Nguyễn Du là một đại thi hào lỗi lạc của thơ ca trung đại Việt Nam. Ông có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà với những tác phẩm tiêu biểu được cả thế giới biết đến như thi phẩm Truyện Kiều- đỉnh cao của văn học dân tộc, là tinh hoa văn hóa ánh mãi ngàn đời. Để tìm hiểu chi tiết hơn về tác giả cũng như tác phẩm, dưới đây Luật Minh Khuê chia sẻ đến bạn nội dung: Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều. Mời các bạn đón xem.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du
1.1. Cuộc đời
Theo một bản gia phả của dòng họ Nguyễn ở huyện Nghi Xuân, Nguyễn Du sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766, tên chữ là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.
Ông sinh ra trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn chương. Cha của Nguyễn Du là Nguyễn Nghiễm (1708- 1775), sinh ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, tên tự Hy Tư, hiệu Nghị Hiên, biệt hiệu là Hồng Ngự cư sĩ, thi đỗ tiến sĩ, từng làm Tể tướng 15 năm, tước Xuân Quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần (1740- 1778), con gái một người làm chức Câu kế. Bà Tần quê ở làng Hoa Thiều, xã Minh Đạo, huyện Tiên Du (Đông Ngàn), xứ Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh; cũng văn hay chữ tốt. Bà Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm. Anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Khản làm quan đến chức Tham Tụng từ dưới thời Lê Trịnh. Với truyền thống gia đình dòng dõi, Nguyễn Du có điều kiện tiếp xúc với nhiều vùng văn hóa, dùi mài kinh sử, vốn sống, vốn hiểu biết phong phú.
Thời thơ ấu và niên thiếu, Nguyễn Du sống tại Thăng Long trong một gia đình phong kiến quyền quý. Tuổi thơ Nguyễn Du hạnh phúc trong giàu sang. Cha ông là tể tướng trong triều, các anh cũng làm quan to cấp thượng công, gia đình tột cùng giàu sang. Lúc nhỏ, Nguyễn Du thường theo cha và anh vào chơi và học tập cùng các công nương quý tử trong triều nên ngay từ rất sớm, Nguyễn Du đã được tiếp nhận một nền giáo dục tiến bộ của thời đại, có được học thức cao đẹp cũng như kế thừa được truyền thống văn hóa thi thư của gia đình.
Thế nhưng, thời cuộc đổi thay, loạn lạc xảy ra, gia đình ông cũng bị sa sút dần rồi rơi vào loạn ly khi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ. Nguyễn Du sớm phải gánh chịu những nỗi đau mất mát, thăng trầm. Lên 10 tuổi, Nguyễn Du mất cha. Hai năm sau, mẹ ông cũng qua đời. Nguyễn Du lưu lạc khắp nơi trong nhân gian và theo anh Nguyễn Khản, lúc về quê mẹ, lúc tại về thành Thăng Long. Cuộc đời gian nan, lận đận, phải gánh chịu không biết bao nhiêu cực khổ. Cộng thêm vào giai đoạn đó lịch sử nước nhà có nhiều rối ren, khủng hoảng xã hội, đất nước chia cắt, các thế lực phong kiến chém giết và tàn sát lẫn nhau, nông dân nổi dậy khởi nghĩa khắp nơi mà tiêu biểu là phong trào Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng đến tư tưởng trong sáng tác của ông. Bởi thế ông luôn nhận thức trung thành với triều Lê, căm thù sâu sắc với quân Tây Sơn. Nguyễn Du phải trải qua cuộc sông mười năm phiêu bạt, từng mưu đồ chống Tây Sơn nhưng thất bại, lui về ẩn dật. Khi phong trào Tây Sơn thất bại, nhà Nguyễn phục hưng, Nguyễn Du có ra làm quan triều Nguyễn. Khi cao sang tột bực, lúc cơ hàn cùng cực. Nguyễn Du ốm, mất ở Huế năm 1820. Hoàn cảnh đó cũng tác động lớn tới cuộc đời và tính cách của Nguyễn Du. Cuộc đời thăng trầm, đi nhiều đã giúp ông có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.