nét đẹp của cuộc đời, làm nên một bản hòa ca với những thanh âm trong trẻo. Thật đẹp biết bao tâm hồn của thi sĩ. Thật đáng quý biết bao khi ở trong hoàn cảnh như nhà thơ mà vẫn muốn được hiến dâng mình cho Tổ quốc. Mong ước của tác giả có lẽ cũng là mong ước chung của nhiều người

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc

Mỗi người trong chúng ta đều là một mùa xuân nhỏ. Từng mùa xuân nhỏ ấy lặng lẽ dâng cho cuộc đời một mùa xuân lớn, một mùa xuân chung cho tất cả. Chẳng cần phải là vĩ nhân, chỉ cần là những người dân bình dị sống hết mình cho quê hương, Tổ quốc thì dù đầu xanh hay tóc bạc cũng đã góp phần làm nên mùa xuân rồi.

Kết bài, một khúc hát quen thuộc của Huế vang lên. Nếu như Bác Hồ trước lúc đi xa muốn nghe một câu hát dân ca thì ở đây tác giả cũng ngân vang khúc ca xứ Huế. Điều đó cho thấy tình yêu của ông dành cho quê hương mình quả là bất diệt:

Mùa xuân ta xin hát

Khúc Nam ai, Nam Bình

Nước non ngàn dặm tình

Nước non ngàn dặm mình

Nhịp phách tiền đất Huế.

Bao nhiêu tâm tư, tác giả đều đã gửi gắm vào trong những vần thơ. Người ta thường nói lời của người trước khi mất là những lời chân thực nhất. Qua những vần thơ của Thanh Hải, người đọc hẳn cũng đã cảm nhận được cái chân thành trong con người ông. Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ mang đến cho người đọc ý nghĩa của cuộc sống, mang đến cho con người ta khát vọng về niềm vui sống mãnh liệt. Viết về mùa xuân nho nhỏ nhưng lại nói lên được cái tình cảm lớn lao của con người, tác giả đã để lại trong lòng người đọc nỗi xúc động trào dâng.

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 2)

Thanh Hải là nhà thơ tiêu biểu của mảnh đất cố đô xinh đẹp, ông nổi tiếng với những vần thơ mượt mà, sâu lắng mang đậm văn hóa con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông. Bài thơ được ông viết vào năm 1980, trong khung cảnh hòa bình, trong công cuộc xây dựng đất nước. Một hồn thơ trong trẻo. Một điệu thơ ngân vang Đất nước vào xuân vui tươi rộn ràng.

Sáu câu thơ đầu như tiếng hát reo vui đón chào một mùa xuân đẹp đã về. Trên dòng sông xanh của quê hương mọc lên một bông hoa tím biếc. Động từ "mọc" nằm ở vị trí đầu câu thơ gợi tả sự ngạc nhiên vui thú, một niềm vui hân hoan đón chào tín hiệu mùa xuân:

Mọc giữa dòng sông xanh,

Một bông hoa tím biếc.

"Bông hoa tím biếc" ấy chỉ có thể là hoa lục bình, hoặc hoa súng mà ta thường gặp trên ao hồ, sông nước làng quê:

Con sông nhỏ tuổi thơ ta tắm

Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng

Hoa lục bình tím cả bờ sông...

(Trở về quê nội - Lê Anh Xuân)

Màu xanh của nước hòa hợp với màu "tím biếc" của hoa đã tạo nên bức tranh xuân chấm phá mà đằm thắm. Ngẩng nhìn bầu trời, nhà thơ vui sướng lắng tai nghe chim chiền chiện hót. Chim chiền chiện còn gọi là chim sơn ca, bạn thân của nhà nông. Từ "ơi" cảm thán biểu lộ niềm vui ngây ngất khi nghe chim hót:

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời.

Hai tiếng ''hót chi" là giọng điệu thân thương của người dân Huế được tác giả đưa vào diễn tả cảm xúc thiết tha giữa người với tạo vật. Chim chiền chiện hót gọi xuân về. Tiếng chim ngân vang, rung động đất trời đem đến bao niềm vui. Ngắm dòng sông, nhìn bông hoa đẹp, nghe chim hót, nhà thơ bồi hồi sung sướng:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng

"Đưa tay... hứng" là một cử chỉ bình dị trân trọng, thể hiện sự xúc động sâu xa. "Giọt long lanh" là sự liên tưởng đầy chất thơ. Là giọt sương mai, hay giọt âm thanh tiếng chim chiền chiện? Sự chuyển đổi cảm giác (thính giác - thị giác) đã tạo nên hình khối thẩm mĩ của âm thanh.

Tóm lại, chỉ bằng ba nét vẽ: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót..., Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh xuân đẹp và đáng yêu vô cùng. Đó là vẻ đẹp và sức sống mặn mà của đất nước vào xuân.

Bốn câu thơ tiếp theo nói về mùa xuân sản xuất và chiến đấu của nhân dân ta. Cấu trúc thơ song hành để chỉ rõ hai nhiệm vụ chiến lược ấy:

Mùa xuân người cầm súng,

Lộc giắt đầy trên lưng.

Mùa xuân người ra đồng,

Lộc trải dài nương mạ.

"Lộc” là chồi non, cành biếc mơn mởn. Khi mùa xuân về cây cối đâm chồi nẩy lộc. "Lộc" trong văn cảnh này tượng trưng cho vẻ đẹp mùa xuân và sức sống mãnh liệt của đất nước. Người lính khoác trên lưng vành lá ngụy trang xanh biếc, mang theo sức sống mùa xuân, sức mạnh của dân tộc để bảo vệ Tổ quốc. Người nông dân đem mồ hôi và sức lao động cần cù làm nên màu xanh cho ruộng đồng, "nương mạ" bát ngát trên quê hương. Ý thơ vô cùng sâu sắc: máu và mồ hôi của nhân dân đã góp phần tô điểm mùa xuân và để giữ lấy mùa xuân mãi mãi.

Cả dân tộc bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương và náo nhiệt:

Tất cả như hối hả

Tất cả như xôn xao...

"Hối hả" nghĩa là vội vã, gấp gáp, khẩn trương. "Xôn xao" là có nhiều âm thanh xen lẫn vào nhau, làm cho náo động; ở trong câu thơ, "xôn xao" cùng với điệp ngữ "tất cả như... " làm cho nhạc thơ vang lên nhịp điệu vui tươi, mạnh mẽ khác thường. Đó là hành khúc mùa xuân của thời đại Hồ Chí Minh.

Đoạn thơ tiếp theo nói lên những suy tư của nhà thơ về đất nước và nhân dân:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Chặng đường lịch sử của đất nước với bốn nghìn năm trường tồn, lúc suy vong, lúc hưng thịnh với bao thử thách "vất vả và gian lao". Thời gian đằng đẵng ấy, nhân dân ta từ thế hệ này qua thế hệ khác đã đem xương máu và mồ hôi, lòng yêu nước và tinh thần quả cảm để xây dựng và bảo vệ đất nước. Dân ta tài trí và nhân nghĩa. Bốn nghìn năm lập quốc tỏa sáng nền văn hiến Đại Việt, đã khẳng định sức mạnh Việt Nam. Câu thơ "Đất nước như vì sao" là một hình ảnh so sánh đẹp và đầy ý nghĩa. Sao là nguồn sáng lấp lánh, là vẻ đẹp bầu trời, vĩnh hằng trong không gian, và thời gian. So sánh đất nước với vì sao là biểu lộ niềm tự hào đối với đất nước Việt Nam anh hùng, giàu đẹp. Hành trang đi tới tương lai của dân tộc ta không một thế lực nào có thể ngăn cản được: "Cứ đi lên phía trước". Ba tiếng "cứ đi lên" thể hiện chí khí, quyết tâm và niềm tin sắt đá của dân tộc để xây dựng một Việt Nam "dân giàu, nước mạnh".

Sau lời suy tư là điều tâm niệm của Thanh Hải. Trước hết là lời nguyện cầu được hóa thân:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

"Con chim hót" để gọi xuân về, đem đến niềm vui cho con người. "Một nhành hoa" để tô điểm cuộc sống, làm đẹp thiên nhiên sông núi. "Một nốt trầm" của bản "hòa ca" êm ái để làm xao xuyến lòng người, cổ vũ nhân dân. "Con chim hót", "một nhành hoa", "một nốt trầm" là ba hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cái đẹp, niềm vui, cho tài trí của đất nước và con người Việt Nam.

Với Thanh Hải, hóa thân là để hiến dâng, để phục vụ cho một mục đích cao cả:

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc.

Lời thơ tâm tình thiết tha. Mỗi con người hãy trở thành "một mùa xuân nho nhỏ" để làm nên mùa xuân bất diệt của đất nước. Ai cũng phải có ích cho đời. Mùa xuân nho nhỏ, là một ẩn dụ đầy sáng tạo khắc sâu ý tưởng: "Mỗi cuộc đời đã hóa núi sông ta" (Nguyễn Khoa Điềm). "Nho nhỏ" và "lặng lẽ" là cách nói khiêm tốn, chân thành. "Dâng cho đời" là lẽ sống đẹp, cao cả. Bởi lẽ "Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình" (Tố Hữu), sống hết mình thủy chung cho đất nước, đem cả cuộc đời mình phục vụ đất nước, từ lúc "tuổi hai mươi" trai tráng cho đến khi về già "tóc bạc". Thơ hay là ở cảm xúc chân thành. Thanh Hải đã nói lên những lời "gan ruột" của mình. Ông đã sống như lời thơ ông tâm tình. Khi đất nước bị Mĩ - Diệm và bè lũ tay sai âm mưu chia cắt làm hai miền, ông hoạt động bí mật trong vùng giặc, gây dựng phong trào cách mạng, coi thường cảnh máu chảy đầu rơi. Cảm động hơn nữa là bài thơ Mùa xuân nho nhỏ được ông viết ra trên giường bệnh, một tháng trước lúc ông qua đời.

Thanh Hải sử dụng biện pháp nghệ thuật điệp ngữ rất tài tình: "Ta làm... ta làm... ta nhập...", "dù là tuổi... dù là khi..." đã làm cho âm điệu thơ, giọng thơ tha thiết, sâu lắng, ý thơ được khắc sâu và nhấn mạnh. Người đọc xúc động biết bao trước một giọng điệu thơ trữ tình, ấm áp tình đời như vậy. Có thể xem đoạn thơ này là những lời trăn trối của ông.

Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương:

Mùa xuân - ta xin hát

Câu Nam ai, Nam bình

Nước non ngàn dặm mình

Nước non ngàn dặm tình

Nhịp phách tiền đất Huế.

Nam ai và Nam bình là hai điệu dân ca Huế rất nổi tiếng mấy trăm năm nay. Phách tiền là một nhạc cụ dân tộc để điểm nhịp cho lời ca, tiếng đàn tranh, đàn tam thập lục. Câu thơ "Mùa xuân - ta xin hát" diễn tả niềm khao khát bồi hồi của nhà thơ đối với quê hương yêu dấu buổi xuân về. Quê hương đất nước trải dài ngàn dặm,’chứa chan tình yêu thương. Đó là "ngàn dặm mình", "Nghàn dặm tình" đối với non nước và xứ Huế quê mẹ thân thương! Câu thơ của người con đất Huế quả là "dịu ngọt" vậy.

Mùa xuân là đề tài truyền thống trong thơ ca dân tộc. Có thể nói, Thanh Hải đã góp cho vườn thơ Việt một bài thơ xuân đẹp, đậm đà tình nghĩa. Thể thơ năm chữ, giọng thơ lúc mạnh mẽ, lúc tha thiết ngân vang. Ngôn ngữ thơ trong sáng và hiểu cảm, hàm súc và hình tượng. Các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ song hành đối xứng, các điệp ngữ... được vận dụng sắc sảo, tài hoa. Tình yêu mùa xuân gắn liền với tình yêu đất nước, quê hương được Thanh Hải diễn tả một cách sâu sắc, cảm động. Mỗi một cuộc đời hãy là một mùa xuân. Đất nước ta mãi mãi sẽ là những mùa xuân tươi đẹp.

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 3)

Mùa xuân nho nhỏ là tiếng lòng của tác giả Thanh Hải luôn mong muốn thiết tha được gắn bó và cống hiến một lòng, một dạ cho đất nước. Được góp một chút sức lực, “một mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc. Tuy ước nguyện của tác giả vô cùng giản dị nhưng lại vô cùng cao cả, thiêng liêng và đẹp tựa như mùa xuân dân tộc.

Bài thơ theo thể năm tiếng, gần gũi và có nhiều hình ảnh so sánh giản dị, gợi hình gợi cảm cao. Nhờ đó người đọc cũng dễ hiểu, dễ cảm nhận và thường thức bài thơ.

Xuân hội tụ của những điều đẹp nhất, sự sống đâm chồi, nảy lộc vào mỗi sớm mai khi bình minh lên. Tiếng chim ca làm tổ, những câu hát quan họ dịu dàng vang lên giữa bầu trời trong xanh,.... Xuân có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong bốn mùa khi chứng kiến những sự sống mới bắt đầu và đó cũng là cảm hứng tuyệt vời trong các bài thơ. Ta có mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử, một khúc ca xuân - Tố Hữu,... nhưng đối với Thanh Hải - là mùa xuân nho nhỏ gần gũi và tràn đầy thân thương.

Mở đầu với bức tranh thiên nhiên của mùa xuân, âm thanh quen thuộc, giản dị từ đồng quê đã được tác giả vẽ nên một cách có chọn lọc và gợi hình, gợi cảm. Cảm xúc của tác giả về mùa xuân dường như có sự tươi mới, không gian dường như rộng lớn hơn.

Mọc giữa dòng sông xanhMột bông hoa tím biếcƠi con chim chiền chiệnHót chi mà vang trờiTừng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng.

Từ đoạn thơ trên, ta có thể hình dung một bông hóa tím tím biếc dân dã đang soi mình dưới bóng nước xanh. Tiếng chim chiền chiện vang lên giữa bầu trời rộng lớn báo hiệu tin vui sắp tới. Một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho muôn người đang dần dần hiện ra trước mắt.

Thán từ “ơi” mà tác giả bật lên đã thể hiện niềm vui khôn xiết trước đất trời mùa xuân. Hai tiếng “hót chi” là giọng nói quen thuộc của người dân xứ Huế, tác giả đã đưa hai tiếng này vào để thể hiện cảm xúc thiết tha, thân thương giữa người và vật trong cuộc sống.

Nhìn ngắm dòng sông, bông hoa, tiếng chim hót ngây ngất, nhà thờ xúc động:

Từng giọt long lanh rơiTôi đưa tay tôi hứng

Tiếng chim chiền chiện được tác giả thấy như từng giọt long lanh rơi trên bầu trời xuân kia. Từ cảm nhận của người đọc, chúng ta cũng có thể thấy tâm hồn thi sĩ, lòng yêu mến cuộc sống của nhà văn Thanh Hải dành cho cuộc đời tươi đẹp.

"Tôi đưa tay tôi hứng" là một cử chỉ trân trọng và đón nhận những điều tốt đẹp. Nhờ đó, nhà văn đã vẽ nên một bức tranh xuân tươi đẹp và sống động vô cùng - một vẻ đẹp khi vào xuân của đất nước.

Từ cảm nhận về mùa xuân của đất trời, thiên nhiên đến mùa xuân của đất nước là sự chuyển nhịp rất hợp lý. Vì mùa xuân là mùa lộc của tất cả mọi người.

Mùa xuân người cầm súngLộc giắt đầy trên lưngMùa xuân người ra đồngLộc trải dài nương mạ

Từ "Lộc" ở câu thơ “Lộc giắt đầy trên lưng” mang ý nghĩa là sức mạnh dân tộc mà người chiến sĩ đang mang trên mình. “Lộc” trong "lộc trải dài nương mạ" là sự hối hả, tấp nập chuẩn bị cho một mùa màng mới của người dân. Chiến sĩ và nông dân là hai lực lượng chính trong dựng xây Tổ quốc và bảo vệ dân tộc.

Câu thơ mang một ý nghĩa sâu sắc rằng người ra trận thì phải đổ máu, người ra đồng thì phải đổ mồ hôi nước mắt mới có thể giữ lấy tự do, bình yên và ấm no cho dân tộc.

Đất nước bốn ngàn nămVất vả và gian laoĐất nước như vì saoCứ đi lên phía trước.

Trong bốn ngàn năm dựng và giữ nước, ông cha ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu, mồ hôi mới có được. Với tâm thế là một người đọc, khi phân tích bài thơ mùa xuân nho nhỏ, chúng tôi vô cùng thấu hiểu cảm nhận và được niềm tự hào mãnh liệt mà tác giả Thanh Hải dành cho đất nước.

Đất nước vượt qua mọi khó khăn, vươn lên về phía trước. Từ “cứ” thể hiện một chân lý thiêng liêng là dù khó khăn thế nào thì đất nước cũng sẽ mạnh mẽ gánh gồng. Đoạn thơ đã thể hiện lòng tự hào, tin yêu và lạc quan vào đất nước, dân tộc của tác giả.

Khi phân tích bài mùa xuân nho nhỏ, có lẽ người đọc sẽ ấn tượng nhất với đoạn thơ thể hiện ước nguyện chân thành của bản thân với đất nước:

Ta làm con chim hótTa làm một cành hoaTa nhập vào họa caMột nốt trầm xao xuyến

Làm "con chim hót" để gọi xuân về, để mang tiếng hót yên vui cho mọi người, mọi nhà. Làm “một cành hoa" để điểm tô cho sắc đẹp núi sông, làm “một nốt nhạc trầm xao xuyến” để góp vui, khích lệ mọi người.

Chữ "tôi" đã được thay thế bằng chữ "ta" đầy sảng khoái đã thể hiện tư thế tự do, khí thế ngất trời và cùng hòa mình vào cuộc sống, vào mùa xuân đang tới trên mọi nẻo đường.

Mỗi người chỉ cần cống hiến "một mùa xuân nho nhỏ" của mình là đã góp phần tạo nên cả một mùa xuân dân tộc trọn vẹn.

Một mùa xuân nho nhỏLặng lẽ dâng cho đờiDù là tuổi hai mươiDà là khi tóc bạc

Dù chúng ta ở tuổi nào thì cũng đều có thể cống hiến cho đất nước theo nhiều cách khác nhau. Từ “nho nhỏ” và “lặng lẽ” thể hiện cách nói khiêm tốn và chân thành của tác giả khi cống hiến cho đất nước. Khổ thơ cuối là tiếng hát yêu thương của tác giả:

Mùa xuân – ta xin hátCâu Nam ai, Nam bìnhNước non ngàn dặm mìnhNước non ngàn dặm tìnhNhịp phách tiền đất Huế

“Câu Nam ai, Nam Bình” là hai giai điệu vô cùng nổi tiếng và đặc trưng của xứ Huế từ xa xưa tới nay. Câu hát ấy đi mãi cùng trái tim một người con dù ở giây phút cuối của cuộc đời vẫn muốn cống hiến hết mình cho đất nước, cho quê hương.

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 4)

Bài thơ “Bánh trôi nước” của Hồ Xuân Hương đã thể hiện sự trân trọng trước vẻ đẹp, phẩm chất trong trắng của người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Đồng thời, tác giả cũng bày tỏ niềm thương cảm cho cuộc đời lận đận của họ:

“Thân em vừa trắng lại vừa trònBảy nổi ba chìm với nước nonRắn nát mặc dầu tay kẻ nặnMà em vẫn giữ tấm lòng son”

Bài thơ mang hai nét nghĩa. Trước hết là nét nghĩa tả thực - miêu tả hình ảnh bánh trôi nước. Tác giả đã miêu tả hình dáng bên ngoài: màu sắc (vừa trắng), hình dáng (vừa tròn). Cùng với đó là cách thức làm bánh luộc bánh trong nước, khi nào bánh nổi lên mặt nước có nghĩa là đã chín. Bên trong nhân bánh thường được làm bằng đường phên. Viên bánh rắn hay nát phụ thuộc vào tay người nắn có khéo léo. Hình ảnh tả thực chiếc bánh trôi từ hình thức đến cách thức.

Nhưng không chỉ mang nét nghĩa như vậy, Hồ Xuân Hương còn muốn nói đến vẻ đẹp và số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa qua hình ảnh “bánh trôi nước”. Mở đầu bằng cụm từ “thân em” - đây là một mô-típ đã rất quen thuộc trong ca dao:

“Thân em như trái bần trôiGió dập sóng dồi biết tấp vào đâu”

Hay như:

“Thân em như ớt chín câyCàng tươi ngoài vỏ, càng cay trong lòng”

Ở bài thơ “Bánh trôi nước” hay các bài ca dao, dân ca đều xuất phát từ niềm thương cảm, xót xa cho số phận của người phụ nữ trong xã hội xưa. Họ là những con người nhỏ bé trong xã hội. Cuộc đời trôi nổi, bấp bênh và không được tự quyết định cuộc sống của bản thân, chịu sự chi phối của người khác.

Vẻ đẹp của người phụ nữ hiện lên “vừa trắng lại vừa tròn” gợi ra một thân hình khá đầy đặn, nước da trắng hồng. Đó là chuẩn mực của người phụ nữ đẹp trong xã hội xưa. Xinh đẹp là vậy, nhưng cuộc đời lại nhiều bất hạnh. Thành ngữ “bảy nổi ba chìm” gợi ra một cuộc đời vất vả, gặp nhiều gian truân. Câu thơ “rắn nát mặc dầu tay kẻ nạn” đã nói lên số phận phải phụ thuộc vào người khác, không được tự mình quyết định. Nhưng dù có chịu nhiều bất hạnh, người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương vẫn gìn giữ được tâm hồn cao quý: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. : Dù cuộc đời có khó khăn, khổ cực thì họ vẫn giữ được tấm lòng thủy chung, son sắc và không thay đổi. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên với đầy đủ nét đẹp từ ngoại hình đến tâm hồn. Bài thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị, hình ảnh ẩn dụ, thể thơ thất ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc… nhằm làm nổi bật nên ý nghĩa mà nhà thơ muốn gửi gắm.

Như vậy, “Bánh trôi nước” là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn sâu sắc. Từ đó, chúng ta cần phải trân trọng, yêu thương những người phụ nữ hơn.

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 5)

Mùa thu là đề tài muôn thuở của thơ ca cổ kim, ác nhà thơ đều có những khám phá, phát hiện riêng về mùa thu. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng vậy, ông là một nhà thơ viết rất hay, rất cảm xúc về cuộc sống, về con người với những vần thơ mềm mại, tinh tế chỉ riêng ông có được. Ít có nhà thơ nào lại có những cảm nhận tinh tế về bước chuyển mình từ hạ sang thu như nhà thơ Hữu Thỉnh trong bài Sang thu. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh cho đến nay vẫn được đánh giá là một trong những bài thơ miêu tả hay nhất về mùa thu.

     Ngay từ nhan đề của bài thơ đã gợi cho người đọc về khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên, và còn đâu đó ẩn dấu khoảnh khắc giao mùa của đời người. Khổ thơ đầu là những cảm nhận vô cùng tinh tế, là giác quan nhạy bén của tác giả để cảm biết được hết những mong manh tín hiệu khi thu về:

Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về

     Nếu như nhà thơ Xuân Diệu cảm nhận mùa thu qua những chiếc lá vàng, nhà thơ Xuân Quỳnh cảm nhận mùa thu bằng vẻ đẹp của hoa cúc và làn gió heo may thì cách cảm nhận của Hữu Thỉnh lại vô cùng đặc biệt, tác giả đã đón nhận mùa thu bằng khứu giác: hương ổi - một mùi hương thật thân quen, gần gũi. Hương ổi kết hợp với từ “bỗng” gợi lên biết bao cảm giác đột ngột, ngỡ ngàng, cùng với đó là động từ “phả” cho thấy hương thơm đậm sánh lại hòa vào trong cơn gió se se của mùa thu. Không chỉ vậy từ phả còn cho thấy tư thế chủ động của hương ổi, khiến hương thơm càng sánh, càng đậm hơn.

     Từ láy "chùng chình" cho thấy sự quyến luyến, không nỡ rời đi của màn sương. “Sương chùng chình” – nghệ thuật nhân hóa, cho ta thấy dáng vẻ của sương cũng như đang quyến luyến, cố đi chậm thật chậm để tận hưởng nốt cái ấm áp của mùa hè, dường như nó chưa muốn bước hẳn sang thu. Với hệ thống hình ảnh độc đáo, miêu tả sinh động tác giả đã miêu tả một cách tài tình những dấu hiệu đầu tiên của mùa thu. Mỗi một thay đổi của đất trời đều khiến cho con người ta để ý và rung động đến mức khó quên. Đầu tiên là hương ổi và bây giờ là cả màn sương, tất cả cho thấy một mùa thu đang về rồi. Từ "hình như" là một nhận định không rõ ràng diễn đạt cảm xúc mơ hồ, chưa xác định của tác giả trước những thay đổi ấy, dường như nhà thơ vẫn còn đôi chút băn khoăn: liệu có phải mùa thu đã đến thật không? Khổ thơ là những cảm nhận tinh tế, mới mẻ của tác giả lúc thu sang.

     Ẩn sau những thay đổi của đất trời khi sang thu là tâm hồn tinh tế của nhà thơ, là niềm vui, hạnh phúc khi thu về. Những băn khoăn của tác giả ở khổ thơ trên, đã được giải đáp bằng những tín hiệu của đất trời thấm đẫm chất thu:

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

     Bắt đầu từ những khúc sông “dềnh dàng”, chậm chạp chảy, ta không còn thấy cái dữ dội, những dòng nước cuồn cuộn như mùa hè nữa mà thay vào đó là dòng sông thu vô cùng trong trẻo, tĩnh lặng, chảy hiền hòa như đang ngẫm ngợi điều gì. Nghệ thuật nhân hóa khiến dòng sông như đang nghỉ ngơi sau một mùa hạ cuộn xiết chảy. Thu đến, dòng sông không còn phải gồng mình lên trước những cơn mưa lũ của mùa hạ, những cánh chim đã bắt đầu đi tìm nơi trú ẩn cho mình trước khi một mùa đông lạnh giá ghé thăm. Và cả những đám mây trắng trên bầu trời cao vợi cũng đã đến lúc nói lời chào tạm biệt mùa hè rồi. Ngược lại, những chú chim lại vội vã về phương Nam tránh rét, đồng thời cũng gợi lên những lo toan, tất bật của cuộc sống đời thường.

     Đoạn thơ được tác giả sử dụng một loạt các từ láy "dềnh dàng", "vội vã" là những động từ thể hiện sự chuyển động của sự vật. Những sự vật của tự nhiên được nhân hóa với những hành động khi nhanh, khi chậm, vô cùng sinh động trong con mắt của tác giả. Lại một lần nữa động từ được đặt lên đầu câu. Động từ "Vắt" cho thấy hình ảnh một đám mây mềm mại, vắt ngang trên bầu trời, một nửa còn vấn vương mùa hạ, nửa còn lại đã bước chân sang mùa thu.

     Khoảnh khắc giao mùa hiện lên tinh tế, sống động qua những câu thơ giàu chất tạo hình. Ông quả là một người tinh tế và nhạy cảm khi nhìn nhận sự vật, hiện tượng trong khoảnh khắc giao mùa. Sang đến khổ thơ cuối, nhà thơ Hữu Thỉnh không còn cảm nhận mùa thu bằng những sự thay đổi của tự nhiên nữa mà thay vào đó là sự đan xen những chiêm nghiệm về cuộc đời:

Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi

     Hữu Thỉnh sử dụng linh hoạt phép đối “vẫn còn – vơi dần” , “nắng – mưa” gợi sự vận động ngược chiều của các hiện tượng thiên nhiên tiêu biểu cho hai mùa. Những cơn mưa mùa hè đã vơi dần, bớt dần; nắng cũng không còn chói gắt, làm người ta lóa mắt nữa mà đã là ánh nắng mùa thu dịu nhẹ như màu mật ong. Tín hiệu thu về đã rõ nét hơn bao giờ hết. Cái đặc sắc, tinh nhạy của Hữu Thỉnh còn được thể trong cách ông sắp xếp từ ngữ giảm dần về mức độ: vẫn còn – vơi – bớt cho thấy sự nhạt dần của mùa hạ, và mùa thu mỗi ngày lại đậm nét hơn.

     Hình ảnh ẩn dụ "hàng cây đứng tuổi" gợi cho người đọc nhiều liên tưởng. Ở đây, ta có thể hiểu "hàng cây đứng tuổi" tượng trưng cho một con người từng trải, đã đi qua bao giông bão của cuộc đời để trưởng thành hơn. Mùa thu của đất nước hay chính là mùa thu của đời người, khi đã đi qua những tháng năm xuân, hè của tuổi trẻ rực rỡ, bồng bột thì con người ta trở nên trưởng thành hơn, chín chắn hơn và không còn bị bất ngờ trước những tác động của ngoại cảnh. Có thể nói, đây là một hình ảnh ẩn dụ nhiều ý nghĩa, gợi liên tưởng sâu xa về cuộc đời. Phải là một người từng trải mới có thể có những xúc cảm như vậy.

     Bài thơ tuy ngắn gọn với thể thơ năm chữ mộc mạc, ngôn ngữ giản dị nhưng có ý nghĩa sâu sắc, hình ảnh đơn sơ mà gợi cảm, Hữu Thỉnh đã phác họa một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp bằng nhiều cảm xúc tinh nhạy. Sang thu là một khúc giao mùa nhẹ nhàng, thơ mộng, bâng khuâng mà cũng thầm thị triết lí, đã nối tiếp hành trình thơ thu dân tộc, góp một tiếng thu đằm thắm về mùa thu quê hương, đem đến cho chúng ta tình quê hương đất nước qua nét đẹp mùa thu Việt Nam. Đọc thơ Hữu Thỉnh ta càng cảm thấy yêu quê hương đất nước hơn, càng cảm thấy mình cần phải ra sức góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Phân tích một bài thơ được bạn đánh giá là hay (mẫu 6)

Nguyễn Khuyến là một tác giả chịu ảnh hưởng đậm nét tư tưởng Nho giáo, sáng tác của ông thường về đạo đức con người, người quân tử. Sau khi thấy thực tại rối ren, ông ở ẩn sáng tác các tác phẩm thể hiện sự hòa hợp với thiên nhiên thanh tịnh. Thu điếu nằm trong chùm thơ thu gồm ba bài nức danh nhất về thơ Nôm của Nguyễn Khuyến. Bài thơ nói lên một nét thu đẹp tĩnh lặng nơi làng quê xưa, biểu lộ mối tình thu đẹp mà cô đơn, buồn của một nhà Nho nặng tình với quê hương đất nước. Thu điếu cũng như Thu ẩm, Thu vịnh chỉ có thể được Nguyễn Khuyến viết vào thời gian sau khi ông đã từ quan về sống ở quê nhà (1884)

      Thu điếu" được viết bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm. Cảnh thu, trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.

Hai câu đầu nói về ao thu và chiếc thuyền câu. Nước ao "trong veo" toả hơi thu "lạnh lẽo". Sương khói mùa thu như bao trùm cảnh vật. Nước ao thu đã trong lại trong thêm, khí thu lành lạnh lại trở nên"lạnh lẽo". Trên mặt nước hiện lên thấp thoáng một chiếc thuyền câu rất bé nhỏ -"bé tẻo teo". Cái ao và chiếc thuyền câu là hình ảnh trung tâm của bài thơ, cũng là hình ảnh bình dị, thân thuộc, đáng yêu của quê nhà. Theo Xuân Diệu cho biết vùng đồng chiêm trũng Bình Lục, Hà Nam có cơ man nào là ao, nhiều ao cho nên ao ...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 10 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư