Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Từ xưa đến nay, các lễ hội luôn là một phần không thể thiếu với đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Mùa xuân được coi là mùa của lễ hội bởi trong thời gian này có rất nhiều những lễ hội diễn ra với mong ước cầu cho một năm mới bình an, thịnh vượng, vạn sự như ý. Nhắc đến những lễ hội được diễn ra vào mùa xuân, lễ hội khai ấn đền Trần là một lễ hội đặc trưng. Đây là một lễ hội được tổ chức để tri ân những công lao to lớn của các vị vua nhà Trần và sự ra đời của lễ hội này cũng gắn liền với lịch sử hình thành của đền Trần.
Như chúng ta đã biết, đền Trần là một ngôi đền được xây dựng nên để thờ tự mười bốn vị vua nhà Trần cùng với những quan lại phò tá. Ngôi đền được xây dựng trên nền của Thái Miếu cũ mà đã bị quân Minh phá huỷ vào khoảng thế kỉ XV, ngày nay ngôi đền tọa lạc tại đường Trần Thừa, thành phố Nam Định. Nhà Trần xây dựng cơ đồ, sự nghiệp tại vùng đất Tức Mạc - đây được coi là vùng đất phát tích đế vương. Vào năm 1239, vua Trần đã cho xây nên các cung điện và nhà cửa ở nơi đây và đổi tên Tức Mạc thành phủ Thiên Trường và năm 1262. Khi nhà Trần suy vong, những cung điện, đền đài nguy nga tráng lệ nơi đây đã trở thành những tàn tích ghi dấu một thời vàng son, oanh liệt của lịch sử. Sau khi giặc Minh bị đánh tan, quần chúng nhân dân nơi đây vì ghi nhớ tới công lao to lớn của vương triều này nên đã xây dựng lên đền thờ để ghi nhớ công lao và hằng năm tổ chức lễ hội để con cháu đời sau luôn ghi nhớ tới công ơn ấy của những vị vua đã trị vì đất nước, đưa đất nước phát triển.
Theo những điều được ghi chép lại trong các loại sử sách, tài liệu thì ban đầu đền Trần được gọi là nhà thờ Đại Tôn. Cho tới năm 1695, đền mới được xây dựng lên bằng gỗ lim và chính thức được gọi tên là Trần Miếu vào năm 1705. Vào năm 1852, khi đền Thiên Trường trải qua một cuộc đại tu, người ta đã đào lên được một tấm bia đá, trên đó có khắc dòng chữ: 'Hưng Đạo thân vương Cố Trạch" (Dịch: Nhà của Hưng Đạo vương ở Cố Trạch). Ngay sau đó, nhân dân đã dựng lên đền Cố Trạch ở tại đây để thờ Hưng Đạo Vương cùng phụ mẫu và vợ của ông là Thiên Thành công chúa.
Quần thể khu di tích đền Trần gồm có đền thờ là: đền Thiên Trường (đền Thượng), đền Cố Trạch (đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Để đi vào đến khu đền thờ này, trước hết ta phải đi qua ngũ môn tới một hồ nước có hình chữ nhật. Ở chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường, phía Tây của đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa còn ở phía Đông là đền Cố Trạch. Cả ba ngôi đền này cùng được xây dựng theo một lối kiến trúc và có quy mô tương đương với nhau. Mỗi đền đều gồm có toà Tiền Đường năm gian, tòa Trung Đường năm gian và toà Chính Tổng ba gian. Khi nhà Trần chống giặc Nguyên Mông, để thực hiện chính sách vườn không nhà trống nên đã cho toàn bộ quân lui về Thiên Trường. Trải qua biết bao nhiêu những biến động trong lịch sử, con ấn cũ của triều nhà Trần đã bị thất lạc. Bởi vậy mà tới năm 1822, khi mà vua Minh Mạng ghé thăm Thiên Trường đã cho khắc lại một con ấn mới với dòng chữ: "Trần triều điển cố - Tích phúc vô cương" để nhắc nhở nhân dân, con cháu đời sau nhớ về tích xưa, nghĩa cũ. Để lễ hội đền Trần có thể bắt đầu, mở màn chính là lễ khai ấn.
Lễ khai ấn là một nghi lễ tế tổ tiên của dòng họ nhà Trần, được tổ chức lần đầu tiên vào khoảng những năm 1239. Trong ngày này, vua sẽ mở tiệc để thiết đãi và phong tước vị cho những quan lại có công lao với triều đình ở Phủ Thiên Trường. Vào khoảng thời gian chống giặc Mông, việc tổ chức nghi lễ này bị tạm ngừng lại cho tới năm 1269, dưới thời vua Trần Thánh Tông mới được tổ chức lại. Từ thời điểm này, lễ khai ấn đền Trần được tổ chức hằng năm từ khoảng lúc mười một giờ đêm ngày mười bốn cho tới một giờ sáng ngày mười lăm. Đây cũng là một nghi thức coi như việc nhắc nhở rằng những ngày Tết Nguyên Đán đã kết thúc và mọi người cần chuẩn bị để quay lại với công việc lao động sản xuất.
Lễ khai ấn đền Trần được tổ chức vô cùng long trọng. Các làng phải rước kiệu về đền Thiên Trường để tổ chức lễ tế các vị vua Trần. Những vị bô lão sẽ tề tựu về đây với những áo dài, khăn xếp chỉnh tề để cùng với dân làng làm lễ tế và dự lễ khai ấn. Hòm ấn được đặt vô cùng ngay ngắn, trang trọng ở trên ban thờ, trong hòm ấy có hai con dấu được làm bằng gỗ. Đến đúng giờ Tý, tức khoảng mười một giờ đêm cho tới một giờ sáng, người làm lễ tế chính sẽ làm lễ ở tại đền Cố Trạch để xin đưa ấn lên kiệu và rước sang đền Thiên Trường. Khi tới đền Thiên Trường, người làm lễ sẽ dâng hương để báo cáo trời đất ở bàn thờ Trung thiên, sau đó rước ấn vào nội cung, đưa lên ban công đồng và làm lễ xin khai ấn.
Lúc đã hoàn tất xong xuôi những thủ tục trên, người bồi tế sẽ dùng một loại giấy dân gian của Việt Nam được gọi là giấy điệp lên trước tế chính. Khi chiêng trống nổi lên, người chủ tế sẽ sử dụng chiếc ấn đóng mực đỏ vào tờ giấy điệp đó, cạnh dấu son trên tờ giấy phải ghi rõ được ngày, tháng, năm và cần có sự tính toán làm sao khi viết đến chữ cuối phải là chữ sinh. Tương truyền, người may mắn có được tờ giấy điệp đã đóng ấn ấy đem về nhà treo lên những nơi trang trọng như từ đường, phủ hay tại gia sẽ giúp đuổi trừ ma quỷ, nhận được những điều tốt lành trong năm đó.
Lễ hội khai ấn đền Trần là một nghi lễ vô cùng trang trọng, nhắc nhở con cháu luôn nhớ đến công ơn của những vị vua nhà Trần ngày trước. Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội khai ấn cũng là một cách để giáo dục thế hệ sau biết yêu nước, chống giặc ngoại xâm và luôn có ý thức bảo vệ, gìn giữ bờ cõi của đất nước.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |