Nhà văn M.Gorki từng nói. “ Nơi lạnh giá nhất không phải là Bắc Cực mà là nơi thiếu vắng tình thương”. Câu nói này khiến ta suy nghĩ về tình yêu thương giữa người với người và quan điểm trách nhiệm của con người với việc yêu thương mọi người. Bàn về vấn đề này Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã đưa ra một quan điểm sống qua bài hát, “Để gió cuốn đi”. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. (Bài hát Để gió cuốn đi).
Nếu ví mỗi con người là một loại quả thì, “tấm lòng” chính là cái nhân ngọt bùi, đậm đà của thứ quả đó. Tấm lòng là tình cảm sự quan tâm chia sẻ yêu thương với mọi người xung quanh biết cảm thông và động lòng trước những cảnh ngộ éo le, bất hạnh. Qua câu hát Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn gửi đến chúng ta một thông điệp, một lời khuyên về quan niệm sống đúng đắn. Sống trên đời phải biết yêu thương, quan tâm, động viên và cảm thông với mọi người xung quanh như vậy cuộc sống mới trở nên hạnh phúc, tươi đẹp và giàu ý nghĩa.
Vậy tại sao chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ông cha ta thường nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, cùng sống trên cuộc đời này có người may mắn sống đủ đầy, hạnh phúc, an nhàn, yên vui nhưng cũng có những mảnh đời bất hạnh kém may mắn, gặp nhiều khó khăn, thử thách thậm chí là bất hạnh bi kịch.
Ta được sinh ra trong một gia đình đầy đủ cha mẹ tận tình chăm sóc, bản thân lại khỏe mạnh phát triển tốt đó là những điều tốt đẹp và may mắn mà ai cũng muốn. Nhưng không phải ai cũng có thể tận hưởng được tất cả những điều may mắn đó, đối với chúng ta ngày ăn ba bữa đầy đủ, thức ăn nhiều dinh dưỡng, cơm gạo không bao giờ thiếu có thể là những điều tất yếu điều bình thường mà ta được hưởng hàng ngày. Nhưng có những người họ chẳng có cơm gạo để mà ăn chứ không nói gì đến đồ ăn có chất dinh dưỡng tốt, một ngày lượng cơm thừa ta ăn không hết bỏ đi lại là số cơm gạo mà người nghèo đói mong muốn có trong bữa ăn của mình.
Mùa đông giá lạnh có những người chỉ có mỗi chiếc áo mong manh chống chọi với cái rét buốt của thời tiết, rồi đến những trẻ em mồ côi cha mẹ, lang thang đầu đường xó chợ đang còn nhỏ nhưng vẫn phải chật vật kiếm sống qua ngày, bất hạnh hơn là những người bị tàn tật có thể khiếm khuyết bẩm sinh không có được sức khỏe như những người bình thường khác. Họ là những con người thiệt thòi trong cuộc sống phải chịu tổn thương về thể xác và tinh thần, là những mảnh đời cần được quan tâm che chở. Nadimetlec từng nói, “ con hãy lắng nghe nỗi buồn của cành cây héo khô, của chim muông quề quặt, của hành tinh lạnh nhất nhưng trước hết con hãy lắng nghe nỗi buồn của con người”.
Xung quanh ta còn biết bao người kém may mắn, bất hạnh, khó khăn, vì vậy chúng ta “cần có một tấm lòng”, một tấm lòng chân thành luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ yêu thương với mọi người. Những điều ta được hưởng hàng ngày đối với ta có thể là điều tất yếu, đương nhiên, nhưng có thể với một số người đó là mong muốn, là khát khao để đến với một cuộc sống trọn vẹn.
Chúng ta “sống trên đời sống cần có một tấm lòng”, ta biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc mọi người thì cuộc sống của ta sẽ trở nên ý nghĩa, tươi đẹp hơn rất nhiều. Bởi lòng yêu thương của con người là vô đáy, nên ta hãy cứ dành cho nhau những điều tốt đẹp nhất, chân thành nhất, như bông hoa Bồ Công Anh bung ra tỏa hết khi gặp gió, nhờ gió mang tinh nhụy của mình đi khắp muôn nơi gieo rắc sự sống. Khi chúng ta làm việc tốt, biết yêu thương người khác là khi tâm hồn ta cảm thấy rất thoải mái, rất dễ chịu. Đừng bao giờ nghĩ mình cho đi chẳng được nhận lại gì từ họ, nhưng thực chất khi ta làm việc tốt, khi ta quan tâm giúp đỡ người khác điều ta nhận lại được đó là niềm vui, niềm hạnh phúc tuy đơn giản, nhỏ bé nhưng vô cùng quý giá ca dao Việt Nam có câu:
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Tình yêu thương giữa con người với con người là gốc rễ của mọi điều tốt đẹp, ý nghĩa trong cuộc sống. Tình yêu thương sẽ khiến cho những mầm cây được phát triển đẩy xa giá lạnh, khổ đau và làm hồi sinh tiếp thêm sức sống cho vạn vật. Những điều xấu, điều ác trên đời, tất cả là do tình yêu thương con người ở đó chưa có bị những mối lo toan, những ích kỷ, hẹp hòi che lấp mất.
Việt Nam là một đất nước có truyền thống nhân đạo yêu thương con người cao cả và lâu dài, từ thời phong kiến ta đã được biết về những con người rất mực lương thiện, như danh y Lê Hữu Trác. Ông là một người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, ông đã từng chữa cho một cậu bé con nhà thuyền chài nghèo bị mắc bệnh đậu mùa rất nặng, người bốc lên mùi xú uế, mỗi khi khám bệnh phải bỏ bộ quần áo trên bờ nhét bông vào hai lỗ mũi cho giảm bớt mùi khó chịu. Thế mà ông vẫn đi lại thăm khám, bốc thuốc chữa bệnh ròng rã hàng tháng trời đến khi cậu bé khỏi hẳn bệnh. Không những ông không nhận một đồng thù lao nào mà còn cho gia đình cậu bé gạo, củi, dầu, đèn. Ta thật cảm kích trước tình thương yêu con người của Lê Hữu Trác ông đã bất chấp mọi trở ngại, khó khăn để chữa bệnh không công cho người nghèo khổ.
Lòng yêu thương con người vẫn được duy trì và truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam vẫn được phát huy, ngày nay các tổ chức, các quỹ nhân đạo, các nhà mạnh thường quân, họ luôn dành cho những người nghèo khổ chút hỗ trợ về vật chất, giúp họ trang trải qua ngày và cả các chương trình ủng hộ cho trẻ em nghèo khó, người dân vùng bão lụt. Đó là những việc làm thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người, của người Việt Nam trong bất kỳ hoàn cảnh nào xã hội nào.
Tình yêu thương con người là thứ tình cảm giản dị nhưng chân thành nhất, ấm áp nhất. Vậy mà đâu đó trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn bắt gặp những hành động, những con người không biết yêu thương con người, kể cả với người thân của mình, con cái hắt hủi cha mẹ, cảm thấy mình chịu gánh nặng khi phải chăm sóc người thân của mình. Đó là người thân, còn với những người xung quanh, một số cá nhân có thái độ thờ ơ, ích kỷ, vô cảm trước khó khăn bất hạnh của người khác. Đã có ai từng nói rằng:
“Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau”,
“Vô tình”, chính là sự thờ ơ ghẻ lạnh đối với những số phận hẩm hiu, khó khăn. Đó là những việc làm, những con người đang bị phê phán và xem thường. Ngoài ra tình yêu thương cũng cần phải thể hiện đúng lúc, đúng chỗ đúng cách.
Một số người luôn thể hiện tình yêu thương con người của mình bằng việc ủng hộ, quyên góp tiền của một cách quá đà, sẽ khiến kinh tế cá nhân bị giảm sút và tạo sự ỷ lại, dựa dẫm cho những người khó khăn, khiến họ có suy nghĩ chỉ chờ vào tiền trợ cấp để sinh sống qua ngày.
Qua lời hát của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm thức được ý nghĩa và trách nhiệm của bản thân trong việc biết yêu thương, quan tâm người khác. Chúng ta hãy sống một cuộc sống đầy ý nghĩa, luôn yêu thương chăm sóc người khác, biết xót xa trước những mảnh đời cơ cực và biết đưa tay để cho những người khó khăn bấu víu, nâng đỡ họ vượt qua khó khăn cuộc đời. Là một người trẻ tuổi trước tiên ta hãy sống trách nhiệm với gia đình và người thân, chúng ta hãy yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em mình, quan tâm chăm sóc ân cần từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất. Sau đó chúng ta cần phải giàu lòng bác ái với mọi người xung quanh, sẵn sàng tham gia các phong trào quyên góp, ủng hộ và chương trình tình nguyện “để gió cuốn đi”, mang yêu thương lan tỏa khắp nơi ta sẽ sống một cuộc sống ý nghĩa và sẽ trở thành một người có ích cho gia đình và xã hội.
Ai sinh ra trên đời cũng có một trái tim, chúng ta hãy luôn giữ cho trái tim đó mang dòng máu nóng, ấm áp, biết yêu thương con người, vì nhau mà sống, “sống có một tấm lòng”, để con người được gần nhau hơn. Như nhà thơ Tố Hữu từng nói.
“Người yêu người sống để yêu nhau”.
Xem thêm (+)