Trong chiến lược giao tiếp diễn ngôn - thể loại, để thể hiện chủ thể và bức tranh thế giới, các nhà văn lựa chọn, sáng tạo ngôn ngữ nghệ thuật đặc thù, mới mẻ. Nam Cao đã tạo ra ngôn ngữ nghệ thuật mang thế giới quan và nhân sinh quan riêng. Truyện ngắn Chí Phèo đã xây dựng nên một thứ ngôn ngữ thế giới quan đặc biệt, riêng có để biểu đạt bức tranh thế giới phân lập kẻ bên lề và trung tâm dưới sự tác động của tính chất quần ngư tranh thực và định kiến lạnh lùng. Ngôn ngữ thế giới quan ấy góp phần tạo dựng nên nghệ thuật tự sự đặc sắc, phong cách độc đáo trong truyện ngắn của Nam Cao.
Với Chí Phèo, nhà văn Nam Cao đã tạo ra một lối trần thuật độc đáo, làm cơ sở tạo nên tính đối thoại đa thanh là trần thuật từ nhiều điểm nhìn qua việc di chuyển điểm nhìn liên tục từ người kể giấu mặt sang nhân vật hoặc ngược lại, từ nhân vật này qua nhân vật khác. Toàn bộ tác phẩm được kể từ điểm nhìn của người kể giấu mặt, tạo cảm giác về cái nhìn từ bên ngoài, khách quan, kể những gì trông thấy. Tuy nhiên, điểm nhìn ấy được di chuyển qua nhân vật, kể bằng lời nói hoặc dòng độc thoại nội tâm. Giữa hai điểm nhìn/ ngôi kể này có sự chuyển tiếp bằng kiểu lời trần thuật nửa trực tiếp – lời là của người kể giấu mặt nhưng điểm nhìn lại ở nhân vật. Ngay đoạn mở đầu tác phẩm sự di chuyển linh hoạt này đã được thể hiện rõ nét.
Khi di chuyển điểm nhìn ta sẽ thấy sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa điểm nhìn bên ngoài và bên trong, điểm nhìn của người kể đứng ngoài và điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn toàn tri và hữu tri, khách quan và chủ quan. Cùng một sự kiện, nhân vật, ta bắt gặp nhiều cái nhìn, điểm nhìn mang theo cách đánh giá, thái độ khác nhau, đối lập, xung đột với nhau. Ngay đoạn mở đầu, nói về tiếng chửi của Chí Phèo, ta sẽ thấy cái nhìn bên ngoài của người kể giấu mặt muốn tìm hiểu tường tận bài chửi của Chí, đối tượng, mục đích cuối cùng của tiếng chửi đó là gì. Nhưng trong cái nhìn của dân làng Vũ Đại thì Chí Phèo chửi đơn thuần như một thói quen, quán tính “cứ rượu xong là chửi”, chửi như người khác say hát nghêu, không có gì đáng quan tâm hay bất ngờ. Vì thế họ im lặng, họ nghĩ “chắc nó trừ mình ra”. Còn đối với bản thân Chí Phèo tiếng chửi chất chứa cả nỗi đau, khao khát, niềm phẫn uất lẫn tuyệt vọng. Đó là nỗ lực giải trung tâm, được thừa nhận, được giao tiếp dù phải gây hấn, nhận lại sự nhục mạ.
Khi lựa chọn trần thuật từ nhiều điểm nhìn và di chuyển linh hoạt, nhà văn Nam Cao đã sử dụng đại từ nhân xưng trung hòa sắc thái biểu cảm, gây cảm giác lạnh lùng khi gọi bằng “hắn”, “thị”. Tuy nhiên chính những đại từ này khiến ngữ nghĩa được chuyển đổi linh hoạt thành các ngôi khác nhau trong tình huống, ngữ cảnh cụ thể. “Hắn”, “thị” là cách gọi từ bên ngoài, người khác dùng để chỉ Chí Phèo, thị Nở tự nó mang theo cái nhìn có vẻ định kiến, bề bậc của những người ở trung tâm với những kẻ bên lề, thấp kém, dị dạng với thái độ khinh thị. Còn khi lời trần thuật là lời nửa trực tiếp thì những “hắn”, “thị” lại là cách tự xưng, tự xác định vị thế của mình với người khác, với xã hội. Nó là một kiểu xưng ít định danh nhất, không bao gồm quyền năng, thái độ, hay đại diện cho điều gì. “Hắn”, “thị” trần trụi là những con người thuộc một giới, như người khác nhìn để phân biệt họ với người khác, để hiểu sự tồn tại, hiện hữu của họ chỉ có thế, những gì là bản năng, bản thể tự nhiên nhất mà khi sinh ra được trời phú. Bên cạnh các đại từ nhân xưng, Nam Cao còn dùng tên để định danh, hoặc giữ chức năng như một cách xưng hô. Khi dùng đến tên cũng là cách định danh con người mang bản chất xã hội nào đó. Tại Sao là Chí Phèo không phải là Chí? Ngay tên gọi gắn với biệt danh mà cái trung tâm, đa số dùng để gọi đánh dấu một giá trị, vị trí của con người. Từ Chí đến Chí Phèo là hai quãng đời/ cuộc đời, số phận, vị trí khác nhau. Nó không đơn thuần là tên gọi mà mang trong đó sự biến đổi của thân phận, nhân cách, tâm hồn từ đánh giá bên ngoài. Thị Nở, thị, Nở là cách gọi không hoàn toàn giống nhau mang theo những điểm nhìn, cái nhìn với cảm xúc, thái độ khác nhau.
Khi trần thuật từ nhiều điểm nhìn thì tất yếu dẫn tới sự đối thoại trong ngôn ngữ, nhất là ngôn ngữ thế giới quan. Bởi điểm nhìn, cách sử dụng ngôn ngữ để định danh, môt tả mang theo những ý niệm, quan điểm, tư tưởng, tình cảm riêng của chủ thể đó. Vì thế, cùng một nhân vật, trong các khoảng thời gian, không gian gắn với các tình huống khác nhau sẽ có những cái nhìn khác nhau, đối lập/ đối thoại bình đẳng. Tổng thể những cái nhìn đó sẽ cho người đọc một cái nhìn bao quát, tổng thể, xóa tan mọi định kiến, thấy được mọi mặt, mọi phần trong một con người. Để từ đó, mỗi nhân vật hiện lên như một con người sống, động, như con người, mang bản thể muôn thuở với những phần tốt, xấu, thiện, ác, hiền, dữ, con, người… Điển hình nhất là Chí Phèo, thị Nở. Với Chí Phèo, Bá Kiến coi hắn là tay chân, là kẻ có thể sai khiến làm mọi việc chỉ cần mềm rắn đúng lúc, chỉ cần cho vài đồng bạc uống rượu; dân làng Vũ Đại coi hắn là quỷ dữ, là kẻ gây ra đau thương nên chết cũng không tiếc; bà cô thị Nở thấy Chí Phèo là con số 0, là mối ô nhục nếu cháu bà lấy hắn; trong khi đó thị Nở thấy hắn rất hiến, thấy đáng thương và tội nghiệp, nhất là đáng yêu. Nhưng điều quan trọng và độc đáo nhất là Nam Cao không tách bạch, thấy con người rời rạc ở các trạng thái, tính cách, mà ông thường xuyên để nhân vật hiện lên trong trạng thái lưỡng tính, nước đôi, chập chờn ở hai bờ say – tỉnh, người – con, hiền – dữ, thiện – ác, đáng thương – đáng trách, nạn nhân – tội nhân… Vì thế chúng ta khó có thể trả lời một cách rạch ròi câu hỏi cho tình huống cuối cùng rằng Chí Phèo đến nhà và giết Bá Kiến trong trạng thái say hay tỉnh? Cái thế lập lờ, nước đôi ấy là là đặc điểm người nhất, mang tính phổ quát nhân loại của con người muôn thuở.
Việc tổ chức kết cấu tác phẩm tự sự cũng là một yếu tố quan trọng của ngôn ngữ thế giới quan, nhất là phần mở đầu và kết thúc. Ở truyện ngắn Chí Phèo ta thấy rất rõ những sự gia công sáng tạo này. Tác phẩm mở đầu bằng hình ảnh hắn (Chí Phèo) vừa đi vừa chửi, cứ rượu xong là chửi. Sự xuất hiện của Chí Phèo gắn liền với tiếng chửi xác nhận một mốc thời gian cụ thể - thời điểm hiện tại. Lúc ấy Chí Phèo đã trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, mất hết ý thức, triền miên trong những cơn say. Từ thời điểm hiện tại, người kể ngược về quá khứ truy tìm lai lịch, quá trình tha hóa, lý giải tại sao có một Chí Phèo xuất hiện ngày hôm nay như vậy. Sau khi trở về thực tại, chiều nay hắn lại chửi, những sự kiện mới tiếp diễn, tạo ra các bước ngoặt tiếp theo để đi đến kết cục cuộc đời của Chí Phèo và kết thúc tác phẩm. Việc tổ chức kết cấu như vậy sẽ làm đảo trật tự thời gian tuyến tính, dồn nén các khoảng thời gian kéo dài, đồng hiện sự kiện, tạo nên một cốt truyện diễn tiến nhanh, dồn dập, với nhiều bước ngoặt đầy kịch tính. Quan trọng hơn tỷ lệ các sự kiện trong các khoảng thời gian rất khác nhau. Quá khứ thoảng qua trong vài trang, người kể xoáy vào câu chuyện thực tại, các sự kiện đang diễn ra, nhấn vào bi kịch, thân phận bên lề và tác nhân gây ra bi kịch ấy. Ấn tượng chính là một kết cục đã rồi, không thể thay đổi, không thể vượt thoát những thành trì của định kiến và cường quyền.
Tác phẩm kết thúc bằng chi tiết: Ðột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua... Nhiều người cho rằng với chi tiết kết thúc này thì Chí Phèo mang kiểu kết cấu đầu cuối tương ứng. Nhưng tôi thì lại thấy đây không phải là kiểu đầu cuối tương ứng mà chỉ là sự lặp lại chi tiết ở phần đầu. Bởi mở đầu là sự xuất hiện của Chí Phèo với tiếng chửi mà kết thúc là cái lò gạch cũ. Nó không tương ứng. Trên thực tế, hình ảnh cái lò gạch cũ bắt đầu xuất hiện từ đầu phần chính của cốt truyện, nói về xuất thân của Chí, một đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc chào đời trong cái váy đụp, bên cái lò gạch cũ bỏ không. Cho nên khi hình ảnh cái lò gạch cũ xuất hiện trong trí óc của thị Nở sau khi Chí Phèo chết chỉ là sự lặp lại như một điềm báo, một khả năng của thực tại sẽ kéo dài mãi mãi, không có điểm dừng. Và Chí Phèo là hiện tượng mang tính quy luật, vốn là sản phẩm của xã hội và của bản thân hắn. Cái lò gạch xác minh ngay vị trí bên lề, bị ruồng bỏ, bị đẩy ra rìa không thương tiếc của con người được sinh ra không theo mong muốn. Nó cho thấy một cái vòng luẩn quẩn của xã hội và phận người khi chưa thay đổi tận gốc, bản chất kiến trúc thượng tầng. Những số phận người lặp lại, có thể là những biến thể khác nhưng cùng bản chất khiến vấn đề đặt ra mang tầm bao quát, mang chiều sâu triết lý về quy luật vận động của cuộc sống, xã hội trong các mối quan hệ tương tác qua lại con người – xã hội, con người – người khác, con người với bản thân. Cái lò gạch cũ trở thành biểu tượng cho motip bắt đầu, tạo sinh, cái khởi nguyên. Một Chí Phèo này chết sẽ là sự khởi sinh cho biết bao Chí Phèo khác bởi đời còn những Bá Kiến thì vẫn còn Chí Phèo. Xã hội còn quần ngư tranh thực và định kiến nặng nề thì còn bi kịch của kẻ bên lề, cái khác, cái dị biệt.
Và như vậy truyện ngắn Chí Phèo đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩa mô hình hóa phần mở đầu và kết thúc so với motip thông thường. Bởi mở đầu của tác phẩm đã là cái chung cục, là kết quả đã xong xuôi, hoàn tất, Chí Phèo vĩnh viễn đẩy ra bên lề, thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại; kết thúc mở ra những khả năng tạo sinh mới, là cái khởi nguyên. Chí Phèo chết, Bá Kiến chết nhưng những Chí Phèo, Bá Kiến khác thì vẫn còn nhiều, thậm chí tồn tại vĩnh viễn nếu không có hành động mang tính cách mạng toàn diện giải trật tự trung tâm đương thời. Truyện hết nhưng cuộc sống vẫn diễn ra, tiếp nối. Kết thúc nhưng cái ác, mầm xấu không bị tiêu diệt mà còn có thể chồi lên, nhiều hơn, tàn bạo hơn. Điều này khiến Chí Phèo mang tư duy, tính chất của một tiểu thuyết, nói tới hiện thực đang diễn ra, chưa hoàn tất, luôn luôn dang dở. Nó chính như cuộc sống, là cuộc sống luôn vận động, chuyển biến không ngừng trong từng ngóc ngách, nhất là ở những phận người cá nhân, những vấn đề thế sự và thời sự. Bởi con người, quyền sống là người, nhân tính, nhân phầm không phải chuyện của riêng thời nào, và ở phương diện nào đó thì sự tha hóa, biến dạng của con người bắt nguồn từ xa xưa, sẽ còn tiếp diễn tới mãi mãi về sau.
Với ngôn ngữ và nghệ thuật tự sự độc đáo, Nam Cao đã tạo nên một thế giới nghệ thuật riêng, mang tính khái quát cao, thể hiện những vấn đề muôn thuở về cuộc sống và con người trong Chí Phèo. Do đó tác phẩm vừa mang tính hiện thực cao, vừa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện những trăn trở của nhà văn về quyền sống, về vấn đề nhân tính, nhân phẩm của con người trong xã hội “quần ngư tranh thực” và định kiến nặng nề. Các yếu tố đặc sắc của nghệ thuật tự sự cũng mang đến một cái nhìn, một góc tiếp cận mới mẻ, mang tính khám phá, phát hiện sâu sắc về hiện thực và phận người trong hình thái xã hội đặc thù. Bên cạnh đó, việc kiến tạo ngôn ngữ chính là tạo nên mã nghệ thuật cho tác phẩm, một hình thức diễn đạt phù hợp với diễn ngôn tự sự, khiến tác phẩm như một dụ ngôn về thân phận, kết tinh tư tưởng, quan niệm nghệ thuật về con người, quan niệm thẩm mỹ độc đáo. Tất cả những điều đó đã làm nên một Chí Phèo, một mô hình cấu trúc thể loại gắn với những cách tân, sáng tạo lớn của Nam Cao về mặt nghệ thuật theo xu hướng tự sự hiện đại, mang đậm chất đối thoại, đa thanh, phức điệu.