Nghệ thuật tu từ
Ca dao xưa nay thường chuộng thể lục bát để diễn giải. Phần vì dễ đọc, phần vì gần gũi với người Việt Nam ta. Hễ là thơ ca lục bát, đọc vào sẽ dễ ấn tượng và nhớ ngay. Ngay cả những tác phẩm văn học tiêu biểu của nước ta như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên,…cũng sử dụng thể thơ lục bát.
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
Nghệ thuật so sánh và ẩn dụ cũng được thể hiện khéo léo trong câu ca dao trên. So sánh và ẩn dụ đan xen một cách hòa hợp và nhịp nhàng. Nghe đến áo rách là nghĩ ngay đến cái nghèo cái khổ, còn áo gấm xông hương thì thấy được sự giàu sang toát lên từ trang phục của người mặc. Rách rưới, bần hàn đối với gấm lụa giàu sang thật là một vế hình ảnh vô cùng chuẩn.
Mượn những hình ảnh này để tôn lên vẻ đẹp đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam ta. Thủy chung, son sắt một lòng, không ham hư vinh mà chối tình bỏ nghĩa. Qua đó, càng làm cho hình ảnh người phụ đã đẹp nên lại càng đẹp hơn.
Phụ nữ yêu chồng và tôn trọng người chồng của mình. Chồng có thế nào cũng là người mà mình đã chọn, vậy chỉ nên nhìn vào điểm sáng mà cùng xây đắp cho tương lai. Ở ngoài kia có biết bao nhiêu người, nếu cứ mãi so sánh thiệt hơn thì biết bao giờ mới được bình yên? Bạn là vai chính cho vở diễn của cuộc đời mình, vậy thì hãy sống vì mình và đừng quan tâm đến những vai phụ mờ nhạt xung quanh nữa.