Câu 1 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chỉ ra những đặc điểm của thể thơ song thất lục bát thể hiện trong đoạn trích Nỗi niềm chinh phụ. Những đặc điểm này cho thấy thể thơ song thất lục bát có gì khác với thể thơ lục bát?
Trả lời:
- Đặc điểm của thể thơ song thất lục bát trong đoạn trích:
+ Đan xen giữa cặp câu 7 chữ với cặp câu lục bát, cặp câu 7 chữ mở đầu, sau đó mới đến cặp câu lục bát.
+ Ở cặp câu lục bát có sử dụng vần lưng, hiệp vẫn ở chữ thứ sáu của câu 6 tiếng và chữ thứ sáu của câu 8 tiếng (Ví dụ: này - bay, đường - trường,…).
+ Ở cặp câu 7 tiếng, tiếng cuối cùng của câu 7 trên hiệp vần với tiếng cuối cùng của câu 7 ngay sau nó (Ví dụ: trống - bỗng, vọng - bóng,…)
+ Tuân thủ quy tắc thanh điệu (Ví dụ ở 4 câu thơ đầu: câu thất 1: chen (B) - trống (T); câu thất 2: rồi (B) - bỗng (T) - tay (B); câu lục: lương (B) - rẽ (T) - bay (B); câu bát: đường (B) - bóng (T) - bay (B) - ngùi (B))
- Sự khác biệt giữa thể thơ song thất lục bát và lục bát:
+ Thể thơ lục bát chỉ có các cặp câu lục bát kết hợp với nhau; thể thơ song thất lục bát có thêm cặp câu 7 tiếng.
+ Cách gieo vần của thể thơ song thất lục bát đa dạng hơn, bao gồm gieo ở cả vần lưng và vần chân.
Câu 2 (trang 43 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Đề xuất phương án ngắt nhịp bốn câu thơ sau và cho biết tác dụng của cách ngắt nhịp đó:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Câu Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Trả lời:
- Phương án:
Chốn Hàm Dương/ chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương/ thiếp hãy trông sang.
Khói Tiêu Tương/ cách Hàm Dương,
Câu Hàm Dương/ cách Tiêu Tương/ mấy trùng.
- Tác dụng cách ngắt nhịp:
+ Giúp người đọc cảm nhận được sự xa cách muôn trùng của người chinh phu và người chinh phụ.
+ Tạo sự nhịp nhàng trong câu thơ.
Câu 3 (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép đối trong những câu thơ sau:
a. Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
b. Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.
c. Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
Trả lời:
a. Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
- Chỉ ra phép đối: đi đối với về, cõi xa đối với buồng cũ chiếu chăn.
=> Tác dụng:
+ Diễn tả rõ nét hình ảnh của người chinh phu và người chinh phụ: người chinh phu ra chiến trường, người chinh phụ lủi thủi ở buồng cũ đợi chồng.
+ Miêu tả sâu sắc sự dấn thân vì sự nghiệp của người chinh phu và nỗi nhớ mong của người chinh phụ.
b. Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.
- Chỉ ra phép đối: tuôn đối với trải, màu mây biếc đối với ngần núi xanh.
=> Tác dụng:
+ Trực tiếp tô đậm sự hùng vĩ, rộng lớn, trải dài của thiên nhiên.
+ Qua đó, tác giả muốn miêu tả khoảng cách xa xôi, cách trở giữa người chinh phu và người chinh phụ.
+ Làm câu thơ giàu hình ảnh hơn.
c. Chốn Hàm Kinh chàng còn ngoảnh lại,
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
- Chỉ ra phép đối: Chốn Hàm Kinh đối với Bến Tiêu Tương, còn ngoảnh lại đối với hãy trông sang.
=> Tác dụng:
+ Làm đậm nét tình cảm vợ chồng, sự ngóng trông, luôn hướng về nhau của hai người.
+ Làm câu thơ cân xứng, hài hòa.
Câu 4 (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Những chi tiết nào cho thấy người chinh phụ vô cùng lưu luyến khi tiễn người chinh phu ra trận?
Trả lời:
Các chi tiết cho thấy người chinh phụ vô cùng lưu luyến khi tiễn người chinh phu ra trận:
- Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.
- Đoái trông theo đã cách ngăn.
- Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.
- Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
- Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.
Câu 5 (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Nêu và phân tích tác dụng của một số biện pháp tu từ được sử dụng trong bốn câu thơ cuối của đoạn trích.
Trả lời:
- Biện pháp: điệp từ ngàn dâu, thấy, cùng
=> Tác dụng:
+ Diễn tả nỗi trông mong chồng trong sự mơ hồ, tuyệt vọng của người chinh phụ.
+ Làm câu văn như trải dài và đượm buồn hơn.
- Biện pháp: đối trông lại - chẳng thấy, lòng chàng - ý thiếp.
=> Tác dụng:
+ Làm cụ thể hơn sự xa cách mặt của người chinh phu và người chinh phụ.
+ Tăng cấp nỗi sầu cho người chinh phụ.
- Biện pháp: câu hỏi tu từ “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”
=> Tác dụng:
+ Thể hiện sự đau đớn tột cùng của người chinh phụ.
+ Làm câu thơ thêm phần độc đáo, gây được sự tò mò cho người đọc.
Câu 6 (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Người chinh phụ tiễn người chinh phu ra trận với tâm trạng thế nào? Qua tâm trạng đó của người chinh phụ, em hiểu gì về giá trị cuộc sống?
Trả lời:
- Tâm trạng của người chinh phụ khi tiễn người chinh phu khi ra trận:
+ Thẫn thờ, ngẩn ngơ nhìn chồng rời đi.
+ Sầu não, u buồn và nhớ chồng da diết.
+ Lo lắng cho chồng khi chồng ở chiến trường.
+ Bồi hồi ngóng chồng trở về.
- Qua tâm trạng của người chinh phụ, em hiểu về những giá trị của cuộc sống sau:
+ Sự quý giá của hòa bình trong cuộc sống ngày nay. Mọi người được tự do đi học, đi làm, sống vui vẻ là nhờ sống ở đất nước hòa bình.
+ Lòng biết ơn với những người trực tiếp ra chiến trận đánh giặc và những người mẹ, người vợ, những cô gái hậu phương.
+ Con người nên trân trọng những giây phút ở cùng người thân yêu của mình; phải biết yêu thương, quan tâm, đùm bọc lẫn nhau.
Câu 7 (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Em có ấn tượng nhất với hình ảnh nào trong đoạn trích? Vì sao?
Trả lời:
- Em ấn tượng nhất với hình ảnh: “Chàng thì đi cõi xa mưa gió,/ Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn” vì:
+ Đây là hình ảnh rất xúc động, thể hiện khoảng cách xa vời, sự cách ngăn giữa người chồng nơi chiến trường và người vợ ở quê hương.
+ Hình ảnh này còn tô thêm nỗi nhớ chồng da diết, sự cô đơn, sầu não của người chinh phụ. Nàng lo chồng mình phải đến nơi “cõi xa mưa gió” đầy khó khăn, rồi nàng sầu cho bản thân phải côi cút ở chính nơi “buồng cũ chiếu chăn”.
Viết kết nối với đọc
Bài tập (trang 44 sgk Ngữ văn 9 Tập 1): Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích tâm trạng của người chinh phụ thể hiện trong bốn câu thơ sau:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.
Đoái trông theo đã cách ngăn,
Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh.
Đoạn văn tham khảo
Bốn câu thơ trên trong bài thơ Chinh phụ ngâm đã diễn tả được những tâm trạng của người chinh phụ khi tiễn người chinh phu ra chiến trường ác liệt. Ở hai câu thơ đầu: “Chàng thì đi cõi xa mưa gió,/ Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn” như đang lột tả khoảng cách về địa lí, nơi chốn của hai vợ chồng, đồng thời còn là tiếng kêu xót xa, ai oán, cô đơn của người chinh phụ. Nàng đau khổ, lo lắng khi chồng mình đang ở nơi “cõi xa mưa gió”, gặp muôn trùng khó khăn. Nàng còn tự tủi cho bản thân khi phải trở về nơi mà hai người từng hạnh phúc, nhưng giờ trở thành “buồng cũ chiếu chăn”. Phép đối tài tình trong hai câu thơ đã làm sự trái ngược, cách xa của hai người càng nhiều hơn. Mặc dù xa mặt, nhưng người chinh phụ không xa lòng: “Đoái trông theo đã cách ngăn,/ Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh”. Nàng luôn nhìn về nơi “cõi xa ấy”, nhìn qua “mây biếc”, “núi xanh” để được thấy chồng. Thiên nhiên hùng vĩ, hay tượng trưng cho sự cách ngăn giữa người chinh phu và người chinh phụ, không khiến nàng bồi hồi mong nhớ về chồng. Qua từng câu chữ, sử dụng phép đối, phép ẩn dụ điêu luyện, nhà thơ đã thay cho tiếng nói của người chinh phụ cất lên cảm xúc đau đớn, bi thương, nhớ nhung qua bốn câu thơ trên.