Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Dàn ý phân tích bài Thơ Duyên của Xuân Diệu
I. Mở bài
– Hồn thơ Xuân Diệu không bao giờ khép kín mà luôn luôn rộng mở đối với thiên nhiên và con người.
– Niềm khao khát được hòa hợp, giao cảm với cuộc đời thể hiện rõ nét qua một bài thơ thật hồn nhiên của nhà thơ: Thơ duyên (ghi lại bài thơ).
– Chuyển mạch.
II. Thân bài
A. Sự giao hòa tuyệt diệu trong thiên nhiên
– Duyên chỉ sự ràng buộc quấn quýt. Đây là cuộc gặp gỡ tình cờ không hẹn trước. “Thơ duyên” là thơ để làm duyên, để bắc nhịp cầu cảm thông.
– Cũng có thể hình tượng thơ cho thấy nhưng xúc cảm tinh tế của nhà thơ trước sự hòa hợp tuyệt diệu giữa con người và thiên nhiên, giữa “anh” và “em” trong không khí của thơ và mộng, trong âm hưởng của nhạc (tiếng huyền) và trong tình yêu mến (nỗi thương yêu).
Chiều mộng vừa hiện thực vừa lãng mạn. Một buổi chiều mùa thu với không gian êm đềm, cảnh vật như đang giao hòa trên nhánh duyên.
– Hình ảnh gợi cảm, thơ mộng:
Đôi chim hót ríu rít, chuyền trên những cành me.
Nền trời trong xanh màu ngọc bích đổ ánh sáng qua muôn lá.
– Dường như khắp nơi, thiên nhiên đều dạo lên khúc nhạc chào đón mùa thu:
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.
Cảnh vật trở nên nhẹ nhàng, duyên dáng:
– Con đường nho nhỏ với những làn gió xiêu xiêu nhẹ, những cành hoang lả lá dưới ánh nắng chiều…
– Những đám mây biếc bay gấp gấp, làm cho cánh cò trên ruộng cũng phân vân.
“Từ con cò của Vương Bột lặng lẽ bay với ráng chiều (Lạc hà dữ cô lộ tề phi: Thu Thủy cộng trường thiên nhất sắc, dịch là: Ráng chiều và cánh cò đơn chiếc lặng bay: Nước mùa thu cùng trời mùa thu một sắc) đến con cò của Xuân Diệu không bay mà cánh phân vân, có sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới” (Hoài Thanh). Vì Vương Bột quan sát, còn Xuân Diệu vừa quan sát vừa cảm nhận nên có sự cách biệt ấy.
Chim nghe trời rộng giang thêm cánhHoa lạnh chiều thưa sương xuống đầu.
Như nêu bật cảm giác rợn ngợp của cánh chim trước bầu trời cao.rộng, và cảm giác dịu lạnh của một loài hoa dưới những giọt sương chiều rơi nhẹ.
Thiên nhiên trong buổi chiều hôm qua bài thơ thật êm đềm, thơ mộng. Tất cả dường như có duyên với nhau, giao hòa trong một sự vận động vốn có. Nét đặc sắc nhất của những câu thơ ở đây là “cảnh như muốn theo lời thơ mà tan ra. Nó chỉ mất một tí rõ ràng để được thêm rất nhiều thơ mộng” (Hoài Thanh).
Hơn nữa, thiên nhiên như đang chuẩn bị cho những cảm xúc trìu mến để con người đón nhận những tình cảm thương yêu.
B. Sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạnLần đầu rung động nỗi thương yêu.
Nhân vật trữ tình ở đây là ta, là anh, một chàng thanh niên mới lần đầu rung động con tim nên cảm thấy tràn ngập tình cảm thương yêu.
Anh đi dưới đất trời – như giữa bài thơ dịu trên con đường nho nhỏ thoảng làn gió xiêu xiêu trong âm vang của khúc nhạc thu êm ái, lòng chợt rung động bởi một tình cảm mới lạ, cứ nhịp bước theo em. Tâm hồn anh hòa điệu với em như một cặp vân, dù ta chẳng quen biết nhau, không có băng nhân mai mối:
Ai hay tuy lặng bước thu êmTuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Bạn đang xem: 6 Bài Phân tích bài Thơ duyên (Xuân Diệu) hay nhất
Nhân vật trữ tình đang lắng nghe lòng mình hòa điệu với vạn vật, cùng lúc khao khát giao cảm với cuộc đời, khao khát yêu thương và được thương yêu.
Tình cảm yêu thương trong bài thơ gây ấn tượng sâu đậm, như một niềm hạnh phúc chính đáng mà con người được hưởng, và thơ mộng như trong truyện thần tiên:
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậyLòng anh thôi đã cưới lòng em.
III. Kết bài
Khái quát cảm nghĩ của em về bài thơ
Thơ duyên cho thấy bao nét đẹp của một chiều thu quê hương qua những chi tiết được quan sát, chủ yếu là được cảm nhận thật tinh tế. Đây là một trong số rất ít bài thơ trong sáng, hồn nhiên của Xuân Diệu trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Phân tích bài Thơ duyên Xuân Diệu hay nhất
Phân tích Thơ duyên – Mẫu 1
Nói đến thơ Xuân Diệu là nói đến những cảm xúc tột cùng mãnh liệt, những yêu thương tột độ đắm say, sôi nôi. Bởi vậy, đọc tập Thơ thơ, người đọc vừa ngạc nhiên vừa thú vị khi gặp một bài thơ rất dịu dàng, dịu từ ý đến lời: Thơ duyên.
Xét cho cùng, Thơ duyên cũng là một bài thơ về tình yêu, nhưng là tình yêu theo nghĩa rộng lớn, tình yêu đối với cuộc sống, đối với con người, đối với mọi vẻ đẹp, sự hòa hợp ở đời. Đây là thơ về cái duyên, cái hài hòa tuyệt vời mà một ngày kia nhà thơ bỗng nhận ra, giữa vũ trụ với cuộc đời, giữa đất trời với cây cỏ muông thú, giữa thời gian với không gian, giữa vạn vật với con người.
Điều ấy không phải bất kì lúc nào cũng xảy ra nhưng đã có lần xảy ra. Lúc ấy, nhìn vào đâu, từ bầu trời đến mặt đất, nhà thơ cũng chỉ nhìn thấy cái đẹp:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền
Chiều thì mộng, nhánh thì duyên. Quả thật đây là lúc mà cả không gian lẫn thời gian đều thi nhau mà hiện ra trong vẻ tuyệt mĩ của mình. Bởi vậy mối quan hệ giữa chiều mộng và nhánh duyên là một mối quan hệ tuyệt mĩ: hòa thơ. Từ mối quan hệ ấy, mọi điều đều trở nên hài hòa tuyệt đẹp. Cặp chim đang chuyền cành trên cây me trở nên ríu rít. Tiếng ríu rít hình như không chỉ vang lên từ cặp chim chuyền mà vang lên cả từ cây me nữa. Muốn lá vốn xanh, bầu trời vốn xanh, nhưng nhờ đổ trời qua muôn lá mà cả trời cũng muốn là trở nên xanh hơn, xanh đến tuyệt đẹp: xanh ngọc, Trong khổ thơ, có đường nét, dáng hình, có cả màu sắc, âm thanh, mà điều nào cũng đến tột cùng của cái duyên, cái thơ, cái đẹp, cái đáng yêu. Kết thúc khổ thơ, Xuân Diệu phát hiện ra:
Thu đến nơi nơi động tiếng huyền
Có một điều gì đó thật là huyền bí, thật là đẹp đẽ, chi phối cả vũ trụ lúc này, tạo nên mọi vẻ đẹp lúc này. Nó như một âm thanh không nghe thấy được nhưng huyền diệu vô cùng, có sức mạnh vô cùng. Lắng nghe được tiếng huyền ấy của vũ trụ, nhà thơ nhìn vào cảnh vật xung quanh mình: tất cả những điều bình thường bỗng trở nên khác thường đẹp hơn, đáng yêu hơn, có tình hơn, hòa hợp hơn:
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu.
Con đường như nhỏ lại để trở nên đẹp hơn. Ngọn gió chiều thổi se sẽ hơn, nương nhẹ hơn bởi ngọn gió như ý thức được việc mình đang làm. Những cành hoang là xuống trước ngọn gió xiêu xiêu nhưng cũng tự mình lả xuống để hòa hợp cùng ngọn gió. Từ cảnh vật ấy, nhà thơ nhìn lại chính lòng mình. Hóa ra điều kì diệu ấy cũng đang xảy ra đến trong tâm hồn con người. “Lòng ta nghe ý bạn”, đây là điều chỉ mới xảy ra lần thứ nhất trong đời. Một sự lắng nghe nhưng không lắng nghe bằng tại mà nghe bằng lòng, người nói thì không nói bằng lời mà lại nói bằng ý, cho nên lòng ta nghe ý bạn. Đây là sự cảm thông, một sự hòa hợp tự nhiên của tâm hồn, không muốn, không định, mà vẫn xảy ra. Và kết quả của điều xảy ra ấy là một nỗi thương yêu. Xuân Diệu rất tinh tế khi dùng mấy tiếng “nỗi thương yêu” để xác định tâm trạng của mình. Đây không phải là yêu, là tình yêu, mà là thương yêu, một tình cảm về sự hòa hợp trọn vẹn, lại không phải là tình mà là nỗi, một nỗi niềm xúc động, rung động của trái tim, không dành riêng cho một đối tượng cá biệt nào cả, cũng không vì một mục đích ngăn ngủi hay tự lợi nào. Từ nỗi thương yêu ấy nhà thơ muốn đi đến tột cùng tình cảm của mình. Lại cũng xảy ra điều rất lạ:
Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững đứng chẳng theo gần
Vô tâm, nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần.
Đã “điềm nhiên” lại còn “không vướng chân” hình như nhà thơ dùng từ hơi thừa thãi, nhưng đó chính là cách để nhà thiơ muốn nhấn mạnh vào tâm trạng điềm nhiên, hoàn toàn vô tư của con người. Bởi vậy ở câu thơ tiếp theo, đã “đi lững đứng” lại còn “chẳng theo gần”. Rồi sang câu thứ ba, mở đầu tác giả lại nhấn mạnh: vô tâm. Nghĩa là giữa hai con người, chưa hề có một tình ý gì, một sự chuẩn bị nào, một mong muốn khát khao nào. Thế mà cái điều phải đến vẫn cứ đến, đến như một quy luật, như một lẽ bình thường của trời đất, trong cái khoảng không gian và thời gian đặc biệt của buổi chiều hôm nay:
Anh với em như một cặp vần
Một cặp vần, ấy là sự hòa hợp trọn vẹn của ngôn từ và âm thanh để tạo nên cái điều kì diệu trong đời được gọi là thơ. Sự hòa hợp giữa hai tâm hồn ở đây là như thế, trọn vẹn đến độ hoàn toàn. Xuân Diệu còn nhấn mạnh đây là sự hòa hợp của một cặp vần trong “một bài thơ dịu”. Sự hòa hợp ấy được nâng lên đến độ tuyệt đối.
Từ sự thay đổi của lòng mình, nhà thơ nhìn ra vạn vật xung quanh. Tất cả đều đổi thay như được chinh phục bởi một sức mạnh thần diệu. Vạn vật không còn vô tư, vô cảm nữa, vạn vật cũng có cảm xúc, có linh hồn, cũng biết yêu thương, xao động như con người. Từ một đám mây, một cánh cò, một cánh chim, một bông hoa, một giọt sương, tất cả đều có sự trăn trở bên trong:
Mây biếc về đâu bay gấp gấp
Con cò trên ruộng cánh phân vân
Chim nghe trời rộng giang thêm cánh
Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần
Những đám mây đã bay hàng ngàn năm trong thơ cổ Việt Nam, trong thơ Đường, thơ Tống, nhưng chưa bao giờ có những đám mây “bay gấp gấp” như trong thơ Xuân Diệu. Những con cò đã từng bay hàng ngàn năm trên đồng ruộng Việt Nam, trong ca dao và thơ Việt Nam, chưa bao giờ có đôi cánh phân vân như trong thơ Xuân Diệu. Đây là cái náo nức, phân vân của một thế hệ mới, thế hệ các nhà thơ hiện đại, các nhà thơ trong phong trào Thơ Mới.
Thế là nhà thơ đang ngắm nghía cả bề rộng và bề sâu của trời đất, của vạn vật xung quanh, đã cảm nhận cả bề sâu lẫn bề rộng của lòng mình. Tự nhiên, như một sự tổng hợp tất yếu, sự kì diệu cuối cùng lại xảy ra nơi lòng con người:
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng bằng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngẩn vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Hình như bắt đầu vốn chẳng có gì cả, không có một ý muốn chủ quan nào, cũng chẳng có một sự môi giới khách quan nào tác động. Con người bước đi êm ả giữa mùa thu. Chính nhà thơ cũng đã lấy làm lạ: buổi chiều này nào có gì đâu! Nhà thơ gọi cái buổi chiều này là buổi “chiều hôm ngơ ngẩn”. Ngơ ngẩn nghĩa là thế nào? Nghĩa là rất vớ vẩn, rất bình thường, chẳng có gì đặc biệt đáng người ta quan tâm. Buổi chiều đẹp đến ngơ ngẩn lòng người? Cũng không biết nữa, chỉ biết rằng cái buổi chiều ấy tạo nên sự lạ lùng:
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Anh cưới em ư? Không phải, lòng anh cưới lòng em. Từ “cưới” mà Xuân Diệu dùng ở đây, độc đáo đến lạ lùng, mới mẻ đến vô lí. Ngẫm nghĩ ra ta lại thấy nhà thơ có lí, lòng anh cưới lòng em, đó là sự hòa hợp hai tấm lòng, hai tâm hồn đến độ trọn vẹn, tuyệt đối, sự hòa hợp trong mức độ cao nhất của cảm nhận về hạnh phúc. Từ “thôi” trong câu thơ này cũng rất lạ. “Thôi” nghĩa là thế nào? Nghĩa là đành vậy, đành phải chấp nhận như vậy, không còn cách nào khác, không thể từ chối được, không thể lẩn tránh được. Như vậy, cái việc lòng anh cưới lòng em, cái việc lòng anh hòa hợp với lòng em là việc tự nhiên, như của trời đất, con người không thể tạo ra, con người không thể chối bỏ.
Sao gọi là “thơ duyên”? Duyên vốn được coi như sự hòa hợp mà trời đất tạo ra. Xưa nay đã từng có chuyện:
Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng
Cái duyên trong Thơ duyên của Xuân Diệu chính là cái duyên ấy, nhưng còn bao hàm một cái duyên lớn hơn, cái duyên của vũ trụ, của đất trời, của cuộc sống nói chung. Cái duyên ấy không phải lúc nào cũng có nhưng khi đã có thì nó tạo ra cho cuộc sống sự hài hòa đẹp vô cùng, kì diệu vô cùng.
Không thể nói được thơ Xuân Diệu nghệ thuật vị nghệ thuật. Thơ Xuân Diệu là tình yêu cuộc sống, nó khiến ta biết yêu cuộc sống, biết quí trọng mọi vẻ đẹp của cuộc đời. Tất nhiên, khi biết yêu cuộc đời, con người ta phải biết góp phần làm cho cuộc đời trở nên đẹp hơn.
Phân tích Thơ duyên – Mẫu 2
Xuân Diệu là “ông hoàng thơ tình’ với những vần thơ say đắm, ngọt ngào và mãnh liệt về tình yêu đôi lứa. Mỗi bài thơ đều để lại trong lòng người đọc nhiều xúc cảm và ấn tượng riêng. “Thơ duyên” là bài thơ tràn đầy cảm hứng mê say, tin tưởng và đầy phấn khởi cho những giây phút rung động trong tình yêu.
Ngay ở nhan đề tác phẩm, người đọc đã cảm nhận được nét “duyên” của con chữ và nét duyên ngầm trong lòng người. Cảm xúc bao trùm bài thơ chính là niềm hăng say, vui tươi, phơi phới khi có những giây phút rung động đầu đời của một chàng trai mới biết yêu. Người đọc chắc chắn sẽ mê mẩn với những dòng cảm xúc vừa nhẹ nhàng vừa sôi nổi:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Cây me ríu rít cặp chim chuyền
Xuân Diệu đã mở đầu bài thơ bằng một không gian thật nên thơ và lãng mạn. Hình như không phải một buổi chiều như một ngày mà là “chiều mộng”. Một buổi chiều lãng mạn, tràn đầy chất thơ, chất nhạc, khiến lòng người say đắm. Một buổi chiều mùa thu nhẹ nhàng, tinh tế có cặp chim đang chuyền nhau trên cành cây mẹ. Một sự hòa quyện, giao thoa thật tuyệt vời giữa thiên nhiên và đất trời. Giọng thơ tuy nhẹ nhàng nhưng tràn đấy hứng khởi.
“Nhánh duyên” trong câu thơ đầu tiên khiến người đọc liên tưởng đến một mối nhân duyên ngầm nào đó nhưng vẫn còn e thẹn, ngượng ngùng.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá
Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền
Hai câu thơ như tan ra cùng đất trời, mùa thu hiện hữu rõ từng đường nét và lắng nhẹ vào lòng người. Màu xanh của bầu trời như đang “đổ” xuống vạn vật, tạo nên một màu “ngọc” thật trong lành và dịu mát. Từ “đổ” khiến cho câu thơ bừng sáng lên. Đó như báo hiệu một mùa thu ngọt ngào, tinh tế đã đến. Dường như trời đất của mùa thu luôn có sức hút mạnh mẽ như vậy.
Một buổi chiều thật nên thơ, đầy tình tứ sẽ thêm thi vị hơn khi có câu chuyện tình đôi lứa:
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêu
Lả lả cành hoang nắng trở chiều
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn
Lần đầu rung động nỗi thương yêu
Hoa ra sự vui tươi của đất trời đều xuất phát từ nỗi rung động “lần đầu” ấy. Hình ảnh con đường “nho nhỏ’ trong câu thơ có điểm xuyết những cành lá đâm ngang như phác họa nên một bức tranh thu nhẹ nhàng, tinh tế đến lạ kỳ. Một không gian khiến cho người đọc ngỡ như mình đang lạc vào cảnh tiên thi vị. Dường như cảnh vật đang tạo cảm giác lâng lâng, nhẹ nhõm của người đang tràn ngập tình yêu. Câu thơ chợt bừng lên niềm reo vui thật khẽ nhưng thật sâu. Thơ Xuân Diệu cứ nhẹ nhàng nhưng đằm thắm như duyên con gái vậy.
Ở những vần thơ tiếp theo, nhân vật chính của tình yêu lần đầu ấy xuất hiện thật nhẹ:
Em bước điềm nhiên không vướng chân
Anh đi lững thững chẳng theo gần
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu
Anh với em như một cặp vần
Anh chàng thi sĩ đi giữa một con đường mà như có cảm giác đang lạc vào một miền say mê, đắm đuối với tâm thế “lững thững” rất bình tâm, rất nhẹ nhàng và có chút gì đó lưỡng lự. Chàng trai ấy giữ một khoảng cách vừa đủ để cảm nhận được tình yêu đang tan chảy ra cùng mùa thu dịu ngọt, êm ái. Cả “anh” và “em” đều “vô tâm” nhưng dường như ai cũng muốn xích lại gần hơn, gần thêm chút nữa. Bởi ẩn sâu trong suy nghĩ thì câu chuyện tình nhẹ nhàng đó đã như một cặp vần. Những câu thơ nhẹ nhàng, nhịp điệu chậm rãi, khoan thai gieo vào lòng người niềm hân hoan, vui tươi.
Cảnh vật trong bài thơ duyên rất duyên, huyền diệu và tràn đầy vui tươi, làm nền cho tình cảm trở nên lâng lâng:
Ai hay tuy lặng bước thu êm
Tuy chẳng băng nhân gạ tỏ niềm
Trông thấy chiều hôm ngơ ngác vậy
Lòng anh thôi đã cưới lòng em
Mùa thu “êm” như khẽ khàng đi vào trái tim của những kẻ đang yêu, chẳng ai bày tỏ nỗi niềm nhưng lại khiến cho mọi thứ lâng lâng. Buổi chiều mưa thu “ngơ ngác” nhưng nhà thơ đã khẳng định chắc nịch “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Một Xuân Diệu thật duyên, là duyên ngầm, nhưng cũng thật mãnh liệt. Không phải anh cưới em mà là “lòng anh cưới lòng em”.
“Thơ duyên” của Xuân Diệu là bài thơ tràn đầy niềm tin yêu và tràn nhựa sống. Một bài thơ tình nhẹ nhàng, nhưng cũng không kém phần mãnh liệt.
Phân tích Thơ duyên hay nhất
Phân tích Thơ duyên – Mẫu 3
Mỗi khi nhắc đến Xuân Diệu người ta sẽ nhớ ngay tới một thi sĩ với khả năng quan sát tinh tế, tình cảm say mê nồng cháy. Trong các bài thơ của ông, người đọc luôn thấy tình yêu cuộc sống, sự trân quý mọi khoảnh khắc của cuộc đời, của vạn vật và “Thơ duyên” là một trong những bài thơ như vậy. Ở bài thơ, người đọc có thể cảm nhận được sự tinh tế của thi sĩ trong việc tái hiện sự trôi chảy của thời gian và hồn thu, tình thu cũng được khắc họa rõ nét qua ngòi bút tài hoa này.
“Thơ duyên” là khúc hát say mê, nhạy cảm với cuộc đời. Chữ “duyên” có thể hiểu là sự giao cảm, hòa nhịp với thiên nhiên đất trời, con người. Vốn là một con người dễ rung động trước cái đẹp, lại là người đa sầu đa cảm nên nhà thơ lại càng trân trọng sự chuyển động của thời gian và cụ thể ở bài thơ này là sự chuyển giao giữa hạ sang thu. Không chỉ đến bài thơ này thi sĩ mới viết về mùa thu mà trong tập “Thơ thơ” độc giả cũng đã bắt gặp “nàng thơ” với sự “ngẩn ngơ”, u sầu trong “Đây mùa thu tới”. Còn “Thơ duyên” bắt đầu với những hình ảnh trong sáng, nhẹ nhàng.
“Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên,Cây me ríu rít cặp chim chuyền.Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá,Thu đến – nơi nơi động tiếng huyền.”
Nhìn tổng thể cảnh vật mùa thu qua khổ một có thể thấy đây là một bức tranh sinh động và nên thơ. Với không gian là buổi “chiều mộng” – lãng mạn, êm ái hòa vào đó “thơ trên nhánh duyên” gợi nên khung cảnh trữ tình. Vạn vật dường như cũng vui mừng, hò reo khi thu về khi có “cặp chim chuyền” đang ríu rít trên “cây me”. Động từ “ríu rít” lột tả được phấn khởi, vui vẻ khi chúng liên tiếp “chuyện trò” với nhau. Hình ảnh cây me cũng gợi nhớ lại Hà Nội xưa cũ, một phần của quê hương xứ sở. Cùng lúc đó cả “bầu trời”, “lá” đều chuyển sang màu ngọc. Sắc màu này đã từng được nhà thơ Hàn Mạc Tử nhắc đến qua “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc” (Đây thôn Vĩ Dạ). Màu sắc gợi lên cảm giác trong xanh cùng với động từ “đổ” tạo cảm giác dứt khoát, lan tràn. Bây giờ không gian không chỉ nhuốm màu xanh mà còn tươi vui, rộn rã với “động tiếng huyền”. Cụm từ “thu đến” như một tiếng reo vui mừng, phấn khích cho mơ ước bấy lâu giờ đã thành hiện thực.
Nếu như đối với khổ thơ đầu, tác giả vẽ nên bức tranh thiên nhiên thì khổ kế tiếp nhà thơ đã tinh ý khi lồng vào đó chút tình cảm riêng tư.
“Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu,Lả lả cành hoang nắng trở chiều.Buổi ấy lòng ta nghe ý bạnLần đầu rung động nỗi thương yêu.”
Từ tầm nhìn trên cao tác giả “kéo” không gian của mình xuống gần hơn. Thi sĩ liên tiếp sử dụng từ láy hoàn toàn như “nho nhỏ”, “xiêu xiêu”, “lả lả” gợi sự đáng yêu trên nền nắng chiều. Động từ “trở” đầy sức gợi, mang đến cảm giác chuyển mình. Nếu từ “chiều” ở khổ một còn mang nét huyền huyền ảo ảo thì với khổ thơ này nó mang nét mạnh mẽ, “đậm nắng” hơn. Trong cái sắc hương của trời đất khi sang thu, thi sĩ nhớ lại lần rung động đầu tiên của mình. Thêm một động từ nữa cũng kích thích trí tò mò của độc giả không kém là “nghe”. “Nghe” ở nghĩa tường minh tức là sử dụng thính giác để lắng nghe âm thanh của cuộc sống, nhưng ở nhân vật “ta” hành động “nghe” lại chỉ ra được tâm ý, sự thầm thương, phải lòng “cố nhân”. Đó là cách dùng từ vô cùng đặc sắc của tác giả.
“Em bước điềm nhiên chẳng vướng chânAnh đi lững đững chẳng theo gần.”
Hình ảnh của sự “rung động” ấy được tái hiện rõ hơn. Nhân vật “em” và “anh” cùng dạo bước trên con đường nhỏ. “Em” thì hồn nhiên, ngây thơ bước đi không hề bận tâm gì. Còn “anh” thì “lững đững” – trạng thái thoải mái, thong dong. Hai con người xa lạ bỗng gặp nhau trên con đường nhỏ, tưởng xa hóa lại gần. Quả là cái duyên tiền định!
“Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu,Anh với em như một cặp vần.”
“Vô tâm” phải chăng là sự lãnh cảm, rời xa hay chính là cái xa lạ nhưng có sự giao lưu, kết nối. Với thủ pháp so sánh nhà thơ Xuân Diệu đã đưa ra quan niệm của mình về chữ “duyên”. Đối với ông thiên nhiên hòa hợp với thiên nhiên, con người say đắm trước cảnh vật vẫn là chưa đủ mà còn một “cặp bài trùng khác” là sự giao duyên giữa con người với nhau. Chẳng thế mà dù em vô tư bước đi không để ý gì về người đằng sau, còn anh thong dong ngắm nhìn trời đất cũng không đoái hoài gì người phía trước nhưng giữa họ lại có sự kết nối như “cặp vần” – gắn bó khăng khít, không thể tách rời. Một nhân sinh quan thật mới mẻ!
“Mây biếc về đâu bay gấp gấp,Con cò trên ruộng cánh phân vân.Chim nghe trời rộng giang thêm cánh,Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.”
Khổ bốn mang đến cho độc giả cảnh thu trên không gian rộng lớn. Hoạt động của thiên nhiên cũng dần dồn dập, nhanh chóng hơn. Từ láy “gấp gấp” tạo cảm giác hối hả, thúc giục. Tuy nhiên cụm từ “về đâu” lại đặt ra câu hỏi cho nơi đến của mây. Cùng với mây, con cò dường như cũng “phân vân”, đắn đo không biết nên bay lên cao hay xuống thấp, bay gần hay bay xa. Chiều thu tàn bắt đầu có chút gì đó bâng khuâng, bầu trời trải rộng ra và dường như cánh chim cũng đã thích nghi với điều này để rồi “giang thêm cánh”. Thi sĩ gán cho chim với động từ “nghe” như để sinh vật này hiểu được bầu trời, cảm nhận được thiên nhiên rồi từ đó điều chỉnh để thích nghi. Cách nhà thơ sử dụng cái hữu hạn (cánh chim) để diễn tả cái vô hạn (bầu trời) là một thủ pháp hay và ý vị. Người đọc dễ dàng hình dung được một cánh chim không mỏi, bay miệt mài trên nền xanh của bầu trời. Và càng chìm dần vào chiều thu, sương càng rơi xuống nhiều. “Hoa lạnh” vì có thể do “đẫm sương” hoặc do cơn gió nào đó. Chiều mùa thu bắt đầu lạnh làm cho người đọc cũng mang chút gì xao xuyến, bâng khuâng.
Đến khổ thơ cuối cùng, nhân vật trữ tình lại hồi tưởng về mối tình đầu của mình, về những rung động đầu đời lồng ghép vào trong hình ảnh thiên nhiên. Hình ảnh nhân hóa “bước thu êm” như sự chuyển động nhẹ nhàng, dịu dàng của nàng thu. Từ “êm” gợi cảm giác dễ chịu, thoải mái. Trên nền thu dịu dàng , e ấp “anh” lại nói về sự rung động của mình khi gặp em – “lòng anh thôi đã cưới lòng em”. Động từ “cưới” như một sự chắc nịch rằng anh đã phải lòng em và tấm lòng của anh chỉ hướng tới em. Động từ này còn nói lên sự gắn bó, xem “em” như là “mảnh ghép” còn lại của đời mình.
Bài thơ “Thơ duyên” không chỉ xuất sắc về nội dung mà ở khía cạnh hình thức bài thơ cũng đã làm rất “tròn vai” của mình. Bên cạnh việc sử dụng các từ láy, phép nhân hóa, các từ ngữ đặc sắc một nét khá đặc biệt trong bài thơ là cách ngắt câu. Thường thường ở thơ bảy chữ mà có bốn câu thì chỉ chấm kết thúc ở dòng cuối cùng ở mỗi khổ nhưng với “Thơ duyên” thì khác, dòng một với dòng ba là có dấu chấm phẩy khi kết thúc dòng. Còn dòng hai với dòng bốn là dấu chấm. Tức là hai dòng sẽ tạo thành một câu. Đây là một nét lạ và sáng tạo của Xuân Diệu.
Bằng ngòi bút giàu nhiệt huyết, tình yêu sôi nổi của một con người luôn trân quý, nắm bắt thời gian nhà thơ Xuân Diệu đã khắc họa nên bức tranh thiên nhiên với nhiều hình ảnh, nhiều sắc thái đặc trưng của mùa thu. Cùng với đó tác giả đã viết nên sự rung động đầu đời của mình – sự giao cảm, kết nối giữa những con người tưởng chừng xa lạ nhưng lại là cái duyên đã được sắp đặt sẵn. Tình duyên nảy nở trong tình thu!
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Phân tích bài thơ Thơ duyên (Xuân Diệu) bài tiếp theo, các em chuẩn bị cho phần Phân tích bài thơ Khi con tu hú và cùng với phần Phân tích bài thơ Đây mùa thu tới để có thể hiểu rõ hơn về nội dung này.
Phân tích Thơ duyên – Mẫu 4
Có ai đó đã nói “Xuân Diệu là nhà thơ của tình yêu”. Quả đúng là như thế dù trong suốt cuộc đời cho đến những giây phút cuối, Xuân Diệu không được hưởng trọn vẹn cái ngọt ngào say đắm của tình yêu, hạnh phúc như trong thơ ông thì cái chan chứa, cái say mê của tình yêu tuổi trẻ với nhiều cung bậc khác nhau. Từ mỗi đam mê cuồng nhiệt của mối tình nồng cháy đang ở độ chín muồi như: xa cách đến những rung động ban đầu của một tâm hồn còn nguyên sơ trong trắng với trái tim đang e ấp yêu đương như trong Thơ duyên. Đây là một bài thơ tình yêu rút trong tập thơ đầu tay Thơ thơ của Xuân Diệu diễn tả sự hòa hợp giữa hai trái tim đang yêu với tình yêu vừa chớm nở rất tinh tế và cũng rất thơ mộng.
Bài thơ mở đầu bằng một bức tranh thiên nhiên đẹp rực rỡ:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyênCây me ríu rít cặp chim chuyềnĐổ trời xanh ngọc qua muôn láThu đến – nơi nơi động tiếng huyền
Bức tranh về một buổi chiều tuyệt đẹp như mộng: có âm thanh ríu rít của tiếng chim, có màu xanh ngọc suốt bầu trời trút qua ngàn lá, có cả đường nét hài hòa. Vần thơ hòa xao xuyến trên “nhánh duyên” chiều mộng và hơn nữa có cả âm thanh huyền diệu, đất trời ngân vang tiếng đàn tình yêu rạo rực. Bức tranh ấy được vẽ ra bởi một người với trái tim lần đầu rung động. Hình như hơi thở tình yêu làm cho lòng người vui hơn. Tình yêu thổi vào cảnh vật hơi ấm và sự sống tràn trề nhuốm vào cảnh vật vẻ đẹp diệu kì làm cho cảnh sắc bừng lên tươi tắn:
Chiều mộng hòa thơ trên nhánh duyên
Câu thơ nghe rạo rực tiếng lòng một con người đang tràn ngập hạnh phúc. Chiều trong mắt người sao mà đẹp thế, không phải là một buổi chiều bình thường mà là buổi chiều mộng – chiều đẹp – đẹp như giấc mơ tình yêu. Những vần thơ trữ tình ngân nga trong lòng người cũng như xao xuyến, hòa quyện, quấn quýt trên cành cây ngọn lá, xao xuyến cả trời chiều. Và những nhánh cây cũng trở thành “nhành duyên”, nhánh cây tình yêu – nhánh cây mang màu hạnh phúc.
Khắp không gian rộn vang những âm thanh tươi vui của chim chóc
Cây me ríu rít cặp chim chuyền.
Không là chim chuyền ríu rít mà là ríu rít chim chuyền, đảo từ “ríu rít” đã là cho âm thanh tiếng chim vang hơn, rộn ràng hơn, tươi vui hơn, âm thanh như chan hòa cả vào trời chiều thơ mộng. Đâu phải chỉ có con người mới tìm về hạnh phúc, đâu phải chỉ có con người mới say đôi lứa, đâu phải chỉ có con người ngây ngất với tình yêu, mà chim chóc cỏ cây cũng có đôi lứa, cũng hạnh phúc ấm êm “cặp chim chuyền”.
Đổ trời xanh ngọc qua muôn láThu đến nơi nơi động tiếng huyền
Gam màu pha nắng những thanh tạo cho bức tranh màu rực rỡ mà không làm cho người đọc chói mắt bởi “màu xanh ngọc” của trời. Bầu trời trong mắt con người đang yêu xanh một màu xanh trong suốt, thanh khiết vời vợi như rót qua muôn ngàn cây lá, đôi mắt mênh mang của người yêu khiến người ta như muốn hứng lấy, uống lấy màu trời. Cảm tưởng dòng xanh đang thấm dần dịu ngọt trong tâm khảm, có người cho rằng “tiếng huyền” ở đây là tiếng đàn mùa thu đến, nơi nơi ngân vang tiếng đàn, có lẽ là tiếng đàn thật nhưng cũng có lẽ là tiếng đàn của đất trời, cỏ cây cảnh vật – những âm thanh huyền diệu của không gian. Tình yêu chớm nở giữa mùa thu đem đến cho đất trời lung linh những âm thanh tuyệt diệu, náo nức vui tươi, như âm thanh chỉ có thể nghe thấy được bởi trái tim đang rạo rực niềm yêu:
Con đường nho nhỏ gió xiêu xiêuLả lả cành hoang nắng trở chiều,Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn,Lần đầu rung động nói thương yêu
Rõ ràng bức tranh thiên nhiên ở đây không phải là một bức tranh tĩnh mà là một bức tranh động, một bức tranh thiên nhiên biến đổi rất tinh tế. Ngòi bút nhạy bén của Xuân Diệu đã miêu tả rất chính xác những biến thái tinh tế đó. Những từ láy “nho nhỏ”, “xiêu xiêu”? “lả lả” diễn tả sự chuyển động nghiêng nghiêng của cảnh vật dưới một con mắt nhìn say say gần như là chuếnh choáng: phải chăng đó là cái say của tình yêu, độ nghiêng của trái tim trong hạnh phúc? Con đường như nhỏ đi chật hẹp với tình yêu của hai người, gió lướt làm lung lay cành lá, cảnh vật chuyển động thật tự nhiên:
Buổi ấy lòng ta nghe ý bạnLần đầu rung động nỗi thương yêu
Hình như người con trai cũng ý thức được rằng người bạn gái đó cũng rất mến mình, dễ chừng trái tim kia cũng dạng hồi hộp “đập”. “Hai trái tim chung một điểm tình” và trái tim anh xao xuyến những nhịp rung của tình yêu đầu: “lần đầu rung động nỗi thương yêu”
Em bước điềm nhiên không vướng chânAnh đi lững đững chẳng theo gần
Xuân Diệu thật tài tình khi đi sâu miêu tả tâm trạng của hai người. Tác giả hóa thân vào cả hai nhân vật, tự phân tích diễn biến của lòng mình, cũng là tâm lí chung của bao nam thanh nữ tú buổi đầu tiên biết yêu. Cả hai đều cố tỏ ra vô tâm, vô tình. Người con gái thẳng thắn bước đi như không để ý đến ai, như chẳng quan tâm đến ai và cũng chẳng cần biết có ai quan tâm đến mình. Anh con trai cũng thế: “lững đững bước theo sau”, không tiến nhanh cũng không đi chậm thẳng thắn bước có ý dè chừng người con gái, luôn luôn giữ một khoảng cách nhất định dù chỉ đủ để nhìn thấy người con gái chứ không dám làm phiền người mình yêu.
Song đằng sau cái “điềm nhiên không vướng chân” ấy, đằng sau cái “lững đững chẳng theo gần” ấy là tất cả những rung động e ấp mà thiết tha, trìu mến của tình yêu chớm nở. Đến đây câu thơ như có sự bộc bạch:
Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịuAnh với em như một cặp vần
Xuân Diệu đã sáng tạo ra một hình ảnh rất mới lạ và độc đáo. Tình giữa “anh và em” như một cặp vần quấn quýt như giữa bản nhạc êm. Cuộc đời là một bài thơ dịu, một bài thơ không lời, êm ái và hai người như cặp vần, như đôi nốt nhạc hòa quyện vào nhau dìu dắt. Còn gì tha thiết hơn thế.
Mây biếc về đâu bay gấp gấpCon cò trên ruộng cánh phân vânChim nghe trời rộng giang thêm cánhHoa lạnh chiều thưa sương xuống dần.
Nét bút tác giả chuyển hướng sang tả cảnh, nhịp thơ có sự chùng xuống, cảnh cũng trầm buồn hơn.
Mây biếc về đâu bay gấp gấpCon cò trên ruộng cánh phân vân
Ở đây có sự đối lập giữa mây và cánh cò, mây thì bay gấp gấp còn cánh cò thì lại “trên ruộng cánh phân vân”, nửa muốn bay nửa muốn không. Hai hình ảnh trái ngược của thiên nhiên hay là mâu thuẫn trong lòng người. Cuộc sống đang hối hả trôi, con người muốn bay gấp tới tình yêu nhưng lại rụt rè e lệ, thậm chí còn xen cả sự lo lắng. Tác giả hiểu và biểu hiện tế nhị điều này. ...
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |