1. Nông nghiệp:
- Trong các thế kỉ XVI – XVIII, do những bất ổn về chính trị và tình hình nội chiến liên miên đã có nhiều tác động tiêu cực đến sự phát triển nông nghiệp của Hải Dương, nạn mất mùa, đói kém diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, con người cần cù, chịu khó, nên kinh tế nông nghiệp của vùng đất xứ Đông vẫn là ngành kinh tế chủ đạo ở Hải Dương.
- Trong thời kì này, tình trạng mua bán ruộng đất ngày càng phổ biến, thúc đẩy tầng lớp đại địa chủ phát triển tại các địa phương của Hải Dương.
- Dưới triều Nguyễn, trấn Hải Dương vẫn là “xứ Đông phên giậu”, vì vậy, nhà nước rất quan tâm đến phát triển kinh tế nông nghiệp, tập trung khai khẩn đất hoang, chia lại ruộng đất.
- Kinh tế nông nghiệp của Hải Dương thế kỉ XIX đã có bước tiến mới là sản xuất theo mùa trong năm (vụ chiêm và vụ mùa). Ngoài trồng lúa, các phủ của Hải Dương đều căn cứ vào điều kiện đất đai, khí hậu để phát triển các cây rau màu đặc trưng khác như: ngô, khoai, các loại đậu, các cây thuộc họ dưa, rau củ,…
- Trong các thế kỉ XVI – XIX, sản xuất nông nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của vùng đất Hải Dương.
2. Thủ công nghiệp:
- Từ thế kỉ XVI đến đầu thế kỉ XIX, các nghề thủ công của Hải Dương tiếp tục phát triển và dẫn đến sự ra đời của các làng nghề thủ công nổi tiếng: nghề làm giày da ở các làng Phong Lâm, Văn Lâm, Trúc Lâm (Hoàng Diệu – huyện Gia Lộc); trung tâm đúc đồng Đại Đồng (làng Đại Đồng – huyện Tứ Kỳ); làng mộc Đông Giao, Cúc Bồ; làng chạm khắc đá Kính Chủ (Phạm Mệnh – thị xã Kinh Môn); nghề làm vàng bạc ở Châu Khê (Thúc Kháng – huyện Bình Giang).
- Đặc biệt, nghề thủ công nổi tiếng nhất của Hải Dương thời kì này vẫn là nghề làm gốm. Các làng gốm sứ nổi tiếng như: Chu Đậu, Hợp Lễ, làng Quao, làng gốm Hùng Thắng (huyện Nam Sách) tiếp tục phát triển thịnh đạt, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và ngoài nước.
- Bên cạnh các nghề thủ công trên, ở Hải Dương thời kì này còn có một số nghề thủ công khác cũng khá phát triển như: nghề dệt ở Cẩm Giàng, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Miện; nghề thêu ở Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ); nghề làm bánh gai ở Ninh Giang; nghề nấu rượu ở Phú Lộc (huyện Cẩm Giàng),...
- Sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề thủ công truyền thống trong các thế kỉ XVI – XIX đã thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thương nghiệp, tạo cơ sở đưa đến sự hình thành các phố nghề tại Hải Dương.
3. Thương nghiệp:
- Do những thuận lợi về giao thông, cùng với sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp, nhất là ở các thế kỉ XVII – XVIII, trong bối cảnh kinh tế thương nghiệp Đàng ngoài phát triển mạnh, hoạt động thương nghiệp tại Hải Dương cũng có bước phát triển mới.
- Từ thế kỉ XVI – XIX, hệ thống chợ ở Hải Dương đã hình thành ở khắp các địa phương. Các làng xã hầu hết đều có chợ để trao đổi, mua bán hàng hoá. Với mạng lưới đường sông ở Hải Dương như mắc cửi, liên hoàn từ tỉnh lị tới tận các làng xã xa xôi, nối liền Hải Dương với các tỉnh lân cận nên đã tạo nhiều thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển, thông thương. Vì vậy, Hải Dương thời kì này đã trở thành trung tâm thương nghiệp lớn ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ với mặt hàng buôn bán chủ yếu là thóc gạo. Bên cạnh đó, sông Kẻ Sặt ở tỉnh lị Hải Dương còn là nơi tập trung các loại gỗ vận chuyển từ các tỉnh miền núi về theo đường sông. Hải Dương trên bến, dưới thuyền và hoạt động thương nghiệp phát triển mạnh mẽ.
- Hoạt động ngoại thương ở vùng đất Hải Dương thế kỉ XVII – XVIII phát triển với các mặt hàng chính là sản phẩm nông nghiệp, thủ công nghiệp, đặc biệt là sản phẩm gốm.
- Hệ thống tuyến đường thuỷ của Hải Dương nối với Thăng Long và thương cảng phố Hiến (Hưng Yên) là một lợi thế thúc đẩy hoạt động ngoại thương của Hải Dương thời kì này phát triển mạnh mẽ.
Xem thêm (+)