Văn học thiếu nhi là một mảnh đất màu mỡ, tuy vậy, đây được đánh giá là một đề tài khó đối với nhiều văn nghệ sĩ. Đối với Bắc Kạn cũng vậy, những năm gần đây, các tác giả viết cho thiếu nhi ngày càng ít…
Nhà thơ Dương Khâu Luông.
Nhắc đến Văn học thiếu nhi Bắc Kạn thì Nhà thơ Dương Khâu Luông (tên thật Dương Văn Phong) là một cái tên đã quá quen thuộc. Ông viết thơ từ sớm và thể loại được Dương Khâu Luông bén duyên đầu tiên chính là thơ thiếu nhi. Năm 16 tuổi, ông đã có thơ được đăng trên Báo thiếu niên nhi đồng. Chia sẻ nhiều hơn về điều này, ông cười hiền: Tôi bắt đầu làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, khi ấy tôi sáng tác thơ bằng đúng cách nhìn của một thiếu nhi. Tốt nghiệp đại học sư phạm, tôi lại may mắn được gắn bó với các em nhỏ ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chính những điều này đã cho tôi nền móng và cảm hứng để theo thể loại văn học thiếu nhi một thời gian dài. Sau khi vào Hội VHNT tỉnh, có dịp tham dự nhiều trại sáng tác, được sự góp ý của những người có kinh nghiệm, bạn bè, đồng nghiệp, tôi đã bắt đầu cho ra tập thơ đầu tiên với tên gọi “Gọi bò về chuồng”. Đến nay, tôi đã có 05 tập thơ thiếu nhi, trong đó có cả thơ song ngữ Tày- Việt.
Nhà thơ Dương Khâu Luông cho rằng, khi mà người lớn viết thơ thiếu nhi, cái khó nhất chính là phải hóa thân vào chính lứa tuổi ấy. Tâm hồn phải trong sáng, ngôn ngữ, chi tiết phải đặc biệt và biến những điều tưởng như vô lý thành có lý. Thơ cho lứa tuổi này bao giờ cũng mang tính giáo dục, thế nhưng phải làm sao thể các em có thể tiếp nhận một cách tự nhiên nhất, nếu gò ép thì sẽ không tạo được sự thu hút. Ngoài ra, thơ của ông chủ yếu viết cho thiếu nhi miền núi, vậy nên bao giờ Dương Khâu Luông cũng đặt mình theo tư duy của các em nhỏ quanh năm gắn bó với những phong tục tập quán và núi rừng bao la:
“Trăng thu tỏa sáng
Núi thu rạng ngời
Bản mùa giã cốm
Vang nhịp chày đôi.
Thậm thình, thậm thịch…
Tiếng gần, tiếng xa
Đêm trăng giã cốm
Bản vui mọi nhà…”
(Bản mùa giã cốm)
Còn ở thể loại truyện ngắn, tác giả Triệu Hoàng Giang là một cây bút mới xuất hiện trong vài năm trở lại đây. Cũng như nhà thơ Dương Khâu Luông, anh viết truyện từ khi còn là một học sinh của Trường PTDT Nội trú tỉnh. Trưởng thành từ trại sáng tác hè thiếu nhi, Triệu Hoàng Giang được biết đến qua những truyện ngắn được đăng ở các Báo và tạp trí của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, tập sách đầu tay của anh với tựa đề “Chim đón dâu” do nhà Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành cũng được học sinh ở các trường học yêu thích và ủng hộ.
Tác giả Triệu Hoàng Giang “Tôi bắt đầu viết truyện từ khi còn ở lứa tuổi “vô lo vô nghĩ”, tập truyện ngắn “Chim đón dâu” được ra đời khi tôi còn là một sinh viên đại học. Thời gian ấy, tôi hoài niệm và ám ảnh về quê hương và gia đình. Đó là rừng núi đại ngàn, tình yêu thương của bố mẹ và những kỷ niệm tuổi thơ trong những lần khám phá thiên nhiên. Những điều ấy đã thôi thúc, gợi ý viết những câu truyện tuổi thơ cho tôi, cho bạn và cho tất cả chúng ta để giữ một thời đẹp đẽ và thiêng liêng ấy…” Tác giả Triệu Hoàng Giang chia sẻ.
Nếu ai đã từng đọc qua những truyện ngắn của anh, chắc rằng cũng cảm nhận được lối viết nhẹ nhàng, tha thiết của tác giả. Truyện của Triệu Hoàng Giang bao giờ cũng chỉ xoay quanh ngôi làng nhỏ nơi anh sống, ở đó thiên nhiên bao giờ cũng hiền hòa nhưng không kém phần bí ẩn. Anh cùng “ Con tắc kè”; “Vài Hàn”; “Thằng Liều”; “Trẻ bản” … đã ghi lại những kỷ niệm tuổi thơ với đủ cung bậc cảm xúc khác nhau.
Đối với Triệu Hoàng Giang, khi viết truyện cho thiếu nhi, anh luôn giữ được tâm trạng thanh thản và nhẹ nhàng. Bởi lẽ viết cho lứa tuổi này không cần phải suy nghĩ quá nhiều về những điều mà mình muốn gửi gắm. Thế nhưng đây lại cũng chính là thử thách đối với tác giả, ngoài ngôn ngữ thân thuộc và trong sáng thì nội dung truyện bao giờ cũng phải thật dễ hiểu để có thể đi vào tâm hồn người đọc một cách tự nhiên nhất. Cũng như thơ, người viết truyện cũng phải đặt mình vào chính các em thiếu nhi thì mới có được những tác phẩm thành công.
Ngoài hai tác giả đã kể trên, văn học thiếu nhi Bắc Kạn vài năm trở lại đây còn có sự góp mặt của những tác giả như: Triệu Kim Văn, Nông Thị Tô Hường, Hoàng Chiến Thắng, Muồng Hoàng Yến… Đây đều là những cây bút tâm huyết với đề tài này và cũng đã cho ra đời những tập sách ở cả hai thể loại truyện ngắn và thơ. Tuy vậy, những người viết cho thiếu nhi của tỉnh ta cũng đã có những hướng đi khác, số lượng tác phẩm ngày càng hạn chế. Mong rằng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cây bút trẻ xuất hiện, để từ đó nâng cao cả về chất lượng và số lượng tác phẩm dành cho thiếu nhi tỉnh nhà.