Văn bản 1
(Bối cảnh đoạn trích: Tường đi bộ đội hơn sáu năm không có tin tức gì. Hòa bình, anh may mắn còn sống trở về làng với gương mặt “đã chết” khó mà nhận ra. Tường về đến cây đa đầu làng Trọng Nhân thì trời đã mãn chiều. Anh tạt vào quán nước dưới gốc đa và hỏi thăm về tình hình gia đình mình sau bao năm xa cách).
Anh bỏ mũ cối xuống chõng tre hàng nước và tháo kính râm ra khỏi mắt. Cô bé ngước nhìn lên và giật mình. Tường thấy hai mắt cô bé mở to kinh ngạc. Bát nước chè xanh trên tay cô bé sóng sánh, tướt trên nắp hộp kẹo bột.
- Chú mời nước ạ!
Cô bé chớp chớp mắt. Cô đặt bát nước trước mặt Tường rồi rót thêm.
- Bà ơi có khách. Bà ra trông hộ cháu.
Cô gái đứng dậy cầm quyển sách vào trong rất nhanh. Tường chạnh lòng, tủi thân. Anh đưa tay sờ lên mặt: thô, ráp, xù xì. Đó là cảm giác của tay anh nhận được trên khuôn mặt đã chết.
- Chú bộ đội quê ở đâu ta? - Bà già còng lưng chậm rãi từ trong đi ra. Tường nhận ra bà Còm. Bà già nhiều và yếu, lưng còng hơn ngày anh ở nhà.
- Dạ! Cháu quê tận Nghệ An. Bà ở luôn đây à?
- Ấy! Trước bà ở trong làng, sáng đem ra bán, tối lại dọn về. Từ ngày thằng Cu Theo có giấy báo tử, bà yếu nhiều không dọn đi, dọn về được, nghỉ luôn ở đây. Đứa cháu lúc nãy đấy, tối ra học rồi ngủ chung với bà.
Lòng Tường chợt se lại. Thế là thằng Cu Theo cái thằng cùng đơm lờ để đó với anh thuở nhỏ đã hy sinh. Anh còn may hơn nó là ra khỏi chiến tranh, mang được tấm thân thương tật về nhà.
- Giời sắp tối rồi. Nếu còn xa cứ nghỉ lại quán của bà, sáng mai đi tiếp. Khổ thân các chú bộ đội vất vả.
- Cảm ơn bà! Cháu là bạn anh Tường làng Trọng Nhân đây bà ạ!
- Giời đất ơi! Quý hóa quá! Bom đạn đã ngừng năm sáu năm rồi. Làng này chết sáu, bảy chục. Đứa nào còn sống về cả rồi. Chỉ còn mỗi thằng Tường chẳng biết sống chết ra sao chưa thấy về mà cũng không có giấy báo tử. Chuyến này chú về là ông bà Tân mừng lắm.
- Dạo ni ông bà Tân có khỏe không bà. O Thương vợ anh Tường bây giờ ra răng ạ...? Anh hỏi liên tục.
- Ôi dào ơi! Già cả rồi! ì oặt luôn. Chú này, cái đám cô Thương ấy mà. Có khối đám đến dập dìu đấy. Ông bà Tân chỉ ưng gả con dâu cho anh giáo Mười thôi.
Lòng Tường thắt lại. Anh hoang mang. Tim anh đập loạn xạ. Phải về thôi! Về ngay nhà. Thương ơi! Tất cả hãy dừng lại. Anh đang về với em đây.
Tối chạng vạng.
Tường bước vội trên con đường lát gạch về làng Trọng Nhân. Hơn sáu năm đi xa, chắc bây giờ mẹ anh già lắm. Có già như bà Còm không. Anh đổi khác, mẹ anh có nhận ra không. Còn bố anh có còn đi làm thợ thùng đào, thùng đấu nữa không. Cái nghề ấy khổ lắm bố ơi. Và Thương nữa! Tường nhớ lại cây đa hai trăm tuổi đã nhiều lần chứng kiến tình yêu của anh. Ôi! Những giọt trăng lọt qua kẽ lá rơi xuống tóc, vai Thương. Mùi hương bưởi thoảng bay ra từ suối tóc mây. [...]
Tường giật mình. Mải nghĩ, anh đã đi qua ngõ nhà mình mấy bước.[…]
Tường đứng trước ngõ. Nhà mình đây rồi. Tường reo to trong lòng. Ôi! Bao năm anh lặn lội khắp các nẻo chiến trường. Bao năm Tường sống trong nhớ nhung, khát khao, chờ đợi. Hình ảnh mẹ, vợ và cha lúc nào cũng đau đáu, khắc khoải trong tim. Giờ thì anh đã về đây. Về nơi đã sinh ra anh, nơi anh lớn lên và ra trận.
[...] Lòng anh rạo rực. Những bước chân rất nhẹ, lâng lâng. Gặp mẹ như thế nào nhỉ. Anh sẽ chạy nhanh đến ôm chầm lấy mẹ. Không! Anh sẽ hiu hiu nhắm mắt, hai tay đưa về trước khi dò dẫm trong sân. Cũng không! Nhìn thấy, mẹ sẽ ngã mất. […] Còn bố nữa. Anh sẽ đứng nghiêm: "Thưa bác lực điền. Con đang đeo hai huân chương chiến công trở về. Tửu lượng của bác dạo này thế nào ạ?". Bố anh cười rạng rỡ: "Cha anh chứ! Mẹ và vợ anh hết nước mắt". Còn Thương nữa! Anh sẽ đeo ba lô đứng chờ bên cửa buồng. […] “Không! Trái tim của anh nhưng còn gương mặt..."
- Chị Thương! Có tắm thì ào đi còn ăn cơm. Bà ấy không về đâu.
Tường bừng tỉnh. Đúng là tiếng bố rồi.
- Thầy cứ uống rượu trước đi. U cũng bảo con vài hôm u mới về.
Tiếng nói của Thương vẫn như xưa, dịu dàng và đằm thắm.
- Bố rất quý cái nết anh giáo Mười. Anh giáo với con ở đây bố mẹ yên tâm lúc tuổi già. Anh giáo cũng giản dị, đã đi lính rồi nên dễ thông cảm.
Tai Tường ù đi. Chiến tranh. Xa cách. Mất mát. Chia ly và chiến thắng. Anh rùng mình nhớ lại: ánh mắt trố ra kinh ngạc của cô gái, lời bà Còm, tiếng kêu kinh ngạc của thằng bé, cái mặt ông ác, tiếng nói của cha. Lòng anh quặn lại. Ngôi nhà bỗng trở nên xa lạ...
Tường quay đầu, khoác ba lô đi ra đường. Tường vấp ngã. Anh luống cuống ngồi dậy. Nước mắt tự nhiên ứa ra. Anh cứ đi, bước thấp, bước cao, hẫng hụt.
(Trích Đêm làng Trọng Nhân, Sương Nguyệt Minh, NXB Quân đội nhân dân, 1998)
Văn bản 2
(Tóm tắt: Truyện kể về ông Miêng - một người lính bước ra khỏi cuộc chiến với nhiều thương tổn. Ông là người duy nhất của đơn vị sống sót, đồng đội đã nằm lại trên đồi. Hoà bình lập lại, ông về sống tại khu đồi xưa là chiến trường, trồng cây, canh giấc cho những người đã ngã xuống. Bất hạnh liên tiếp bủa vây ông khi con bị dị dạng và chết, vợ bỏ đi…)
Hai năm sau, những cây thông được trồng đã bắt đầu rít gió. Đêm đêm, gió u u thổi qua rừng thông non trên sườn đồi. Và trong tiếng gió thổi lúc gần sáng có tiếng trâu khua sừng và thở gấp vừa náo nức vừa buồn bã. Những đám mây mang hình người lơ lửng trôi qua những đỉnh đồi trong ánh trăng. Nhiều đêm như thế, vợ ông đã khóc và đòi ông dời bỏ vùng đồi về quê.
Rồi vợ ông mang thai, ông ôm vợ và nói: “Chúng mình sẽ có một thằng con trai. Vùng đồi này sẽ có thêm một người và ông có thêm một người trồng thông”. Nhưng ngày vợ ông sinh là ngày khủng khiếp nhất đời ông. Đứa bé không thành người. Nó chết ngay sau khi được sinh ra. Ông đã bọc đứa con trong chiếc áo lính bạc trắng của mình và đi quá nửa ngày đường xe trâu đưa đứa bé về vùng đồi. Ông chôn đứa bé trên đỉnh đồi nơi cả tiểu đội của ông đã nằm ở đó. Những ngày sau đó thỉnh thoảng ông để cho vợ đánh chiếc xe trâu lọc cọc về thị xã chơi với người quen cho khuây khoả. Còn ông lại lao vào trồng thông từ sáng đến tối. Vợ ông xuống thị xã và đôi khi ở lại vài ba ngày. Nhiều đêm chị hoảng hốt đòi ông trở về quê. Nhưng ông chỉ im lặng. Ông quyết liệt trồng thông phủ kín những quả đồi và quyết liệt có con. Vợ ông mỗi ngày một ít nói và đánh xe trâu về thị xã nhiều hơn. Cho đến một ngày, ông không thấy vợ trở về. Ông về thị xã tìm vợ. Vợ ông để lại chiếc xe trâu ở nhà người quen cùng với lời xin ông tha thứ và vĩnh biệt ông. Vợ ông đã không chịu nổi cuộc sống ngày dương đêm âm của vùng đồi. Và chị quá sợ hãi phải sinh nở với ông. Ông chỉ có thể sinh ra những đứa trẻ không thành người. Chị đã bỏ ông, bỏ vùng đồi đi theo một người đàn ông khác mà chị gặp trong những lần đánh xe trâu về thị xã.
Ông chết lặng khi nghe tin ấy. Và lần đầu tiên trong đời ông thấy mình như không còn một chút sức lực nào nữa. Ông tựa vào con trâu và run lẩy bẩy. Ông không đi tìm vợ. Ông cũng không có ý đánh xe trở về vùng đồi. Ra khỏi thị xã. Ông nằm xuống thùng xe và mặc cho con trâu kéo cỗ xe đi về đâu thì đi. Ông nằm trên đống cỏ đã héo khô trên thùng xe, người như lên cơn sốt. Mặt trời dần tắt. Bóng tối phủ dần lên con đường. Con trâu vẫn kiên nhẫn bước đi từng bước.
Khi con trâu lắc mõ và rống lên một tiếng dài thì ông mới tỉnh khỏi cơn sốt của đau đớn. Ông ngồi dậy và sửng sốt nhận ra cỗ xe đã dừng trước ngôi nhà của ông dưới chân đồi. Ngôi nhà nằm im lìm trong bóng tối. Hai con chó thấy ông về mừng rỡ tru lên khe khẽ. Ông mệt mỏi bước xuống khỏi thùng xe. Gió đêm bắt đầu thổi. Những lá thông rung lên. Ông lặng lẽ bước lên đỉnh đồi. Hai con chó lặng lẽ theo sau ông. Ông đến ngồi xuống nấm mộ nhỏ của đứa con xấu số bên một gốc thông. Ông khóc.
(Trích từ Tuyển tập truyện ngắn 75 gương mặt Văn nghệ, NXB Hội nhà văn, 2023, tr.551)
*Chú thích:
- Tác giả Sương Nguyệt Minh, tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Sơn, sinh năm 1958, quê ở Ninh Bình.
- Tác giả Nguyễn Quang Thiều: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều năm 1957 tại Thôn Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyên Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Thành phố Hà Nội). Nguyễn Quang Thiều bắt đầu viết văn từ năm 1983, là cây bút đa năng và sung sức, xuất hiện thường xuyên trên văn đàn, báo chí. Ông nhanh chống nổi lên như một nhà thơ trẻ cách tân hàng đầu thế hệ mình. Bên cạnh thơ, Nguyễn Quang Thiều cũng ghi dấu ấn về văn xuôi, dịch thuật, tiểu luận và góp phần quan trọng trong việc quảng bá văn học Việt Nam ra toàn thế giới
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) so sánh, đánh giá hai tác phẩm “Đêm làng Trọng Nhân” của Sương Nguyệt Minh và “Lời hứa của thời gian” của Nguyễn Quang Thiều.
Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
So sánh, đánh giá hai tác phẩm “Đêm làng Trọng Nhân” của Sương Nguyệt Minh và “Lời hứa của thời gian” của Nguyễn Quang Thiều.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm
Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:
1. Mở bài: Giới thiệu hai tác phẩm truyện được xác định là đối tượng của sự so sánh, đánh giá; nêu mục đích và cơ sở của việc so sánh, đánh giá này.
- Giới thiệu truyện ngắn “Đêm làng Trọng Nhân” và tác giả Sương Nguyệt Minh.
- Giới thiệu truyện ngắn “Lời hứa của thời gian” và tác giả Nguyễn Quang Thiều.
- Xác định mục đích, cơ sở so sánh: Cả hai tác phẩm đều viết về số phận người lính thời hậu chiến nhưng mỗi tác phẩm đều có những đặc sắc riêng.
2. Thân bài:
2.1. Thông tin chung về từng tác phẩm: hoàn cảnh ra đời, đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, vị trí của tác phẩm trong đời sống văn học,...
a. Truyện ngắn “Đêm làng Trọng Nhân” và tác giả Sương Nguyệt Minh
b. Truyện ngắn “Lời hứa của thời gian” và tác giả Nguyễn Quang Thiều
2.2. Điểm tương đồng về hình tượng người lính thời hậu chiến:
- Điểm tương đồng:
+ Đề tài và chủ đề hai tác phẩm có nhiều điểm tương đồng: Đều viết về cuộc đời, số phận, phẩm chất của những người lính thời hậu chiến: Họ đều là những người lính kiên cường trong cuộc chiến, bước ra khỏi chiến tranh với nhiều thương tổn, mất mát; hoà bình lập lại vẫn tiếp tục chịu nhiều bất hạnh, thiệt thòi
+ Nghệ thuật kể chuyện
++ Người kể chuyện ngôi thứ ba, là người kể chuyện toàn tri, giúp cho cuộc đời nhân vật hiện lên vừa khách quan vừa chân thực, cụ thể.
++ Điểm nhìn của người kể chuyện linh hoạt: khi nhìn từ bên ngoài, khi đi sâu vào nội tâm nhân vật, làm bộc những đấu tranh nội tâm day dứt để đi đến quyết định khó khăn.
- Lí giải điểm tương đồng: Cả hai nhà văn đều hướng ngòi bút vào những bi kịch của những người lính, tiếp cận hiện thực cuộc sống đời thường của họ một cách chân thành và đau xót. Ở phía sau của hiện thực, người đọc nhận ra trái tim nhân đạo thiết tha, tình yêu thương con người sâu sắc của mỗi nhà văn.
2.3. Những điểm khác biệt giữa hai tác phẩm:
- Về xây dựng nhân vật
+ Tường nổi lên ở phẩm chất vị tha, sự tự ti về chính mình: Do mặc cảm về hình hài của bản thân nên anh nén tình cảm của mình lại, muốn bỏ đi để giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc của những người thân yêu…; Ông Miêng là người tình sâu nghĩa nặng, một người lính trung tín; tính cách có phần trầm lặng, cô độc
+ Sương Nguyệt Minh đặt nhân vật vào những tình huống éo le buộc phải lựa chọn; Nguyễn Quang Thiều để nhân vật lựa chọn hoàn cảnh sống, lí tưởng sống của mình
- Lí giải điểm khác biệt
2.4. Đánh giá chung về sự tương đồng, khác biệt giữa hai tác phẩm truyện và khẳng định giá trị độc đáo của mỗi tác phẩm.
- Chủ đề của hai tác phẩm: Đoạn trích khắc hoạ thân phận éo le, ngang trái của người lính trở về sau chiến tranh, từ đó nhà văn thể hiện thái độ cảm thông trước những thiệt thòi, mất mát; đồng thời trân trọng sự hi sinh, vị tha của họ.
- Số phận và tính cách của các nhân vật tiêu biểu cho thân phận và vẻ đẹp của những người lính thời hậu chiến.
3. Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc đánh giá các tác phẩm truyện khi đặt chúng trong tương quan so sánh.
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.
e. Sáng tạo
- Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |