Có ý kiến cho rằng: Trong thế giới hội nhập, nếu có thể du học ở nước ngoài, người trẻ sẽ có cơ hội phát triển tương lai tốt hơn.
Anh/ Chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy bày tỏ ý kiến của anh/ chị trong bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ).
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
a. Mở bài: Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: Trong xu thế hội nhập toàn cầu, người trẻ gặp nhiều thách thức và cũng có nhiều cơ hội hơn. Khao khát vươn ra thế giới, nắm bắt cơ hội để phát triển tương lai là điều chính đáng ở người trẻ. Tuy nhiên, có phải người trẻ Việt du học ở nước ngoài sẽ có cơ hội phát triển tương lai tốt hơn?
b. Thân bài
b1. Giải thích: (1) Người trẻ Việt Nam là những con người đang ở độ tuổi thanh niên phơi phới, đang dồi dào sức sống, tràn đầy khát vọng học hỏi, cống hiến. Người trẻ cũng là người đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, đầy cơ hội trưởng thành, nhiều lựa chọn để tiến tới thành công. Trong các cơ hội phát triển tương lai, trong nhiều con đường đi tới thành công, du học ở nước ngoài là xu hướng mới, được nhiều bạn trẻ quan tâm và lựa chọn. (2) Du học là việc đi học ở một quốc gia khác không phải quê hương đất nước mình nhằm mở mang kiến thức, tầm nhìn, nhằm được đào tạo ngành nghề hiện đại hơn để thoả mãn nhu cầu học tập, phát triển năng lực của bản thân hoặc theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức tài trợ. (3) Người trẻ thường hướng tới các quốc gia có nền giáo dục phát triển hoặc có thể mạnh trong đào tạo ngành nghề nào đó để du học, do vậy, một khi đã du học, cơ hội phát triển bản thân mở ra rất nhiều. Vấn đề “người trẻ du học sẽ có cơ hội phát triển tương lai tốt hơn” được đặt ra để người trẻ suy nghĩ đa chiều, sâu sắc; người viết có thể đồng tình, không đồng tình hoặc chỉ đồng tình một phần.
b2. Nêu suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề nghị luận và sử dụng lí lẽ, bằng chứng để phân tích, chứng minh
Có thể chọn quan điểm sau đây và lập luận để bảo vệ quan điểm: Trong thế giới hội nhập, nếu có thể du học ở nước ngoài, người trẻ sẽ có nhiều cơ hội phát triển tương lai rất tốt; nhưng ngay cả khi không du học ở nước ngoài, nhiều người trẻ vẫn thành công, có tương lai tốt đẹp. Việc người trẻ lựa chọn du học hay học tập và rèn luyện trong nước phụ thuộc vào nhu cầu của từng cá nhân, điều kiện hoàn cảnh cụ thể cụ thể của mỗi gia đình, không phải ai cũng muốn du học, không phải ai du học cũng thành công và càng không phải nếu không du học thì không có cơ hội phát triển tương lai tốt nhất.
(1) Sử dụng lí lẽ và dẫn chứng lập luận phù hợp với logic của hiện thực khách quan để thuyết phục, bảo vệ quan điểm của mình: + Thế giới hội nhập là cuộc sống của thế giới hiện đại theo xu hướng toàn cầu hoá, nơi đó có sự liên kết, chia sẻ của các quốc gia, nơi mỗi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ của công dân toàn cầu. Trong thế giới hội nhập, ngoại ngữ và công nghệ thông tin là hai chìa khoá vàng để mỗi người mở cánh cửa giao lưu, hội nhập và khẳng định bản thân. Như vậy, để du học, điều kiện tiên quyết là giỏi ngoại ngữ và công nghệ. Khi đã làm chủ được công cụ ngôn ngữ và công nghệ, trong “thế giới phẳng”, dù ở đâu, ai cũng có cơ hội phát triển bản thân và cơ hội là như nhau; + Du học ở nước ngoài với thế mạnh là giỏi ngoại ngữ, giỏi công nghệ, được tiếp cận trực tiếp với thành tựu giáo dục và cơ hội ngành nghề tốt, lại có môi trường làm việc, hợp tác thuận lợi với nhiều thầy giỏi, đồng môn, đồng nghiệp giỏi từ bốn phương, người trẻ như cá gặp nước, dễ có cơ hội thành công và dễ nổi tiếng hơn ngay khi còn ở nước ngoài, nhất là ở một đất nước phát triển, có vị thế chính trị, kinh tế lớn hơn nước nhà. Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn, nhà toán học Ngô Bảo Châu đã thành công hơn nữa khi phát triển sự nghiệp ở nước ngoài. Các học sinh quán quân, á quân của cuộc thi Đường lên đỉnh Olimpia hàng năm đều có cơ hội du học,...; + Nhiều người trẻ coi du học ở nước ngoài như một cách thức, con đường học tập hiệu quả và nhiều áp lực khiến bản thân phải cố gắng, nỗ lực học hỏi và phấn đấu nhiều hơn để thu hoạch được nhiều kiến thức, kĩ năng hơn. Họ không coi việc lập nghiệp, phát triển bản thân ở nước ngoài là mục đích chính, nên khi có đủ kiến thức, kĩ năng và bằng cấp, nhiều người trẻ trở về Tổ quốc, gia nhập vào đội ngũ người lao động trong nước, trực tiếp đóng góp công sức của mình cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Những người trẻ này luôn được đánh giá cao bởi đã đem lại luồng gió mới, phong cách mới, tri thức, kĩ năng tiên tiến vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển ngành nghề và xã hội. Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu thuốc mới, Khoa Dược, Đại học Phenikaa (Hà Nội), một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2022 ở lĩnh vực nghiên cứu khoa học, đã trở về nước phát triển sự nghiệp bản thân. Anh xác nhận mình đi du học là vì “ước mơ của tôi là nghiên cứu sản xuất ra thuốc có thể cứu được nhiều người cùng một lúc” và anh trở về nước là để thực hiện trọn vẹn ước mơ đó. Tiến sĩ Lê Duy Anh (Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) sau khi du học, có nhiều cơ hội được ở lại các quốc gia phát triển để làm việc, nhưng anh đặt vấn đề: “Vì sao không về nước?” thay vì “Tại sao không ở lại nước ngoài?”. Với người trẻ có định hướng, có ý chí quyết tâm như thế, du học là con đường thực hiện
ước mơ và là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân và thành công trong sự nghiệp. Du học ở nước ngoài và trở về Việt Nam lập nghiệp, nhiều người trẻ đang ngày càng thành công, nổi tiếng hơn nhờ có ý chí, nhiệt huyết và năng lực bản thân.
(2) Nhưng không phải người trẻ nào du học cũng thành công. Vì chạy đua theo xu thế du học, coi du học là một cái “mốt”, bằng mọi giá phải du học ở nước ngoài, trong khi ngoại ngữ và kĩ năng sống tự lập chưa đủ, nhiều người trẻ đã phải bỏ dở công việc học hành ở xứ người. Mặt khác, việc du học ở nước ngoài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn hơn so với học tập trong nước, gia đình hoặc người trẻ phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng điều kiện vật chất cho con đường học tập ở nước ngoài lâu dài và tốn kém. Vì điều này, nhiều học sinh trung học và sinh viên đại học đã chịu áp lực nặng nề hoặc phải trở về nước khi còn chữa công thành danh toại. Nếu việc du học không thành công thì ngay cả cơ hội để phát triển bình thường cũng chưa chắc đã có, đừng nói tới “cơ hội phát triển bản thân tốt hơn”.
(3) Ở một góc nhìn khác, nếu cùng điểm xuất phát, với các điều kiện học vấn, năng lực như nhau, một người trẻ được học tập, đào tạo trong nước nỗ lực học hỏi, chủ động kết nối quốc tế, tích cực mở rộng giao lưu để thúc đẩy các quan hệ và học thuật qua các mạng lưới trực tiếp và gián tiếp thì cơ hội để thành công chưa chắc đã thua kém so với các bạn trẻ đi du học nước ngoài. Nhiều chủ nhân của các dây chuyền công nghệ, nhà vườn, chuỗi cửa hàng trong nước, nhiều nhà khoa học trong các giảng đường, phòng thí nghiệm trong nước không ngừng sáng tạo và ghi danh vào “bản đồ những người cống hiến trẻ”. Cô giáo Hà Ánh Phượng dạy tiếng Anh một trường miền núi của tỉnh Phú Thọ, không cần du học nước ngoài, vẫn đưa sự nghiệp gieo chữ cho đồng bào đến đỉnh cao, khẳng định thành công trong sự nghiệp phát triển bản thân. Cô giáo trẻ này được Tổ chức Giáo dục Varkey Foundation vinh danh là một trong 50 giáo viên toàn cầu xuất sắc nhất năm 2020. Người trẻ có cơ hội phát triển bản thân ở mọi nơi, bằng nhiều cách, miễn là người trẻ muốn và chịu khó tìm kiếm cơ hội. Du học không phải con đường tốt nhất, càng không phải con đường duy nhất để đến với một sự nghiệp thành công.
b3. Bình luận, liên hệ
(1) Trong xã hội hiện nay, đặc biệt là ở một số thành phố lớn, đang có hiện tượng học sinh, sinh viên du học theo phong trào, với quan niệm cực đoan rằng: chỉ đi du học mới thành công, du học ở nước ngoài bao giờ cũng nhiều cơ hội thành công hơn học ở trong nước. Chạy theo xu thế đó, một số người trẻ tìm mọi cách để được du học, bất kể điều kiện của bản thân ra sao. Khi điều kiện ngoại ngữ cũng như các kĩ năng mềm của bản thân chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu sống và học tập ở nước ngoài, khi gia đình phải vay mượn, lao đao vì hỗ trợ tài chính cho một người tiêu dùng ngoại tệ ở nước ngoài, người trẻ du học lúc này như người mặc cái áo quá rộng, loay hoay, trăn trở trong cuộc sống bình thường đã khó, hướng tới sự tốt đẹp, thành công còn là điều khó hơn. (2) Ý kiến trên không loại trừ có dấu hiệu của tinh thần sùng ngoại, sính ngoại cũng đang là một sai lầm dễ mắc của người trẻ. Trong câu chuyện du học để tìm cơ hội thành công, người trẻ cần nhận thức được rằng: ở đâu, lúc nào, cơ hội thành công cũng chia đều cho mọi người, quả chín ngọt ngào luôn dành cho người chăm chỉ gieo trồng, vun xới. (3) Chia sẻ ngắn gọn sự lựa chọn của bản thân trong những tình huống giả định: nếu có điều kiện du học, anh/ chị sẽ làm gì; nếu không có điều kiện du học, anh/ chị sẽ làm gì?
c. Kết bài: Khẳng định vấn đề du học ở nước ngoài để phát triển bản thân là xu hưởng hiện đại, tích cực, một con đường dễ dẫn đến thành công, mỗi người cần căn cứ vào các điều kiện cụ thể của bản mà có ý kiến và sự lựa chọn phù hợp. Nên coi đây là một vấn đề trao đổi mở để mọi người cùng đưa ý kiến, bàn luận rộng hơn.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |