1. Trong hệ thống quan hệ quốc tế từ đầu thời cận đại, Đông Nam Á được nói đến trước hết như một khu vực đầy tiềm năng, không chỉ là vùng đất trù phú về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng các nguồn thương phẩm quí hiếm, mà còn là một thị trường tiêu thụ rộng lớn và là một nguồn bổ sung nhân lực dồi dào với dân số đông… Trong bước chuyển mạnh mẽ sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, đối với các nước tư bản phương Tây, vị trí địa lý của Đông Nam Á có ý nghĩa chính trị, quân sự hết sức quan trọng, bởi có được Việt Nam, Lào, Thái Lan, Mianma sẽ củng cố sự kỳ vọng của các nước đối với thị trường Trung Quốc; mặt khác Philippin, Inđônêsia, Singapo lại là đầu mối của hai lục địa (châu Á và Ôtxtrâylia) và hai đại dương (Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương). Đó là lý do quan trọng khiến hầu như tất cả các nước trong khu vực đều lần lượt trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân phương Tây từ nửa cuối thế kỉ XIX (trừ Thái Lan). Trong bối cảnh đó, Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung cũng bị thực dân Pháp xâm lược. Lịch sử quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Nam Á từ cuối thế kỷ XIX do đó được phản ánh chủ yếu qua quá trình thực dân hóa và quá trình đấu tranh chống thực dân của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trong khu vực. Mặc dù vậy, cho đến khi phát xít Nhật đánh bại các thế lực thực dân phương Tây và chiếm đóng toàn bộ khu vực trong những năm 1941-1942, vẫn chưa có một quốc gia Đông Nam Á nào giành được nền độc lập. Trong thời gian Nhật chiếm đóng, rất phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á tư tưởng đánh đuổi cả thực dân phương Tây lẫn quân phiệt Nhật để giành độc lập dân tộc. Hai trong số các quốc gia Đông Nam Á có ý thức độc lập mãnh liệt nhất – Việt Nam và Inđônêsia – đã chớp thời cơ Nhật đầu hàng Đồng minh, tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử và tuyên bố nền độc lập, thành lập nước Cộng hòa Inđônêsia (ngày 17/8/1945) và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945).
Có thể nói, khu vực Đông Nam Á thời gian trong và sau Chiến tranh thế giới II (CTTGII) là nơi biểu hiện rõ nét nhất sự suy yếu của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Một phần bởi chính tại khu vực này, Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan đều lần lượt bị đánh bại dưới tay phát xít Nhật. Một phần khác bởi phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở đây đang lên cao mạnh mẽ. Thêm vào đó, CTTGII đã làm suy giảm ảnh hưởng quốc tế của các cường quốc thực dân truyền thống. Quyền lực chuyển từ Anh, Pháp sang hai siêu cường mới là Mĩ và Liên Xô. Do vậy, ngay cả khi đã đánh bại Nhật Bản và tái chiếm trở lại các thuộc địa cũ trước đây, các nước thực dân phương Tây không thể khôi phục lại địa vị cai trị như thời kỳ trước chiến tranh. Trên cơ sở đánh giá lại tình hình các thuộc địa và thực lực của chính mình, các thế lực thực dân đều phải cố gắng xóa bỏ những hình thức bên ngoài của sự thống trị về chính trị để mở đường cho việc duy trì các lợi ích chiến lược ở bên trong các thuộc địa theo kiểu “đi để ở” hay “buông ra để nắm lại” các thuộc địa bằng cách “trao trả độc lập” cho các thuộc địa. Theo đó, Mỹ, Anh, Hà Lan lần lượt tuyên bố trao trả độc lập cho Philippin, Mianma và Inđônêsia. Malaya dù vẫn tiếp tục là thuộc địa của Anh vì tầm quan trọng đặc biệt của Malaya đối với nền kinh tế Anh giai đoạn hậu chiến, nhưng chính quyền Anh đã liên tục phải điều chỉnh chính sách theo chiều hướng tích cực hơn để đáp ứng những đòi hỏi chính trị ngày càng tăng của người Malay. Duy chỉ có Pháp là đế quốc không chịu từ bỏ một thuộc địa nào, dù chỉ là sự nới lỏng về hình thức cai trị. Thậm chí sau khi quay trở lại tái chiếm Đông Dương, với quyết tâm cướp lại thuộc địa bằng bất cứ giá nào đã thúc đẩy thực dân Pháp điên cuồng sử dụng bạo lực để đặt ách thống trị trở lại đối với toàn cõi Đông Dương, biến ba nước Đông Dương thực sự là một chiến trường.