Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý. (10 mẫu)

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý. (10 mẫu)

1 trả lời
Hỏi chi tiết
7
0
0
Nguyễn Thu Hiền
13/09 16:49:11

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý

Đề bài: Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý.

Dàn ý

Mở bài: Giới thiệu nhân vật và biểu lộ cảm xúc sâu sắc của người viết dành cho nhân vật.

Thân bài:

+ Lần lượt biểu lộ những tình cảm, cảm xúc sâu sắc, chân thực của người viết thông qua việc kể, tả lại các kỉ niệm cảm động, đáng nhớ với nhân vật.

+ Biểu lộ được tình cảm, cảm xúc sâu sắc, chân thành của mình dành cho nhân vật.

+ Sử dụng kết hợp các chi tiết miêu tả khi bộc lộ cảm xúc.

+ Sử dụng kết hợp các chi tiết tự sự khi bộc lộ cảm xúc.

Kết bài: Khẳng định lại tình cảm, cảm xúc dành cho nhân vật, rút ra đặc điểm đáng nhớ với bản thân

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 1)

Ngay từ khi mới chào đời, người quan trọng nhất đối với em luôn là người mẹ của mình – người đã sinh ra và nuôi em lớn khôn. Vì bố thường phải đi làm xa và ít khi ở nhà nên từ lâu mẹ đã chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng em. Càng lớn lên em càng yêu quý và trân trọng mẹ của mình.

Mẹ em năm nay đã gần 50 tuổi, đáng nhẽ ra ở tuổi này mẹ đã chuẩn bị nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống. Nhưng vì hoàn cảnh, phải kiếm tiền nuôi em ăn học, mẹ vẫn làm lụng vất vả mỗi ngày, điều đó khiến em rất thương mẹ. Nhiều khi em có thể thấy được sự mệt mỏi của mẹ hiện rõ trên gương mặt, em hỏi mẹ có sao không nhưng mẹ đều nói không sao. Mỗi lần như vậy đều khiến lòng em nhói đau lạ thường. Chị gái của em đã lớn, chị đã đi lấy chồng và giờ ở nhà chỉ có em với mẹ và bố. Dù vậy nhiều khi em vẫn cảm thấy rất cô đơn.

Có một lần, em bị ốm sau một chuyến đi cắm trại ở trường. Mẹ đã khuyên em là thời tiết không tốt đừng đi nhưng em nhất quyết không nghe và đã đi. Kết quả sau đợt đấy em bị ốm liệt giường một tuần liền. Bác sĩ bảo là bị sốt rét. Dù rất mệt mỏi và mê man nhưng em biết mẹ là người ở bên cạnh chăm sóc em cả tuần ấy. Mẹ nấu cơm, dỗ dành em như một đứa trẻ khiến em cười, mua đồ ăn em thích với hy vọng em mau khỏe. Khi em đã đỡ hơn, em có thể nhìn thấy gương mặt tiều tụy của mẹ, chắc hẳn mẹ đã không ngủ mấy ngày qua. Sau đợt đó, em tự nhủ lần sau sẽ nghe lời mẹ, không cứng đầu nữa và nghĩ cho mẹ nhiều hơn.

Vì bố thường xuyên không ở nhà, mẹ dường như phải quán xuyến mọi việc. Từ việc nhà cửa, chăm con đến công việc đồng áng, mẹ đều làm rất chỉn chu. Mọi người thường nói rằng mẹ em khéo và đảm đang trong mọi việc, nhưng chỉ có em mới hiểu mẹ đã cố gắng như thế nào. Mẹ quả là người mẹ tuyệt vời!

Đúng vậy, đối với em, mẹ là người tốt nhất thế gian, em rất yêu quý và trân trọng người mẹ của mình. Em hứa mình sẽ học thật giỏi, sau này kiếm thật nhiều tiền để mẹ khỏi phải vất vả và đem đến cho mẹ những điều tuyệt với nhất trên đời này như những thứ mẹ đã dành cho em.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 2)

"Những ngôi sao thức ngoài kia

Chẳng bằng mẹ đang thức vì chúng con. 

Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời"

Cứ mỗi lần nghe những câu thơ này của nhà thơ Trần Quốc Minh vang lên, thì em lại chợt nghĩ đến người mẹ thân yêu của em. Em cảm thấy thật bất hạnh cho những ai không có mẹ, bởi vì mẹ là người dành trọn mọi sự thương yêu chăm sóc cho chúng ta. Và mẹ em chính là nguời như vậy đó. 

Mẹ năm nay đã gần bốn mươi tuổi nhưng ai cũng nói mẹ già hơn so với tuổi, có lẽ vì gánh nặng cuộc đời chăng? Công việc của mẹ rất giản dị đó chính là làm ruộng. Sở thích của mẹ rất khác với mọi người, đó chính là làm việc. Mẹ có dáng người dong dỏng cao, nước da ngăm đen đã bị rám nắng, mái tóc của mẹ dài ngang lưng đã bị cháy nắng ngoài đồng ruộng, nắng chói để đem lại cho em một cuộc sống ấm no. Khi đi làm mẹ thường búi tóc lên, để lộ ra mấy cộng tóc xoăn trông thật duyên dáng. Đi với mái tóc ấy chính là khuôn mặt hình trái xoan của mẹ. Vầng trán của mẹ cao rộng, có lúc nheo lại lộ vẻ suy tư. Năm tháng, thời gian đã hằn lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn nho nhỏ. 

Nhưng thời gian cũng không thể xóa nhòa được nét dịu hiền, phúc hậu trên khuôn mặt ấy. Đôi mắt mẹ đen láy thấm đượm sự bao dung, trìu mến. Người ta thường nói "Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn" quả là không sai. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em có thể đoán được những suy nghĩ trong mẹ. Những lúc em làm được việc tốt đôi mắt ấy hạnh phúc như cười. Và cũng từng đỏ hoe khi mỗi lần em làm điều sai trái. Nhìn vào đôi mắt mẹ, em tự trách mình vì đã làm mẹ buồn. Cùng với đôi mắt mẹ là cặp lông mi dài và đôi chân mày lá liễu dày. Mũi mẹ cao cao, cái miệng nho nhỏ, khi cười để lộ hàm răng trắng, đều như hạt bắp. 

"Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"

Đúng vậy! nhờ có bàn tay đầy nghị lực của mẹ đã nuôi em khôn lớn đến chừng này. Bàn tay ấy đã bị bao chai sạn, hằn những vết nứt nẻ. Bao nhiêu vết là bấy nhiêu vất vả gian lao của mẹ. Đôi bàn chân cũng vậy, nó cũng đã bị nứt nẻ. Những khi trời trở lạnh, đôi bàn chân ấy lại đau, nhức khiến mẹ phải ngâm vào nước muối. Đôi vai mẹ gầy gộc đã trở bao nhiêu là mưa nắng. Nhìn tất cả những thứ ấy em cảm thấy yêu mẹ thật nhiều, thật nhiều.    Nhìn bàn tay mẹ chăm sóc từng đám lúa, luống rau, em cảm thấy mẹ yêu cây cỏ đến chừng nào. Mẹ là một người mà không thể thiếu trong gia đình. Hằng ngày, mẹ như một cô tấm với những công việc như nấu ăn, giặt giũ, dọn nhà ...thật nhanh nhẹn, gọn gàng. Dù nhà cửa có bề bộn đến mấy, mà nếu được bàn tay siêng năng của mẹ thì sẽ trở nên gọn gàng. Vì lo cho cuộc sống của gia đình mà mẹ chẳng bao giờ rảnh rỗi cả, hết việc nhà rồi lại làm ruộng. 

Mẹ là một người luôn dành trọn mọi sự yêu thương và lo toan cho em. Lúc em làm điều gì sai trái, mẹ không la mắng gì đâu mà mẹ dạy em những điều hay lẽ phải, khiến em luôn ghi nhớ trong lòng. Tuy mẹ bận rộn lắm nhưng mẹ vẫn luôn quan tâm tới công việc học hành của em. Lúc em đau ốm, mẹ là bàn tay ấm áp, che chở cho em vượt qua. Đối với mọi người trong làng xóm, mẹ rất hòa nhã, cởi mở với họ nên ai cũng quý mến mẹ. Trong công việc, mẹ rất nhiệt tình nên mỗi lần đi dặm hay gặt lúa thì ai cũng kêu mẹ đi. 

Thế đấy! Người mẹ thân yêu của em là như vậy đó, mẹ là một người rất yêu thương đứa con của mình. Em yêu mẹ lắm! Yêu mẹ rất nhiều. Em tự nhủ rằng sẽ cố gắng học tập thật giỏi để trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, mai sau đền đáp công ơn to lớn của mẹ đã bao năm chăm lo cho em từ miếng ăn đến giấc ngủ. 

"Mẹ như biển cả mênh mông

Con luôn ghi nhớ công ơn của người". 

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 3)

Mỗi lần trời trở rét là nội của tôi lại đau. Như những lần còn ở dưới quê, lần này cũng thế, tôi ngồi cạnh vừa kể chuyện vừa bóp chân cho nội. Thỉnh thoảng, nội mở mắt nhìn tôi cười rất hiền từ.

Năm tuổi, từ thành thị tôi về quê sống với nội theo yêu cầu của bố. Bố tôi nói, nội ở quê một mình buồn lắm, không ai trò chuyện lúc rảnh rỗi, cũng tội. Thế là tôi chuyển hẳn về sống ở quê. Căn nhà nhỏ tự dưng có hai bà cháu. Những lúc đi chợ xa, nội gửi tôi sang bên nhà hàng xóm. Tuy là con gái nhưng tính tôi thì nghịch hệt con trai nên mỗi khi tôi tung tăng, chạy nhảy cùng với lũ bạn trong làng về là nội lại phải lôi ngay tôi đi tắm. Tôi ghét tắm thế nên mỗi lần như vậy chẳng khác nào tôi đang hành nội. Những lúc rảnh rang, nội lại kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Chuyện cô Tấm hiền lành, Thạch Sanh dũng cảm, chuyện thằng Lý Thông ở ác... Sau mỗi lần như thế, nội lại khuyên tôi: sau này lớn lên cháu phải chăm chỉ, hiền lành, tốt bụng. Có vậy, cháu mới được nhiều người yêu mến.

Những ngày tháng ở quê, nội thường nhờ một anh hàng xóm sang dạy chữ cho tôi. Buổi tối, tôi thường sợ ma, trốn không học bài đi ngủ sớm. Nội kiên nhẫn thắp đèn thức cùng tôi. Nội nói: rèn nét chữ cũng là rèn nết người cháu ạ! Thế là tôi lại cặm cụi ngồi tập viết. Nhưng chính vì thế mà giờ đây tôi phải cảm ơn bà bởi nếu không có những hôm như vậy thì chữ tôi chắc bây giờ xấu lắm. Và quan trọng hơn là nhân cách tôi sẽ ra sao?

Năm ấy, mẹ tôi sinh thêm em bé. Khi em cứng cáp, bố về quê nội. Bố ở lại thăm bà mấy bữa, sửa lại hàng rào, lợp lại ngói cho bà. Tới ngày chuẩn bị lên thành phố, bố bảo tôi lên trên ấy mấy bữa để giúp mẹ tôi chăm sóc em khi bố đi công tác. Tôi không muốn rời xa nội, nhưng nội cứ dỗ dành tôi lên trên ấy với mẹ ít ngày rồi trở lại. Thế là tôi lại về thành phố. Lúc bố đi công tác vừa xong cũng là lúc tôi đến tuổi phải bước chân đến lớp. Ở quê nội trường học rất xa, nội lại già và yếu nên bố quyết định tôi không về quê nữa. Tôi sẽ ở lại và học ở đây. Tôi đành chấp nhận. Tôi yêu nội lắm, hình ảnh nội luôn hiện lên trong tâm trí của tôi - một người bà hiền từ, nhân hậu. Suốt những năm xa nội tôi luôn tự hỏi: không biết nội có thay đổi nhiều không? Tôi muốn đặt cho nội hàng loạt câu hỏi để nói lên niềm khao khát được về thăm nội của tôi.

Tôi học ở thành phố đến năm lớp bảy thì bố đón hẳn nội ra sống với nhà tôi. Ngày đón nội, tôi theo bố mãi ra ga. Tôi vui mừng lắm. Tôi cứ mơ màng hình dung về nội. Nhưng khi nội bước ra khỏi toa tàu, tôi không thể cầm được hai dòng nước mắt. Nội đã già hơn rất nhiều so với sự tưởng tượng của tôi. Lưng nội đã còng rạp xuống, da mặt nhăn nheo, duy chỉ có ánh mắt và nụ cười của nội là không thay đổi. Nó vẫn gợi sự hiền từ và nhân hậu như xưa.

Những ngày sau đó, tôi không giấu nổi sự vui mừng vì được sống trong vòng tay thương yêu của nội. Nhưng nội thì có vẻ khó khăn để làm quen với cuộc sống mà tôi biết là nội không hoàn toàn mong muốn. Bố cũng như tôi rất hiểu điều này nên thường xuyên an ủi nội. Lâu dần, nội đã quen và sống vui hơn.

Giờ đây, tôi thực sự vô cùng hạnh phúc vì không phải xa nội nữa. Nội ơi! Giờ con đã lớn, con đã học Trung học phổ thông. Con đã dần hiểu được những lời dạy của nội khi xưa về việc rèn giũa nết người. Con sẽ làm cho nội vui trong suốt quãng đời từ đây của nội. Mong sao những việc làm của con sẽ làm vơi đi những nhọc nhằn của nội khi xưa.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 4)

Nếu có ai hỏi tôi rằng một trong những người mà tôi yêu thương nhất là ai thì tôi sẽ trả lời rằng đó là bà nội.

Bà tôi là người nhân hậu và hiền từ nhưng gần như suốt cuộc đời của bà chỉ là những khó khăn và bệnh tật. Tôi thương bà lắm! Tôi thương cái mái tóc xoăn xoăn điểm bạc của bà, thương cái dáng đi chầm chậm mà khập khiễng của bà. Bảy mươi tuổi mà tôi trông bà có vẻ già hơn so với người cùng tuổi. Tôi có được nghe bố kể rất nhiều về bà - một con người chăm chỉ và chất phác. Bà đã tần tảo nuôi hai người con trai khôn lớn trong khi ông tôi đi bộ đội. Đến khi bố tôi có con thì bà lại vất vả trông cháu nhưng bố tôi nói bà lại thấy đó chính là niềm vui của bà.

Khi chưa ngã bệnh, bà tôi còn đi làm lao công cho một cơ quan nhỏ để mong sao kiếm được chút tiền giúp đỡ phần nào cho gia đình tôi khi khó khăn. Bà còn hay mua quà cho anh em tôi, những món quà dù là nhỏ nhưng đầy ý nghĩa như cái đồng hồ báo thức để cho tôi đi học hay những gói kẹo, gói bánh… Từ việc ấy cũng đã đủ để tôi hiểu bà yêu thương anh em chúng tôi đến chừng nào!

Tôi còn biết có lúc đi ra chợ bà nhìn thấy một người ăn xin nghèo khổ thì không bao giờ bà quay lưng lơ đi mà bà sẵn sàng rút ra một tờ tiền trong ví của mình, gấp gọn làm đôi rồi bỏ vào nón của người ăn xin đó. Tôi thật cảm phục trước tấm lòng yêu thương vô hạn và trái tim rộng mở của bà luôn rộng mở đối với bất kỳ ai!

Bà tôi còn là một người rất yêu thiên nhiên nữa. Trong khoảng hiên nhỏ trước nhà bà lúc nào cũng chật đầy những chậu hoa nhài toả hương thơm ngát, những cây ớt nhỏ chi chít những quả xanh, vàng … Bởi vì bà tôi từng bảo: “Thiên nhiên giúp tâm hồn ta trong sáng hơn, giúp tinh thần ta thoải mái hơn.”

Lần nào về thăm bà tôi cũng ngả đầu vào vai bà và tâm sự mọi chuyện của mình. Có lúc tôi ôm bà khóc thút thít rồi bà cũng xoa đầu tôi an ủi. Những khi ấy tôi bỗng cảm thấy bà như đang truyền một hơi ấm tinh thần cho tôi, giúp tôi có thêm nghị lực để vượt qua chuyện buồn.

Nhưng rồi một tin sét đánh đã đến với gia đình chúng tôi. Trời ơi! Bà tôi bị ung thư giai đoạn cuối và sẽ không chữa khỏi được. Sao mà ông trời lại bất công với bà đến thế ạ!

Mỗi lần tôi đến chơi, tôi đều thấy bà cười nhưng trong lòng tôi luôn lo lắng rằng ẩn sau nụ cười đó là nỗi đau về thể xác đang dằn vặt bà tôi. Bà vẫn lạc quan và yêu đời quá! Bà chỉ đang cố gắng tỏ ra vui vẻ cho tôi đỡ buồn. Tôi biết cơn đau đó đã hành hạ bà tôi suốt hàng tháng trời. Bà ơi! Mỗi khi nhìn thấy bà lên cơn đau quằn quại cháu chỉ còn biết chạy lại mà xoa bóp cho bà và chỉ biết oà khóc như một bé lên ba. Giá mà khi đó cháu có thể làm gì hơn những việc ấy để cho bà đỡ đau để cho bà đỡ khổ bà ạ!

Và đến ngày giáng sinh cách đây hai năm, bà tôi đã vĩnh viễn ra đi, đi về một nơi rất xa mà không bao giờ quay trở lại. Đây là lần đầu tiên cháu biết đến sự mất mát. Sự mất mát làm thành khoảng trống trong con tim cháu. Sự mất mát mới to lớn làm sao khi cháu phải cách xa một người mà cháu yêu thương nhất. Bà nội ơi! Sao bà lại bỏ cháu mà đi vậy bà?

Bây giờ, mỗi khi nhớ đến bà, cổ họng cháu lại thấy tắc nghẹn và mắt cháu lại cay xè bà ạ! Bà đã cho cháu bài học thật quý giá: Ta hãy trân trọng từng phút giây dù là nhỏ nhất khi ở cạnh ngườI mà minh yêu thương.

Cháu muốn nói hàng ngàn lần rằng: Cháu yêu bà! Hình ảnh bà sẽ mãi mãi nằm trong tim cháu.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 5)

Bà em đã gần bảy mươi tuổi. Dáng bà cao và tóc vẫn còn đen lắm. Bà luôn quan tâm đến em từ bữa ăn đến giấc ngủ. Sáng nào bà cũng dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho em, hôm thì cơm rang, hôm lại xôi hoặc bánh mì. Buổi trưa, bà lại nấu ăn chờ em đi học về.

Bà ngoại em là người rất nghiêm khắc. Bà luôn nhắc em phải đi học và ăn ngủ đúng giờ, giờ nào làm việc ấy. Có những lúc em đi xin bà đi chơi nhưng về muộn, bà nhắc nhở em và yêu cầu em viết bản kiểm điểm sau đó đọc cho bà nghe. Bà không bao giờ mắng hay nói nặng lời với em, bà bảo em là con gái nên chỉ cần bà nói nhẹ là phải biết nghe lời. Có những lúc em được điểm kém, bà giận lắm, bà bảo em phải luôn cố gắng học để bố mẹ ở xa yên tâm làm việc. Cuộc sống tuy thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, nhưng bù lại em lại nhận được tình yêu thương chăm sóc của bà ngoại, điều đó làm cho em cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Những buổi chiều cuối tuần, được nghỉ học, em lại giúp bà công việc gia đình như dọn dẹp nhà cửa, rửa bát và nhổ tóc sâu cho bà. Buổi tối hai bà cháu cùng xem phim, và bà lại kể cho em nghe về lịch sử và có rất nhiều những kỉ niệm trong quá khứ của bà. Bà là người dạy em tất cả mọi điều trong cuộc sống từ nết ăn, nết ở sao cho vừa lòng mọi người. Chính vì điều này nên dù ở trên trường hay ở nhà, em vẫn luôn được mọi người khen là con ngoan, trò giỏi. Mỗi lần đi họp phụ huynh cho em, bà vui lắm, vì thành tích học tập của em luôn đứng nhất, nhì lớp. Khi về tới nhà, bà thường gọi điện báo tin cho bố mẹ em biết về kết quả học tập của em, và bố mẹ lại khen ngợi em.

Em luôn trân trọng và biết ơn bà ngoại của em, bởi bà là người đã vất vả nuôi dạy em nên người. Em tự hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để bà và bố mẹ luôn cảm thấy hài lòng và tự hào về em.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 6)

Bố mẹ tôi công tác xa quê, công việc khiến bố mẹ tôi phải thường xuyên thay đổi chỗ ở. Vì thế, năm tôi lên ba tuổi, bố mẹ cho tôi về ở với bà nội.

Năm đó, bà tôi đã gần bảy mươi tuổi. Bà tôi lưng hơi còng, nên trông bà rất già. Tôi ở cùng với anh trai và bà nội. Buổi sáng, bà đưa anh trai tôi đến trường rồi lại đưa tôi đến trường Mẫu giáo. Buổi trưa, bà đi đón cả hai anh em. Còn buổi chiều bà cho chúng tôi tha hồ chơi đùa với những đứa trẻ cùng xóm.

Bà tôi có khuôn mặt rất hiền từ và một cặp mắt rất nhanh nhẹn. Bà thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, câu đố, hò vè, nhất là truyện Nôm. Bà thuộc từ câu đầu đến câu cuối của cuốn “Truyện Kiều”. Bà đọc Kiều không sai một câu nào, tôi mượn được của cô giáo dạy Văn tôi hồi lớp 9 cuốn Truyện Kiều để xác minh điều này. Bà còn kể chuyện Hoàng Trừu, truyện Phạm Công - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa… Kho tàng truyện cổ tích của thì vô cùng phong phú. Đêm nào tôi cũng được nghe bà kể chuyện. Và mỗi đêm là một câu chuyện mói. Khi kể chuyện bà thường hỏi ý kiến của tôi về các nhân vật rồi bà giảng giải, theo cách của bà, nhiều khi khác với sự giảng giải của cô giáo, về các câu chuyện. Tôi rất thích thú phần bình luận của bà. Hằng đêm, một bàn tay bà phe phẩy chiếc quạt làm bằng lá cọ (bà không thích quạt điện vì nó làm bà thấy mệt), một tay bà lùa xuống dưới mớ tóc cháy nắng của tôi gãi nhẹ. Đó là cảm giác mà tôi thích nhất. Giọng kể chuyện rủ rỉ của bà bên tai đưa tôi vào những giấc ngủ êm đềm với bao nhiêu điều tốt đẹp. Bình thường, bà tôi rất khoẻ mạnh, bà chăm sóc cả hai anh em tôi rất chu đáo, khiến chúng tôi luôn cảm thấy đầy đủ, không bị thiệt thòi khi bố mẹ vắng nhà thường xuyên. Nhưng những lúc trái nắng trở trời, bà rất hay bị đau lưng. Bà thường bảo tôi lấy rượu ngâm gừng rồi bóp cho bà. Những lúc đó tôi thấy thương bà vô cùng. Bố tôi bảo, bà đau lưng vì lúc trẻ phải gánh nhiều lúa và làm nhiều việc nặng. Bà tôi còn biết cả chữ Hán, bố tôi bảo đó là do cụ tôi dạy bà học chữ.

Tôi rất yêu bà và luôn tự hào về bà nội của mình. Sống bên bà tôi luôn cảm thấy rất bình yên. Bà đã cho tôi một tuổi thơ thật diệu kỳ. Tôi rất yêu môn Văn và thích học Văn. Bố tôi bảo, đó là vì tôi được hưởng một chút ít dòng máu của cụ truyền lại cho bà và bà truyền lại cho tôi.

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 7)

Đã hai năm kể từ ngày ông ra đi, nhanh thật. Thời gian không thể xóa đi kỉ niệm về ông, về tình yêu ông dành cho cháu, những ngày tháng tươi đẹp khi mà cháu chưa mất ông nhưng nó cũng đã xóa đi phần nào nỗi đau, nỗi nhớ và lòng xót xa của cháu. Ông đã ra đi thật nhẹ nhàng và thanh thản, tưởng như chỉ là một giấc mơ, nhưng nào có phải và nỗi đau lại quặn thắt trong lòng.

Nhưng thôi, khi nhắc về ông, không nên nói đến những nỗi buồn, bởi nhắc đến ông là nhắc đến một tấm gương sáng ngời về nghị lực, ý chí vượt lên trên khó khăn và thêm vào đó là một tài năng và những phẩm chất tuyệt vời.

Cuộc đời ông luôn gặp nhiều khó khăn, bất trắc, nhiều trở ngại to lớn nhưng không gì có thể ngăn cản ông vượt lên. Lên bốn tuổi, cái tuổi mà con người ta mới bập bẹ nói, lững chững tập đi, ông đã không còn bố nữa. Vài năm sau, mẹ ông cũng ra đi và nằm lại nơi nào ông cũng không biết. Người ta nói:

“Mồ côi cha ăn cơm với cáMồ côi má lót lá mà nằm”

Thế mà chỉ mười năm đầu đời, ông đã không còn cả cha lẫn mẹ. Đau khổ là thế, nhưng đến năm hai mươi tuổi ông vẫn là một trong những học sinh xuất sắc của thành phố Huế. Hoạt động cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn dã man, hành hạ đánh đập tàn bạo để đến mấy chục năm sau ông vẫn chịu di chứng: đó là căn bệnh suyễn. Và chắc chắn rằng nếu ông có những trận đòn ác liệt ấy thì đến hôm nay, lúc cháu đang viết những dòng này, có thể ông vẫn ngồi bên và mỉm cười với cháu, một nụ cười chất phác, hiền hậu mà cháu đã mất... Giữ vững những phẩm chất của một Đảng viên Cách mạng, ông được ra tù, thế nhưng không được đền đáp mà ông còn bị nghi ngờ, bị coi là lý lịch không rõ ràng. Bất công đến như thế nhưng ông vẫn sống, sống cho đời, làm việc cho đất nước và đã khẳng định được mình, ông làm nghề nhà giáo, trở thành Hiệu trường của trường Đại học sư phạm Huế và những học trò của ông hiện nay không thiếu những người thành đạt, trở thành hiệu trưởng của trường này, thứ trường kia.

Ông không chỉ là tình yêu, là người ông mà còn là niềm tự hào lớn lao của cháu, còn nhớ khi cháu mới bốn, năm tuổi gặp bạn bè cháu khoe rằng: “Tớ không biết ba tớ làm nghề gì, nhưng ông tớ là một nhà khoa học”. Đối với cháu lúc ấy, ông là to lớn nhất, giỏi giang nhất, vì đại nhất, ông là “một nhà khoa học” cơ đấy. Rồi thì lớn lên, hiểu rõ về ông hơn, cháu lại càng tự hào hơn khi cháu học lớp bảy, lớp của cháu có sử dụng cuốn sách mà ông viết. Cháu vẫn không sao quên được niềm sung sướng khi chỉ tay vào cuốn sách và hỏi: “Các bạn có biết cuốn sách này của ai viết không? Ông tớ đấy!”. Và nhìn những đứa bạn trố mắt, trầm trồ đọc ba chữ “Lê Đình Phi”, cháu cảm thấy lòng mình lâng lâng. Ôi thật tự hào và hạnh phúc biết bao! Tuy ông không còn nữa, những niềm tự hào ấy vẫn sẽ theo cháu suốt cuộc đời.

Nhưng có tự hào bao nhiêu cháu vẫn ước gì mình được như xưa, được có ông bên cạnh, chỉ bảo ân cần. Nhớ sao những ngày xưa ấy, ông dắt tay cháu đi bộ trên đài Nam giao, chỉ cho cháu xem những ông Phật đứng, Phật nằm, kể cho cháu nghe những câu chuyện thật hấp dẫn. Hay chỉ cách đây vài năm, ông vẫn ngồi trên ghế nhựa, phe phẩy chiếc quạt, hỏi han, trò chuyện cùng cháu, cười với cháu và đố cháu những bài toán nho nhỏ. Ở nơi ông cháu luôn tìm thấy chốn yên bình nhất, thanh thản nhất. Ba mẹ có đôi khi giận dữ la mắng, đánh đập khi cháu hư. Những lúc ấy, cháu lại chạy đến với ông, lại ngồi cạnh ông, cười với ông, gần ông cháu lại thấy quên đi tất cả nỗi buồn.

Đối với cháu, ông chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Cháu luôn muốn nói với ông rằng: “Cháu yêu ông nhiều lắm!”

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 8)

Người mà em yêu quý nhất trong gia đình chính là ông nội. Ông là tấm gương sáng ngời để em học tập.

Ông nội em năm nay đã gần tám mươi tuổi. Tuy thế, ông vẫn thật khỏe mạnh. Ông có dáng người đậm và chắc, bước đi điềm tĩnh, khoan thai. Râu tóc của ông đã bạc trắng nhưng da dẻ vẫn hồng hào. Đôi mắt của ông không còn màu đen trong tinh anh mà đã thoáng màu mờ đục, khi đọc sách, ông thường phải dùng đến cặp kính lão cất cẩn thận trong hộp. Râu ông mọc dài đến ngang ngực.

Đôi lúc, hình ảnh của ông khiến em nghĩ đến một ông tiên, ông Bụt nào đó trong cổ tích. Đặc biệt, hai cánh tay của ông còn khá săn chắc, thỉnh thoảng, ông vẫn xách những xô nước mà em phải ì ạch mãi không di chuyển được. Nhìn ông đánh đàn trâu ra bờ mương chăn không ai tin được tuổi ông đã đến vậy. Ông cũng rất ít ốm đau, các cô bác hàng xóm thường khen: “Ông thật có phúc!”. Riêng em, em hiểu rõ tại sao sức khỏe của ông lại tốt như thế. Ấy là vì ông rất chăm tập thể dục. Sáng sáng, ông dậy sớm làm vệ sinh cá nhân rồi lên tầng thượng tập tạ. Buổi chiều, ông lại gọi em, hai ông cháu chạy bộ trong sân trường tiểu học. Thêm nữa còn là chế độ ăn uống của ông. Mồi bữa ông ăn nhất định một số lượng cơm, ăn nhiều rau và mỗi ngày uống một chén rượu nhỏ. Điều em khâm phục nhất là ông giữ chế độ tập luyện và ăn uống rất điều độ. Em học được ở ông tính tự giác và kỉ luật cao: theo tấm gương ấy của ông, em học bài và làm bài đều đặn, cố gắng không để những việc riêng làm ảnh hưởng đến chuyện học tập.

Không chỉ vậy, ông còn là một tấm gương mẫu mực về lối sống trong gia đình khiến mọi người yêu quý, kính trọng. Ông sống tiết kiệm, ngăn nắp và điềm tĩnh. Phòng riêng của ông lúc nào cũng gọn gàng, sạch sẽ. Ông thường tự quét dọn, sắp xếp lấy phòng mình ít khi phiền đến con cháu. Mỗi dịp lễ Tết, bố mẹ em lại muốn mua biếu ông quần áo hoặc bộ cần câu mới nhưng ông đều từ chối nói rằng để cho cu Tít (là em) ăn học. Đôi khi, bố mẹ em có điều gì to tiếng với nhau, ông lại nhẹ nhàng hòa giải, nhắc nhở rằng phải biết lấy hòa thuận trong gia đình làm trọng, tránh cãi vã lẫn nhau ảnh hưởng không tốt đến con cái.

Riêng em, từ nhỏ đến lớn, em giống như cái bóng nhỏ loắt choắt theo chân ông. Với em, ông vừa cưng chiều vừa nghiêm khắc dạy dỗ. Được ai biếu tặng tiền, ông đều gọi bố mẹ em đến nói rằng ông cho thăng Tít, dặn bố mẹ em phải biết cách tiêu cho con. Lương hưu hàng tháng, ông cũng trích ra để khi thì mua cho em sách vở, lúc lại mua quà hay mua quần áo mới cho em. Những lúc rảnh rỗi, ông còn dạy em làm điều, làm đèn Trung thu, câu cá… Thậm chí, ông còn làm “quân sư” cho em khi em gặp những chuyện không hay, khó xử nữa. Bởi thế, với em, nhắc đến ông là nhắc đến bao niềm yêu thương đầy thiêng liêng, xúc động.

Ông nội thật là một cây cao bóng cả tỏa mát trên mái nhà của gia đình em. Yêu quý ông, em ước ông sống thật lâu để em được học từ ông những điều hay điều đẹp. Em cũng tự nhủ phải cố gắng học thật giỏi để làm ông vui lòng!

Viết bài văn bày tỏ cảm xúc của em về một người mà em yêu quý (Mẫu 9)

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngả bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dày của bố lại tái phát.

Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38 - 48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng bảy, tháng tám, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong TS của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.

Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang ...

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 7 mới nhất
Trắc nghiệm Ngữ văn Lớp 7 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư