bài làm
Đọc kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, người đọc như được dõi theo từng bước chân trên chặng đường cuộc đời của nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà bạc mệnh, cùng vui về mối tình đẹp Kim – Kiều, cảm thương trước hành động bán mình để chuộc cha của nàng, rồi đồng cảm xót thương khi Kiều phải vào chốn lầu xanh ô nhục. Tất cả những điều ấy là nhờ vào tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du đã để lại cho nền văn học nước nhà một tuyệt tác văn chương.
Đoạn trích “Nỗi thương mình” trích trong Truyện Kiều là những câu thơ mà Nguyễn Du dành cho nhân vật chính trong tác phẩm của mình là nàng Kiều lên tiếng tự xót thương cho số phận đau đớn tủi nhục của mình sau khi bị mắc lừa Sở Khanh và bị Tú Bà đẩy vào chốn lầu xanh sống cuộc đời nhơ nhớp, ô nhục.
Những câu thơ mở đầu đã vẽ ra một viễn cảnh tại chốn lầu xanh – nơi mà nàng Kiều bị ép vào đó:
Biết bao bướm lả ong lơi
Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm
Dập dìu lá gió cành chim
Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh
Những hình ảnh mang tính ước lệ tượng trưng đã được Nguyễn Du sử dụng để vẽ nên một bức tranh về khung cảnh nơi đây: “bướm lả ong lơi”, “cuộc vui”, “trận cười”…khiến người đọc có thể tưởng tượng ra một không khí vui tươi nhộn nhịp tại nơi “mua sắc bán hoa” này. Đặc biệt việc sử dụng các điển tích điển cố là bút pháp nghệ thuật được Nguyễn Du sử dụng phổ biến trong Truyện Kiều và ở đây cũng vậy, “lá gió cành chim” và “Tống Ngọc, Trường Khanh” là các điển tích điển cố được tác giả sử dụng để chỉ khách làng chơi. Bề ngoài là vui vẻ đấy nhưng ẩn sâu bên trong cái vẻ hào hoa ấy là cuộc sống tăm tối của những số phận như nàng Kiều.
Sau khi miêu tả khung cảnh chốn lầu xanh, tác giả đi vào miêu tả tâm lý của nàng Kiều:
Khi tỉnh rượu lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Trong mỗi cuộc vui, nàng uống rượu để quên đi tất cả nhưng không thể lúc nào cũng say được, nàng uống rượu để rồi đến khi tỉnh lại thì bao nỗi ê chề nhục nhã lại ùa về trong tâm trí nàng, nàng “giật mình”, một cái giật mình trong nhận thức khi Kiều ý thức được về phẩm giá của mình để rồi mình lại tự thương mình, ba chữ mình được lặp lại cho ta thấy nỗi đau khổ giằng xé trong tâm trí nàng như thế nào?
Nàng cũng đã từng có một cuộc sống đầy đủ hạnh phúc đấy chứ, nhưng giờ đây cuộc sống đó đã lùi vào quá khứ bỏ lại nàng với cuộc sống tại nơi được coi là “dơ bẩn” của xã hội:
Khi sao phong gấm rủ là
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân
Nguyễn Du đã sử dụng những phép đối trong những câu thơ trên: “khi sao”, “giờ sao”; “mặt sao”, “thân sao” theo sau những từ đó là những hình ảnh mà Kiều dùng để nói về bản thân mình với bao nỗi tủi nhục, đắng cay nàng phải nếm trải mà không biết chia sẻ cùng ai, chỉ biết tự mình xót thương cho số phận của mình, các hình ảnh ẩn dụ “hoa, gió, sương, bướm, ong” và thủ pháp nghệ thuật đối có tác dụng cực tả nỗi đau đớn về tinh thần này.
Đến đoạn này, một lần nữa Nguyễn Du lại miêu tả kĩ hơn về cuộc sống chốn lầu xanh – nơi mà Kiều đang sống nhưng tưởng như là đã chết:
Đòi phen gió tựa hoa kề
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Đòi phen nét vẽ câu thơ
Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa
Một bức tranh về khung cảnh chốn lầu xanh được tác giả vẽ ra với đầy đủ những cảnh sắc nào hoa của mùa xuân, gió thổi của mùa hạ, ánh trăng sáng vằng vặc của mùa thu và tuyết trắng rơi của mùa xuân, không những vậy tại nơi đây còn có “cung cầm”, “nước cờ dưới hoa”, “nét vẽ” và câu thơ hàm ý về cầm, kì, thi, họa là những “ngón tài” mà Kiều rất say mê. Trước cảnh vật hoa lệ, mĩ miều như thế, đáng lẽ ra tâm trạng của nàng Kiều phải vui nhưng Nguyễn Du lại viết:
Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
Hai câu thơ cho ta thấy Kiều không những không vui tại chốn có vẻ đẹp hoa lệ này mà tâm trạng của Kiều chỉ là nỗi buồn chồng chất nỗi buồn mà thôi. Chỉ với hai câu thơ thôi nhưng Nguyễn Du đã thể hiện nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của mình qua việc “tả cảnh ngụ tình” mượn cảnh vật để nói về tâm trạng con người. Cảnh vật chỉ là những thứ vô tri, vô giác vậy mà trong thơ Nguyễn Du nó đã trở thành những sinh thể có hồn, cảnh vật biết “đeo sầu” và buồn theo nỗi buồn của con người, chỉ trong thơ của Nguyễn Du ta mới có thể thấy mối liên hệ giữa cảnh vật và con người.
Ngoài mặt thì Kiều vẫn phải tươi cười để chào đón khách nhưng đó chỉ là cái “cười gượng” cười ép buộc mà thôi:
Vui là vui gượng kẻo là
Ai tri âm đó mặn mà với ai?
Câu hỏi tu từ đã khép lại đoạn trích như một sự hoài nghi, bế tắc về cuộc sống hiện tại của Kiều, tìm đâu ra “tri âm” tại một nơi như thế?
Đoạn trích “Nỗi thương mình” là tiếng lòng của nàng Kiều sau khi bị lừa vào chốn lầu xanh. Với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật bậc thầy của mình, Nguyễn Du đã cho người đọc thấy được tâm trạng cô đơn tủi nhục của Thúy Kiều, qua đó làm nổi bật giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm và tố cáo xã hội phong kiến thời xưa đã chà đạp lên phẩm giá con người.