Khuyến khích học, khuyến tài vì nhân lực là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta từ ngàn đời nay “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí mạnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ trong chiếu lập học đã viết: “Xây dựng đất nước lấy dạy và học làm đầu, cai trị đất nước lấy việc dùng nhân tài làm cấp thiết”. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông ta; Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc học của toàn dân, đến khuyến học, khuyến tài. Học tập suốt đời là một phần tư tưởng vĩ đại và đạo đức cao đẹp của Bác Hồ. Ngay sau cách mạng tháng Tám thành công mặc dù vận nước còn đang gặp muôn vàn khó khăn nhưng Người đã chỉ ra 3 thứ giặc cần phải tiêu diệt đó là: Giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Người nói “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” bản thân Người là một tấm gương sáng về tự học, học suốt đời và giành cả đời mình chăm lo học tập cho mọi người với mong muốn cao nhất: “Đồng bào ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc và ai cũng được học hành”. Kế tục và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước đã chủ trương khơi dậy, phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, động viên toàn dân tham gia học tập, học tập thường xuyên, học tập suốt đời, coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, một nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước.