Mùa thu và mẹ của Lương Đình Khoa dường như đã đưa người đọc vào một dòng suối êm đềm với những tình cảm thiêng liêng về mẹ. Ông không chỉ cho người đọc thấy vẻ đẹp tần tảo của mẹ, mà còn cả những nhọc nhằn mỗi đêm chẳng thể nói. Trong bài thơ, người mẹ là gánh rong những loại quả chín mùa thu lặng lẽ đi qua từng con phố. Có lẽ đó chính là công việc của mẹ, nhờ đó đứa nhỏ được học hành nên dù có vất vả, mẹ cũng chẳng ca thán. Mẹ chẳng khỏe gì đâu, nhưng mỗi ngày mẹ vẫn thoăn thoắt đi trên hàng phố vắng quen thuộc. Nắng chiều mùa thu như thương mẹ nên chẳng gay gắt, đậu thật khẽ trên hàng mi mái tóc. Ấy vậy mà trên trán mẹ vẫn lấm tấm mồ hôi rơi, đôi vai gầy vì nặng mà nghiêng nghiêng trên nẻo đường. Dù vất vả nhưng mẹ lại chẳng kể, chẳng than phiền với đứa con ở nhà. Vậy nên mỗi đêm, mẹ “trở mình trong tiếng ho thao thức”, như có hạt sương đậu trên khóe mắt, chẳng biết là của con hay của mẹ. Chỉ vài dòng thơ, tác giả không chỉ cho ta thấy sự hy sinh lớn lao của mẹ, ta còn thấy được tình cảm của người con.