2. Truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long Quân, rồi 18 đời Hùng Vương, tự nhiên trở thành một thứ quốc sử chính thống cũng bởi truyền thuyết đã được đề cập đến trong hai bộ sử có tầm vóc, có thể nói lớn nhất, của nước Nam. Thứ nhất là bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, và thứ hai, bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ.
Những ai đã đọc qua một hai chương sách đầu của bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư đều để ý Ngô Sĩ Liên có chép lời bàn ở cuối chương về thời Hồng Bàng, bày tỏ mối ngờ vực về truyền thuyết Âu Cơ: “Cái thuyết nói 50 con theo mẹ về núi, biết đâu không phải là thế”. Còn Sơn Tinh Thủy Tinh thì ông cho: “rất là quái đản, tin sách chẳng bằng không có sách, hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi.”
Ngô Sĩ Liên đã đoán rất đúng: Khi ‘cóp’ các truyền tích từ ‘Việt Điện U Linh’ hoặc ‘Lĩnh Nam Chích Quái’ vào cổ sử, ông đã gieo nghi ngờ và thắc mắc với mọi người Việt từ lúc đó cho mãi đến ngày nay. Mặc dù đã căn dặn kỹ: “tin sách chẳng bằng không có sách” (tận tín thư bất như vô thư).